ĐẤT THIÊN-LỘC hay QUÊ-HƯƠNG “LỘC TRỜI” (tỉnh Hà-Tĩnh)

originally posted Oct 16, 2009, 2:11 PM by Quốc-Anh Vương - original CLASSIC webpage name of "dhatthien-lochayque-huong“loctroi”tinhha-tinh" is INVALID in NEW Google sites.
repost by ncthong under a more, stricter compliant webpage name of "dhatthien-lochayque-huongloctroitinhha-tinh" for acceptance by the NEW Google Sites.

Hà Mai-Phương & Lưu-Chu Thanh-Tao

Lời dẫn-nhập: Cụ tổ tam-đại của Lão Giáo-sư Nguyễn Khắc-Kham vốn gốc họ Nguyễn-Doãn, chánh-quán tại xã An-Điềm, tổng Độ-Liêu, huyện Thiên-Lộc, phủ Đức-Quang, trấn – xưa là -- xứ Nghệ-An. Nhân “khánh thọ bách-niên”, bài QUÊ-HƯƠNG ‘LỘC TRỜI” dưới đây, trước là để kính mừng Lão Giáo-sư đại-thọ trên 100 tuổi, sau là để tìm-hiểu về đất Thiên-Lộc hay Can-Lộc của vùng Sông Lam và Hồng-Lĩnh. Các địa-danh trong bài này trích trong bộ Bách-Khoa Từ-Điển Địa-Danh Việt-Nam của chúng tôi [chưa xuất-bản] mà Lão Giáo-sư Nguyễn Khắc-Kham chính là người đã liên-tục khích-lệ, chỉ-dẫn và tìm-kiếm tài-liệu để chúng tôi có may-mắn hoàn-thành bộ sách này.

*

Theo Đại-Nam Nhất-Thống Chí và Thiên-Lộc Huyện Phong-Thổ Chí [của Hương-cống cuối đời nhà Lê là Lưu Công-Đạo, thi đậu Giải-nguyên đời nhà Nguyễn, biên-soạn năm 1871], làng An-Điềm, từ đời nhà Lê, thuộc tổng Độ-Liêu, huyện Thiên-Lộc, phủ Đức-Quang, trấn Nghệ-An; đời nhà Nguyễn đổi là huyện Can-Lộc, thuộc phủ Đức-Thọ, tỉnh Hà-Tĩnh.
Làng này ở tả-ngạn Sông Nghèn, giáp-giới huyện Nghi-Xuân. Bến đò làng Điềm tên chữ là Điểm-Độ, cũng quen gọi là bến đò Kênh Cạn... Do vậy Sông Nghèn tại An-Điềm còn gọi là sông Đò Điềm. Từ bến đò Điềm, theo đường sông đi các xã Thạch-Long, Thạch-Sơn thuộc huyện Thạch-Hà ở về phía đông-nam...

Sông Nghèn tên chữ là Ngạn-Giang, tục danh là Kênh Cạn, cũng gọi là sông Cầu Triển, chảy qua các huyện Can-Lộc, Thạch-Ha và đổ ra biển ở Cửa Sót. Sông Nghèn có chi-lưu nối với Sông Cả tại làng Trung-Lương (1)...

Theo Đại-Nam Hội-Điển Sự-Lệ, tổng Độ-Liêu thuộc huyện Thiên-Lộc, phủ Đức-Quang, trấn Nghệ-An. Đời nhà Nguyễn, tổng Độ-Liêu – trải dài từ chân núi Hồng-Lĩnh cho tới Sông Nghèn -- gồm các xã:
- Độ-Liêu (có 2 thôn : Nham-Chiêu và Thái-Xá),
- Kiệt-Thạch (có các thôn: Kỳ-Trúc, An-Đồng, Yên-Mỹ, Vĩnh-Lộc),
- Thổ-Vượng (có các thôn: Thượng-Hồ, Đoài Thiên-Nam, Đông Thiên-Nam, Thượng-Hòa, Đông-Hòa,Đông-Ngõa).
và xã Tiếp-Võ.

Thời Pháp-thuộc (trước năm 1945), tổng Độ-Liêu gồm 16 xã: Bùi-Xá, Cự-Lâm, Đoài-Duyệt (Đoài Thiên-Nam cũ), Đông-Hạ, Đông-Mỹ, Đông-Thịnh, Kỳ-Trúc (trước là thôn), Ninh-Xá, Lộc-Xá, Nham-Xá (thôn Nham-Chiêu cũ?), Thượng-Hồ (trước là thôn), Thượng-Hòa, Thổ-Vượng, Tiếp-Võ, Yên-Mỹ (trước là thôn) và Yên-Hợp.

Sau năm 1945, tổng Độ-Liêu bị bãi-bỏ và chia ra làm 4 xã: Đậu-Liêu, Kiệt-Thạch, Minh-Tân và Thổ-Vương.

Năm 1949, xã Đậu-Liêu sáp-nhập với các xã Kiệt-Thạch và Thổ-Vượng thành xã Hồng-Minh.

Sau năm 1954, chia xã Hồng-Minh làm 3 xã: Minh-Lộc, Thạnh-Lộc (Kiệt-Thạch cũ) và Vượng-Lộc (Thổ-Vượng cũ).

Năm 1980, theo “cao-trào trở về nguồn”, đổi xã Minh-Lộc ra là xã Đậu-Liêu. Xã có diện-tích 2.930ha; cư-dân khoảng 5.200 người; có 8 xóm( gọi theo số từ 1 đến 8).

Dựa trên Tập Bản-đồ Hành-chánh Việt-Nam, vị-trí của xã Đậu-Liêu như sau: bắc giáp xã Xuân-Lĩnh (huyện Nghi-Xuân), phía nam giáp xã Thanh-Lộc; đông giáp các xã Thiện-Lộc (có núi Hồng-Lĩnh, cao 878m); đông-nam giáp xã Vượng-Lộc và phía tây giáp các phường Bắc-Hồng, Nam-Hồng và xã Thuận-Lộc (đều thuộc thị-xã Hồng-Lĩnh).

Năm 1992, sáp-nhập xã Đậu-Liêu vảo thị-xã Hồng-Lĩnh, tỉnh Hà-Tĩnh.

Sinh-hoạt kinh-tế chính ở Đậu-Liêu là nông-nghiệp, chăn-nuôi và khai-thác lâm-sản (như trồng các loại cây thông, cây keo, bạch-đàn)...

Đời nhà Nguyễn, đường quan-lộ qua Độ-Liêu. Theo Đại-Nam Nhất-Thống Chí, có nhà trạm ở xã Độ-Liêu, gọi là trạm Tĩnh-Liêu (hay An-Liêu cũ), cách nhà trạm Tĩnh-Đan (tại xã Đan-Chế, huyện Thạch-Hà) khoảng 35 dặm ta ở về phía nam và cách trạm Yên-Dũng khoảng 33 dặm ở về phía bắc. Nay, quan-lộ này là quốc-lộ số 1-A đi thị-xã Hồng-Lĩnh ở về phía bắc và đi thị-trấn Nghèn (huyện-ly huyện Can-Lộc) vể đông-nam…

Danh-thắng địa-phương Độ-Liêu có chùa cổ Đại-Hùng, nay không còn.
Chuông của chùa nay đúc năm 1800 (đời vua Cảnh-Thịnh, nhà Nguyễn Tây-Sơn), hiện tàng-trữ tại xã Đậu-Liêu (trực-thuộc thị-xã Hồng-Lĩnh). Chuông chùa Đại-Hùng cao 147cm, chu-vi miệng chuông là 206cm; có bài minh ở thân chuông, nhưng chữ đã mờ không còn đọc được.

Danh-nhân Độ-Liêu có quan Ngự-sử Bùi Cầm-Hổ. Ông làm quan Đô-đài [Ngự-sử đài] trải qua 3 đời vua Lê Thái-Tổ, Lê Thái-Tông và Lê Nhân-Tông, nổi tiếng là người công-bằng và cương-trực. Theo Đại-Nam Nhất-Thống Chí, đền thờ ông ở chân núi Bạch-Cao [hay Bạch-Ty] vùng Núi Đụn của dẫy Hồng-Lĩnh. Theo Dư-Địa Chí [của Phan-Huy Chú], ông còn có công cho đắp đập trên Núi Đụn và cho dẫn nước vào ruộng từ núi này về khoảng một ngàn khoảnh ruộng ở vùng chân núi Hồng-Lĩnh. Do vậy khi ông mất, dân-chúng địa-phương nhớ ơn, tôn làm Phúc-thần, dựng đền thờ gọi là đền Đô Đài (2).

Ca-tụng công-đức của ông Bùi Cầm-Hổ, đương-thời có câu: “Cầm-Hổ cương-trực, Bất tị cường-hào; Tạc khê quán mẫu, Từ trì Bạch-Cao”. Sách Thiên-Nam Bảo-Lục Diễn Ca như sau: Bùi Cầm-Hổ cư quan chính-trực, Chẳng kinh gì những bậc thế-quyền. Kênh đào tưới ruộng hơn nghìn, Đền ân Hồng-Lĩnh,dựng đền Bạch-Cao…

Do công-trình dẫn nước trên núi về đồng ruộng của ông Bùi Cầm-Hổ mà vùng Độ-Liêu con có tục-danh là Kẻ Treo. Chợ Treo ở làng Nham-Xá cũ…

Theo Phương-Đình Dư-Địa Chí [của Nguyễn Văn-Siêu], vùng “Lộc Trời” [Thiên-Lộc] xưa gọi là đất Hà-Hoàng. Thời Minh-thuộc gọi là huyện Phi-Lộc (3). Theo Cương-Mục và Đại-Nam Nhất-Thống Chí, đầu đời Hậu-Lê đổi huyện Phi-Lộc ra là Thiên-Lộc, cho thuộc phủ Đức-Quang, thừa-tuyên Nghệ-An. Theo Đại-Nam Hội-Điển Sự-Lệ, đời Hậu-Lê, huyện Thiên-Lộc có 7 tổng (Minh-Lương, Độ-Liêu, Nga-Khê, Nội-Ngoại, Phù-Lưu, Canh-Hoạch, Vĩnh-Luật) và 90 xã, thôn. Bấy giờ,Thiên-Lộc nổi tiếng là đất văn-học, cho nên tục-ngữ có câu: Bút Cấm-Chì, sĩ Thiên-Lộc (4).

Theo Đại-Nam Nhất-Thống Chí, đời nhà Nguyễn, các địa-danh nước nhà có chữ “Thiên” (là “kính-ngữ” dành riêng cho nhà vua) đều phải cải sang tên khác (5); cho nên huyện Thiên-Lộc đã được đổi ra là huyện Can-Lộc.

Huyện Can-Lộc vẫn gồm 7 tổng như trước, nhưng số xã, làng, phường tăng lên là 101. Riêng tổng Minh-Lương sau này đổi ra là tổng Trung-Lương. Huyện-trị Can-Lộc trước đặt ở làng Minh-Lương; đời vua Thiệu-Trị [ở ngôi từ 1840 đến 1847] dời huyện-lỵ sang thôn Cao-Xa; đến năm 1851 [đời vua Tự-Đức], dời sang làng Ngoại Can-Lộc và đến năm 1904 thì dời về làng Thổ-Vượng. Theo Đại-Nam Thực-Lục, năm 1925 chuyển 2 tổng Canh-Hoạch và Vĩnh-Luật sang huyện Thạch-Hà và huyện Can-Lôc nhận lại Tổng Đoài của huyện Thạch-Hà và tổng Lai-Thạch của phủ Đức-Thọ.

Theo Can-Lộc Huyện Phong-Thổ Chí [của tri-huyện Can-Lộc là Trần Mạnh-Đàn; biên-soạn khoảng năm 1930], xin kể sơ-lược một số danh-thắng và danh-nhân ở địa-phương Can-Lộc.

Về danh-sơn huyện Can-Lộc có núi Hồng-Lĩnh (gồm 99 ngọn; trên dẫy núi này có các chùa cổ Hương-Tích và chùa Thiên-Tượng), núi Trà-Sơn, núi Côn-Bằng và bãi đá “ngũ quân xuất trận”... Can-Lộc có các đền thờ nổi tiếng như đền thờ vua Mai Hắc-Đế; đền thờ Ngự-sử Bùi Cầm-Hổ (người đời vua Lê Thánh-Tông), đền thờ danh-tướng Đặng-Dung (người đời Hậu Trần)... Về danh-nhân có ông Nguyễn Văn-Giai (người làng Phù-Lưu, làm quan trải qua 3 đời vua nhà Lê trung-hưng, giữ chức-vụ trong Lục Bộ, quyền cao, chức trọng không ai sánh bẳng); ông Dương Trí-Trạch (người làng Bạt-Trạc, từng giữ chức-chưởng ở Khu-mật-viện)…

Sau năm 1954, huyện Can-Lộc thuộc tỉnh Nghệ-Tĩnh. Từ năm 1989, huyện Can-Lộc lại thuộc về tỉnh Hà-Tĩnh; diện-tích 373km2; cư-dân năm 1995 khoảng 170.000 người; bắc giáp huyện Nghi-Xuân (có núi Hồng-Lĩnh làm ranh giới thiên-nhiên); đông là Biển Đông; tây giáp huyện Đức-Thọ; tây-nam giáp huyện Hương-Khê và phía nam là huyện Thạch-Hà; gồm 30 xã: An-Lộc, Bình-Lộc, Can-Lộc tức thị-trấn huyện-lỵ Nghèn, Đại-Lộc, Đồng-Lộc, Gia-Hanh, Hồng-Lộc, Khánh-Lộc, Ích-Hậu, Kim-Lộc, Mỹ-Lộc, Phú-Lộc, Phù-Lưu, Quang-Lộc, Song-Lộc, Sơn-Lộc, Tân-Lộc, Thiên-Lộc, Thanh-Lộc, Thịnh-Lộc, Thuần-Thiện, Thượng-Nga, Thường-Lộc, Tiến-Lộc, Trung-Lộc, Tùng-Lộc, Vĩnh-Lộc, Vượng-Lộc, Xuân-Lộc, Yên-Huy.
Riêng xã Đậu-Liêu (tức Độ-Liêu cũ) được sáp-nhập vào thị-xã Hồng-Lĩnh (tỉnh Hà-Tĩnh)...

*


Địa-danh nước nhà trải qua nhiều ngàn năm lịch-sử, có nhiều đổi thay phần lớn là do quyền-thế và mưu-đồ của các nhà cầm quyền [như vua, chúa, thế-lực của ngoại-bang đô-hộ nước ta hay các vị lãnh-đạo quốc-gia hay đảng-phái] (5). Danh-sĩ Phạm Đình-Hổ (1768-1839) trong Vũ Trung Tùy Bút đã phải than về sự cải đổi địa-danh nước nhà là: “thay đổi rất nhiều, không thể kể hết, những người hiếu-cổ cũng thường phải thở dài mà chịu không thể xét ra cho rõ được”… Do vậy, chúng ta không ngạc-nhiên vì sao Thiên-Lộc lại đổi ra là Can-Lộc!

Đặc-biệt, người Việt mình cũng tin theo khoa phong-thủy, “tiên tích phúc đức, hậu nhi tầm long”, cho nên nơi nào cũng có “địa-linh sinh nhân-kiệt”. Tìm-hiểu về đất Thiên-Lộc tỉnh Hà-Tĩnh -- vùng đất “Lộc Trời” nổi tiếng về “sĩ Thiên-Lộc” -- các môn-sinh và thân-hữu thật hãnh-diện về “Sĩ Thiên-Lộc Nguyễn Khắc-Kham”, vị Lương Sư cuối-cùng của thế-kỷ XX, tiêu-biểu “đại-thụ” văn-hóa dân-tộc.

CHÚ-THÍCH

(1) Đường Sông Nghèn từ Trung-Lương đi Cửa Sót [ở huyện Thạch-Hà,tỉnh Hà-Tĩnh] dài 61km; phân ra làm các đoạn địa-phương như sau: Trung-Lương đi Đò Trai 3km; Đò Trai đi Ngã Ba Nghe/Nhe 20km; Ngã Ba Nghe đi Ngã Ba Già 12km; Ngã Ba Già đi Hộ-Đỗ 17km; Hộ-Đỗ đi Cửa Sót 9km.

(2) Trải qua chiến-tranh loạn-lạc,đền Đô Đài đã bị hủy-hoại; nay dựng lại đền mới trên nền đền cũ (ở thôn Cao-Xá cũ). Trước đây, hội đền Đô Đài hàng năm vào ngày 12 tháng giêng âm-lịch.

(3) Theo Đại-Nam Nhất-Thống Chí và Minh Thực-Lục [biên-niên chính-sử đời nhà Minh; bản dịch của Hồ Bạch-Thảo], thời nhà Minh đô-hộ nước ta từ 1407 đến 1427, đã cho cải rất nhiều địa-danh phủ, huyện của nước ta. Nhờ Bình-Định-Vương Lê-Lợi (tức vua Lê Thái-Tổ) mà nhiều địa-danh cổ-truyền của ta đã được phục-hồi hoặc cải đổi tên mới, và hủy-bỏ những địa-danh do người Minh đặt cho.

(4) Trước khi dùng “bút sắt” để viết chữ quốc-ngữ khoảng đầu thế-kỷ XX; mọi việc giấy tờ văn-phòng, học-hành thi-cử xưa đều phải dùng “bút lông” để viết chữ Nho hay Hán-tự hoặc chữ Nôm. Nơi nổi tiếng sản-xuất “bút lông” đời nhà Nguyễn tại vùng ngõ Cấm-Chỉ ở kinh-thành Thăng-Long [tức Hà-Nộ ngày nay]. Cuối đời Hậu-Lê, địa-phương “Lộc Trời” có câu ca-tụng Thiên-Lộc tứ hổ là 4 vị học giỏi, đậu-đạt là: Lê Hồng-Hàn, Lưu Công-Đạo, Mai Thế-Chuẩn và Phan-Quỳ.

(5) Đời nhà Nguyễn, các địa-danh có chữ “Thiên” đã phải cải sang các tên khác như: như phủ Phụng-Thiên (đổi là phủ Hoài-Đức), phủ Ứng-Thiên (đổi là Ứng-Hòa), phủ Thiên-Trường (đổi là Xuân-Trường), phủ Thiên-Quan (đổi là Nho-Quan), phủ Thiên-Phúc (đổi là Đa-Phúc), sông Thiên-Đức (tức Sông Đuống, đổi là sông Triêm-Đức), huyện Thiên-Thi (đổi là Ân-Thi), huyện Thiên-Bản (đổi là Vụ-Bản), tổng Thiên-Lộc ở huyện Nghi-Dương (đổi là Đại-Lộc), tổng Thiên-Mỗ ở huyện Từ-Liêm (đổi là Đại-Mỗ), xã Thiên-Lộc ở tổng Vĩ-Dạ, huyện Hương-Trà (đổi là Thọ-Lộc) v.v.
Comments