Viết về Lãng Hồ

posted Oct 16, 2009, 2:09 PM by Quốc-Anh Vương
Sổ tay văn nghệ cuối tuần của Nhật Thịnh: Sep 10, 2004

Hai giờ đồng xe nối liền hai thành phố Sacramento và San Jose trên tuyến đường dài heo hút vượt qua những xa lộ 5, 580, 680 sáng ngày 30.8.2004 để tìm gặp trở lại nhà mô phạm uyên bác mà khiêm cung, trọng tín nghĩa, một học giả học rộng biết nhiều nay tuổi đời đã ngót một thế kỷ, cụ Nguyễn Khắc Kham bút hiệu Lãng Hồ, phong cách còn chững chạc, khơi gợi những liên tưởng đến từ nhiều phía từ những ngày nào, khi cụ chưa qua Nhật Bản tiếp nối công việc theo đuổi. Ngoài việc giảng dạy tại Trường Đại học Văn Khoa cụ còn đứng hiệu trưởng Trường Tư thục Văn Hóa trông xế Hỏa Lò, có những sáng cụ không dùng xích lô mà thả bộ tới trường, dường như muốn tập thể dục một thể, ung dung đi đứng trong bộ đồ lớn màu trắng, đầu đội mũ phớt, tay xách cặp da, dáng vẻ phong nhã, dáng chiều suy tư như đang suy nghĩ một đề tài nào dang dở cho một bài báo. Hình ảnh này nhà thơ Trần Hồng Châu tức giáo sư Nguyễn Khắc Hoặch, tốt nghiệp Tiến sĩ Văn chương Trường Đại học Sorbonne Paris năm 1955, giáo sư trường Đại học Văn Khoa Sàigòn trước năm 1975, và Southern Illinois University, Hoa Kỳ, cũng đã ghi nhớ hình ảnh tương tự này vào năm 1943 tại Hà Nội - ông mới thi đỗ Tú Tài Triết học - khi từ trên gác một ngôi nhà nhìn xuống đường thấy cụ khi đó dạy Pháp văn cho trường Văn Lang dạo phố cùng Ngô Duy Cầu được coi như vua toán của các tư thục thời đó, vầng trán rộng và dáng đi thong thả.

Cụ sinh ngày 23.12.1910, thực cụ sinh năm Mậu Thân dương lịch là 1908 thay vì năm Canh Tuất 1910 tại Hà Nội. Cụ tổ tam đại gốc họ Nguyễn Doãn, sinh quán xã An Điềm, huyện Thiện Lộc, phủ Đức Quang, tỉnh Nghệ An. Cụ du học Pháp tốt nghiệp Cử nhân Văn khoa (Licence ès Lettres) tại Đại học Sorbonne năm 1934 và Cử nhân Luật khoa (Licence en Droit) tại Đại học Luật khoa, Paris năm 1934. Cụ trở về nước và trong suốt khoảng thời gian dài của những năm từ năm 1937 đến năm 1954 hầu như dành trọn vẹn cho lãnh vực giáo dục và văn học tại Hà Nội. Cụ lần lượt đứng trên bục giảng tại các trường Thăng Long, Hoài Đức, Chu Văn An, tại đây được coi như người được ủy nhiệm dạy Triết học bằng tiếng mẹ đẻ đầu tiên trong chương trình Việt ngữ Hoàng Xuân Hãn. Tưởng cần biết tại trường Chu Văn An niên khóa 1944-1945 cụ Nguyễn Gia Tường làm Hiệu trưởng và niên khóa 1945-1946 là cụ Dương Quảng Hàm thay thế. Năm 1946 cụ tản cư đi Việt Bắc năm 1952 trở về được mời dạy tại Đại học Văn Khoa Hà Nội, cụ Ngô Thúc Địch làm Khoa trưởng, kiêm Hiệu trưởng trường Trung học Tư thục Minh Tân và Văn Hóa. Năm 1954 cụ di cư vào Sàigòn tiếp tục giảng dạy tại trường Đại học Văn Khoa Sàigòn, Huế, Trường Cao đẳng Sư phạm sau đổi thành đại học Sư Phạm, các trường Trung học Công lập Pétrus Ký, Chu Văn An, Trưởng ban Ngôn ngữ - Văn tự Trường Đại học Văn Khoa Sàigòn, 1961-1967, Giáo sư biệt thỉnh, 9.1967, sau vinh thăng Giáo sư thực thụ (Kyakuin Kyoju), 1971 Đại học Ngoại ngữ Tokyo, Nhật Bản, Giảng sư Việt ngữ Viện Ngoại ngữ Bộ Ngoại Giao Nhật, Thư Viện Quốc hội Nhật Bản.

Thời gian lưu trú giảng dạy tại Nhật Bản cụ đã tham dự nhiều sinh hoạt tại đây: Nghiên cứu viên của Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Đông Á thuộc Đông Dương Văn Khố (Tokyo Bunko) Tokyo, 1968-1975, Tham dự Hội nghị Quốc tế các nhà Đông phương học tại Nhật Bản (International Conference of Orientalists in Japan) do Toho Gakkai (Đông Phương Học hội - The Institute of Eastern Culture) tổ chức hàng năm, 1969-1973, Hội viên của Tonan Ajiya Shigakkai (Tổ chức Nghiên cứu về Lịch sử Đông Nam Á - Japan Society for Southeast Asia History) ở Tokyo, 1969-1974, Tham dự Ban Nghiên cứu về Hệ thống giá trị tại Đông Nam Á của Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Á châu thuộc Đại học Ngoại ngữ Tokyo, 1969-1974. Trong lãnh vực văn hóa cụ là hội viên Ban Văn Học Hội Khai Trí Tiến Đức Hà Nội, Hội trưởng ông Hoàng Huân Trung và Phó Hội trưởng ông Trần Trọng Kim, phụ trách hiệu đính và bổ túc bộ Việt Nam Tự Điển do Hội ấn hành từ năm 1931, viết cho các báo L’Annam Nouveau, La Patrie Annamite, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Trung Bắc Tân Văn - tức tờ nhật báo do chính thân phụ cụ là nhà báo kỳ cựu Nguyễn Văn Luận làm chủ nhiệm sau khi được Nguyễn Văn Vĩnh thành lập, trao lại bởi không có năng khiếu quản lý nên tờ báo sống chơi vơi - Trung Bắc Chủ Nhật - do cụ và Nguyễn Doãn Vượng khét tiếng trong làng báo khi ấy cùng điều khiển - và đứng tên Chủ nhiệm Báo Mới.

Kể từ năm 1956 cụ tham gia chính quyền, làm Chánh sự vụ xử lý Giám đốc Viện Khảo Cổ, 16.2.1956, Giám đốc Nha Văn Hóa kiêm Tổng Thư Ký Ủy Hội Quốc Gia UNESCO, 12.6.1957-7.1962, Nhân viên Phái đoàn Việt Nam tham dự Đại hội UNESCO lần thứ 10 tại Paris, Pháp, 1.1.1958, Chủ nhiệm Văn Hóa Nguyệt san và Văn Hóa Tùng thư của Bộ Quốc Gia Giáo Dục, Thái Văn Kiểm làm Chủ bút, có sự cộng tác của nhiều vị túc nho và nhà tân học có uy tín, 1958-1962, 1966-1967, Giám đốc Sở Tu Thư, Dịch Thuật và Ấn Loát, 1959-1960, Chủ nhiệm Kỷ yếu UNESCO Việt Nam, 1961-7.1962, Giám đốc Nha Văn khố và Thư viện Quốc gia, 7.1962-9.1967, kiêm Xử lý Giám đốc Nha Văn Hóa và Tổng Thư ký Ủy hội Quốc gia UNESCO, 9.1965-4.1967.

Cụ tham dự nhiều hội nghị quốc tế: Trưởng phái đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị các Ủy hội Quốc gia UNESCO vùng Đông Nam Á tại Manilla, Phi Luật Tân, 1.1960, Trưởng phái đoàn Việt Nam tham dư Hội nghị Việt Nam, Cao Mên, Lào, Thái Lan về dung cụ giáo khoa, kiêm Hội viên Ủy ban phụ trách duyệt xét bản dịch Bộ Khâm Định Việt sử Thông giám Cương mục, Viện Khảo Cổ, 3.1960, Đại diện Việt Nam tham dự Ủy ban Báo cáo (Comité des Rapports) Hội Nghị UNESCO lần thứ 21, được đề cử Phó Chủ tịch Ủy ban, 7.11.1960, Tham dự Hội Nghị UNESCO lần thứ 21, 15.12.1960, Thành viên Ban Tổ chức cuộc Triển lãm Mỹ thuật và Cổ vật Việt Nam tại Hoa Kỳ (Exhibition of Art and Atchaeology of Vietnam in USA) 1961, Tham dự Hội nghị Khảo cứu Đông phương học tại New Delhi, Ấn Độ, 1.1964, Tham dự Hội nghị UNESCO về Thư viện Quốc gia vùng Đông Nam Á tại Manilla, Phi Luật Tân, 2.1964, Tham dự Khóa Hội thảo về Sự Hấp thụ Văn hóa Tây phương ở Á châu tại Tokyo, Nhật Bản, 3-8.10.1966, Tham dự Hội nghị UNESCO lần thứ 14, 10 & 11.1966, Nghiên cứu viên biệt thỉnh tại Ostasiatishes Seminar, Frankfurt arn Main (Francfort) Cộng hòa Liên bang Tây Đức (West Germany).

Sau biến cố 30.4.1975 cụ di chuyển sang Pháp trong hai năm 1976-1977, năm 1977 chuyển qua Hoa Kỳ, thoạt đầu ở Oakland sau dời về San Jose, California, nhập tịch Hoa Kỳ năm 1984. Tại Hoa Kỳ cụ từng là Nghiên cứu viên tại Trung tâm Nam Á và Đông Nam Á tại U.C Berkely, 1982-2.1991, Hội viên Hội Independent Scholars of Asia tại UC Berkely, California, Cố vấn Thư mục Viện Việt Học tại Nam California, 1999 nay bởi tình trạng thể lực cụ mới ngưng.

Điều này cho thấy cụ đã có một sự nghiệp đồ sộ, ngoài tư cách một giáo sư các tư thục nổi danh của thập niên ba mươi, bốn mươi, một nhà mô phạm đúng nghĩa của nó, tận tụy đào tạo được nhiều thế hệ trẻ trong và ngoài nước và nhiều người đã thành đạt, điển hình người ta thấy có cố giáo sư Nguyễn Đình Hòa, môn đệ của cụ đã chiếm được học vị Tiến sĩ ngôn ngữ học tại Hoa Kỳ, hành nghề ngay tại địa phương từng đặt bước chân du học. Sau giáo sư Nguyễn Đình Hòa với tư cách một cựu đồng nghiệp, một cựu môn đệ của cụ tại Viện Đại học Sàigòn cùng một số đồng môn ấn hành một tuyển tập để khánh chúc cụ nhân dịp cụ 85 tuổi. Đó là truyền thống của các Viện đại học Âu Mỹ, các đồng nghiệp và môn sinh thường xuất bản một tập luận văn (festschrift) dành cho các giáo sư nào đạt những số tuổi 60, 65, 70 hay cao hơn, trong đó mỗi người đóng góp một bài khảo luận hay một bài nhận xét về vị được vinh dự đó. Không những vậy cụ đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong và ngoài nước, đại diện cho Việt Nam trong nhiều hội nghị quan trọng trên trường quốc tế về văn hóa và giáo dục. Trên báo chí cụ được thừa kế truyền thống giai đoạn có thể coi như là khai sơn phá thạch của ngành thông tin, đóng góp rất nhiều bài biên khảo có giá trị về văn học, ngôn ngữ, lịch sử...bằng các ngôn ngữ mẹ đẻ, Pháp, Anh, Nhật ngữ...mà ngày nay người ta lục tìm thấy trong bảng kê các trước tác dài dằng dặc của cụ do các ông Nguyễn Hùng Cường đã qua đời tại Hoa Kỳ, Vũ Lục Thủy, Trương Hữu Lương và Phạm Trọng Lệ là những nhà thư viện học, thư tịch học kỳ cựu sưu tầm. Ngay thư viện riêng của cụ cũng tràn ngập những sách quý bằng mọi thứ tiếng Việt, Hán, Nôm, Nhật, Pháp, Anh, Đức..., một số báo xa xưa bằng tiếng Việt hay tiếng Pháp còn tồ trữ, có thứ đã ngả màu vàng, hơi khó đọc. Cụ chinh phục được sự kính trọng của mọi người không chỉ bởi tài năng, còn phát xuất từ đức độ. Giáo sư Nguyễn Khắc Hoặch coi cụ tựa “puits de science” (“giếng” kiến thức) đã nhận định về cụ: “Con người trán rộng, mắt sâu, với một thân hình nhỏ bé, mảnh mai tưởng như nghiêng ngửa vì mang nặng cả một kho tàng kiến thức, con người đó lại chính là hiện thân của nhũn nhặn và khiêm cung. Tác phong đích thực của học giả, của người tri thức...Ở nơi chốn thân mật bạn bè, cũng như nơi công vụ thù tạc, Lãng Hồ đã cư xử đúng như truyền thống Nho gia, lấy chữ Lễ làm trọng, sẵn sàng nhường người đối thoại, luôn luôn gây hòa khí nhịp nhàng. Từ những cử chỉ nhỏ, trao đổi tài liệu, nâng niu một pho sách cổ, sửa áo nghiêng mình trước một hậu sinh. Từ những lời nói, cách xưng hô luôn luôn trang trọng, lễ độ mặc dù ngôn từ có lúc phảng phất mùi hoa xưa cũ. Từ những buổi bàn thảo, hội luận trang nghiêm về văn hóa: nghi vấn khoa học, đính chính, tồn nghi, biện luận, thuyết phục. Sôi nổi nhưng luôn luôn độ lượng, thân kính, luôn luôn nhũn nhặn, khiêm cung, cái nhũn nhặn đưa tới rất nhiều ưu tư. Ưu tư vì ý thức được là vấn đề tiếp cận rất phức tạp, vì sở học mình có hạn, vì không ai dám nói là đã nắm được sự thực. Ưu tư vì khoan dung và tôn trọng người đối thoại. Lãng Hồ là hiện thân của phong thái đó...Lãng Hồ là điển hình một mẫu người càng ngày càng hiếm có trong thời đại chúng ta, thời đại của kiến thức chuyên môn, cục bộ, của sự thiếu vắng lễ độ, thiếu vắng khiêm nhường và khoan dung trong nhiều địa hạt.”

Nhiều thế hệ sau, môn sinh của cụ nơi môi trường này hay môi trường khác không ngưng những đường điện thoại viễn liên gọi về san Jose thăm viếng cụ thường vào mỗi cuối tuần, gần thì xin một giờ hẹn để lui tới, hễ nhấn chuông đã thấy cụ quần áo chỉnh tề ra mở cửa, cụ luôn luôn ngồi chờ trước cho dù là những môn đệ của cụ, mọi việc được cụ phân chia theo thời khóa biểu rất khoa học và nhịp nhàng, uyển chuyển, giờ nào dành cho điện thoại liên lạc các nơi, giờ đọc sách, giờ ra ngoài tìm kiếm sách vở, báo chí, sao chụp tài liệu, cho nên không ai ngạc nhiên khi thấy cụ đi đâu đều xách theo một cái túi. Ngồi chưa nóng chỗ phu nhân cụ đã bưng khay trà ra mời khách, nhưng ít tháng nay công việc này đã được trao cho vợ chồng cô con gái, bởi cụ bà không còn được khỏe mạnh muốn trở về Nhật Bản quê hương mình để tĩnh dưỡng. Truyện kể đã có những môn sinh cụ tới thăm cụ đúng vào dịp Tết Trung Thu đã được thưởng thức từ nơi cụ bánh nướng và nước trà Tàu, không khỏi cảm thấy lỗi đạo với bậc thầy khả kính, bởi tới Tết mà không có gì đem theo chúc Tết thầy kiểu mùa nào thức đó như xưa kia. Thật sự cụ ít nhận quà cáp của ai và một khi nể nang phải nhận, cụ lại tìm mua ngay món khác để đáp lễ, người ta thấy một nét thật đặc trung trong văn hóa dân tộc. Những lúc trà đạo như thế cụ vui vẻ tiếp chuyện, giải đáp hết mọi thắc mắc từ chuyện văn học, lịch sử đến chuyện đời, chuyện xã hội.

Cụ tuy đã vượt khỏi cái tuổi cổ lai hi, nhưng trí não còn trẻ trung, minh mẫn và cấp tiến, cái kho tàng kiến thức đó rất hiếm quí cho ngành Việt học tại hải ngoại mà nhiều người ở thế hệ cụ đã lần hồi mai một, điều đó đủ để cụ được tôn kính, chưa nói tới cái cung cách nhân bản của con người Đông phương nơi cụ, thể hiện đơn giản nơi tiễn khách ra về, cụ và phu nhân ra tận cửa, chân tình từ giã khách, hai tay chắp lại, lưng hơi khom về phía trước, một hình ảnh đẹp trên khối dày kiến thức, quí phái in đậm trong tâm trí thế hệ sau.

NHẬT THỊNH
(Source: http://www.calitoday.com/news/)
Comments