NHÂN SINH BÁCH TUẾ VI KỲ, NGƯỜI ĐÃ RA ĐI RỜI CUỘC MỘNG

posted Oct 16, 2009, 2:08 PM by Quốc-Anh Vương
Nguyễn Thiên Thụ


Năm 1961, tôi học môn Văn Chương Việt Nam tại trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, do các giáo sư như Nghiêm Toản, Thanh Lãng, Nguyễn Khắc Hoạch và Nguyễn Khắc Kham giảng dạy. Giáo sư Nguyễn Khắc Kham dạy về hiệu đính niên đại các tác phẩm. Đây là lần đầu tiên tôi gặp giáo sư Nguyễn Khắc Kham. Giáo sư có hầu tướng là một quý tướng. Người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, đôi mắt đen, sáng. Giáo sư có tập tài liệu in ronéo nhan đề là Hiệu Đính Các Tác Phẩm Nôm. Đồng thời giáo sư cũng cho sinh viên một tập sưu tầm văn học cổ, do ban đại diện sinh viên in ronéo, dày khoảng bảy trăm trang. Lúc bấy giờ, sách vở, tài liệu hiếm hoi, được những tài liệu trên rất quý. Quyển Hiệu Đính Các Tác Phẩm Nôm là một tài liệu quý giá, đã làm nền tảng cho việc biên khảo Văn Học Cổ Điển của tôi sau này. Khoảng 1965, tôi soạn luận án về Tản Đà. Tôi đã đến thăm giáo sư Nguyễn Khắc Kham cũng như gặp gỡ các văn thi sĩ và học giả để sưu tập tài liệu. Lúc bấy giờ giáo sư làm giám đốc Nha Văn Hóa tại đường Lê Thánh Tông, giáo sư đã cho tôi một thư mục về Tản Đà. It lâu sau, giáo sư gửi thư cho tôi bảo tôi đến gặp giáo sư tại văn phòng giám đốc. Giáo sư nhiệt tình cho tôi thêm một thư mục Tản Đà cũng như những tin tức về nguồn tài liệu. Đồng thời giáo sư cũng cho tôi một thư mục về ca dao rất đầy đủ để tôi tham khảo vì lúc bấy giờ khoảng 1966, ông Trần Đức Rật và Phạm Văn Đang đều làm đề tài về Ca dao. Tôi hiểu giáo sư cho tôi thư mục này là để tôi theo đó mà lập thư mục về Tản Đà.

Ít lâu sau, nghe tin giáo sư sang Nhật dạy tiếng Việt. Từ đó về sau, cho đến sau 1975, tôi không còn nghe tin tức gì về giáo sư. Trong thời gian ở lại Sài Gòn, bao bạn bè lần lượt bỏ ra đi, tôi như một người lạc vào hoang đảo, không còn biết một tí gì thế giới bên ngoài. Năm 1994, tại Sài Gòn, chúng tôi làm lễ mừng thọ giáo sư Nguyễn Đăng Thục, tuổi gần 90. Trong lúc bạn bè hàn huyên, anh Vũ Hiệp nhắc đến cụ Nguyễn Khắc Kham và cho biết cụ Thục đồng tuế với cụ Kham. Chúng tôi nhớ cụ Kham nhưng không biết cụ ở đâu.


Năm 1995, tôi định cư tại Canada là một nơi tận cùng của trái đất, tôi không biết tin tức của những người về kiếp trước. Phải mất năm, sáu năm, tôi mới liên lạc được các bạn cũ. Tôi liên lạc với giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch, nghe tin giáo sư Nguyễn Đình Hòa mạnh khoẻ ở Mỹ. It lâu sau, nghe tin giáo sư Nguyễn Đình Hòa mất. Tôi cũng nghe tin giáo sư Bùi Xuân Bào chết tại Pháp. Rồi gần đây, giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch từ trần. Tôi hỏi thăm về nhiều người nhưng tôi không hỏi về giáo sư Nguyễn Khắc Kham vì tôi nghĩ giáo sư đang sống hạnh phúc với một cuộc đời mới ở Nhật. Hoặc giáo sư đã ra người thiên cổ. Năm 2005, đọc một website tôi thấy họ nói giáo sư Nguyễn Khắc Kham vừa mất. Năm 2006, tôi ấn hành bộ Văn Học Hiện Đại. Tôi gửi tặng các bạn bè và các thư viện, trong đó có viện Việt Học ở Cali. Tôi hỏi thăm giáo sư Nguyễn Khắc Kham thì anh Nguyễn Minh Lân cho biết cụ còn mạnh khoẻ, và viện chuẩn bị đầu năm 2007 mừng cụ trăm tuổi. Tôi không đi được vì đang dưỡng bệnh. Và từ đó tôi biết giáo sư Nguyễn Khắc Kham là một trong những cột trụ của Viện Việt Học. Tôi đã gửi đến tặng giáo sư Nguyễn Khắc Kham bộ sách của tôi. It hôm sau, cụ điện thoại cho tôi, lời nói vẫn rõ ràng, rất thông minh và mẫn tiệp cho dù lúc đó cụ đã 99 tuổi.
Giáo sư nói:
-Anh viết chữ Literature ở quyển IV sai. Tiếng Anh một chữ T chứ không phải hai chữ T.
Giáo sư hỏi tôi:
-Anh viết về những ai?
Tôi đáp:
-Thưa thầy, con viết về những nhà văn hiện đại từ 1945 cho đến nay như Nhất Linh, Hồ Biểu Chánh, Đông Hồ, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng.
Giáo sư nói: Những người này một số thuộc văn học cận đại chứ không phải hiện đại.
Tôi hoảng hồn, phục nhận xét chính xác của cụ, và tôi thưa:
-Thưa thầy. Thầy dạy rất phải, nhưng một số hoạt động trước 1945, sau 1945, và sau 1954 vẫn hoạt động nên con xếp vào nhà văn hiện đại.
Giáo sư bảo:
-Anh đã viết văn học sử bằng tiếng Việt, nay anh phải viết một bộ bằng tiếng Anh. Khi dịch văn thơ, anh phải dịch ý thôi, đừng dịch từng chữ một.
Tôi trình với thầy rằng tôi đang làm việc này và xin tuân lĩnh ý thầy.

Nghe lời thầy nói, tôi phục sự sáng suốt của thầy. Nhưng tôi phục nhất là tấm lòng của thầy đối với sinh viên, với đồng bào và nền văn học, giáo dục Việt Nam. Cái tâm quảng đại, ưa giúp đỡ người là một điều hiếm có ở thế gian này. Tôi cũng kính trọng tư cách của thầy xứng đáng là bậc thầy trong khi bao trí thức đảo điên giữa cuộc đời nay Tần mai Sở cuồng loạn. Tôi kính trọng các giáo sư của tôi, trong đó giáo sư Nguyễn Khắc Kham, giáo sư Bùi Xuân Bào và giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch là ba ngôi sao sáng nhất của bầu trời Đại Học Văn Khoa Sài Gòn ngày xưa.

Tôi xin gửi đến anh linh của giáo sư, gia đình của giáo sư và Viện Việt Học một câu đối:

一 片 冰 心 月 明 照
百 年 有 限 鶴 高飛
Nhất phiến băng tâm, nguyệt minh chiếu,
Bách niên hữu hạn, hạc cao phi.


Nguyễn Thiên Thụ
Comments