Các Bài Viết

BÁCH TUẾ KHÁNH THỌ CỦA THẦY: GS NGUYỄN KHẮC KHAM

posted Oct 16, 2009, 2:13 PM by Quốc-Anh Vương   [ updated Oct 16, 2009, 2:41 PM ]

Đoàn Khoách & Nguyễn Thị Thanh Tâm

Hôm nay là ngày Bách tuế Khánh thọ của Thầy. Chúng con, Đoàn Khoách và Nguyễn Thị Thanh-Tâm ở San Diego, đến tham dự đại lễ để chúc thọ Thầy. Được thấy Thầy sức khỏe còn khang kiện, trí lực còn minh mẫn, và cụ bà còn sức khỏe để về chung hưởng Ngày Vinh Phước hôm nay, chúng con rất đỗi vui mừng.

Vợ chồng chúng con có duyên may được cùng học với Thầy ở Đại học Huế vào những niên khóa 60-62, được Thầy hướng dẫn vào một môn học thật cũ mà những khám phá thì thật là mới. Đó là phần tiếng Việt rất thông dụng trong đời sống hằng ngày nhưng lại chuyển biến từ Hán ngữ cổ đại.

Rồi những năm sáu mươi qua đi. Quê hương nhiều biến động. Thầy trò xa cách.

Không ngờ năm 1990 gia đình chúng con sang Mỹ, tình cờ được đọc một bài viết của Thầy trong The Vietnam Forum. Khi tìm biết được địa chỉ của Thầy, là chúng con tìm đến San José ngay để hầu thăm Thầy. Chúng con vô cùng xúc động và áy náy khi thấy Thầy ra tận ngã ba đầu đường chờ đón chúng con, nhưng lại vui mừng nhìn thấy Thầy lúc đó vẫn khỏe và không khác chi Thầy của ba mươi năm về trước. Vào hầu chuyện với Thầy mới thật là càng mừng hơn nữa khi thấy Thầy còn quá sáng suốt, tinh thần còn hăng say với việc xây dựng văn hóa nước nhà. Lần đầu tiên được gặp cụ bà, chúng con rất ngạc nhiên và khâm phục. Cụ bà không phải người Việt nhưng nói khá dịu dàng rành rõi tiếng nói của nước chồng. Chúng con chỉ là thứ học trò lớp nhỏ, đáng bậc con cháu của Thầy và Bà, nhưng lại được Thầy và Bà đối xử với chúng con có chiều thương quý. Thấy cung cách của cụ bà cho chúng con uống tách trà, mà chúng con lấy làm hổ thẹn vì người Việt lớp sau như bọn chúng con không mấy khi tiếp khách đến độ cẩn trọng như thế. Do đó chúng con mới được biết thêm một phần phong hóa của người Nhật đồng thời cũng rất ngưỡng mộ cái hạnh phúc của đôi Hạc Vàng liền cánh…

Từ đó mỗi lần đến San Jose là mỗi lần đều đến hầu thăm Thầy. Được Thầy chỉ dẫn cho nhiều điều về lịch sử, về văn hóa, văn học, nhất là tính chu đáo cẩn trọng của một người viết biên khảo.

Ở tuổi xấp xỉ chín mươi, thầy vẫn hăng hái đến thư viện hằng tuần vừa để cập nhật kiến thức, vừa để chỉ dẫn cho người khác. Thái độ của Thầy đúng là mẫu mực chân chính của một Khổng môn : gìn giữ đạo đức, lấy việc học làm vui, dạy người không biết mệt. Cũng đặc biệt nữa là, hằng vài ba hôm Thầy lại leo xe bus đi xuống downtown, lấy các thứ báo chữ Việt, để theo dõi tin tức của bà con trong cộng đồng người Việt. Tuổi càng cao, Thầy càng chú tâm lo nghĩ đến vấn đề văn hóa nước nhà. Trong việc thành lập Viện Việt Học ở miền Nam Cali, Thầy là một cây đại thọ rợp bóng, vừa kết hợp một số cựu Giáo sư, Trí thức có nhiệt tâm với văn hóa, vừa khuyến khích và hướng dẫn lớp trẻ thuộc thế hệ thứ hai thứ ba biết học tập và giữ gìn nền văn hóa Việt trên mảnh đất tạm dung.
Ở tuổi gần trăm, Thầy vẫn hằng quan tâm theo dõi, khuyến khích các anh chị em ở Viện Việt Học phải cố thực hiện việc này việc khác.

Kính thưa Thầy,

Thế gian ai cũng chỉ mong ước được “Bách Niên Giai Lão” bách tuế vi kỳ. Điều đó thì Thầy và Bà đã đạt được. Nay chúng con chỉ còn biết chúc thêm Thầy được ơn trên cho sức khoẻ dồi dào, tinh thần minh mẫn để làm đối tượng thách thức với quy luật của thiên nhiên.

Kính bái,
Đoàn Khoách & Nguyễn Thị Thanh Tâm
cựu sinh viên của Thầy ở Đại Học Huế

ĐẤT THIÊN-LỘC hay QUÊ-HƯƠNG “LỘC TRỜI” (tỉnh Hà-Tĩnh)

posted Oct 16, 2009, 2:11 PM by Quốc-Anh Vương

Hà Mai-Phương & Lưu-Chu Thanh-Tao

Lời dẫn-nhập: Cụ tổ tam-đại của Lão Giáo-sư Nguyễn Khắc-Kham vốn gốc họ Nguyễn-Doãn, chánh-quán tại xã An-Điềm, tổng Độ-Liêu, huyện Thiên-Lộc, phủ Đức-Quang, trấn – xưa là -- xứ Nghệ-An. Nhân “khánh thọ bách-niên”, bài QUÊ-HƯƠNG ‘LỘC TRỜI” dưới đây, trước là để kính mừng Lão Giáo-sư đại-thọ trên 100 tuổi, sau là để tìm-hiểu về đất Thiên-Lộc hay Can-Lộc của vùng Sông Lam và Hồng-Lĩnh. Các địa-danh trong bài này trích trong bộ Bách-Khoa Từ-Điển Địa-Danh Việt-Nam của chúng tôi [chưa xuất-bản] mà Lão Giáo-sư Nguyễn Khắc-Kham chính là người đã liên-tục khích-lệ, chỉ-dẫn và tìm-kiếm tài-liệu để chúng tôi có may-mắn hoàn-thành bộ sách này.

*

Theo Đại-Nam Nhất-Thống Chí và Thiên-Lộc Huyện Phong-Thổ Chí [của Hương-cống cuối đời nhà Lê là Lưu Công-Đạo, thi đậu Giải-nguyên đời nhà Nguyễn, biên-soạn năm 1871], làng An-Điềm, từ đời nhà Lê, thuộc tổng Độ-Liêu, huyện Thiên-Lộc, phủ Đức-Quang, trấn Nghệ-An; đời nhà Nguyễn đổi là huyện Can-Lộc, thuộc phủ Đức-Thọ, tỉnh Hà-Tĩnh.
Làng này ở tả-ngạn Sông Nghèn, giáp-giới huyện Nghi-Xuân. Bến đò làng Điềm tên chữ là Điểm-Độ, cũng quen gọi là bến đò Kênh Cạn... Do vậy Sông Nghèn tại An-Điềm còn gọi là sông Đò Điềm. Từ bến đò Điềm, theo đường sông đi các xã Thạch-Long, Thạch-Sơn thuộc huyện Thạch-Hà ở về phía đông-nam...

Sông Nghèn tên chữ là Ngạn-Giang, tục danh là Kênh Cạn, cũng gọi là sông Cầu Triển, chảy qua các huyện Can-Lộc, Thạch-Ha và đổ ra biển ở Cửa Sót. Sông Nghèn có chi-lưu nối với Sông Cả tại làng Trung-Lương (1)...

Theo Đại-Nam Hội-Điển Sự-Lệ, tổng Độ-Liêu thuộc huyện Thiên-Lộc, phủ Đức-Quang, trấn Nghệ-An. Đời nhà Nguyễn, tổng Độ-Liêu – trải dài từ chân núi Hồng-Lĩnh cho tới Sông Nghèn -- gồm các xã:
- Độ-Liêu (có 2 thôn : Nham-Chiêu và Thái-Xá),
- Kiệt-Thạch (có các thôn: Kỳ-Trúc, An-Đồng, Yên-Mỹ, Vĩnh-Lộc),
- Thổ-Vượng (có các thôn: Thượng-Hồ, Đoài Thiên-Nam, Đông Thiên-Nam, Thượng-Hòa, Đông-Hòa,Đông-Ngõa).
và xã Tiếp-Võ.

Thời Pháp-thuộc (trước năm 1945), tổng Độ-Liêu gồm 16 xã: Bùi-Xá, Cự-Lâm, Đoài-Duyệt (Đoài Thiên-Nam cũ), Đông-Hạ, Đông-Mỹ, Đông-Thịnh, Kỳ-Trúc (trước là thôn), Ninh-Xá, Lộc-Xá, Nham-Xá (thôn Nham-Chiêu cũ?), Thượng-Hồ (trước là thôn), Thượng-Hòa, Thổ-Vượng, Tiếp-Võ, Yên-Mỹ (trước là thôn) và Yên-Hợp.

Sau năm 1945, tổng Độ-Liêu bị bãi-bỏ và chia ra làm 4 xã: Đậu-Liêu, Kiệt-Thạch, Minh-Tân và Thổ-Vương.

Năm 1949, xã Đậu-Liêu sáp-nhập với các xã Kiệt-Thạch và Thổ-Vượng thành xã Hồng-Minh.

Sau năm 1954, chia xã Hồng-Minh làm 3 xã: Minh-Lộc, Thạnh-Lộc (Kiệt-Thạch cũ) và Vượng-Lộc (Thổ-Vượng cũ).

Năm 1980, theo “cao-trào trở về nguồn”, đổi xã Minh-Lộc ra là xã Đậu-Liêu. Xã có diện-tích 2.930ha; cư-dân khoảng 5.200 người; có 8 xóm( gọi theo số từ 1 đến 8).

Dựa trên Tập Bản-đồ Hành-chánh Việt-Nam, vị-trí của xã Đậu-Liêu như sau: bắc giáp xã Xuân-Lĩnh (huyện Nghi-Xuân), phía nam giáp xã Thanh-Lộc; đông giáp các xã Thiện-Lộc (có núi Hồng-Lĩnh, cao 878m); đông-nam giáp xã Vượng-Lộc và phía tây giáp các phường Bắc-Hồng, Nam-Hồng và xã Thuận-Lộc (đều thuộc thị-xã Hồng-Lĩnh).

Năm 1992, sáp-nhập xã Đậu-Liêu vảo thị-xã Hồng-Lĩnh, tỉnh Hà-Tĩnh.

Sinh-hoạt kinh-tế chính ở Đậu-Liêu là nông-nghiệp, chăn-nuôi và khai-thác lâm-sản (như trồng các loại cây thông, cây keo, bạch-đàn)...

Đời nhà Nguyễn, đường quan-lộ qua Độ-Liêu. Theo Đại-Nam Nhất-Thống Chí, có nhà trạm ở xã Độ-Liêu, gọi là trạm Tĩnh-Liêu (hay An-Liêu cũ), cách nhà trạm Tĩnh-Đan (tại xã Đan-Chế, huyện Thạch-Hà) khoảng 35 dặm ta ở về phía nam và cách trạm Yên-Dũng khoảng 33 dặm ở về phía bắc. Nay, quan-lộ này là quốc-lộ số 1-A đi thị-xã Hồng-Lĩnh ở về phía bắc và đi thị-trấn Nghèn (huyện-ly huyện Can-Lộc) vể đông-nam…

Danh-thắng địa-phương Độ-Liêu có chùa cổ Đại-Hùng, nay không còn.
Chuông của chùa nay đúc năm 1800 (đời vua Cảnh-Thịnh, nhà Nguyễn Tây-Sơn), hiện tàng-trữ tại xã Đậu-Liêu (trực-thuộc thị-xã Hồng-Lĩnh). Chuông chùa Đại-Hùng cao 147cm, chu-vi miệng chuông là 206cm; có bài minh ở thân chuông, nhưng chữ đã mờ không còn đọc được.

Danh-nhân Độ-Liêu có quan Ngự-sử Bùi Cầm-Hổ. Ông làm quan Đô-đài [Ngự-sử đài] trải qua 3 đời vua Lê Thái-Tổ, Lê Thái-Tông và Lê Nhân-Tông, nổi tiếng là người công-bằng và cương-trực. Theo Đại-Nam Nhất-Thống Chí, đền thờ ông ở chân núi Bạch-Cao [hay Bạch-Ty] vùng Núi Đụn của dẫy Hồng-Lĩnh. Theo Dư-Địa Chí [của Phan-Huy Chú], ông còn có công cho đắp đập trên Núi Đụn và cho dẫn nước vào ruộng từ núi này về khoảng một ngàn khoảnh ruộng ở vùng chân núi Hồng-Lĩnh. Do vậy khi ông mất, dân-chúng địa-phương nhớ ơn, tôn làm Phúc-thần, dựng đền thờ gọi là đền Đô Đài (2).

Ca-tụng công-đức của ông Bùi Cầm-Hổ, đương-thời có câu: “Cầm-Hổ cương-trực, Bất tị cường-hào; Tạc khê quán mẫu, Từ trì Bạch-Cao”. Sách Thiên-Nam Bảo-Lục Diễn Ca như sau: Bùi Cầm-Hổ cư quan chính-trực, Chẳng kinh gì những bậc thế-quyền. Kênh đào tưới ruộng hơn nghìn, Đền ân Hồng-Lĩnh,dựng đền Bạch-Cao…

Do công-trình dẫn nước trên núi về đồng ruộng của ông Bùi Cầm-Hổ mà vùng Độ-Liêu con có tục-danh là Kẻ Treo. Chợ Treo ở làng Nham-Xá cũ…

Theo Phương-Đình Dư-Địa Chí [của Nguyễn Văn-Siêu], vùng “Lộc Trời” [Thiên-Lộc] xưa gọi là đất Hà-Hoàng. Thời Minh-thuộc gọi là huyện Phi-Lộc (3). Theo Cương-Mục và Đại-Nam Nhất-Thống Chí, đầu đời Hậu-Lê đổi huyện Phi-Lộc ra là Thiên-Lộc, cho thuộc phủ Đức-Quang, thừa-tuyên Nghệ-An. Theo Đại-Nam Hội-Điển Sự-Lệ, đời Hậu-Lê, huyện Thiên-Lộc có 7 tổng (Minh-Lương, Độ-Liêu, Nga-Khê, Nội-Ngoại, Phù-Lưu, Canh-Hoạch, Vĩnh-Luật) và 90 xã, thôn. Bấy giờ,Thiên-Lộc nổi tiếng là đất văn-học, cho nên tục-ngữ có câu: Bút Cấm-Chì, sĩ Thiên-Lộc (4).

Theo Đại-Nam Nhất-Thống Chí, đời nhà Nguyễn, các địa-danh nước nhà có chữ “Thiên” (là “kính-ngữ” dành riêng cho nhà vua) đều phải cải sang tên khác (5); cho nên huyện Thiên-Lộc đã được đổi ra là huyện Can-Lộc.

Huyện Can-Lộc vẫn gồm 7 tổng như trước, nhưng số xã, làng, phường tăng lên là 101. Riêng tổng Minh-Lương sau này đổi ra là tổng Trung-Lương. Huyện-trị Can-Lộc trước đặt ở làng Minh-Lương; đời vua Thiệu-Trị [ở ngôi từ 1840 đến 1847] dời huyện-lỵ sang thôn Cao-Xa; đến năm 1851 [đời vua Tự-Đức], dời sang làng Ngoại Can-Lộc và đến năm 1904 thì dời về làng Thổ-Vượng. Theo Đại-Nam Thực-Lục, năm 1925 chuyển 2 tổng Canh-Hoạch và Vĩnh-Luật sang huyện Thạch-Hà và huyện Can-Lôc nhận lại Tổng Đoài của huyện Thạch-Hà và tổng Lai-Thạch của phủ Đức-Thọ.

Theo Can-Lộc Huyện Phong-Thổ Chí [của tri-huyện Can-Lộc là Trần Mạnh-Đàn; biên-soạn khoảng năm 1930], xin kể sơ-lược một số danh-thắng và danh-nhân ở địa-phương Can-Lộc.

Về danh-sơn huyện Can-Lộc có núi Hồng-Lĩnh (gồm 99 ngọn; trên dẫy núi này có các chùa cổ Hương-Tích và chùa Thiên-Tượng), núi Trà-Sơn, núi Côn-Bằng và bãi đá “ngũ quân xuất trận”... Can-Lộc có các đền thờ nổi tiếng như đền thờ vua Mai Hắc-Đế; đền thờ Ngự-sử Bùi Cầm-Hổ (người đời vua Lê Thánh-Tông), đền thờ danh-tướng Đặng-Dung (người đời Hậu Trần)... Về danh-nhân có ông Nguyễn Văn-Giai (người làng Phù-Lưu, làm quan trải qua 3 đời vua nhà Lê trung-hưng, giữ chức-vụ trong Lục Bộ, quyền cao, chức trọng không ai sánh bẳng); ông Dương Trí-Trạch (người làng Bạt-Trạc, từng giữ chức-chưởng ở Khu-mật-viện)…

Sau năm 1954, huyện Can-Lộc thuộc tỉnh Nghệ-Tĩnh. Từ năm 1989, huyện Can-Lộc lại thuộc về tỉnh Hà-Tĩnh; diện-tích 373km2; cư-dân năm 1995 khoảng 170.000 người; bắc giáp huyện Nghi-Xuân (có núi Hồng-Lĩnh làm ranh giới thiên-nhiên); đông là Biển Đông; tây giáp huyện Đức-Thọ; tây-nam giáp huyện Hương-Khê và phía nam là huyện Thạch-Hà; gồm 30 xã: An-Lộc, Bình-Lộc, Can-Lộc tức thị-trấn huyện-lỵ Nghèn, Đại-Lộc, Đồng-Lộc, Gia-Hanh, Hồng-Lộc, Khánh-Lộc, Ích-Hậu, Kim-Lộc, Mỹ-Lộc, Phú-Lộc, Phù-Lưu, Quang-Lộc, Song-Lộc, Sơn-Lộc, Tân-Lộc, Thiên-Lộc, Thanh-Lộc, Thịnh-Lộc, Thuần-Thiện, Thượng-Nga, Thường-Lộc, Tiến-Lộc, Trung-Lộc, Tùng-Lộc, Vĩnh-Lộc, Vượng-Lộc, Xuân-Lộc, Yên-Huy.
Riêng xã Đậu-Liêu (tức Độ-Liêu cũ) được sáp-nhập vào thị-xã Hồng-Lĩnh (tỉnh Hà-Tĩnh)...

*


Địa-danh nước nhà trải qua nhiều ngàn năm lịch-sử, có nhiều đổi thay phần lớn là do quyền-thế và mưu-đồ của các nhà cầm quyền [như vua, chúa, thế-lực của ngoại-bang đô-hộ nước ta hay các vị lãnh-đạo quốc-gia hay đảng-phái] (5). Danh-sĩ Phạm Đình-Hổ (1768-1839) trong Vũ Trung Tùy Bút đã phải than về sự cải đổi địa-danh nước nhà là: “thay đổi rất nhiều, không thể kể hết, những người hiếu-cổ cũng thường phải thở dài mà chịu không thể xét ra cho rõ được”… Do vậy, chúng ta không ngạc-nhiên vì sao Thiên-Lộc lại đổi ra là Can-Lộc!

Đặc-biệt, người Việt mình cũng tin theo khoa phong-thủy, “tiên tích phúc đức, hậu nhi tầm long”, cho nên nơi nào cũng có “địa-linh sinh nhân-kiệt”. Tìm-hiểu về đất Thiên-Lộc tỉnh Hà-Tĩnh -- vùng đất “Lộc Trời” nổi tiếng về “sĩ Thiên-Lộc” -- các môn-sinh và thân-hữu thật hãnh-diện về “Sĩ Thiên-Lộc Nguyễn Khắc-Kham”, vị Lương Sư cuối-cùng của thế-kỷ XX, tiêu-biểu “đại-thụ” văn-hóa dân-tộc.

CHÚ-THÍCH

(1) Đường Sông Nghèn từ Trung-Lương đi Cửa Sót [ở huyện Thạch-Hà,tỉnh Hà-Tĩnh] dài 61km; phân ra làm các đoạn địa-phương như sau: Trung-Lương đi Đò Trai 3km; Đò Trai đi Ngã Ba Nghe/Nhe 20km; Ngã Ba Nghe đi Ngã Ba Già 12km; Ngã Ba Già đi Hộ-Đỗ 17km; Hộ-Đỗ đi Cửa Sót 9km.

(2) Trải qua chiến-tranh loạn-lạc,đền Đô Đài đã bị hủy-hoại; nay dựng lại đền mới trên nền đền cũ (ở thôn Cao-Xá cũ). Trước đây, hội đền Đô Đài hàng năm vào ngày 12 tháng giêng âm-lịch.

(3) Theo Đại-Nam Nhất-Thống Chí và Minh Thực-Lục [biên-niên chính-sử đời nhà Minh; bản dịch của Hồ Bạch-Thảo], thời nhà Minh đô-hộ nước ta từ 1407 đến 1427, đã cho cải rất nhiều địa-danh phủ, huyện của nước ta. Nhờ Bình-Định-Vương Lê-Lợi (tức vua Lê Thái-Tổ) mà nhiều địa-danh cổ-truyền của ta đã được phục-hồi hoặc cải đổi tên mới, và hủy-bỏ những địa-danh do người Minh đặt cho.

(4) Trước khi dùng “bút sắt” để viết chữ quốc-ngữ khoảng đầu thế-kỷ XX; mọi việc giấy tờ văn-phòng, học-hành thi-cử xưa đều phải dùng “bút lông” để viết chữ Nho hay Hán-tự hoặc chữ Nôm. Nơi nổi tiếng sản-xuất “bút lông” đời nhà Nguyễn tại vùng ngõ Cấm-Chỉ ở kinh-thành Thăng-Long [tức Hà-Nộ ngày nay]. Cuối đời Hậu-Lê, địa-phương “Lộc Trời” có câu ca-tụng Thiên-Lộc tứ hổ là 4 vị học giỏi, đậu-đạt là: Lê Hồng-Hàn, Lưu Công-Đạo, Mai Thế-Chuẩn và Phan-Quỳ.

(5) Đời nhà Nguyễn, các địa-danh có chữ “Thiên” đã phải cải sang các tên khác như: như phủ Phụng-Thiên (đổi là phủ Hoài-Đức), phủ Ứng-Thiên (đổi là Ứng-Hòa), phủ Thiên-Trường (đổi là Xuân-Trường), phủ Thiên-Quan (đổi là Nho-Quan), phủ Thiên-Phúc (đổi là Đa-Phúc), sông Thiên-Đức (tức Sông Đuống, đổi là sông Triêm-Đức), huyện Thiên-Thi (đổi là Ân-Thi), huyện Thiên-Bản (đổi là Vụ-Bản), tổng Thiên-Lộc ở huyện Nghi-Dương (đổi là Đại-Lộc), tổng Thiên-Mỗ ở huyện Từ-Liêm (đổi là Đại-Mỗ), xã Thiên-Lộc ở tổng Vĩ-Dạ, huyện Hương-Trà (đổi là Thọ-Lộc) v.v.

LỜI THƯA CÙNG THẦY NGUYỄN KHẮC KHAM

posted Oct 16, 2009, 2:10 PM by Quốc-Anh Vương   [ updated Oct 22, 2015, 8:50 AM by Chí-Thông Nguyễn ]

Đào Đức Chương

Con được Cụ Hà Thượng Nhân gọi điện thoại và Giáo Sư Trần Anh Tuấn email báo tin Thầy Nguyễn Khắc Kham từ trần vào khoảng 3 giờ chiều thứ năm ngày 8 tháng 3 năm 2007 tại tư gia, trong giấc ngủ trưa. Nghe tin buồn đột ngột quá, con như nguời hụt hẫng, vì có nhiều việc chưa kịp thưa trình thì Thầy đã vĩnh viễn ra đi.

Kính thưa Thầy,

Việc thứ nhất, Bộ sách Việt Nam: Văn Hóa và Môi Trường mà Thầy băn khoăn lo lắng không biết sẽ đi về đâu. Thưa thầy chậm thì có, nhưng tiến trình thành tựu chắc chắn và tốt đẹp. Con đã gặp ông Nguyễn Hùng Tâm và Ban Điều Hành nhà xuất bản Khai Trí, thương lượng về việc giá cả, tác quyền, xuất bản và phát hành bộ sách ấy. Ông Nguyễn Hùng Tâm, đại diện cho Nhà Xuất Bản đã liên lạc trực tiếp với GS Thái Công Tụng, đại diện Ban Chủ Biên, hai bên thỏa thuận đi đến một hợp đồng. Ngày 9 tháng 3 năm 2007, GS Thái Công Tụng báo cho con biết để liên lạc với Nhà Xuất Bản, trong Email có đoạn: “Và tôi mới gửi hôm qua sách camera ready copy, 840 trang, chưa kể hình, cho ông Nguyễn Hùng Tâm.” Hỡi ôi! tin đến sau một ngày Thầy mất, con chỉ còn biết thưa trình và dâng Bản Mục Lục lên Thầy trước linh cửu trong ngày di quan (15- 3- 2007).

Việc thứ hai, Đặc san Bình Định Bắc Cali kể từ số ra năm 2005 được hân hạnh đăng loạt bài Hoàng Sa và Trường Sa: Lãnh thổ Việt Nam của Thầy ký tên Lãng Hồ Nguyễn Khắc Kham. Ban Biên Tập dự định đăng trong 5 số liên tiếp, nhưng mới được 3 kỳ thì Thầy đã từ trần. Lần phát hành năm 2007, ngày chúng con nhận sách từ nhà in thì cũng là thời điểm Thầy ra đi, chưa kịp thấy bài báo. Chúng con tiếp tục đăng 2 kỳ nữa cho hết bài và kể từ Đặc san 2008, xin phép được ghi tên Thầy trong mục Tri Ân Các Cộng Tác Viên Quá Cố.

Việc thứ ba, bộ môn Văn Học Miền Trung mà thầy ước ao thành lập, con đã và đang sưu tầm các tác gia và tác phẩm. Anh Nguyễn Minh Lân hẹn là sẽ lên San Jose, chúng con đến trình lên Thầy về công trình sưu tập và xin được sự chỉ giáo. Không ngờ Thầy đột ngột ra đi! Nay con mượn bài viết này để thưa với Thầy. Về dự án Văn học Miền Trung, con đã sưu tập được nhiều thơ văn, tuồng hát từ năm 1802 đến 1945, qua ba nguồn gốc:

I - Văn chương bình dân gồm ca dao, tục ngữ, nói lối, vè, hò, lý, hát ru, hát đối đáp, hát đố, hát bài chòi. Riêng hát bả trạo có kịch bản xuất xứ từ Bình Định.

II - Văn chương bác học: thơ, văn, tuồng hát (tác gia và tác phẩm) các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên. Riêng về hát bội có các kịch bản: của Đào Tấn như Hộ sanh đàn, Trầm Hương các, Tân Dã đồn, Cổ Thành, Diễn võ đình, Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan; các tuồng Đào Tấn nhuận sắc như Khuê các anh hùng, Sơn Hậu (khuyết danh), Ngũ Hổ bình Tây của Nguyễn Diêu; và của Ưng Bình có tuồng Lộ Địch.

III - Văn chương truyền khẩu của Dân tộc miền núi. Nguồn tài liệu này cũng rất phong phú về sự đóng góp của nhiều bộ lạc qua các thể loại:

1. Hát vui chơi gồm:
- Đồng dao của dân tộc Khơ Mú ở phía tây hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.
- Ru em của dân tộc Mường ở Thanh Hóa.
- Thách đố của dân tộc Ê Đê ở miền Trung Tây Nguyên.
- Xét bùa của dân tộc Mường.

2. Tình cảm tâm lý:
- Xường, Bộ mẹng, Ví, Đúm, các bài của dân tộc Mường;
- Tình yêu trai gái, các bài của dân tộc Ka Tu hay Cơ Tu ở tây bắc tỉnh Quảng Nam; dân tộc Xơ Đăng ở Trường Sơn Tây Nguyên và vùng phía tây hai tỉnh Quảng Nam Quảng Ngãi; dân tộc Mạ ở Tây Nguyên, dân tộc Hrê ở huyện Sơn Hà và Ba Tơ Quảng Ngãi, huyện An Lão Bình Định; dân tộc Chăm Hơ Roi ở Ninh Thuận và Bình Thuận; dân tộc Ê Đê hay Ra Đê.
- Tình yêu thiên nhiên, các bài của dân tộc Gia Rai ở Tây Nguyên.

3. Than thân:
- Cảnh mồ côi, của dân tộc Xê Đăng.
- Phận nô lệ, bài của dân tộc Khơ Mú ở phía tây tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An.
- Than nghèo, bài của dân tộc Ba Na ở Trường Sơn Tây Nguyên.

4. Sinh hoạt:
- Nương rẫy, các bài của dân tộc Xê Đăng, Mạ, Ê Đê.
- Cây cỏ, bài của dân tộc Khơ Mú.
- Nông súc, hát về Con trâu, bài của dân tộc Ka Tu

5. Nghi lễ, phong tục:
- Hát cúng lễ, các bài của dân tộc Chu Ru ở Nam dãy Trường Sơn, dân tộc Mường, Xê Đăng, Ê Đê.
- Hát đám cưới, bài của dân tộc Mường.
Sau tang lễ của Thầy, trong Email ngày 22- 3- 2007, con có hỏi anh Nguyễn Minh Lân: “...việc sưu tập Văn Học miền Trung, Viện Việt Học có còn tiếp tục không, hay là chuyển qua một dự án khác”. Cùng ngày, anh Nguyễn Minh Lân đã phúc đáp qua Email: “...dự án sưu tập và viết Bộ Văn Học Miền Trung là một dự án quan trọng của Viện, mong Anh tiếp tục.”

Kính Thầy, cả cuộc đời của Thầy đã cống hiến cho nền Giáo Dục và Văn Học Việt Nam. Nay Thầy ra đi, để lại ước mong của Thầy, chúng con nguyện tiếp tục.

Thôi xin Thầy đời đời yên nghỉ nơi cõi Niết Bàn, chúng con đẫm lệ chia tay và mãi mãi tưởng nhớ đến công ơn Thầy.

Trọng kính Thầy,
Việt Thao Đào Đức Chương

Viết về Lãng Hồ

posted Oct 16, 2009, 2:09 PM by Quốc-Anh Vương

Sổ tay văn nghệ cuối tuần của Nhật Thịnh: Sep 10, 2004

Hai giờ đồng xe nối liền hai thành phố Sacramento và San Jose trên tuyến đường dài heo hút vượt qua những xa lộ 5, 580, 680 sáng ngày 30.8.2004 để tìm gặp trở lại nhà mô phạm uyên bác mà khiêm cung, trọng tín nghĩa, một học giả học rộng biết nhiều nay tuổi đời đã ngót một thế kỷ, cụ Nguyễn Khắc Kham bút hiệu Lãng Hồ, phong cách còn chững chạc, khơi gợi những liên tưởng đến từ nhiều phía từ những ngày nào, khi cụ chưa qua Nhật Bản tiếp nối công việc theo đuổi. Ngoài việc giảng dạy tại Trường Đại học Văn Khoa cụ còn đứng hiệu trưởng Trường Tư thục Văn Hóa trông xế Hỏa Lò, có những sáng cụ không dùng xích lô mà thả bộ tới trường, dường như muốn tập thể dục một thể, ung dung đi đứng trong bộ đồ lớn màu trắng, đầu đội mũ phớt, tay xách cặp da, dáng vẻ phong nhã, dáng chiều suy tư như đang suy nghĩ một đề tài nào dang dở cho một bài báo. Hình ảnh này nhà thơ Trần Hồng Châu tức giáo sư Nguyễn Khắc Hoặch, tốt nghiệp Tiến sĩ Văn chương Trường Đại học Sorbonne Paris năm 1955, giáo sư trường Đại học Văn Khoa Sàigòn trước năm 1975, và Southern Illinois University, Hoa Kỳ, cũng đã ghi nhớ hình ảnh tương tự này vào năm 1943 tại Hà Nội - ông mới thi đỗ Tú Tài Triết học - khi từ trên gác một ngôi nhà nhìn xuống đường thấy cụ khi đó dạy Pháp văn cho trường Văn Lang dạo phố cùng Ngô Duy Cầu được coi như vua toán của các tư thục thời đó, vầng trán rộng và dáng đi thong thả.

Cụ sinh ngày 23.12.1910, thực cụ sinh năm Mậu Thân dương lịch là 1908 thay vì năm Canh Tuất 1910 tại Hà Nội. Cụ tổ tam đại gốc họ Nguyễn Doãn, sinh quán xã An Điềm, huyện Thiện Lộc, phủ Đức Quang, tỉnh Nghệ An. Cụ du học Pháp tốt nghiệp Cử nhân Văn khoa (Licence ès Lettres) tại Đại học Sorbonne năm 1934 và Cử nhân Luật khoa (Licence en Droit) tại Đại học Luật khoa, Paris năm 1934. Cụ trở về nước và trong suốt khoảng thời gian dài của những năm từ năm 1937 đến năm 1954 hầu như dành trọn vẹn cho lãnh vực giáo dục và văn học tại Hà Nội. Cụ lần lượt đứng trên bục giảng tại các trường Thăng Long, Hoài Đức, Chu Văn An, tại đây được coi như người được ủy nhiệm dạy Triết học bằng tiếng mẹ đẻ đầu tiên trong chương trình Việt ngữ Hoàng Xuân Hãn. Tưởng cần biết tại trường Chu Văn An niên khóa 1944-1945 cụ Nguyễn Gia Tường làm Hiệu trưởng và niên khóa 1945-1946 là cụ Dương Quảng Hàm thay thế. Năm 1946 cụ tản cư đi Việt Bắc năm 1952 trở về được mời dạy tại Đại học Văn Khoa Hà Nội, cụ Ngô Thúc Địch làm Khoa trưởng, kiêm Hiệu trưởng trường Trung học Tư thục Minh Tân và Văn Hóa. Năm 1954 cụ di cư vào Sàigòn tiếp tục giảng dạy tại trường Đại học Văn Khoa Sàigòn, Huế, Trường Cao đẳng Sư phạm sau đổi thành đại học Sư Phạm, các trường Trung học Công lập Pétrus Ký, Chu Văn An, Trưởng ban Ngôn ngữ - Văn tự Trường Đại học Văn Khoa Sàigòn, 1961-1967, Giáo sư biệt thỉnh, 9.1967, sau vinh thăng Giáo sư thực thụ (Kyakuin Kyoju), 1971 Đại học Ngoại ngữ Tokyo, Nhật Bản, Giảng sư Việt ngữ Viện Ngoại ngữ Bộ Ngoại Giao Nhật, Thư Viện Quốc hội Nhật Bản.

Thời gian lưu trú giảng dạy tại Nhật Bản cụ đã tham dự nhiều sinh hoạt tại đây: Nghiên cứu viên của Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Đông Á thuộc Đông Dương Văn Khố (Tokyo Bunko) Tokyo, 1968-1975, Tham dự Hội nghị Quốc tế các nhà Đông phương học tại Nhật Bản (International Conference of Orientalists in Japan) do Toho Gakkai (Đông Phương Học hội - The Institute of Eastern Culture) tổ chức hàng năm, 1969-1973, Hội viên của Tonan Ajiya Shigakkai (Tổ chức Nghiên cứu về Lịch sử Đông Nam Á - Japan Society for Southeast Asia History) ở Tokyo, 1969-1974, Tham dự Ban Nghiên cứu về Hệ thống giá trị tại Đông Nam Á của Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Á châu thuộc Đại học Ngoại ngữ Tokyo, 1969-1974. Trong lãnh vực văn hóa cụ là hội viên Ban Văn Học Hội Khai Trí Tiến Đức Hà Nội, Hội trưởng ông Hoàng Huân Trung và Phó Hội trưởng ông Trần Trọng Kim, phụ trách hiệu đính và bổ túc bộ Việt Nam Tự Điển do Hội ấn hành từ năm 1931, viết cho các báo L’Annam Nouveau, La Patrie Annamite, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Trung Bắc Tân Văn - tức tờ nhật báo do chính thân phụ cụ là nhà báo kỳ cựu Nguyễn Văn Luận làm chủ nhiệm sau khi được Nguyễn Văn Vĩnh thành lập, trao lại bởi không có năng khiếu quản lý nên tờ báo sống chơi vơi - Trung Bắc Chủ Nhật - do cụ và Nguyễn Doãn Vượng khét tiếng trong làng báo khi ấy cùng điều khiển - và đứng tên Chủ nhiệm Báo Mới.

Kể từ năm 1956 cụ tham gia chính quyền, làm Chánh sự vụ xử lý Giám đốc Viện Khảo Cổ, 16.2.1956, Giám đốc Nha Văn Hóa kiêm Tổng Thư Ký Ủy Hội Quốc Gia UNESCO, 12.6.1957-7.1962, Nhân viên Phái đoàn Việt Nam tham dự Đại hội UNESCO lần thứ 10 tại Paris, Pháp, 1.1.1958, Chủ nhiệm Văn Hóa Nguyệt san và Văn Hóa Tùng thư của Bộ Quốc Gia Giáo Dục, Thái Văn Kiểm làm Chủ bút, có sự cộng tác của nhiều vị túc nho và nhà tân học có uy tín, 1958-1962, 1966-1967, Giám đốc Sở Tu Thư, Dịch Thuật và Ấn Loát, 1959-1960, Chủ nhiệm Kỷ yếu UNESCO Việt Nam, 1961-7.1962, Giám đốc Nha Văn khố và Thư viện Quốc gia, 7.1962-9.1967, kiêm Xử lý Giám đốc Nha Văn Hóa và Tổng Thư ký Ủy hội Quốc gia UNESCO, 9.1965-4.1967.

Cụ tham dự nhiều hội nghị quốc tế: Trưởng phái đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị các Ủy hội Quốc gia UNESCO vùng Đông Nam Á tại Manilla, Phi Luật Tân, 1.1960, Trưởng phái đoàn Việt Nam tham dư Hội nghị Việt Nam, Cao Mên, Lào, Thái Lan về dung cụ giáo khoa, kiêm Hội viên Ủy ban phụ trách duyệt xét bản dịch Bộ Khâm Định Việt sử Thông giám Cương mục, Viện Khảo Cổ, 3.1960, Đại diện Việt Nam tham dự Ủy ban Báo cáo (Comité des Rapports) Hội Nghị UNESCO lần thứ 21, được đề cử Phó Chủ tịch Ủy ban, 7.11.1960, Tham dự Hội Nghị UNESCO lần thứ 21, 15.12.1960, Thành viên Ban Tổ chức cuộc Triển lãm Mỹ thuật và Cổ vật Việt Nam tại Hoa Kỳ (Exhibition of Art and Atchaeology of Vietnam in USA) 1961, Tham dự Hội nghị Khảo cứu Đông phương học tại New Delhi, Ấn Độ, 1.1964, Tham dự Hội nghị UNESCO về Thư viện Quốc gia vùng Đông Nam Á tại Manilla, Phi Luật Tân, 2.1964, Tham dự Khóa Hội thảo về Sự Hấp thụ Văn hóa Tây phương ở Á châu tại Tokyo, Nhật Bản, 3-8.10.1966, Tham dự Hội nghị UNESCO lần thứ 14, 10 & 11.1966, Nghiên cứu viên biệt thỉnh tại Ostasiatishes Seminar, Frankfurt arn Main (Francfort) Cộng hòa Liên bang Tây Đức (West Germany).

Sau biến cố 30.4.1975 cụ di chuyển sang Pháp trong hai năm 1976-1977, năm 1977 chuyển qua Hoa Kỳ, thoạt đầu ở Oakland sau dời về San Jose, California, nhập tịch Hoa Kỳ năm 1984. Tại Hoa Kỳ cụ từng là Nghiên cứu viên tại Trung tâm Nam Á và Đông Nam Á tại U.C Berkely, 1982-2.1991, Hội viên Hội Independent Scholars of Asia tại UC Berkely, California, Cố vấn Thư mục Viện Việt Học tại Nam California, 1999 nay bởi tình trạng thể lực cụ mới ngưng.

Điều này cho thấy cụ đã có một sự nghiệp đồ sộ, ngoài tư cách một giáo sư các tư thục nổi danh của thập niên ba mươi, bốn mươi, một nhà mô phạm đúng nghĩa của nó, tận tụy đào tạo được nhiều thế hệ trẻ trong và ngoài nước và nhiều người đã thành đạt, điển hình người ta thấy có cố giáo sư Nguyễn Đình Hòa, môn đệ của cụ đã chiếm được học vị Tiến sĩ ngôn ngữ học tại Hoa Kỳ, hành nghề ngay tại địa phương từng đặt bước chân du học. Sau giáo sư Nguyễn Đình Hòa với tư cách một cựu đồng nghiệp, một cựu môn đệ của cụ tại Viện Đại học Sàigòn cùng một số đồng môn ấn hành một tuyển tập để khánh chúc cụ nhân dịp cụ 85 tuổi. Đó là truyền thống của các Viện đại học Âu Mỹ, các đồng nghiệp và môn sinh thường xuất bản một tập luận văn (festschrift) dành cho các giáo sư nào đạt những số tuổi 60, 65, 70 hay cao hơn, trong đó mỗi người đóng góp một bài khảo luận hay một bài nhận xét về vị được vinh dự đó. Không những vậy cụ đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong và ngoài nước, đại diện cho Việt Nam trong nhiều hội nghị quan trọng trên trường quốc tế về văn hóa và giáo dục. Trên báo chí cụ được thừa kế truyền thống giai đoạn có thể coi như là khai sơn phá thạch của ngành thông tin, đóng góp rất nhiều bài biên khảo có giá trị về văn học, ngôn ngữ, lịch sử...bằng các ngôn ngữ mẹ đẻ, Pháp, Anh, Nhật ngữ...mà ngày nay người ta lục tìm thấy trong bảng kê các trước tác dài dằng dặc của cụ do các ông Nguyễn Hùng Cường đã qua đời tại Hoa Kỳ, Vũ Lục Thủy, Trương Hữu Lương và Phạm Trọng Lệ là những nhà thư viện học, thư tịch học kỳ cựu sưu tầm. Ngay thư viện riêng của cụ cũng tràn ngập những sách quý bằng mọi thứ tiếng Việt, Hán, Nôm, Nhật, Pháp, Anh, Đức..., một số báo xa xưa bằng tiếng Việt hay tiếng Pháp còn tồ trữ, có thứ đã ngả màu vàng, hơi khó đọc. Cụ chinh phục được sự kính trọng của mọi người không chỉ bởi tài năng, còn phát xuất từ đức độ. Giáo sư Nguyễn Khắc Hoặch coi cụ tựa “puits de science” (“giếng” kiến thức) đã nhận định về cụ: “Con người trán rộng, mắt sâu, với một thân hình nhỏ bé, mảnh mai tưởng như nghiêng ngửa vì mang nặng cả một kho tàng kiến thức, con người đó lại chính là hiện thân của nhũn nhặn và khiêm cung. Tác phong đích thực của học giả, của người tri thức...Ở nơi chốn thân mật bạn bè, cũng như nơi công vụ thù tạc, Lãng Hồ đã cư xử đúng như truyền thống Nho gia, lấy chữ Lễ làm trọng, sẵn sàng nhường người đối thoại, luôn luôn gây hòa khí nhịp nhàng. Từ những cử chỉ nhỏ, trao đổi tài liệu, nâng niu một pho sách cổ, sửa áo nghiêng mình trước một hậu sinh. Từ những lời nói, cách xưng hô luôn luôn trang trọng, lễ độ mặc dù ngôn từ có lúc phảng phất mùi hoa xưa cũ. Từ những buổi bàn thảo, hội luận trang nghiêm về văn hóa: nghi vấn khoa học, đính chính, tồn nghi, biện luận, thuyết phục. Sôi nổi nhưng luôn luôn độ lượng, thân kính, luôn luôn nhũn nhặn, khiêm cung, cái nhũn nhặn đưa tới rất nhiều ưu tư. Ưu tư vì ý thức được là vấn đề tiếp cận rất phức tạp, vì sở học mình có hạn, vì không ai dám nói là đã nắm được sự thực. Ưu tư vì khoan dung và tôn trọng người đối thoại. Lãng Hồ là hiện thân của phong thái đó...Lãng Hồ là điển hình một mẫu người càng ngày càng hiếm có trong thời đại chúng ta, thời đại của kiến thức chuyên môn, cục bộ, của sự thiếu vắng lễ độ, thiếu vắng khiêm nhường và khoan dung trong nhiều địa hạt.”

Nhiều thế hệ sau, môn sinh của cụ nơi môi trường này hay môi trường khác không ngưng những đường điện thoại viễn liên gọi về san Jose thăm viếng cụ thường vào mỗi cuối tuần, gần thì xin một giờ hẹn để lui tới, hễ nhấn chuông đã thấy cụ quần áo chỉnh tề ra mở cửa, cụ luôn luôn ngồi chờ trước cho dù là những môn đệ của cụ, mọi việc được cụ phân chia theo thời khóa biểu rất khoa học và nhịp nhàng, uyển chuyển, giờ nào dành cho điện thoại liên lạc các nơi, giờ đọc sách, giờ ra ngoài tìm kiếm sách vở, báo chí, sao chụp tài liệu, cho nên không ai ngạc nhiên khi thấy cụ đi đâu đều xách theo một cái túi. Ngồi chưa nóng chỗ phu nhân cụ đã bưng khay trà ra mời khách, nhưng ít tháng nay công việc này đã được trao cho vợ chồng cô con gái, bởi cụ bà không còn được khỏe mạnh muốn trở về Nhật Bản quê hương mình để tĩnh dưỡng. Truyện kể đã có những môn sinh cụ tới thăm cụ đúng vào dịp Tết Trung Thu đã được thưởng thức từ nơi cụ bánh nướng và nước trà Tàu, không khỏi cảm thấy lỗi đạo với bậc thầy khả kính, bởi tới Tết mà không có gì đem theo chúc Tết thầy kiểu mùa nào thức đó như xưa kia. Thật sự cụ ít nhận quà cáp của ai và một khi nể nang phải nhận, cụ lại tìm mua ngay món khác để đáp lễ, người ta thấy một nét thật đặc trung trong văn hóa dân tộc. Những lúc trà đạo như thế cụ vui vẻ tiếp chuyện, giải đáp hết mọi thắc mắc từ chuyện văn học, lịch sử đến chuyện đời, chuyện xã hội.

Cụ tuy đã vượt khỏi cái tuổi cổ lai hi, nhưng trí não còn trẻ trung, minh mẫn và cấp tiến, cái kho tàng kiến thức đó rất hiếm quí cho ngành Việt học tại hải ngoại mà nhiều người ở thế hệ cụ đã lần hồi mai một, điều đó đủ để cụ được tôn kính, chưa nói tới cái cung cách nhân bản của con người Đông phương nơi cụ, thể hiện đơn giản nơi tiễn khách ra về, cụ và phu nhân ra tận cửa, chân tình từ giã khách, hai tay chắp lại, lưng hơi khom về phía trước, một hình ảnh đẹp trên khối dày kiến thức, quí phái in đậm trong tâm trí thế hệ sau.

NHẬT THỊNH
(Source: http://www.calitoday.com/news/)

NHÂN SINH BÁCH TUẾ VI KỲ, NGƯỜI ĐÃ RA ĐI RỜI CUỘC MỘNG

posted Oct 16, 2009, 2:08 PM by Quốc-Anh Vương

Nguyễn Thiên Thụ


Năm 1961, tôi học môn Văn Chương Việt Nam tại trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, do các giáo sư như Nghiêm Toản, Thanh Lãng, Nguyễn Khắc Hoạch và Nguyễn Khắc Kham giảng dạy. Giáo sư Nguyễn Khắc Kham dạy về hiệu đính niên đại các tác phẩm. Đây là lần đầu tiên tôi gặp giáo sư Nguyễn Khắc Kham. Giáo sư có hầu tướng là một quý tướng. Người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, đôi mắt đen, sáng. Giáo sư có tập tài liệu in ronéo nhan đề là Hiệu Đính Các Tác Phẩm Nôm. Đồng thời giáo sư cũng cho sinh viên một tập sưu tầm văn học cổ, do ban đại diện sinh viên in ronéo, dày khoảng bảy trăm trang. Lúc bấy giờ, sách vở, tài liệu hiếm hoi, được những tài liệu trên rất quý. Quyển Hiệu Đính Các Tác Phẩm Nôm là một tài liệu quý giá, đã làm nền tảng cho việc biên khảo Văn Học Cổ Điển của tôi sau này. Khoảng 1965, tôi soạn luận án về Tản Đà. Tôi đã đến thăm giáo sư Nguyễn Khắc Kham cũng như gặp gỡ các văn thi sĩ và học giả để sưu tập tài liệu. Lúc bấy giờ giáo sư làm giám đốc Nha Văn Hóa tại đường Lê Thánh Tông, giáo sư đã cho tôi một thư mục về Tản Đà. It lâu sau, giáo sư gửi thư cho tôi bảo tôi đến gặp giáo sư tại văn phòng giám đốc. Giáo sư nhiệt tình cho tôi thêm một thư mục Tản Đà cũng như những tin tức về nguồn tài liệu. Đồng thời giáo sư cũng cho tôi một thư mục về ca dao rất đầy đủ để tôi tham khảo vì lúc bấy giờ khoảng 1966, ông Trần Đức Rật và Phạm Văn Đang đều làm đề tài về Ca dao. Tôi hiểu giáo sư cho tôi thư mục này là để tôi theo đó mà lập thư mục về Tản Đà.

Ít lâu sau, nghe tin giáo sư sang Nhật dạy tiếng Việt. Từ đó về sau, cho đến sau 1975, tôi không còn nghe tin tức gì về giáo sư. Trong thời gian ở lại Sài Gòn, bao bạn bè lần lượt bỏ ra đi, tôi như một người lạc vào hoang đảo, không còn biết một tí gì thế giới bên ngoài. Năm 1994, tại Sài Gòn, chúng tôi làm lễ mừng thọ giáo sư Nguyễn Đăng Thục, tuổi gần 90. Trong lúc bạn bè hàn huyên, anh Vũ Hiệp nhắc đến cụ Nguyễn Khắc Kham và cho biết cụ Thục đồng tuế với cụ Kham. Chúng tôi nhớ cụ Kham nhưng không biết cụ ở đâu.


Năm 1995, tôi định cư tại Canada là một nơi tận cùng của trái đất, tôi không biết tin tức của những người về kiếp trước. Phải mất năm, sáu năm, tôi mới liên lạc được các bạn cũ. Tôi liên lạc với giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch, nghe tin giáo sư Nguyễn Đình Hòa mạnh khoẻ ở Mỹ. It lâu sau, nghe tin giáo sư Nguyễn Đình Hòa mất. Tôi cũng nghe tin giáo sư Bùi Xuân Bào chết tại Pháp. Rồi gần đây, giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch từ trần. Tôi hỏi thăm về nhiều người nhưng tôi không hỏi về giáo sư Nguyễn Khắc Kham vì tôi nghĩ giáo sư đang sống hạnh phúc với một cuộc đời mới ở Nhật. Hoặc giáo sư đã ra người thiên cổ. Năm 2005, đọc một website tôi thấy họ nói giáo sư Nguyễn Khắc Kham vừa mất. Năm 2006, tôi ấn hành bộ Văn Học Hiện Đại. Tôi gửi tặng các bạn bè và các thư viện, trong đó có viện Việt Học ở Cali. Tôi hỏi thăm giáo sư Nguyễn Khắc Kham thì anh Nguyễn Minh Lân cho biết cụ còn mạnh khoẻ, và viện chuẩn bị đầu năm 2007 mừng cụ trăm tuổi. Tôi không đi được vì đang dưỡng bệnh. Và từ đó tôi biết giáo sư Nguyễn Khắc Kham là một trong những cột trụ của Viện Việt Học. Tôi đã gửi đến tặng giáo sư Nguyễn Khắc Kham bộ sách của tôi. It hôm sau, cụ điện thoại cho tôi, lời nói vẫn rõ ràng, rất thông minh và mẫn tiệp cho dù lúc đó cụ đã 99 tuổi.
Giáo sư nói:
-Anh viết chữ Literature ở quyển IV sai. Tiếng Anh một chữ T chứ không phải hai chữ T.
Giáo sư hỏi tôi:
-Anh viết về những ai?
Tôi đáp:
-Thưa thầy, con viết về những nhà văn hiện đại từ 1945 cho đến nay như Nhất Linh, Hồ Biểu Chánh, Đông Hồ, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng.
Giáo sư nói: Những người này một số thuộc văn học cận đại chứ không phải hiện đại.
Tôi hoảng hồn, phục nhận xét chính xác của cụ, và tôi thưa:
-Thưa thầy. Thầy dạy rất phải, nhưng một số hoạt động trước 1945, sau 1945, và sau 1954 vẫn hoạt động nên con xếp vào nhà văn hiện đại.
Giáo sư bảo:
-Anh đã viết văn học sử bằng tiếng Việt, nay anh phải viết một bộ bằng tiếng Anh. Khi dịch văn thơ, anh phải dịch ý thôi, đừng dịch từng chữ một.
Tôi trình với thầy rằng tôi đang làm việc này và xin tuân lĩnh ý thầy.

Nghe lời thầy nói, tôi phục sự sáng suốt của thầy. Nhưng tôi phục nhất là tấm lòng của thầy đối với sinh viên, với đồng bào và nền văn học, giáo dục Việt Nam. Cái tâm quảng đại, ưa giúp đỡ người là một điều hiếm có ở thế gian này. Tôi cũng kính trọng tư cách của thầy xứng đáng là bậc thầy trong khi bao trí thức đảo điên giữa cuộc đời nay Tần mai Sở cuồng loạn. Tôi kính trọng các giáo sư của tôi, trong đó giáo sư Nguyễn Khắc Kham, giáo sư Bùi Xuân Bào và giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch là ba ngôi sao sáng nhất của bầu trời Đại Học Văn Khoa Sài Gòn ngày xưa.

Tôi xin gửi đến anh linh của giáo sư, gia đình của giáo sư và Viện Việt Học một câu đối:

一 片 冰 心 月 明 照
百 年 有 限 鶴 高飛
Nhất phiến băng tâm, nguyệt minh chiếu,
Bách niên hữu hạn, hạc cao phi.


Nguyễn Thiên Thụ

VĂN HOÁ LÃO TƯỚNG

posted Oct 16, 2009, 2:04 PM by Quốc-Anh Vương   [ updated Nov 25, 2018, 8:37 PM by Tuấn-Khanh Nguyễn ]

Nguyễn Tuấn Khanh

Bài của VĂN HOÁ VIỆT NAM, số 36, số đặc biệt Mừng Lễ Sinh Nhật Bách Niên của Giáo sư Nguyễn Khắc Kham


Cách đây gần chục năm, một hôm đang tìm mua sách tại tiệm Hồng Bàng – một tiệm bán sách tại San Jose – tôi thấy một cụ già tay xách một túi vải đi vào, ông Lục (nhân viên bán sách) cung kính chạy ra chào hỏi. Sau đó tôi được ông Lục cho biết cụ già đó là Giáo sư Nguyễn Khắc Kham, một người mà tôi đã từng nghe danh về những sách vở ông cụ sưu tầm và sự ưu đãi đặc biệt của ông Lục đối với cụ. Số là cứ vài ba tháng, tiệm sách Hồng Bàng có hàng mới về, sau khi làm kế toán sách vở và sắp xếp thứ loại trong kho xong, ông Lục gọi điện thoại báo cho cụ Kham và cụ là người đầu tiên được chọn sách trước, sau đó ông Lục mới gọi điện thoại cho chúng tôi – những khách hàng quen – đến lựa chọn và cuối cùng, số sách còn lại mới được đưa ra kệ bán cho mọi người. Cụ Kham còn được một ưu đãi đặc biệt nữa là cụ có quyền chọn tất cả những sách cụ thích, nếu không đủ tiền trả thì ông Lục giữ lại trong kho, mỗi đầu tháng có tiền cụ lại đến lấy sách tiếp, nếu không đủ tiền nữa thì sách được giữ lại cho đến tháng sau. Đôi khi cụ bận hoặc yếu trong người thì ông Lục đem sách đến giao tận nhà cho cụ. Không những thế, ông Lục còn bớt cho cụ một giá đặc biệt mà không ai có được. Đó là lần đầu tiên tôi gặp Giáo sư Nguyễn Khắc Kham, một người đã một đời tận tụy cho sự nghiệp Giáo Dục và Văn Hóa của dân tộc.

Vì không phải là môn sinh của cụ, lại không sinh hoạt trong lãnh vực Giáo Dục và Văn Hóa nên tôi không có cơ hội làm quen với cụ. Bẵng đi một thời gian, một hôm cần tài liệu về Văn Thiên Tường, một nghĩa sĩ đời Nam Tống, tôi tìm được bài “Chính Khí Ca” của ông, nhưng lại viết bằng chữ Hán. Vốn liếng Hán Văn của tôi rất hạn hẹp, bài “Chính Khí Ca” lại có rất nhiều điển tích nên tôi lúng túng trên hai tuần tra cứu mà cũng không hiểu hết bài. Chợt nhớ tới cụ Nguyễn Khắc Kham, tôi xin ông Lục số điện thoại và gọi cụ để xin tới gặp. Cụ không biết tôi là ai, nhưng hỏi tôi cần gì. Sau khi nghe tôi trình bày nỗi khó khăn của mình thì cụ nói ngay: “Ông không cần phải mất công dịch làm gì. Cụ Phan Bội Châu và ông Nguyễn Hiến Lê đã dịch bài Chính Khí Ca này rồi, nhưng bài dịch của ông Nguyễn Hiến Lê không đầy đủ vì ông ta không dịch đoạn cuối. Ngoài ra còn có vài người Pháp và người Mỹ cũng đã dịch bài này rồi, họ dịch chính xác lắm”. Sau đó cụ chỉ cho tôi tìm bài dịch trong những sách nào và nói là nếu không có thì cụ sẽ tìm cho, còn bây giờ thì không cần gặp vì không cần thiết. Cụ xin số điện thoại của tôi và cúp máy. Nghe cụ nói, tôi giật mình mà khâm phục cho trí nhớ của một cụ già 94 tuổi, nhưng cũng hơi thất vọng vì thấy cụ có vẻ như không muốn giúp mình nên không cho gặp mặt và tìm cách từ chối khéo. Thế nhưng tôi đã lầm to! Ngày hôm sau khi đi làm về, tôi thấy 3 lời nhắn của cụ trên máy điện thoại ở nhà, nói là đã sao chụp cho tôi bản dịch của một người Pháp rồi, hãy đến mà lấy. Ngoài ra, cụ còn cho biết là đã gọi điện thoại cho Giáo sư Trương Toại, một môn sinh của cụ, để sao chụp cho tôi bản dịch chữ Việt. Khi nghe cụ nói, tôi hối hận vì đã nghi oan cho cụ và khâm phục sự sốt sắng và tinh thần làm việc không biết mệt mỏi của cụ để giúp đỡ cho mọi người. Sau này có dịp gần gũi cụ nhiều hơn, tôi thấy mỗi lần có ai cần tìm tài liệu gì là cụ giúp ngay, không cần biết người đó thân hay sơ.

Ngoài kiến thức bao quát trên nhiều lãnh vực, tủ sách của cụ cũng rất phong phú với trên 10 ngàn tựa sách đủ thể loại, cho nên khi cần tìm tài liệu gì, người ta hỏi cụ là hầu như sẽ được toại nguyện. Nếu những tài liệu cần tìm không có, cụ lại đến thư viện Berkeley tìm cho. Ngoài việc cung cấp tài liệu cho những người hỏi xin, cụ cũng thường quan tâm đến những môn sinh hoặc thân hữu đang nghiên cứu hoặc viết về một đề tài nào đó, nếu gặp những tài liệu có liên quan đến vấn đề ấy, cụ lại tự động đi kiếm và gửi cho. Cụ cũng đặc biệt chiếu cố đến những tác giả ngoại quốc viết về Việt Nam, thường gửi cho họ những tài liệu bổ túc và khuyên mọi người nên ủng hộ và khuyến kích những tác giả ngoại quốc, vì họ đã quan tâm đến văn hóa Việt Nam. Tánh cụ cẩn thận nên chỉ đem thư đến bưu điện gửi chứ không bỏ trong hộp thư ở nhà. Cụ thường gửi hỏa tốc những tài liệu để thư chóng đến người nhận và chờ tin người nhận gọi lại, báo tin là tài liệu đã đến nơi thì cụ mới yên tâm. Đôi khi vì một lý do gì đó người nhận quên không báo cho cụ, những lúc ấy cụ rất thắc mắc, chỉ sợ thư từ bị lạc, nên thường băn khoăn không biết có nên gửi lại tài liệu đó hay không. Những tài liệu cụ gửi đi đã gói ghém tâm huyết và mồ hôi của cụ!

Cụ không lái xe, lại không muốn phiền ai nên mỗi lần đi đâu, cụ đi bộ hoặc dùng xe buýt. Cụ bị bịnh rỗng xương nên hay đau lưng, đi đứng khó khăn, chỉ đi được khoảng 1 phần 3 dặm là phải nằm nghỉ mệt trên thảm cỏ hoặc bên lề đường. Đôi khi có môn sinh hoặc thân hữu gặp cụ nghỉ mệt bên đường, dừng xe xin đưa cụ đi, nhưng cụ nhất định từ chối vì không muốn làm phiền ai, có khi phải nằn nì mãi cụ mới nhận lời. Những hôm cụ đến thư viện Berkeley mượn sách là cả một vấn đề. Cụ rời nhà từ 8 giờ sáng, đi bộ ra trạm xe buýt để đón xe đi đến trạm xe điện ở Fremont cách nhà cụ khoảng 15 dặm, sau đó lấy xe điện đi đến trường đại học Berkeley. Đoạn đường từ nhà cụ đến Berkeley chỉ khoảng 45 dặm, nhưng cụ phải mất trên 2 tiếng mới đến nơi, sau đó còn phải đi bộ một đoạn xa từ trạm xe đến thư viện nên mỗi khi đi mượn sách, thường đến 6 giờ tối cụ mới về đến nhà. Tuy đi mượn sách cực nhọc và mất thì giờ như vậy, nhưng mỗi khi mượn được quyển sách hay, cụ lại gọi điện thoại “khoe” với tôi và rủ tôi hôm nào tiện thì đi sao chụp chung để giữ làm tài liệu.

Nhiều người đã nói về tính hiếu khách và việc hẹn rất đúng giờ của cụ, vì cụ thường chuẩn bị tiếp đón nửa giờ trước khi hẹn và khi khách đến thì đã thấy cụ ngồi chờ sẵn với bình trà trên bàn, nhưng có một lần tôi chứng kiến sự giữ hẹn đúng giờ rất ngoạn mục của cụ. Hôm ấy có hai người bạn của cụ hẹn đến chơi và rủ tôi đi chung cho vui. Hai cụ bạn xin đến thăm cụ lúc 2 giờ chiều vì các cụ muốn tránh giờ kẹt xe, nhưng cụ nói là có việc bận và xin hẹn gặp lúc 2 giờ rưỡi. Chúng tôi đến lúc 2 giờ 15 thì cụ không có nhà, anh Châu – người con rể – ra mở cửa mời chúng tôi vào. Anh Châu nói rằng không biết cụ đi đâu từ sáng, nhưng nếu có hẹn thì cụ sẽ về và mời chúng tôi uống nước ngồi chờ cụ. Quả nhiên đúng 2 giờ rưỡi cụ mở cửa bước vào, quẳng cái túi xách trên ghế, nhìn đồng hồ và nói: “Đúng 2 giờ rưỡi! Tôi phải cố đi thật nhanh từ trạm xe buýt về đây, phải nghỉ mệt mất hai lần đấy! May mà về đúng giờ, chỉ sợ các ông phải ngồi chờ. Hôm nay có tí việc, tôi phải đi ra ngoài”. Một cụ bạn của cụ quay sang nói nhỏ với tôi: “Kinh thật! Gần trăm tuổi rồi mà còn giữ được đúng hẹn như thế, cậu trông đấy mà làm gương”.

Tôi với cụ thường đi ăn trưa với nhau và thay phiên trả tiền. Đi ăn chung với cụ là một điều may mắn vì tôi học hỏi được rất nhiều khi chuyện trò với cụ trong những buổi ăn đó, nên có một lần tôi nghĩ ra phương pháp giành phần trả tiền bằng cách ăn nhanh và hỏi nhiều chuyện để cụ ăn chậm. Tôi ăn xong trước, trả tiền và làm được ba lần như thế, thấy cụ không nói gì nên tôi yên tâm vì cụ đã chấp nhận hảo ý của mình, nhưng đến lần thứ tư, trước khi đi ăn cụ nói với tôi: “Hôm nay đi ăn tôi giả tiền. Anh đã giả ba lần rồi, tôi nợ anh ba lần ăn, tôi nhớ rõ lắm”. Thế là tôi phải để cụ trả ba lần kế tiếp, đến lần thứ tư, trước khi đi ăn tôi nhắc với cụ là hôm nay đến phiên tôi trả tiền thì cụ nói: “Không được máy móc như thế, hôm nay tôi giả nữa, tôi không thết anh được một bữa ăn à?” Mỗi khi cụ đã có ý định mời ăn thì khó có ai giành phần trả tiền với cụ được, tôi đành “cung kính bất như tuân lệnh” và từ đó về sau, cứ để mọi việc xảy ra tự nhiên, khi nào cụ mời đi ăn thì để cụ trả tiền vì tánh cụ sòng phẳng và không muốn nợ ai. Cứ cách vài hôm, sau khi đi ăn là cụ ghé mua vài ba thanh kẹo chocolate hoặc một cái bánh dầy kẹp giò lụa về làm quà cho... cụ Bà ở nhà. Những thanh kẹo hoặc miếng bánh đó tuy đơn sơ nhưng chứa đầy tình nghĩa vợ chồng “chia ngọt xẻ bùi” với nhau.

Đối với những khách ở xa đến thăm, cụ thường mời họ ra ngoài ăn và lẽ dĩ nhiên phần trả tiền là của cụ. Lúc gần đây cụ bị đau nhiều, không đi ra ngoài được, có những học trò từ xa về thăm, cụ nhờ tôi thay cụ mời họ đi ăn, tốn bao nhiêu cụ sẽ đưa tiền lại. Chúng tôi đi ăn, khi về cụ hỏi tôi ăn hết bao nhiêu để cụ trả. Vì không dám lấy tiền của cụ, tôi nói láo là các ông khách kia đã giành trả tiền rồi, cụ trách tôi là không hiểu việc, khách ở xa đến thăm, họ đã tốn tiền xe và thì giờ, thế mà cũng không mời họ được một bữa ăn.

Vì đã từng sinh hoạt trong lãnh vực báo chí và xuất bản, cụ hiểu nỗi khó khăn của những người làm văn hóa, sách báo in ra rất khó bán vì kén độc giả, nên khi nhận được sách báo biếu, cụ thường gửi trả lại tiền sách nhưng nói khéo là “ủng hộ”, hoặc đặt mua báo năm. Những khi biết được cơ sở văn hóa nào cần giúp đỡ tài chánh, cụ lập tức ủng hộ ngay mặc dù đôi khi cụ cũng gặp khó khăn vì tốn nhiều tiền cho những sách sao chụp và tiền cước phí khi phải gửi tài liệu cho nhiều người trong một tháng.

Cụ có rất nhiều học trò nay đã thành danh trong xã hội. Những môn sinh của cụ tuy có những công việc chuyên môn riêng, nhưng họ cũng là những chiến sĩ Văn Hóa đã và đang cùng cụ âm thầm chiến đấu trên trường văn trận bút cho một nước Việt tự do với niềm tự hào của một dân tộc có văn hiến. Khi thì cụ giúp thêm những tài liệu về lãnh thổ, lãnh hải nước nhà để họ đưa ra ánh sáng những chủ quyền của ta về biên giới, lúc thì cụ gửi những bản Nôm cổ để họ có thêm tài liệu chứng minh là tiếng Việt cũng có một sắc thái độc lập riêng biệt. Những tài liệu về lịch sử, địa danh, phong tục, thi cử, văn học... cũng được cụ tự tay sao chụp và gửi đi để họ có thêm dữ kiện viết bài. Cụ thường xuyên gọi điện thoại hỏi thăm, nhắc nhở và khuyến khích họ như một vị thầy giáo của họ trên 4, 5 chục năm về trước. Thấy tôi thích tìm hiểu về văn học Việt Nam, cụ khuyến khích và hoạch định cho tôi một chương trình để làm việc với cụ. Có những lúc vì bận việc làm ở sở nên tôi xao lãng không đến gặp cụ, thì cụ lại gọi điện thoại nhắc nhở và nói rằng cụ chẳng sống được bao lâu nữa, phải cố gắng lên. Với một bầu nhiệt huyết và lòng thương học trò như vậy, cụ đã được học trò quý mến và thương yêu như một người cha. Tôi đã chứng kiến nhiều chuyện cảm động của học trò đối với cụ. Hôm Ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện ra mắt sách tại San Jose, cụ đến tham dự, thi sĩ đang ký tên tặng sách, thấy cụ đến, vội vàng bỏ bút xuống đứng lên đỡ cụ vào hội trường và ngồi bên thăm hỏi cụ, quên cả việc chính của mình là phải... ký tặng sách cho độc giả. Khi cụ đến tham dự những buổi sinh hoạt văn hóa hoặc ra mắt sách, các học trò của cụ – những người tuổi đã trên lục, thất tuần – quây quần bên cụ để chào hỏi và vui mừng khi thấy cụ còn mạnh khỏe. Giáo sư Nguyễn Văn Sâm ở Mỹ về Việt Nam nghiên cứu những thư tịch cổ, cũng tạm ngưng công việc để về San Jose tham dự lễ mừng thọ bách niên của cụ rồi lại qua Việt Nam ngay sau buổi lễ để tiếp tục công việc. Khi đến thăm cụ, ông đã quỳ bên giường xoa lưng, bóp tay cho cụ đỡ đau, như một người con chăm sóc cha già. Cụ hỏi thăm công việc ông đang làm và hứa sẽ giúp thêm tài liệu, ông hẹn tháng Sáu này sẽ sang đây thăm và làm việc với cụ. Ngày 24 tháng Giêng vừa qua, sau khi đưa cụ đi chiếu điện (radiation) trị bịnh ra về, cụ chợt nói với tôi: “Không hiểu có kịp đến tháng Sáu này không? Tôi chỉ cần thêm một năm nữa là sẽ làm xong được nhiều việc lắm. Bị đau như thế này chẳng làm được gì cả. Khổ quá!”. Tôi an ủi, nói cụ đừng bi quan thì cụ nói: “Người tôi tôi biết, đau bây giờ khác hơn những lần trước. Đau kinh khủng lắm cơ, ăn ngủ không được.” Tuy cụ bị đau đớn như vậy nhưng không lo đến thân mình mà chỉ sợ thất hứa với học trò!

Trong những năm gần đây, mỗi khi nhận được thiệp mừng sinh nhật, có người chúc cụ theo thói quen “Sống lâu trăm tuổi” thì cụ lại cười và nói: “Họ chỉ chúc cho tôi sống đến 1 trăm tuổi thôi, nếu tôi sống trên 1 trăm tuổi thì lúc ấy chúc như thế nào?”. Khi nghe viện Việt Học dự định tổ chức lễ “Mừng Thọ bách niên” cho cụ, cụ khiêm tốn từ chối vì cho là mình không xứng đáng hưởng sự tuyên dương đó và nói “càng sống lâu càng nhục nhã”. Tôi lấy làm lạ hỏi thì cụ nói: “Anh xem đấy, càng già mình càng thua một đứa bé, muốn làm gì cũng không được, phải nhờ vả đến người khác, nhục lắm. Tôi có nhiều tài liệu quý lắm, định lấy cho anh mượn nhưng tôi để trong hộp trên kệ cao, hôm nào có thì giờ anh đến giúp tôi đem xuống, tôi sẽ soạn cho. Cứ bị đau lưng như thế này, chả làm gì được. Khổ thế!”. Thì ra cụ cảm thấy nhục vì bịnh già càng ngày càng làm hao mòn sức khỏe, đi đứng khó khăn, khiêng nặng không được nên không còn hoạt động như xưa để tìm tài liệu giúp người! Nghe cụ nói tôi cảm thấy “nhục” lây vì mình còn đầy đủ sức khỏe mà chưa làm được gì cả. Tuy sức khỏe yếu kém nhưng tinh thần cụ rất minh mẫn. Trong thời gian gần đây, cụ bị đau xương bàn tọa, cử động rất khó khăn nên phải nằm một chỗ trên giường nhưng vẫn gọi điện thoại dặn dò, chỉ bảo, hướng dẫn những môn sinh đang nghiên cứu nhiều vấn đề khác nhau. Nhiều khi bị đau lưng, đang nằm nghỉ nhưng chợt nhớ tới một đề tài nào đó, cụ lại lăn người qua kệ sách phía bên giường, hoặc trườn người xuống lục trong những thùng sách trong phòng ngủ để tìm thêm tài liệu giúp môn sinh. Thấy cụ đang bị bịnh nhưng vẫn cố gắng làm việc, tôi lấy làm ái ngại, khuyên cụ tĩnh dưỡng, để khi nào khỏe hẳn rồi hãy tìm sách cho mượn thì cụ nói: “Ô hay! Mình có sách, người ta đang cần, bây giờ không cho mượn thì chờ đến bao giờ?” Những lúc ấy, tôi thấy cụ như một lão tướng đang tả xung hữu đột giữa mặt trận Văn Hóa để gìn giữ những di sản của dân tộc cho thế hệ mai sau.

Nguyễn Tuấn Khanh
26 tháng 1 năm 2007

Võ Trường Toản ở Miền Nam

posted Oct 16, 2009, 2:02 PM by Quốc-Anh Vương

NGUYỄN VĂN SÂM

Kính tặng Thầy, Gs Nguyễn Khắc Kham

Một trăm năm -- con số đẹp,
Thầy tôi một thế kỷ tuổi đời,
Sức khoẻ còn, trí tuệ sáng ngời lóng lánh tinh anh.
Vẫn trả lời cho học trò rất nhanh thắc mắc,
Hay đi lục tìm tài liệu,
Trong đám rừng chữ nghĩa trong nhà, trên kệ, trong phòng
và đầy cả garage.
Thân già bưng lên bưng xuống,
Từng chồng, từng hộp, từng thùng,
Những kiến thức một đời chắt chiu thâu góp.
Không phàn nàn nửa tiếng đau lưng,
Không than thân già mệt nhọc,
Cũng không nói đến chuyện mất thời giờ hay bỏ lở nửa chừng,
Thác rằng không tìm được,
Hỏi và hỏi. Đáp và đáp.
Tháng tháng năm năm
Thân cò lặn lội.

Học trò nhiều, nhiều quá, thế hệ nầy chồng chất thế hệ kia,
Từ những năm bên này vùng xôi đậu học hành chẳng đủ sách đủ bàn,
Từ thế hệ Thăng Long, bây giờ biết bao nhiêu người làm lớn,
Tới những người của Đại Học Văn Khoa phôi thai Pháp mới vừa trao trả
Chẳng chút tiện nghi, thiếu cả thầy, trò.
Đến trường Văn Khoa của Miền Nam cất trên nền khám lớn cũ,
Nơi từng giam cầm những Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh, Hồ Hữu Tường,
Những đại thụ của tư tưởng và hành động Việt Nam.

Thầy rao giảng kiến thức nhân văn đối chọi lại những sai lầm sắt máu của thời đại nạn ngoại thuộc, xâm lăng, áp bức.
Thầy hiền hòa che khuất những bóng roi gân bò và xiềng xích của quá khứ mất tự do,
đi đâu cũng xin phép và mang theo giấy thuế.
Thầy với những chuyện đi tìm tác giả Trinh Thử rất công phu.
Học trò học hoài mà không sao đủ tài năng bắt chước.
Thầy với bài về Hùng Vương Lạc Vương,
Học trò học hoài mà không sao thuộc.
Kiến thức đầy bồ,
Sách vở đầy kho thầy đọc nghe mê mẫn.

Nhưng.....
Dạy học là chuyện nhỏ
Trao truyền kiến thức chất chồng học trò rồi không biết mình đắc thụ của ai
Ra đời rùng mình là quên hết
Đạo làm người là điều tôi học được ở thầy.
Một Võ Trường Toản, hậu bán thế kỷ hai mươi của phương Nam
Nhân nghĩa lễ trí tín,
Cẩn thận, tương kính, thương người.
Không bằng kiến thức mà bằng nhịp đập của con tim hòa trong đời sống

Học trò đến nhà thầy được chăm lo từng chút.
Miếng ăn giấc ngủ. (Ôi cảm động nào bằng!)
Học trò ở xa, thầy gọi điện thoại dặn dò nên làm thế nầy thế nọ.
Cho khỏi dính tiếng thị phi, cho không mắc vòng kiềm tỏa.
Nên mua thuốc A thuốc B.
Trị đau lưng, nhức mỏi...
Tình thương ẩn tàng trong từng lời dặn, nói.
Ân cần,
Nhắc đi nhắc lại.

Trăm tuổi đầu thầy vẫn như con gà mái xoè đôi cánh rộng ra bảo bọc đàn con,
Những người đầu hai thứ tóc, chẳng có một chút máu thịt liên quan.

Tôi vẫn hằng ngày ước ao.
Được nghe tiếng thầy thật lâu mãi về sau,
Qua đường điện thoại.
Nhắc nhở môn sinh đi vào con đường đại đạo.
Sống ra con người bằng chính gương sáng bản thân.
Võ Trường Toản Miền Nam,
Võ Trường Toản Miền Nam,
Tôi xưng tụng nhưng không bao giờ thầy nhận.
Chỉ cười hiền.

Duyên từ tằng tằng kiếp,
Giờ mới hân hạnh làm đệ tử của thầy.
Cám ơn trăm năm đời.
Cám ơn Võ Trường Toản Miền Nam.

Nguyễn Văn Sâm
(Texas, 13-11-2004)

TUYÊN DƯƠNG MỘT NHÀ TRÍ THỨC VIỆT NAM

posted Oct 16, 2009, 1:59 PM by Quốc-Anh Vương   [ updated Oct 16, 2009, 2:01 PM ]

Nhân dịp Lễ Thượng Thượng Thọ (100 năm) của Giáo-sư Nguyễn Khắc Kham, trong tư-cách Viện-trưởng đương-nhiệm Viện Việt Học và với trách-nhiệm tinh-thần của một người trong quá-khứ đã giữ trọng-trách về nền Văn Hóa và Giáo-dục của nước Việt Nam Cộng-Hòa, tôi trân trọng tuyên dương công-đức và sự-nghiệp của Giáo-sư Nguyễn Khắc Kham, tự Lãng Hồ, sinh năm Mậu Thân 1908 tại Hà Nội, Việt Nam.

Trong chốc lát, một nhân-viên của Viện Việt-Học sẽ đọc một bản tóm lược các học-vị, chức-tước trong – ngoài nước và một số công-trình nghiên cứu trước-tác của Giáo sư Nguyễn Khắc Kham. Thực là lớn lao và căn-bản, những đóng góp trong một cuộc đời không lúc nào không vui với sự làm sáng những điểm còn mù-mờ, tối-tăm hay khuyết nghi và thiếu bằng-chứng trong lịch-sử, ngôn-ngữ, văn-tự và văn-học sử của nước nhà cũng như vài nước lân-cận và nước Pháp, nước Mĩ.

Trong một trăm năm vừa qua, nền văn-hóa và văn-minh Việt Nam đã trải qua những cơn giông tố phũ-phàng nhất của lịch sử và đã có những lúc tưởng như bị cuốn đi để chìm vào một dĩ-vãng không đáy, tương đương với sự tử-vong như văn-hóa Lạc-Âu và văn-minh Inca, Aztec. Sau khi vua Hàm Nghi hai lần xuống chiếu Cần-Vương (1885), những cuộc võ trang lớn chống Pháp của Nguyễn Thiện Thuật, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám lần lượt bị tiêu diệt, Đế quốc Pháp đã hoàn toàn khống chế triều-đình bản xứ và khởi sự công-cuộc gọi là “khai hóa”, chủ yếu là xóa bỏ qui-mô nền văn-hóa giáo-dục cổ-truyền của Việt Nam. Thi Hương bị bãi bỏ (1915 và 1917), rồi thi Hội (1919), đồng thời vua Khải Định bị ép phải ra lệnh chấm dứt sự dạy chữ Hán để trong các trường kiểu mới còn lơ-thơ xơ-xác, chữ a b c lên ngôi độc tôn. Bút sắt thay bút lông, các vị túc nho thời ấy phải về làm những ông đồ làng chờ ngày Tết để đi bán chữ. Trẻ nhỏ, của những gia-đình tương-đối đủ ăn, nếu ở gần trường tỉnh, ngày ngày xách cái lọ mực tìm đến nghe tiếng trống trường, sắp hàng vào ngồi sát nhau trên những ghế dài để ê a học đánh vần. Kinh sách của thánh hiền ngày hôm qua, nay chỉ có những con mọt bò vào để gậm nhấm.

Nền tân-học chính thức bắt đầu từ lúc ấy. Một nền học giỏ giọt, hư nhiều hơn thực, ngăn chặn và đào thải từng bước từ sơ học, tiểu học lên, và cắt tay chặt đầu. Sự đàn áp và kìm giữ bởi cả hai chính quyền, thực dân và bản xứ, nhằm vào sự phá hủy mọi nhúc-nhích muốn ra thoát con đường hẹp có hàng rào dẫn đến sự thần phục mẫu-quốc.

Thiếu lãnh đạo, phản-ứng của quốc-dân hoang-mang, rời-rạc. Tất-nhiên cũng có những người đầu hàng nhưng tối đại đa số nép mình, nhịn nhục trong căm hờn và uất-ức, với một vài nhóm người bất khuất, rút vào bóng tối để tính chuyện vá trời. Thâm sâu hơn những sự-kiện nói ấy mà ai cũng thấy, là sự khởi phát hay thái-độ phản-kháng xây dựng trường kì mà triết-học đã làm sáng tỏ.

Hegel viết, trong Hiện-tượng học Tinh-thần (Phénoménologie de l’Esprit), rằng khi một nhóm người bị dìm vào đời sống nô lệ, đầy ải, nhục nhằn, sống cũng như chết, thì âm-thầm họ tìm cách để chống lại và thoát ra ngoài vòng. Sự sáng-tạo là lẽ sống của người nô-lệ và sẽ có một ngày họ làm ra lịch-sử. Triết-gia Kojeve đã giảng Hegel như thế trong những năm trước Thế chiến thứ Hai.

Sau Thế chiến thứ Nhất, Oswald Spengler, trong cuốn Sự suy-tàn của Tây-phương (Le Déclin de l’Occident) nêu lên giả-thuyết của một quá-trình giả-biến-hình lịch-sử (pseudo morphoise historique) trong đó một khu-vực văn-hóa lớn bị chinh phục và bị ép phải đồng hóa với kẻ chiến thắng, nhưng chỉ “hóa” ở bề mặt và chờ thời-cơ để vùng dậy, biến thể thành một văn-minh khác là tổng-hợp của hai nền văn-minh trong một ý-thức mới. Mặc dầu thuyết Spengler bị C. Dawson và A. I. Toynbee nghi ngờ trong sự thoát thai của văn-minh Ma-giáo (Mage, Magian, tức Tiền-Arap) từ văn-minh Hellen (Hellenisme) sau sự chinh-phục của Alexander Đại-Đế, nhưng tôi nhận tư-tưởng thâm-sâu này của Spengler trong đại cương để giảng giải sự phát khởi của văn-minh Việt Nam từ những di-sản của Lạc Âu sau mười thế-kỉ sống chui dưới cái bóng khổng-lồ của Hán-Ngô-Đường-Tống.

Trong gần một thế-kỉ Pháp-thuộc từ 1863 đến 1954, giới trẻ Việt Nam không ai bảo ai, đã lăn mình vào trong hai công-việc ấy: Học để giả biến hình, và suy tư sáng tạo mà mưu đồ sự phục hưng và tái sinh cho dân tộc. Những người đầu tiên, Cụ Nguyễn Khắc Kham thuộc thế-hệ ấy, cùng với những người như các Cụ Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn, theo Tây-học sau khi đã được khai tâm vào nền Cổ-học, đã lợi dụng tất cả những kẽ hở nhỏ hẹp mà chế độ bảo-hộ còn để lại như những lỗ van an-ninh, để phá cái kế-hoạch làm rỗng cái tâm của dân-tộc Việt-Nam. Song song với phong-trào Đông Du và Duy Tân, nối tiếp tinh-thần Đông Kinh Nghĩa Thục, các Cụ xâm nhập nền học-chính bảo-hộ, mở trường tư, dạy học, làm báo, lập hội. Hội Khai Trí Tiến Đức ở bờ Hồ Hoàn Kiếm, không phải chỉ như Viện Hàn-lâm Pháp-quốc soạn-thảo một bộ Việt Nam Tự Điển cho văn học Việt Nam, còn nhằm vào việc phát huy quốc hồn quốc túy, một việc thiên nan vạn nan trong những năm đầu của thập niên 30, khi mười ba cái đầu của những nhà đại-ái-quốc của Việt Nam Quốc Dân Đảng mới bị rụng xuống bởi chính cái máy chém đã đưa Cách Mệnh Pháp lên đến độ cao nhất. Một con én chỉ là một dấu-hiệu rằng mùa xuân lại đã bắt đầu, tiếng con chim quyên chỉ là để báo rằng trời đất đã vào hè; bọn trẻ chúng tôi thời ấy (tôi mới lên bảy khi được trông thấy ảnh của mười ba cái đầu dán ở các cột đèn), mỗi người chúng tôi đi tìm học cho hết những gì một người có thể học được ở thế-giới bên ngoài với cái nguyện-vọng và cái ý chí là cứu nước cứu dân vì biết rằng không cần phải chiêu hồn nước, hồn nước vẫn còn, ở trong tâm của mỗi người Việt Nam, và trước hết trong những người đã từ bỏ cái lốt của giới SĨ của Thời xưa, để thành những nhà TRÍ-THỨC của đời nay. Cụ Nguyễn Khắc Kham là một trong những người ấy.

Hôm nay, nhân danh Viện Việt Học, tôi tuyên dương công đức và sự-nghiệp của Giáo sư Nguyễn Khắc Kham và vinh danh những người cùng thời với Cụ, đã hết lòng hết sức giữ được cái truyền-thống của hơn bốn nghìn năm lịch-sử Việt Nam. Sự tiến-bộ không có truyền-thống chỉ là sự theo đuôi ngoại-bang. Truyền thống là nền móng của văn hóa. Truyền-thống là sự bất-tử của quốc-gia. Truyền-thống là đất, là nước để cho sự sáng-tạo nẩy mầm và nở hoa.

TRẦN NGỌC NINH
Viện trưởng Viện Việt-Học

VĂN TẾ GIÁO SƯ NGUYỄN KHẮC KHAM

posted Oct 16, 2009, 1:45 PM by Quốc-Anh Vương

Đọc trước linh cữu Thầy Nguyễn Khắc Kham,
ngày 14/03/2007, quàn tại Garden Chapel, San Jose, CA.

Lê Văn Đặng

Kính thưa Thầy, thưa Thầy
Là môn sinh mới nhứt
Thầy thương dạy quá nhiều
Khéo dặn dò lắm việc
Nào Phật Học, Văn Học
Chữ Nôm cùng chữ Hán
Cho lớp trẻ sau này.
Xin thưa lại với Thầy
Ít việc đã làm xong
Nhiều việc còn dang dở
Đặng Thế Kiệt khởi thảo
Bản điện toán Hán Việt
Tự Điển của Thiều Chửu
Nguyễn Hữu Vinh hợp biên
Lê Văn Đặng dự phần
Lại thêm Nguyễn Doãn Vượng.
Về Tự Điển Chữ Nôm
Trích dẫn trong Văn Nôm
Đặng Đỗ Nguyễn Trần Lê
Đã nhiều năm kỳ mài
Qua được nửa đoạn đường
Nay lo in thành sách.
Thầy cũng có giao phó
Giúp Tiến Sĩ Richard
Hoàn thành sách Phật Giáo
Có phần liên quan tới
Phật học của nước ta
Cụ Richard A Gard
Tuy tuổi ngoài chín mươi
Làm việc rất nghiêm túc
Thảo hơn tám trăm trang
Còn soạn thêm chương nữa
Cụ có cho Viện ta
Quyền sử dụng sách này
Sau khi Cụ theo Thầy
Về thế giới Cực Lạc.

Khi làm Monographs
Toàn bài vở Viện ta
Thầy e ngại người đọc
Trách chúng ta vị kỷ
Thầy gởi sách Quảng Hàm
Dặn dịch ra Việt Ngữ
Việc này đã trình làng
Trong Việt-Học Thư Quán.
Thầy còn có dặn thêm
Về hai nhà Nôm học
Văn Hựu, Trần Kinh Hoà
Cũng phải lo cho đủ
Vì phải thêm chữ Nôm
Lấy mã Unicode
Mới làm được bản in.
Dự án Chinh Phụ Ngâm
Đã hoàn tất mỹ mãn
Hán Nôm Việt Anh Pháp
Lại thêm bản chữ Nhựt
Theo khuyến cáo của Thầy
Đức Kính đã xin phép
Được phổ biến rộng rãi
Trong Việt-Học Thư Quán.
Kể từ năm Bính Tuất
Lớp Hàm Thụ Online
Chữ Hán Bằng Kinh Phật
Thêm Giới Thiệu Chữ Nôm
Các cấp 1, 2, 3
Văn Học Nôm tạm đủ.
Kính trình trước linh sàng
Đại Sĩ Nguyễn Khắc Kham
Trọn Trăm Năm Trụ Thế
Chư Thánh Chúng tiếp dẫn
Người trở về nguyên vị.
Nam Mô Đức Bổn Sư
Nam Mô Di Đà Phật.

Lê Văn Đặng

VĂN TẾ THẦY: VÔ UÝ, VÔ ƯU, VÔ CẦU

posted Oct 16, 2009, 1:43 PM by Quốc-Anh Vương

Đọc trước vong linh Thầy Nguyễn Khắc Kham
Ngày 15/03/2007

Nguyễn Văn Sâm

Thưa Thầy:
Chúng con linh cảm chúng ta sẽ có ngày chia tay
Thật gần!
Khi nhìn Thầy yếu đuối ở tuổi một trăm
Ngồi thụt sâu vào trong ghế dựa
Mắt mơ hồ nhìn vào đám môn sinh
Thầy không còn nhận ra được những người thân quen lâu ngày mới gặp
Trí nhớ về đời thường theo thời gian đã trở nên suy tệ…
Nhưng
Trí nhớ về những chuyện làm văn hóa văn chương vẫn chất ngất trong đầu
Thầy dạy:
Nên viết quyển Văn Học Sử Việt Nam, nhấn mạnh trên thời Chữ Quốc Ngữ, chú trọng những tác phẩm Nôm: lớp trẻ đang rất cần.
Thầy dạy:
Nên soạn lại quyển Tự Điển Tiếng Việt để phù hợp với thời đại mới, thí dụ mới và chữ mới.
Thầy dạy:
Nên gấp rút hoàn thành quyển Tự Điển Chữ Nôm để giữ gìn sắc màu văn hóa Việt.
Thầy dạy:
Nên nghiên cứu những tài liệu xưa để nâng cao kiến thức ngày nay vì kiến thức không bao giờ giới hạn.
‘Tôi già rồi, không ngại thời gian thách thức, chỉ ngại không thấy được công trình hoàn tất của các anh.’
Chúng con bội phục cái tâm Vô Úy của Thầy:
Ung dung tự tại trước cuộc sống vô thường, chẳng sợ rằng mình sẽ đi xa…..
Chỉ sợ sự rao truyền văn hóa của mình không còn cơ hội.
Một ngày cách đây hai tháng:
Thầy còn cười rất vui khi thấy học trò đến thăm.
Thú vị nhắc lại những chuyện đời xưa cũ.
Thầy còn ngồi ăn với chúng con, một chút cháo, một chút phở,
Dầu rất ít….
Bây giờ Thầy đã giũ áo ra đi
Biền biệt cánh hồng bay bổng.
Bỏ lại nhân gian với bộn bề phiền muộn, âu lo, tranh giành và bất trắc.
Trở về cõi Vô Ưu như khi thầy còn tại thế.
Trong miên viễn thời gian, trong bạt ngàn thế sự
Thầy đã đánh dấu sự có mặt của mình
Bằng tấm lòng Minh Triết
Gia tài của Thầy là những vấn đề lớn của học thuật văn chương.
Chúng con biết:
Có những giọt nước mắt
Rớt xuống hôm nay trong tang lễ của Thầy
Của người thân, môn sinh, bằng hữu
Và cả những ai chưa từng gặp mặt bao giờ.
Nhưng hương linh Thầy phơi phới tới chín từng sao thăm thẳm
Mỉm cười, nhẹ nhàng thanh thản.
Chúng con,
Những người ở lại:
Biết chắc rằng tinh thần Chu Văn An, Đồ Chiểu, Trương Vĩnh Ký… nơi Thầy
Vẫn phưởng phất như còn tại nhân thế hổn mang.
Cái Tâm Vô Cầu của Thầy sẽ kéo dài vô tận
Vì Thầy là một tấm gương,
Đem đời mình xây dựng nền văn hóa Việt.

Xin thầy yên nghỉ
Chúng con xin gạt lệ chia tay.

Nguyễn Văn Sâm
(học trò Chứng chỉ Văn Chương Quốc Âm 1961-1962)
Và những môn sinh ở xa…Tâm, Tòng

1-10 of 11