LỜI THƯA CÙNG THẦY NGUYỄN KHẮC KHAM

posted Oct 16, 2009, 2:10 PM by Quốc-Anh Vương   [ updated Oct 22, 2015, 8:50 AM by Chí-Thông Nguyễn ]
Đào Đức Chương

Con được Cụ Hà Thượng Nhân gọi điện thoại và Giáo Sư Trần Anh Tuấn email báo tin Thầy Nguyễn Khắc Kham từ trần vào khoảng 3 giờ chiều thứ năm ngày 8 tháng 3 năm 2007 tại tư gia, trong giấc ngủ trưa. Nghe tin buồn đột ngột quá, con như nguời hụt hẫng, vì có nhiều việc chưa kịp thưa trình thì Thầy đã vĩnh viễn ra đi.

Kính thưa Thầy,

Việc thứ nhất, Bộ sách Việt Nam: Văn Hóa và Môi Trường mà Thầy băn khoăn lo lắng không biết sẽ đi về đâu. Thưa thầy chậm thì có, nhưng tiến trình thành tựu chắc chắn và tốt đẹp. Con đã gặp ông Nguyễn Hùng Tâm và Ban Điều Hành nhà xuất bản Khai Trí, thương lượng về việc giá cả, tác quyền, xuất bản và phát hành bộ sách ấy. Ông Nguyễn Hùng Tâm, đại diện cho Nhà Xuất Bản đã liên lạc trực tiếp với GS Thái Công Tụng, đại diện Ban Chủ Biên, hai bên thỏa thuận đi đến một hợp đồng. Ngày 9 tháng 3 năm 2007, GS Thái Công Tụng báo cho con biết để liên lạc với Nhà Xuất Bản, trong Email có đoạn: “Và tôi mới gửi hôm qua sách camera ready copy, 840 trang, chưa kể hình, cho ông Nguyễn Hùng Tâm.” Hỡi ôi! tin đến sau một ngày Thầy mất, con chỉ còn biết thưa trình và dâng Bản Mục Lục lên Thầy trước linh cửu trong ngày di quan (15- 3- 2007).

Việc thứ hai, Đặc san Bình Định Bắc Cali kể từ số ra năm 2005 được hân hạnh đăng loạt bài Hoàng Sa và Trường Sa: Lãnh thổ Việt Nam của Thầy ký tên Lãng Hồ Nguyễn Khắc Kham. Ban Biên Tập dự định đăng trong 5 số liên tiếp, nhưng mới được 3 kỳ thì Thầy đã từ trần. Lần phát hành năm 2007, ngày chúng con nhận sách từ nhà in thì cũng là thời điểm Thầy ra đi, chưa kịp thấy bài báo. Chúng con tiếp tục đăng 2 kỳ nữa cho hết bài và kể từ Đặc san 2008, xin phép được ghi tên Thầy trong mục Tri Ân Các Cộng Tác Viên Quá Cố.

Việc thứ ba, bộ môn Văn Học Miền Trung mà thầy ước ao thành lập, con đã và đang sưu tầm các tác gia và tác phẩm. Anh Nguyễn Minh Lân hẹn là sẽ lên San Jose, chúng con đến trình lên Thầy về công trình sưu tập và xin được sự chỉ giáo. Không ngờ Thầy đột ngột ra đi! Nay con mượn bài viết này để thưa với Thầy. Về dự án Văn học Miền Trung, con đã sưu tập được nhiều thơ văn, tuồng hát từ năm 1802 đến 1945, qua ba nguồn gốc:

I - Văn chương bình dân gồm ca dao, tục ngữ, nói lối, vè, hò, lý, hát ru, hát đối đáp, hát đố, hát bài chòi. Riêng hát bả trạo có kịch bản xuất xứ từ Bình Định.

II - Văn chương bác học: thơ, văn, tuồng hát (tác gia và tác phẩm) các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên. Riêng về hát bội có các kịch bản: của Đào Tấn như Hộ sanh đàn, Trầm Hương các, Tân Dã đồn, Cổ Thành, Diễn võ đình, Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan; các tuồng Đào Tấn nhuận sắc như Khuê các anh hùng, Sơn Hậu (khuyết danh), Ngũ Hổ bình Tây của Nguyễn Diêu; và của Ưng Bình có tuồng Lộ Địch.

III - Văn chương truyền khẩu của Dân tộc miền núi. Nguồn tài liệu này cũng rất phong phú về sự đóng góp của nhiều bộ lạc qua các thể loại:

1. Hát vui chơi gồm:
- Đồng dao của dân tộc Khơ Mú ở phía tây hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.
- Ru em của dân tộc Mường ở Thanh Hóa.
- Thách đố của dân tộc Ê Đê ở miền Trung Tây Nguyên.
- Xét bùa của dân tộc Mường.

2. Tình cảm tâm lý:
- Xường, Bộ mẹng, Ví, Đúm, các bài của dân tộc Mường;
- Tình yêu trai gái, các bài của dân tộc Ka Tu hay Cơ Tu ở tây bắc tỉnh Quảng Nam; dân tộc Xơ Đăng ở Trường Sơn Tây Nguyên và vùng phía tây hai tỉnh Quảng Nam Quảng Ngãi; dân tộc Mạ ở Tây Nguyên, dân tộc Hrê ở huyện Sơn Hà và Ba Tơ Quảng Ngãi, huyện An Lão Bình Định; dân tộc Chăm Hơ Roi ở Ninh Thuận và Bình Thuận; dân tộc Ê Đê hay Ra Đê.
- Tình yêu thiên nhiên, các bài của dân tộc Gia Rai ở Tây Nguyên.

3. Than thân:
- Cảnh mồ côi, của dân tộc Xê Đăng.
- Phận nô lệ, bài của dân tộc Khơ Mú ở phía tây tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An.
- Than nghèo, bài của dân tộc Ba Na ở Trường Sơn Tây Nguyên.

4. Sinh hoạt:
- Nương rẫy, các bài của dân tộc Xê Đăng, Mạ, Ê Đê.
- Cây cỏ, bài của dân tộc Khơ Mú.
- Nông súc, hát về Con trâu, bài của dân tộc Ka Tu

5. Nghi lễ, phong tục:
- Hát cúng lễ, các bài của dân tộc Chu Ru ở Nam dãy Trường Sơn, dân tộc Mường, Xê Đăng, Ê Đê.
- Hát đám cưới, bài của dân tộc Mường.
Sau tang lễ của Thầy, trong Email ngày 22- 3- 2007, con có hỏi anh Nguyễn Minh Lân: “...việc sưu tập Văn Học miền Trung, Viện Việt Học có còn tiếp tục không, hay là chuyển qua một dự án khác”. Cùng ngày, anh Nguyễn Minh Lân đã phúc đáp qua Email: “...dự án sưu tập và viết Bộ Văn Học Miền Trung là một dự án quan trọng của Viện, mong Anh tiếp tục.”

Kính Thầy, cả cuộc đời của Thầy đã cống hiến cho nền Giáo Dục và Văn Học Việt Nam. Nay Thầy ra đi, để lại ước mong của Thầy, chúng con nguyện tiếp tục.

Thôi xin Thầy đời đời yên nghỉ nơi cõi Niết Bàn, chúng con đẫm lệ chia tay và mãi mãi tưởng nhớ đến công ơn Thầy.

Trọng kính Thầy,
Việt Thao Đào Đức Chương
Comments