Tài Liệu‎ > ‎Biên Khảo‎ > ‎

Tiểu Luận

Vẫn chuyện i ngắn, Y dài

posted Feb 8, 2013, 7:49 AM by Uyên-Thi Trần   [ updated Sep 3, 2013, 8:57 AM by Chí-Thông Nguyễn ]

NGUYỄN ĐÌNH HOÀ 

Cách đây chừng ba năm, tôi có mạo muội đề nghị với Tạp chí “Thế Kỷ 21” là nên viết tên tờ báo đứng đắn đó là Thếkỉ 21. Tiếp đó, một độc giả của tờ tạp chí ấy có chỉ ra là trong cuốn từ điển Việt-Anh của chính tôi, nhan đề là Vietnamese-English Dictionary (Saigon: Bình Minh, 1959; Tokyo: Charles E. Tuttle, 1966), từ “thế kỷ” [nghĩa là “century”] vẫn dùng con chữ “y dài”  [thường được gọi là i-cờ-rét, “chữ Hi-Lạp”.]

Là người đã từng phụ trách giảng khoa về Kế hoạch hoá Ngôn ngữ (Language Planning) trong mấy chục năm, tôi thừa hiểu rằng: tại bất cứ một nước nào, việc thi hành kế hoạch về lĩnh vực lời ăn tiếng nói cũng cần phải lưu tâm đến tình cảm ngôn ngữ của người dân nói tiếng bản ngữ. Mấy cuộc hội nghị đã được triệu tập tại cả miền Bắc lẫn miền Nam Việt Nam trước 1975 về vấn đề thống nhất ngôn ngữ, về nhu cầu cải tiến chữ quốc ngữ, cũng như về việc cần tiêu chuẩn hoá chính tả và thống nhất danh từ khoa học kĩ thuật. Rồi sau 1975, các nhà chuyên môn vẫn tiếp tục thảo luận về những đề tài như: dùng con chữ nào cho âm vị nào, con chữ nào viết hoa, khi nào dùng gạch nối, khi nào viết liền các âm tiết (cũng là từ tố) bên trong một từ, phiên âm những thuật ngữ khoa học quốc tế cách nào? v.v… Những nhà ngữ học đó đều phải kết luận rằng có những đề nghị cải cách rất có tính khoa học, cốt làm cho chữ quốc ngữ nhất quán hơn, và có một số chuẩn mực phải theo một cách “trước sau như một”, song có điều chưa thi hành ngay được, vì thiên hạ quen cùng cách này, cách kia rồi.

Chẳng hạn, thiên hạ quen viết lý trưởng, lý tưởng, lý trí, kỳ dị, nước Mỹ, Mỹ quốc, (cao lương) mỹ vị, mỹ thuật, v.v… mất rồi. Thậm chí, có nhà văn còn dùng lối viết quá táo bạo: thi sỹ, hoạ sỹ, v.v… Lí do là người ta đã lẫn lộn con chữ i dùng để ghi nguyên âm (còn gọi là “mẫu âm”) /i/ — là âm hạt nhân hay âm chính của một âm tiết trong tiếng Việt — với con chữ y, dùng để ghi bán nguyên âm (còn gọi là “bán mẫu âm”) /y/ — là âm lướt xuất hiện ở đầu hoặc cuối một âm tiết và được ngành ngữ âm học ghi bằng kí hiệu [i:]. Có điều lạ là không ai viết kỳ dỵ, lý trý cả! Thực tế, nay chúng ta bảo nhau theo cách phân biệt nói trên mà viết cho đúng: ông lí trưởng, lí tưởng, lí trí, kì dị, nước Mĩ, Mĩ quốc, (cao lương) mĩ vị, mĩ thuật, v.v… thì có người sẽ thấy lạ hoắc, không quen, nên không chấp nhận.

Vậy thì trong khi chờ đợi chuẩn bị cho những lớp học sinh tiểu học, rồi trung học, được chỉ dạy những điểm sơ đẳng đó về tương quan giữa ngữ âm và chính tả, thì biện pháp tốt hơn hết ta có thể áp dụng ở giai đoạn đầu — tức ngay bây giờ — là:

(a)  Khi một âm tiết có nguyên âm /i/ đứng ở cuối, thì ta dần dần cố nhớ ghi nhất loạt bằng con chữ i: ăn mì Hải kí gần hơn Tùng kí, ông lí trưởng, Mĩ cảnh, tiếng nói Hoa Kì, thế kỉ (thứ 21), v.v…

(b)  Một biệt lệ là vần –uy /-wi/ [ui] như trong duy, huy, khuy, nguy, quy, tuy, thuý, v.v… thì vẫn viết như cũ, NHƯNG phải đánh dấu thanh điệu (hoặc thanh) vào nguyên âm chính: huý, luỹ, quý, tuý, tuỳ, tuỷ, thuý, thuỷ, nhuỵ, nguỵ, v.v… để phân biệt với húi, lủi, cúi, túi, đùi, tủi, thúi, khui, v.v…

Ta cần chấp nhận biệt lệ này vì còn có những vần phức tạp hơn như –uyên, -uyêt trong duyên, chuyển, huyên (náo), khuyên, luyến, quyên, tuyên truyền, thuyền, nhuyễn, nguyên, Nguyễn, xuyễn, duyệt, tuyết, khuyết, nguyệt, quyết, v.v…

(c)   Nếu âm chính là nguyên âm /i/ đứng một mình hoặc đứng đầu âm tiết, thì vẫn viết theo thói quen như cũ: […] y học, y khoa, ý kiến, ý nghĩa, Nguyễn Ngu Ý, v.v…

Trong ba cuốn từ điển song ngữ Việt-Anh hay Anh-Việt của tôi (xuất bản vào những thập niên 1950 và 1960 đó), tôi vẫn theo thói quen của các nhà văn, nhà báo và nhà giáo mà ghi thế kỷ, kỷ niệm, kỷ nguyên, v.v… Nhưng ở thời điểm này (ba mươi năm sau!), tôi áp dụng chút sở học để cầu tiến và nắm tay các bạn già trẻ cùng tiến bộ, thiết tưởng bạn đọc và bạn học không nên lấy làm lạ, mặc dầu những điều tôi nêu lên (không phải là ý kiến riêng của tôi) có thể chưa đủ sức thuyết phục.

Ngoài ra, nói riêng một tạp chí đã có lời phi lộ là đem độc giả bước vào thế kỉ sau, thì quí vị phụ trách tờ báo có giá trị đó, theo thiển ý, chẳng nên ngần ngại gì mà không bắt đầu viết cho đúng: Thế-kỉ 21. Tôi còn xin phép đề nghị là tốt hơn nữa, quí vị trong ban biên tập, cho đến nay vẫn bỏ cái gạch nối — là cái dấu cần thiết cho người học nói, học đọc tiếng Việt, dù là người Việt hay người ngoài — xin đi xa hơn nữa mà triệt để viết liền hai âm tiết lại với nhau như thế này: Thếkỉ 21, thì thật là đúng với cái thiên chức quí vị đã đề ra cho tạp chí kia.

Ngày xưa, các cụ nhà ta dùng thẳng chữ Nho của người Hán, rồi lại mượn thứ chữ khối vuông đó của người phương Bắc để đặt ra chữ Nôm, rồi lại được người phương Tây mách cho cách dùng chữ cái của La tinh để ghi âm Việt. Cả ba thứ văn tự ấy đều là mượn của người ngoài, chẳng khác gì chiếc khăn đội đầu, về sau được thay thế bằng các kiểu nón mũ giúp ta tránh mưa che nắng mà thôi. Điểm then chốt là: hệ thống văn tự mà ta mượn của họ có nhiều điểm bất nhất và bất tiện, ta có cần mượn luôn cả những cái bất nhất đó vào văn tự của ta hay không?

NGUYỄN ĐÌNH HOÀ

Ghi chú: Người đánh máy thêm vào một số kí hiệu ngữ âm quốc tế:

1.      Chữ trong ngoặc vuông là cách phát âm, thí dụ: [i]

2.      Chữ trong hai gạch nghiêng và in ngả (italic) là chữ viết, thí dụ: /i/

THỬ PHÁC HỌA “CHÂN DUNG” CỦA MỘT HỌC VIÊN NGOẠI NGỮ HỮU HIỆU

posted Sep 9, 2010, 12:07 PM by Doãn-Vượng Nguyễn   [ updated Apr 12, 2015, 9:37 AM by Chí-Thông Nguyễn ]

Đàm Trung Pháp 

Sau nhiều năm quan sát, ghi nhận và chia xẻ, giới nhà giáo ngôn ngữ chúng tôi đã có thể phác họa ra “chân dung” của một học viên ngoại ngữ hữu hiệu qua một số đặc trưng. Tôi xin giải thích về những đặc trưng đó để quý bạn đọc nào đang học ngoại ngữ tự lượng giá, và nếu thấy mình thiếu hụt thì có thể làm thêm được những gì để có thể thành công hơn trong nỗ lực ấy. Vì chúng ta đang sống tại Hoa Kỳ, tôi xin đưa ra những thí dụ bằng tiếng Anh trong bài viết này.

Dưới đây là “chân dung” của một học viên ngoại ngữ hữu hiệu, qua các đặc trưng được mô tả vắn tắt cùng với các thí dụ liên hệ làm sáng tỏ vấn đề.

Người học viên ấy:

  • Sẵn sàng đoán ý nghĩa của một chữ mới gặp lần đầu, căn cứ vào ngữ cảnh (context) của chữ mới ấy. Điều này rất hữu lý, vì đâu có phải lúc nào học viên cũng có tự điển trong tay? Khi nghe hoặc đọc một đoạn đề cập đến một “obese man” nặng trên 300 pounds đang thở hổn hển leo cầu thang, thì học viên đoán được ngay ý nghĩa của chữ “obese” phải là “mập phì” rồi. Sau đó khi có thì giờ, người học viên sẽ tra tự điển để phối kiểm ý nghĩa, cách phát âm, cũng như chính tả của chữ “obese”cho chắc ăn.

  • Luôn luôn tìm kiếm cơ hội đàm thoại với người bản xứ và không mảy may bận tâm về những lỗi lầm về phát âm hoặc văn phạm của mình. Đành rằng lối phát âm tiếng Anh lôi thôi lắm, văn phạm cũng phiền hà nữa, nhưng nếu cứ e ngại sợ người Mỹ cười thì chẳng bao giờ dám phát ngôn, chẳng bao giờ nói được tiếng Anh! Không ai có thể chinh phục được một ngoại ngữ mà không phạm lỗi phát âm cũng như lỗi văn phạm nhiều lần trong khi học tập. Sự nhút nhát này rất tai hại, vì nó sẽ cho phép các lỗi ấy ngủ yên và cuối cùng biến chúng thành chai đá (fossilized) vô phương sửa chữa sau này. Người học ngoại ngữ hữu hiệu thường là những cá nhân có tính tình cởi mở, thân thiện, thích nói chuyện, và có cảm tình với ngoại văn, ngoại ngữ nói chung. Họ cũng không bao giờ bị trằn trọc, áy náy suốt đêm vì ban ngày họ đã phạm các lỗi phát âm hoặc văn phạm tiếng Anh!

  • Tận dụng mọi cơ hội để thực tập các chức năng ngôn ngữ (language functions) đã học được nhưng dùng chưa nhuyễn, trong cả hai lãnh vực nói và viết. Mỗi chức năng ngôn ngữ là một phương tiện để truyền thông và có một cấu trúc và từ vựng đặc thù. Thí dụ như chức năng “tạ lỗi” thường dùng động từ “apologize for” cho cái hành động mà nay mình hối hận, được diễn tả bằng mô thức [having + past participle của động từ đã gây ra hành động đáng tiếc ấy] như trong câu “I apologize for having ignored you at the party last week.” Quả thực, mức thông thạo (proficiency level) về một ngoại ngữ của một cá nhân có thể được đánh giá qua tổng số các chức năng mà người ấy đã thủ đắc được trong ngoại ngữ ấy.

  • Thực tập cách phát âm những chữ khó sau khi đã nghe người bản xứ, nhất là các chữ chứa đựng những âm vị (phonemes) không có trong tiếng mẹ đẻ của mình (như âm vị đầu trong các chữ “think” và “judge” không tồn tại trong tiếng Việt), hoặc các chữ mà âm tiết nhấn mạnh (stressed syllable) nằm trong vị trí bất thường (như “melancholy” và “industry” đều được nhấn mạnh ở âm tiết đầu tiên). Sự thực tập phát âm này có thể âm thầm, có thể lớn tiếng. Nỗ lực này thực tế lắm, vì người Mỹ thường không hiểu chúng ta khi chúng ta phát âm trật một âm vị trong chữ hoặc nhấn mạnh trật âm tiết trong một chữ.

  • Lắng nghe lối nói người bản xứ để học hỏi cách phát âm, cách dùng chức năng ngôn ngữ, và nhất là cách dùng những đặc ngữ (idioms) như trong các câu “Mary went through the roof when she heard she had been fired” hoặc “We only see them once in a blue moon.” Vì ý nghĩa của các đặc ngữ “go through the roof” (nổi cơn tam bành) và “once in a blue moon” (năm thì mười họa) rất khó đoán trúng, học viên phải hiểu cho rõ bằng cách lưu ý chúng rồi tra cứu ý nghĩa qua tự điển hoặc nhờ người bản xứ giúp đỡ.

  • Để ý đến những sắc thái tế nhị của ý nghĩa trong từ vựng và cú pháp. Thí dụ, người Mỹ thường không muốn dùng động từ “die” nghe quá phũ phàng, cho nên họ dùng những chữ thanh lịch hơn như “pass away” hoặc “depart.” Cú pháp cũng cho thấy thái độ của người sử dụng là lịch lãm hay cọc cằn, chẳng hạn như sự khác biệt giữa câu “Would you mind closing the window?” và “Close the window!”

  • Chú trọng đến hình thức của ngoại ngữ đang học hỏi, nào là viết chữ cho đúng chính tả (spelling), nào là chấm câu (punctuation) cho chỉnh, nào là chia động từ (conjugation) cho phân minh, vân vân. Nỗ lực này đòi hỏi sự chú tâm quan sát, ghi nhận, và thực tập đều đặn, vì tiếng Anh không phải là thứ tiếng dễ viết dựa vào lối “đánh vần” (hai chữ “key” và “quay” cùng phát âm như nhau), vì quy luật chấm câu trong tiếng Anh rất chặt chẽ (nếu không cẩn thận với dấu phết, người viết sẽ phạm vào các “trọng tội” như “comma splices” hoặc “run-on sentences”), và vì tiếng Anh có hàng trăm động từ bất quy tắc (sắp xếp theo mẫu tự từ “arise/arose/arisen” đến “wind/wound/wound”). Đây là lối tiếp thu văn phạm nghiêm chỉnh của một cá nhân học ngoại ngữ hữu hiệu để dẫn đến mức thông thạo hàn lâm (academic proficiency).

  • Không quá nóng lòng vì chưa hiểu rõ một cấu trúc nào đó của ngoại ngữ mình đang học hỏi, mà kiên nhẫn chờ đợi trong khi tìm hiểu thêm và chấp nhận đó là một phần tự nhiên của tiến trình học hỏi. Câu “Had John studied harder, he might have passed that tough exam” chắc chắn từng làm nhiều học viên tiếng Anh thắc mắc vì cấu trúc khác thường của nó. Hiển nhiên, cấu trúc này rất cần được tìm hiểu và thủ đắc vì nó diễn tả một sự giả dụ trái với sự thực trong quá khứ, đồng nghĩa với “If John had studied harder, he might have passed that tough exam.” Sự thực là John đã chẳng học chăm hơn tí nào và chàng đã rớt kỳ thi khó khăn đó rồi.

  • Dùng kiến thức tiếng mẹ đẻ để hiểu thêm về ngoại ngữ đang học. Người Việt chúng ta không may mắn bằng những người nói tiếng Tây Ban Nha khi học tiếng Anh, vì giữa tiếng Việt và tiếng Anh không hề có những chữ cùng gốc (cognates), nhưng cả chục ngàn những chữ cùng gốc đó tồn tại giữa tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Vì vậy người Mễ Tây Cơ sẽ hiểu ngay câu tiếng Anh sau đây chứa đựng vài chữ lạ lùng, khó đoán nghĩa cho người Việt chúng ta: “The coward osculated a taciturn damsel.” Trong khi người Việt thấy các chữ “coward, osculated, taciturn, damsel” lạ hoắc thì người Mễ hiểu chúng ngay rồi, vì “coward” cùng gốc với “cobarde” (kẻ hèn nhát), “osculated” cùng gốc với danh từ “ósculo” (nụ hôn), “taciturn” cùng gốc với “taciturna” (lầm lỳ), và “damsel” cùng gốc với “damisela” (thiếu nữ). Về cú pháp, người học viên hữu hiệu sẽ lưu ý tới những nét khác biệt đáng kể giữa ngôn ngữ mẹ đẻ và ngôn ngữ đang học hỏi, qua tiến trình “nâng cao ý thức” (consciousness-raising) để không phạm vào các lỗi lầm do sự “nhiễu nhương” (interference) – tức là không để cú pháp ngôn ngữ mẹ đẻ ảnh hưởng tiêu cực đến cú pháp ngôn ngữ đang học. Chẳng hạn, khi một câu phức tạp tiếng Việt bắt đầu bằng mệnh đề phụ sử dụng một trong các liên từ “vì/tuy/nếu” thì mệnh đề chính thường bắt đầu bằng một trong các “từ quân bình” (balance words) “nên/nhưng/thì” như trong các thí dụ sau đây:

        (1a) nó kiêu ngạo, nên nó không có bạn.

        (2a) Tuy họ nghèo, nhưng họ rất hạnh
    phúc.

        (3a) Nếu anh yêu tôi, thì anh phải cưới tôi ngay!

    Nếu vô tình để khía cạnh cú pháp này của tiếng Việt ảnh hưởng lối viết tiếng Anh, chúng ta sẽ viết ra các câu bất cập sau đây:

        (1b) Because he is arrogant, so he has no friends.

        (2b) Although they are poor, but they are very happy.

        (3b) If you love me, then you must marry me at once!

    Người học viên hữu hiệu sẽ tinh ý dẹp bỏ ngay các “từ quân bình” không cần thiết “so/but/then” trong các câu (1b), (2b), và (3b).

ĐỌC THƠ HAIKU NHẬT BẢN QUA LỐI VIẾT ROMAJI

posted Mar 9, 2010, 9:04 AM by Quốc-Anh Vương   [ updated Apr 12, 2015, 9:40 AM by Chí-Thông Nguyễn ]

 Đàm Trung Pháp

 

 Mỗi bài thơ "haiku" (phát âm lối Hán Việt là "bài cú") của người Nhật Bản là một tiểu vũ trụ thu gọn trong vẻn vẹn 17 âm tiết. Trong cái hạn hẹp tối đa ấy, nhà thơ diễn tả cảm nghĩ của mình trước thiên nhiên và cho người đọc thoáng thấy một hình ảnh vĩnh cửu phát hiện qua một cảnh trí thông thường chóng phai mờ. Về điểm này thì hình như mỗi nhà thơ lớn, ở phương trời nào cũng vậy, đều có đôi chút “tâm hồn haiku” – như khi William Blake đã thấy cả vũ trụ trong một hạt cát, cả thiên đường trong một đóa hoa dại (“to see a world in a grain of sand, a heaven in a wild flower”) hoặc như khi Đinh Hùng mới chỉ nhìn vào đôi mắt lưu ly của Kỳ Nữ mà đã “thấy cả bóng một vầng đông thuở trước, cả con đường sao mọc lúc ta đi”!

             

              Tổng số 17 âm tiết của một bài haiku được thu xếp thành 3 dòng thơ, thông thường với 5 âm tiết cho dòng thứ nhất, 7 âm tiết cho dòng thứ hai, và 5 âm tiết cho dòng thứ ba. Ba dòng thơ ấy không bắt buộc phải vần với nhau và cũng không cần những dấu chấm câu.

 

              Thi bá Matsuo Basho thuộc thế kỷ XVII là người đã nâng thơ haiku lên hàng nghệ thuật siêu đẳng, và cũng từ đó haiku trở nên thể thơ thông dụng nhất trong văn chương Nhật Bản. Nghệ thuật siêu đẳng này gắt gao đòi hỏi nhà thơ phải diễn tả rất nhiều, gợi ý tối đa trong một hình thức vắn tắt, cô đọng nhất. Mỗi bài haiku phải gây nên một ấn tượng trọn vẹn bằng cách đặt vào bên cạnh yếu tố thiên nhiên một câu gợi ý về một mùa trong năm hoặc một cảm xúc mạnh. Bài thơ dưới đây của Basho dùng hai yếu tố thiên nhiên (con đường vắng vẻ, lúc xẩm tối mùa thu) để làm bối cảnh cho một cảm xúc mạnh (sự hiu quạnh tột cùng): 

 

kono michi ya

yuku hito nashi ni

aki no kure

 

con đường ấy

không người qua lại

trời xẩm tối mùa thu

 

              Vì nhiều chữ Nhật Bản ở dạng đa âm tiết (thí dụ như danh từ shizukesa có nghĩa là sự thanh tịnh gồm 4 âm tiết), khi bị ghép vào mô thức haiku tiết chế, nhiều khi chỉ một hai chữ thôi đã chiếm hết cả dòng thơ rồi. Cho nên cả bài haiku chỉ là vài ba nét chấm phá để gợi cảnh, gợi tình, hoàn toàn "ý tại ngôn ngoại."

 

              Ba thi nhân haiku hàng đầu trong văn học Nhật Bản là Matsuo Basho (1644-1694), Yosa Buson (1716-1784), và Kobayashi Issa (1763-1827). Basho lẫy lừng nhất, thường được ví như một William Wordsworth, vì ông cũng đã suốt đời đi tìm sự cảm thông với thiên nhiên. Thơ Basho phảng phất cốt cách tiên của Lý Bạch và nhuộm mầu ly tao của Đỗ Phủ. Buson còn là một nhà danh họa; thơ ông rất đẹp nét, trữ tình, và nhậy cảm. Issa mồ côi mẹ từ thuở ấu thơ và bị mẹ ghẻ hắt hủi; từ năm 14 tuổi đã tự lập và nghiên cứu haiku. Thơ Issa bình dị và thường nhắc đến các sinh vật nho nhỏ như chim sẻ, dế, bươm bướm với nhiều thân thương trìu mến. 

 

              Haiku là thơ vịnh thiên nhiên qua bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Chúng ta hãy xem ba thi nhân nêu trên chấm phá cảnh trí thiên nhiên như thế nào qua các bài haiku lừng danh của họ, được trích dẫn bằng romaji là lối viết tiếng Nhật rất dễ phát âm, dành cho những người quen với mẫu tự la-tinh, gồm cả người Việt chúng ta.

 

              Ưu điểm của romaji là nó cho người đọc thấy rõ được các từ ngữ tượng thanh cũng như sự hòa hợp các âm tương tự trong các dòng thơ. Trong bài viết này, các dòng chuyển sang tiếng Việt cố gắng giữ nội dung nguyên tác, mặc dù đôi khi phải thay đổi thứ tự ý nghĩa các câu để nghe cho thuận tai người Việt, và hoàn toàn không theo mô thức tiết chế của haiku.

 

              Vì sự ngắn gọn tối đa, thi nhân haiku không thể sử dụng cú pháp cầu kỳ -- một lợi điểm cho người chưa thạo tiếng Nhật nhưng lại thích đọc thơ haiku như bản thân tôi. Quả thực, chỉ cần một kiến thức căn bản về cú pháp Nhật ngữ và một cuốn tự điển Nhật dùng lối viết romaji dễ tra cứu mục từ sắp xếp theo thứ tự a, b, c (thí dụ như cuốn Kodansha’s Romanized Japanese-English Dictionary 666 trang xuất bản tại Tokyo năm 1993 mà tôi sử dụng) là có thể thưởng thức thơ haiku. Chính cuốn tự điển này đã giúp tôi "hiểu" ý nghĩa bài thơ của Basho viết về tiếng ve kêu (được trích dẫn đầu tiên dưới đây) trong đó có các danh từ shizukesa (sự thanh tịnh), iwa (tảng đá lớn), semi (ve sầu), koe (giọng), và động từ shimiru (thấm vào). Kiến thức cú pháp căn bản cho tôi biết rằng giới từ ni (trong) phải đứng sau danh từ trong một đoản ngữ với giới từ đóng vai chủ động (prepositional phrase) –ngược hẳn với thói quen trong tiếng Anh và tiếng Việt. Vì vậy đoản ngữ "trong tảng đá lớn" khi dịch sang tiếng Nhật sẽ thành "tảng đá lớn trong" (iwa ni). Xin nói thêm, giới từ no (của) trong tiếng Nhật được dùng như chữ  "chi" trong tiếng Tàu hoặc "sở hữu cách -'s" trong tiếng Anh semi no koe do đó phải hiểu là "thiền chi thanh" hoặc "the cicada's voice." 

 

              Xin bắt đầu bằng mùa hạ, khi mà Basho chỉ nghe thấy tiếng ve sầu vang vọng vào kẽ đá. Thi nhân ghi lại cảm giác rất nhiều thiền tính ấy như sau :

 

shizukesa ya 

iwa ni shimi-iru

semi no koe

 

thanh tịnh và 

thấm vào non núi

tiếng ve ca

 

              Khi vui hưởng đời, mấy ai thấy chết chóc đang chờ. Những con ve sầu của Basho cũng thế -- chúng có biết đâu là cuộc sống của chúng sắp tàn:

 

yagate shinu

keshiki wa mieru

semi no koe

 

ve sầu ca hát

chẳng mảy may hay biết

chết đã gần kề

 

              Nhân sinh vô thường, có khác chi đám mây trôi luôn thay hình đổi dạng, qua thi bút huyền diệu Issa:

 

oni to nari

hotoke to naru ya

doyoo-gumo

 

đám mây trong ngày khổ ải

từ hình quỷ

chuyển sang hình phật

 

               Cỏ mùa hạ tốt tươi thật đấy, nhưng Basho cũng thấy dưới lớp cỏ ấy là mồ chôn những ước mơ hiển hách của biết bao đấng trượng phu:

 

natsu - kusa ya

tsuwa-mono-domo ga

yume no ato

 

cỏ mùa hạ

đang chôn vùi

bao giấc mơ chiến thắng cố chinh nhân

 

 

              Chỉ nhìn những trái ớt chín mọng trên cây, nhà thơ kiêm danh họa Buson đã thấy cả một mùa thu đang làm lộng lẫy thiên nhiên:

 

utsukushi ya

no-waki no ato no

toogarishi

 

đẹp biết bao

những trái ớt đỏ tươi

sau trận thu phong

 

              Người thường khi nghe tiếng dế rên rỉ đêm thu thì có lẽ chỉ buồn thôi, nhưng thi sĩ Issa đa cảm đã vội nghĩ ngay đến ngày mình xuống mộ. Hãy nghe nhà thơ cô đơn đó căn dặn người bạn nhỏ nhoi đôi lời:

 

ware shinaba

haka-mori to nare

kirigirisu

 

này chú dế

hãy làm người gác mộ

sau khi ta lìa đời

 

               Bóng đêm dầy đặc, vài tia chớp, tiếng kêu xào xạc một con chim đi tìm mồi là mấy chấm phá kiệt xuất vẽ lên một đêm thu cô quạnh đến rùng mình qua thần bút Basho:

 

inazuma ya

yami no kata yuku

goi no koe

 

vài tia chớp lập lòe

tiếng kêu con vạc ăn đêm

bay vào cõi tối

 

              Và mùa đông đã tới, với băng giá ngoài trời và băng giá trong lòng thi nhân. Lúc ấy Buson ước ao đi ở ẩn trong núi: 

 

fuyu-gomori

kokoro no oku no

yoshino yama

 

mùa đông ẩn dật

ngọn núi yoshino

chiếm trọn tâm tư

       

            Basho ít khi dừng bước giang hồ. Tuy vậy, ông ngao ngán trạng huống ốm đau khi chu du mùa đông qua những vùng hẻo lánh:

 

tabi ni yande

yume wa kare-no o

kake-meguru

 

lữ hành trong bệnh hoạn

chờn vờn bóng ma

trên cánh đồng hoang 

 

               Và rồi, sau chuỗi ngày mùa đông giá lạnh, mùa xuân đã trở lại. Vì thiếu tình mẫu tử từ tấm bé, Issa rất trìu mến những sinh vật nho nhỏ của mùa xuân. Có lẽ khi vỗ về tinh thần chú ếch mảnh mai, thi nhân cũng tự an ủi chính mình:   

 

yase-gaeru

makeru na issa

kore ni ari

 

chú ếch èo uột

đừng bỏ cuộc nhé

issa đang an ủi chú đây

 

               Mưa xuân khiến hoa cỏ tốt tươi, nhưng phũ phàng thay, dưới làn mưa ấy cũng có một lá thư bị ai đó quăng đi để gió thổi vô rừng, như Issa chứng kiến:

 

haru-same ya

yabu ni fukaruru

sute tegami

 

mưa xuân

lá thư vứt bỏ

gió cuốn vô rừng

 

              Xuân là mùa của hạnh phúc, của tái sinh, nhưng Buson thấy xuân cũng là mùa để tàn sát sinh linh:

 

hi kururu ni

kiji utsu

haru no yama-be kana

 

hoàng hôn

tiếng bắn chim trĩ vang dội

triền núi mùa xuân

 

               Trong ánh xuân rực rỡ, Basho ước ao được tự do, không vướng lụy hồng trần, như con sơn ca đang líu lo giữa thảm cỏ xanh:   

 

hara-naka ya

mono nimo tsukazu

naku hibari

 

giữa bãi cỏ

sơn ca líu lo

tự do, chẳng ưu phiền

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

Yasuda, K. (1957). The Japanese haiku. Tokyo: Tuttle.

Ueda, M. (1970). Matsuo Basho. Tokyo: Kodansha.

Miura, Y. (1991). Classic haiku. Tokyo: Tuttle.

Vance, T. (1993). Kodansha’s romanized Japanese-English dictionary. Tokyo: Kodansha.

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Cho Vừa Lòng Nhau

posted Feb 19, 2010, 3:19 AM by Quốc-Anh Vương   [ updated Apr 13, 2015, 9:52 AM by Chí-Thông Nguyễn ]

Đàm Trung Pháp 

Một mục đích quan trọng của ngôn ngữ là để giao hảo. Muốn đạt được mục đích ấy, ngôn ngữ phải ngọt ngào, phải lễ độ để đẹp lòng người nghe. Đồng nghĩa với động từ “nói ngọt” của tiếng Việt, động từ “sweet-talk” trong tiếng Mỹ cho thấy rằng sự khôn khéo trong lời ăn tiếng nói rất có hiệu nghiệm trong việc thuyết phục người khác làm những chuyện có lợi cho mình -- điển hình như lời một người Mỹ khôn ngoan giải thích với bạn bè tại sao ông ta mới được tăng lương: "Well, I simply sweet-talked my boss into giving me a pay raise and she did!" Người Mỹ cũng có khuynh hướng dùng uyển ngữ để làm nhẹ bớt đi những ý nghĩ tiêu cực của ngôn từ. Thí dụ, thay vì dùng chữ “garbage collector” để diễn tả một công việc làm không được trọng vọng cho lắm, người Mỹ sử dụng chữ “sanitation engineer” nghe dễ thương hơn nhiều. Họ cũng rất mặc cảm với tuổi già, cho nên khi áp dụng để tả một người tuổi đã cao, tính từ “old” làm người nghe buồn lòng không ít. Vì vậy các bậc cao niên tại Mỹ được gọi là “senior citizens” một cách trịnh trọng. Người Mỹ da đen không thích người khác gọi mình bằng màu da, nên ngày nay các chính trị gia khôn khéo gọi họ là “African Americans.”

Không ngôn ngữ nào khác có thể so với Việt ngữ về bản chất đa dạng, đa năng của đại danh từ xưng hô ngôi thứ nhất số ít. Quả thực, trong khi đại đa số ngôn ngữ chỉ sử dụng một dạng cho ngôi này, như “je” trong Pháp ngữ, “I” trong Anh ngữ, “ich” trong Đức ngữ, và “wo” trong Hoa ngữ quan thoại, Việt ngữ chúng ta có cả một kho tàng xưng hô cho ngôi thứ nhất số ít ngoài đại danh từ “tôi” thông thường. Mỗi dạng khác nhau của đại danh từ “tôi” nói lên được mối liên hệ đặc biệt giữa người nói và người nghe. Con cái chẳng bao giờ dám xưng “tôi” với cha mẹ, cũng như học trò chẳng hề xưng “tôi” với thầy giáo. “Tao” chỉ có thể thay thế cho “tôi” giữa các bạn bè thân nhất hoặc trong các cuộc chửi bới lẫn nhau. Tất cả các danh từ diễn tả mối liên hệ họ hàng như “bố, mẹ, chú, bác, cô, cậu, ông nội, bà ngoại” vân vân đều có thể được dùng làm đại danh từ xưng hô ngôi thứ nhất. Và một nét rất đặc thù của tiếng Việt là tên người đang nói có thể được dùng làm đại danh từ xưng hô thay cho “tôi.”

Còn ngôi thứ hai số ít của đại danh từ xưng hô trong tiếng Việt thì sao? Nhiều ngôn ngữ trên thế giới có ít nhất là hai dạng cho ngôi này, một dạng thân mật và một dạng trang trọng. Tiếng Pháp có “tu” và “vous”, tiếng Đức có “du” và “Sie”, tiếng Tây ban nha có “tú” và “usted”, và tiếng Trung Hoa quan thoại có “ni” và “nin.” Các động từ “mày tao chi tớ” trong tiếng Việt, “tutoyer” trong tiếng Pháp, và “tutear” trong tiếng Tây ban nha đều diễn tả hành động dùng các dạng thân mật để xưng hô giữa bạn bè hoặc bà con thân thích. Cũng giống như trường hợp ngôi thứ nhất, ngôi thứ hai của đại danh từ trong tiếng Việt đa diện, đa năng hơn hẳn nhiều ngôn ngữ khác. Mỗi dạng của ngôi này nói lên được mối liên hệ đặc biệt giữa người nói và người nghe. Những danh từ diễn tả mối liên hệ họ hàng (bác, chú), những tước vị (bác sĩ, đại úy), cũng như tên người (Lan, Tuấn) đều có thể dùng làm đại danh từ xưng hô ngôi thứ hai.

Hiển nhiên, muốn đẹp lòng người nghe, người nói phải lựa chọn đại danh từ xưng hô cho phù hợp. Khi một người trẻ nói chuyện với những người lớn tuổi bằng cha mẹ, bằng ông bà mình mà xưng hô “tôi” với họ thì người trẻ ấy hoặc quả thực quá kém tiếng Việt hoặc cố tình cư xử vô lễ. Người viết bài này đã nhiều lần vô cùng bực tức khi thấy một người còn trẻ trên bục thuyết trình mở đầu cuộc nói chuyện với đủ mọi lứa tuổi từ rất trẻ đến rất già với câu mở đầu hỗn xược “Thưa toàn thể anh, chị, em”! Người trẻ ấy có tước vị gì đi chăng nữa thì cũng chỉ là một phường thiếu giáo dục.

Trong lãnh vực thương mại và hành chánh, cách xưng hô trang trọng lại càng cần thiết. Người Pháp thường kết thúc một lá thư thương mại hoặc hành chánh bằng câu “Veuillez agréer, Monsieur/Madame, l’expression de nos sentiments les plus chaleureux” (“Xin Ông/Bà nhận cho sự biểu lộ những cảm tình nồng hậu nhất của chúng tôi”). Người làm thương mại tại các nơi sử dụng tiếng Tây Ban Nha còn lễ độ hơn nữa. Trước khi họ ký tên vào lá thư cho thân chủ, họ tự nhận họ là những “atentos seguros servidores” (“tôi đòi trung kiên và đầy quan tâm”) của các thân chủ của họ!

Văn hóa nào cũng biết nói lên lòng tri ân đối với ân huệ. Người Đức dùng động từ “danken” và người Mỹ dùng động từ “thank.” Hai động từ này từa tựa âm thanh như hai động từ “denken” và “think” có nghĩa là “suy nghĩ.” Phải chăng các dân tộc ấy nghĩ ngợi nhiều mỗi khi họ tri ân những ai đã ban ân huệ cho họ? Từ ngữ “arigato” để cám ơn của người Nhật nghĩa đen là “có khó khăn.” Hiển nhiên “khó khăn” ở đây mô tả nỗi nhọc nhằn của người mình mang ơn khi làm ân huệ cho mình. Người Việt chúng ta bầy tỏ lòng tri ân cũng mặn nồng không kém, chẳng hạn, “Tôi đội ơn ông đời đời!” Câu nói đó chắc sẽ làm vừa lòng người nghe lâu dài. Chúng ta không những chỉ “biết” mà còn “mang” trong người hoặc “đội” trên đầu cái ơn ấy!

Cách thức đáp lại lời tri ân cũng có thể làm người nghe yên dạ. Nhiều người Tây phương cũng như người Việt đáp “Không có chi!” Và để trấn an người nhận ân huệ hơn thế nữa, người Tây phương có thể dùng những lời nói ngoại giao như “Niềm vui đó là của tôi!” Chúng ta cũng có một lời đáp lại sự “đội ơn” một cách rất khiêm cung là “Tôi không dám!”

Trong mối tương quan giữa khách và chủ, người Trung Hoa vô cùng thận trọng. Tiếng quan thoại dùng từ ngữ “kechi” (tức là “khách khí” nếu phát âm kiểu Hán Việt) để nói lên cách cư xử của người khách: lễ độ, lịch duyệt, khiêm cung, đầy cảm thông, và để tâm đến người khác. Để người khách được thoải mái hơn, người chủ dùng thành ngữ phủ định “bukechi” (“bất khách khí”), tương đương với câu “Xin đừng làm khách” của người Việt. Trong văn hóa Trung Hoa, “kechi” liên hệ mật thiết với “lijiao” (“lễ giáo”), và nguồn gốc của “li” (“lễ”) xuất phát từ đời nhà Chu cách đây hơn ba ngàn năm rồi. Do ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, người Việt chúng ta ưa dùng những thành ngữ Hán Việt khiêm tốn như “tệ xá, tiện nội, thiển ý” vân vân khi chúng ta nói về chúng ta, và những thành ngữ Hán Việt trang trọng như “quý quyến, lệnh ái, tôn ý” vân vân khi chúng ta nói với khách của chúng ta. Người Tây phương cũng muốn cho khách của họ cảm thấy thoải mái trong cuộc giao tiếp, nhưng ngôn từ của họ ít khách sáo hơn ngôn từ Đông phương. Nếu người Mỹ nói thẳng ra “Xin cứ coi như ở nhà” (“Please make yourself at home”) thì người Tây Ban Nha còn nói rõ hơn thế nữa: “Nhà của tôi là nhà của ông” (“Mi casa es su casa”).

Các cụ ngày xưa khi thấy con cháu nói năng bừa bãi làm phật lòng người nghe một cách vô tích sự đã có lời khuyên răn họ rằng “Lời nói chẳng mất tiền mua / Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.” Một lời khuyên chí lý biết bao!




Giao Duyên Ngôn Ngữ

posted Feb 17, 2010, 12:26 PM by Quốc-Anh Vương   [ updated Apr 13, 2015, 9:54 AM by Chí-Thông Nguyễn ]

Đàm Trung Pháp.

Sau ba chục năm tỵ nạn tại Mỹ, nhiều người Việt chúng ta đã sử dụng tiếng Mỹ trong đời sống hàng ngày cũng như trong công ăn việc làm rất thành thạo.  Cũng chính vì vậy mà khi nói tiếng Việt với nhau tại quê hương mới này, chúng ta có khuynh hướng đưa khá nhiều tiếng Mỹ vào ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng ta.  Trong các câu chuyện xã giao, trong báo chí, và ngay cả trong văn chương nữa, mối giao duyên ngôn ngữ Việt-Mỹ thực tự nhiên và đề huề!

Các tiệm ăn mới khai trương thường không tính tiền nước uống cho thực khách và diễn đạt ý tưởng ấy bằng nhóm chữ "FREE Nước Ngọt".  Kỳ diệu thay, nhóm chữ này dùng cú pháp Mỹ rất chỉnh: tính từ FREE mô tả danh từ Nước Ngọt được trịnh trọng đặt trước danh từ ấy!  Vài tiệm phở có sáng kiến bán phở làm sẵn cho người mua mang về nhà, và quảng cáo thứ phở đó là "Phở TO GO".  Khỏi phải nói, nhóm chữ này cũng đúng cú pháp Mỹ luôn!  Mới đây, nguyệt san văn học Khởi Hành (số 103, tháng 5-2005) của nhà thơ Viên Linh tại Little Saigon có đăng một bài thơ vui của Nguyễn Phú Long, trong đó tiếng Mỹ sánh vai cùng tiếng Việt ngộ nghĩnh làm sao:

Xe thư bưu điện đến rồi đi,
Ngoài COUPONS ra chả có gì.
Bạn tới chúc xuân khui nước ngọt,
BUY ONE ngoài chợ GET ONE FREE.


Hiện tượng giao duyên ngôn ngữ của chúng ta thực ra là một khuynh hướng đại đồng.  Mọi sắc tộc di dân khác tại xứ này đều cho tiếng nói mẹ đẻ của họ giao duyên "tưới hột sen" cùng Mỹ ngữ, y chang như chúng ta vậy.  Mùa Giáng Sinh vừa qua, một sinh viên gốc Mễ Tây Cơ của tôi có gửi cho tôi một bài thơ vui khá dài mang tên "The Night Before Christmas" trong đó tất cả các câu đều bắt đầu bằng Mỹ ngữ và kết thúc bằng Tây Ban Nha ngữ với vần điệu hẳn hòi và cú pháp của cả hai thứ tiếng đều hoàn hảo.  Đoạn đầu bài thơ ấy như sau:

It was the night before Christmas and all through the CASA (1)
Not a creature was stirring, CARAMBA, QUÉ PASA? (2)
I was hanging the stocking with MUCHO CUIDADO (3)
In hopes that old Santa would feel OBLIGADO (4)
To bring all the children, both BUENOS Y MALOS, (5)
A nice batch of DULCES Y OTROS REGALOS (6)


Giới nghiên cứu ngôn ngữ tại Mỹ mệnh danh cái hiện tượng giao duyên ngôn ngữ rất tự nhiên này là "code-switching" và không hề lên án những người sử dụng nó là cẩu thả, lai căng, hoặc hỗn loạn trí tuệ. Trái lại, họ cho rằng những người có khả năng cho hai ngôn ngữ giao duyên với nhau một cách hữu hiệu là những người thực sự đã làm chủ được cả hai ngôn ngữ ấy, và khi cần thiết (như khi giao dịch với một cá nhân "đơn ngữ") họ dư khả năng sử dụng chúng một cách "tinh tuyền" không pha trộn chút nào.

Có vài lý do khiến chúng ta cho tiếng Việt giao duyên cùng tiếng Mỹ, và những lý do này rất thực tiễn.  Có lẽ lý do thông thường nhất là khi tiếng Việt không có ngữ vựng hoặc thành ngữ thỏa đáng để diễn tả một ý niệm mà chúng ta đã quá quen trong tiếng Mỹ.  Thí dụ, khi còn ở quê nhà trước 1975, lúc bị bệnh không đi làm được, chúng ta đâu có gọi điện thoại vào sở để "cáo ốm" được?  Thành ra, khi diễn tả ý niệm đó trong cuộc sống hiện tại, chúng ta liền cho thành ngữ rất tiện dụng của người Mỹ là CALL IN SICK giao duyên ngay với tiếng Việt mến yêu, để phát sinh ra câu "Bữa nọ mình bịnh quá, đi làm hết nổi, thành ra phải CALL IN SICK rồi nhờ người ta đưa đi bác sĩ đấy".  Những từ ngữ chuyên môn như SOFTWARE, BLUEPRINT, EMAIL, WORKSHOP, những công thức ngắn gọn để chào hỏi, chúc tụng, cảm tạ, hoặc chia tay trong tiếng Mỹ như HELLO, GOOD MORNING, SORRY, CONGRATULATIONS, THANK YOU, và GOOD-BYE cũng rất được chúng ta chiếu cố và sẵn sàng cho vào tiếng nói chúng ta.  Một lý do nữa khiến chúng ta dùng yếu tố Mỹ trong tiếng Việt là để gián tiếp nói lên một mối liên kết giữa những người "đồng hội đồng thuyền" với nhau.  Tôi biết chắc những Việt kiều áo gấm về làng khi gặp nhau tại quê cũ thế nào cũng "pha" ê hề tiếng Mỹ vào tiếng Việt của họ, như thể để nhắc nhở mọi người mọi giới rằng họ là những "người Mỹ gốc Việt" chính cống sáng giá lắm đấy, chứ không phải là đồ bỏ đâu!  Khôn ngoan chẳng kém gì chúng ta, các chánh trị gia người Mỹ gốc Mễ Tây Cơ khi đi vận động tranh cử ở những địa phương có nhiều cử tri cùng gốc gác sắc tộc với mình sẽ tận dụng võ khí giao duyên ngôn ngữ Mỹ-Mễ để nhắc nhở các cử tri song ngữ ấy rằng "chúng ta đồng hội đồng thuyền với nhau đâu mà, vậy thì hãy bỏ phiếu cho tôi đi!" Sau hết, chúng ta có thể dùng yếu tố Mỹ trong tiếng Việt như để chuyển sang một thái độ mới, như để cảnh giác người nghe.  Chẳng hạn, khi thấy sắp đến giờ đi học mà đứa nhỏ còn nằm dài trên giường, người mẹ song ngữ Mỹ-Việt có thể phát ngôn "Này cu Tý, gần bảy giờ sáng rồi đấy nhá.  Ngủ nhiều rồi mà, con ơi.  NOW GET UP!"  Nghe bà mẹ hiền đang nói tiếng Việt rồi bà bất chợt nghiêm giọng chuyển sang tiếng Mỹ ở câu cuối cùng thì cu Tý, dù có lì lợm đến mấy, chắc cũng phải nhảy ra khỏi giường tức khắc.

Tóm lại, thưa quý bạn, CODE-SWITCHING giữa hai ngôn ngữ Việt Mỹ là một NATURAL PHENOMENON, cho nên chúng ta chẳng phải WORRY gì cả về vấn đề này, OK?  Vả lại, cái HABIT này nó khó bỏ lắm!  Bạn cứ thử nói tiếng Việt "tinh tuyền" về thời sự hoặc công ăn việc làm trong một bữa cơm gia đình mà coi.  IT WOULD BE A PAIN, BELIEVE ME!

CƯỚC CHÚ: (1) CASA = House, (2) CARAMBA, QUÉ PASA? = My goodness, what's happining? (3) MUCHO CUIDADO= Much care, (4) OBLIGADO = Obliged, (5) BUENOS Y MALOS = Good and bad, (6) DULCES Y OTROS REGALOS = Candies and other gifts.

Khi Nàng Thơ Nói Tiếng Ý

posted Feb 15, 2010, 3:50 PM by Quốc-Anh Vương   [ updated Apr 13, 2015, 10:01 AM by Chí-Thông Nguyễn ]


Khi Nàng Thơ Nói Tiếng Ý

- Đàm Trung Pháp -

Tâm Tình Người Viết: Trong số những ngôn ngữ tôi đã học hỏi, tôi mê tiếng Ý nhất vì lối phát âm nghe thật sướng tai của nó, với năm mẫu âm căn bản "a", "i", "u", "e" và "o". Ba âm đầu phát âm như tiếng Việt, và hai âm sau cùng thường phát âm giống "ê" và "ô" trong ngôn ngữ chúng ta. Những mẫu âm nhiều nhạc tính này xuất hiện ê hề trong mọi vị trí, nhất là các âm "i" và "e" ở vị trí sau cùng của các danh từ và tính từ số nhiều. Khi hai tình nhân người Ý muốn cho nhau biết rằng họ yêu nhau lắm lắm thì họ thốt lên "Amore mio, io ti voglio molte bene", nghe có khác nào một câu ca thánh thót? Động từ "voglio" phát âm là vô-li-ô (chữ "g" coi như thừa) thực ra có nghĩa là "tôi muốn" đấy, bạn ạ. Thêm vào đó là những kết hợp rất êm tai của một số tử âm và mẫu âm, chẳng hạn khi tử âm "s" nằm giữa hai mẫu âm (như trong hai chữ "musicale""melodioso") thì nó phát âm như âm "d" trong chữ "du dương" của chúng ta; tử âm "c" khi đi với "i" và "e" thì đọc như "chi" và "chê" trong tiếng Việt; và các âm tiết "gia" và "gio" được phát âm mạnh mẽ đôi chút hơn là "gia" và "giô" trong tiếng Việt. Thực vậy, khi muốn diễn tả ý nghĩ "Trong vườn hoa văn chương Ý có nhiều thi nhân trữ tình" thì người dân thành phố La Mã sẽ rót mật vào tai người nghe như thế này: "Nel giardino letterario d’Italia ci sono molti lirici". Mới chỉ nghe người thường nói tiếng Ý mà đã mê như thế thì khi Nàng Thơ nói tiếng Ý không hiểu mình còn mê đến đâu! Tôi đã tìm đọc một số thơ trữ tình của các đại danh Cavalcanti, Dante, Petrarca, Boccaccio, và Tasso. Đó là những bài thơ diễm lệ, đau khổ nhiều hơn sung sướng, được làm mặn nồng thêm lên vì bóng giáng những giai nhân mang tên Beatrice, Francesca, Laura, Fiammetta, và cả một nữ mục tử không tên. Vì chưa bao giờ thấy hình ảnh các nàng thơ ấy trong sách vở, tôi đành phải tưởng tượng ra nhan sắc họ vậy. Các nàng hao hao Nữ Thần Ái Tình Venere (Vệ Nữ) trong thần thoại La Mã chăng? Hay các nàng từa tựa minh tinh màn bạc Gina Lollobrigida khi còn son trẻ? Chỉ có Trời biết. Mời bạn cùng tôi thưởng thức một chút thơ trữ tình Ý ngữ, trong đó thấp thoáng những bóng giáng yêu kiều đã một thời làm cho những nhà thơ ấy đứng ngồi chẳng yên.
 
Xin bắt đầu với Guido Cavalcanti (1260-1300), bạn thân của thi hào Dante. Cavalcanti là thủ lãnh trường phái "Dolce stil nuovo" tức là "lối viết mới ngọt ngào" mà chủ đích là để tán dương phụ nữ. Tán dương phái đẹp thực ra đâu có gì mới mẻ, nhưng cái "mới ngọt ngào" của trường phái Cavalcanti là niềm tin rằng tình yêu chỉ có thể phát sinh trong những con tim hào hiệp cao nhã và phái đẹp chính là những thiên thần giáng thế để cứu độ các đấng mày râu! Như vậy, tình yêu dành cho một phụ nữ cũng là tình yêu dâng lên Thượng Đế. Cavalcanti làm nhiều thơ, nhưng những bài hay nhất của ông lại là những bài ngăn ngắn trong đó triết lý khô khan bị quên lãng mà chỉ còn những tình ý cá nhân chan chứa. Bài thơ "In un boschetto" quả là một tuyệt chiêu nói về cuộc gặp gỡ như mơ giữa thi nhân và một nữ mục tử trong rừng. Yếu tố thành khẩn và bộc trực trong cảm nghĩ của cô mục tử trong bài thơ làm người đọc khó quên được nàng. Nàng diễm lệ như thế này thì còn ai hơn được nàng:

In un boschetto trova pasturella
Piu che la stella -- bella al mi parere.

Trong rừng nhỏ gặp nàng mục tử
Đẹp hơn cả sao trời – nàng đứng trước mặt tôi.

Tóc vàng óng ả, da thịt hồng tươi, đôi mắt long lanh tình ái, nàng đang chăm sóc đàn cừu non. Mà gợi cảm thay:

E, scalza, di rugiada era bagnata,
Cantava come fosse innamorata.

Và đi chân không, ướt đẫm sương mai,
Nàng hát ca như say hương tình ái.

Thi nhân choáng váng, chào nàng làm quen và muốn biết nàng có ai đi cùng với nàng không. Dịu dàng nàng thưa:

Che sola sola per lo bosco gia.
Rằng cô đơn cô độc em băng rừng.

Rồi như đã quen thi nhân từ lâu, nàng thỏ thẻ cho biết mỗi khi nghe tiếng chim ca nàng lại thầm ước có được người yêu. Dịp may tới rồi, thi nhân tự nhủ, vì nàng còn lẻ bóng mà chim chóc lại đang ca hát tưng bừng. Chàng thử lửa:

Merzè le chiesi sol che di baciare
E d’abbracciare – le fosse’ n volere.

Tôi chỉ cầu xin ân huệ hôn nàng
Và ôm nàng – nếu nàng ưng thuận.

Nắm tay thi nhân, nàng cho biết trái tim đã trao chàng đó. Tay đan tay, họ đi dưới những cành cây tươi tốt, quanh chân họ hoa sắc muôn màu. Nàng chẳng còn là mục tử tầm thường nữa đâu:

E tanto vi sentio gioia e dolzore
Che dio d’amore – parmevi vedere.

Từ nơi đây với biết bao vui thú
Thần tình yêu – đích thị nàng rồi.

Người dân Ý yêu bài thơ "In un boschetto" bất hủ này của Cavalcanti vì tác giả đã thần thánh hóa một cách kỳ diệu một phụ nữ không quyền quý cao sang.

Khi mới chín tuổi đầu, Dante Alighieri (1265-1321) đã gặp Beatrice là cô bé gái cùng tuổi bên lối xóm, đẹp cả người lẫn nết như một thiên thần. Từ phút đó trở đi, ái tình ngự trị linh hồn của cậu bé mà sau này trở thành một thi hào của nhân loại. Beatrice về sau lấy một một chủ ngân hàng giàu có, và có lẽ nàng cũng chẳng bao giờ biết đến mối tình lặng lẽ mà Dante đã trọn vẹn dành cho nàng. Sau khi cành thiên hương Beatrice thoắt gẫy lúc 24 tuổi đời, Dante sáng tác tuyển tập "Vita Nuova" tức là "Cuộc Đời Mới" để ca tụng nàng như một niềm hứng khởi vô biên. Nàng trở thành một thứ mặc khải thần linh đã hướng dẫn Dante trên Thiên Đàng đến nơi gặp Thượng Đế trong đại tác phẩm "Divina Commedia" của Dante. Trong một cảnh của tác phẩm để đời này, kiều nữ Francesca bị đầy đọa tơi bời hoa lá dưới địa ngục. Khác hẳn Beatrice, Francesca là một nhân vật rất "người" với những nét yếu đuối mong manh của một phụ nữ. Nàng trẻ đẹp duyên dáng mà lại bị bó buộc lấy một người chồng vừa già vừa vô duyên vừa xấu trai. Trái tim Francesca sau đó đã dành cho người em chồng hào hoa mang tên Paolo, trong dịp họ cùng đọc chung câu chuyện về nụ hôn say đắm bất chính giữa hiệp sĩ Lancelot và hoàng hậu Guinevere (vợ vua Arthur). Cùng đọc tới đoạn gây cấn đó, chị dâu Francesca và em chồng Paolo cũng ... hôn nhau vũ bão như trong sách. Tội lỗi bắt đàu từ đó. Khi khám phá ra mối tình bất chính, người chồng bị mọc sừng đã giết cả hai. Lúc đền tội dưới địa ngục, Francesca nhớ lại dây phút nàng và Paolo sa ngã:

Quando leggemmo il disiato riso
Esser baciato da cotanto amante,
Questi, che mai da me non fia diviso,
La boca mi baciò tutto tremante.

Khi đọc đến miệng cười đam mê của bà
Được người tình phủ kín bằng nụ hôn,
Thì chàng, người đã kết với tôi làm một,
Hôn miệng tôi mà run rẩy thân mình.

Một đại danh nữa trong văn chương Ý là Francesco Petrarca (1304-1374). Thi hào này mở ra một kỷ nguyên mới cho văn chương mà đặc trưng là mến mộ thiên nhiên, say sưa thế tục, nhưng cũng có nhiều trăn trở trong hồ nghi và mâu thuẫn. Ông làm nhiều thơ bằng tiếng La-tinh khiến ông danh tiếng lẫy lừng, nhưng dân chúng mến mộ ông nhiều hơn vì những bài ca trữ tình hoa mỹ viết bằng tiếng Ý được hậu thế góp lại thành tập "Canzoniere". Tập thi ca đó để tặng nàng Laura, cũng là một thứ người tình lý tưởng. Chỉ biết khi thi nhân gặp Laura thì nàng đã có chồng. Laura là căn nguyên cho cả thú vui lẫn khổ đau cho Petrarca. Nàng như trói buộc người thơ bằng sợi dây vô hình, đánh thức dậy trong chàng những đam mê thác lũ, và làm cho chàng quên đi cả Thượng Đế. Cả một vấn nạn, vì:

Guerra è il mio stato, d’ira e di duol piena;
E sol di lei pensando ho qualche pace.

Tâm trạng ta: chiến tranh, hờn căm, phiền não;
Và chỉ nghĩ đến nàng ta mới được bình an.

Khó có lời than van nào thống thiết hơn hai câu thơ sau đây của Petrarca:

Mille volte il di moro e mille nasco;
Tanto dalla salute mia son lunge!

Nghìn lần mỗi hôm ta chết đi và sống lại;
Cứu rỗi ơi, ta xa cách muôn trùng!

Nếu Dante có Beatrice và Petrarca có Laura làm nguồn thơ thì Giovanni Boccaccio (1313-1375) có Fiammetta để vì nàng mà làm thơ tình lai láng. Không ai biết rõ tông tích Fiammetta; có thể nàng có máu vua chúa trong người. Nhưng nàng oái oăm lắm: trước hết nàng khước từ trái tim Boccaccio, rồi nàng chịu yêu chàng, để rồi sau cùng phản bội chàng! Khi còn yêu nhau, nàng khả ái, nhu mì, chiều lòng thi nhân hết mực. Mùa xuân đến, nàng dạo gót trên bãi cỏ xanh đầy hoa thơm khoe sắc. Phong cảnh hữu tình khiến Fiammetta chợt nhớ tới Boccaccio, người mà:

Ha presa e terrà sempre, come quella
Ch’altro non ha in disio ch’e suoi piaceri.

Có em hôm nay và mãi mãi
Chỉ khát khao được thỏa mãn lòng chàng.

Lúc ấy thi nhân đi vắng, Fiammetta thở dài não nuột và gọi tên chàng cho đỡ nhớ. Kỳ diệu thay, khi yêu nhau say đắm người ta dường như có thần giao cách cảm:

Il qual, come gli sente, a dar diletto
Di sè a me si move e viene in quella
Ch’i son per dir: Deh vien, ch’i non desperi.

Chàng như thấu lòng em, để ban lạc thú
Từ chàng sang em, nên hiện ra lúc ấy
Trước khi em kịp nói: Đến với em, nhớ quá đi thôi.

Mối tình đẹp như mơ ấy chẳng bền lâu. Hãy tưởng tượng nỗi lòng tan nát của Boccaccio khi cô Fiammetta lộng lẫy nhan sắc đó nỡ bỏ chàng vì một người khác có địa vị và tiền bạc hơn nhà thơ chung thủy!

Sau hết, xin mời bạn gặp nhà thơ Torquato Tasso (1544-1595) tài hoa tuyệt trần nhưng cũng bất hạnh vô song. Tasso khét tiếng với thiên anh hùng ca "Gerusalemme Liberata", nhưng người đời lại thích đọc những bài thơ tình của ông hơn. Vị thiên tài này bị bệnh tinh thần, nhiều phen phải cột chặt chân tay trong nhà thương điên, hậu quả của một tự ti mặc cảm nghiệt ngã. Tasso thương yêu vô vọng một giai nhân, cũng mang tên Laura, thuộc loại lá ngọc cành vàng. Trong một bài thơ tặng nàng, Tasso chơi chữ ngoạn mục, dùng tên nàng để gợi ra chữ "aurora" (bình minh) và "l’aura" (gió mát):

O bella e vaga Aurora
L’aura è tua messaggera, e tu de l’aura
Ch’ogni arso cor ristaura.

Hỡi Bình Minh diễm kiều duyên dáng
Gió mát là sứ giả cho em, và em cho gió mát
Làm hồi sinh tim tan nát vì ai.

Nhưng Laura chỉ là giấc mơ cho Tasso mà thôi. Trong bài thơ "Un’ ape esser vorrei" trích dẫn dưới đây, chúng ta sẽ thấy một Tasso tuyệt vọng toan tính trả thù người trong mơ, mà lại trả thù nàng một cách rất khêu gợi, rất nên thơ. Xin bạn coi bài thơ ấy như một lời tạm biệt, một lời "arrivederci" với Nàng Thơ Nói Tiếng Ý nhé:

Un’ ape esser vorrei
Donna bella e crudele
Che susurrando in voi suggesse il mèle
E, non potendo il cor, potesse almeno
Pungervi il bianco seno
E’ n si dolce ferita
Vendicata lasciar la propria vita.

Ta muốn là con ong
Hỡi giai nhân ác độc
Thì thầm ta sẽ hút mật trong em
Vì không đốt được tim em, ít nhất
Ta sẽ chích ngực em trắng ngần
Để rồi trong vết thương ngọt ngào ấy
Ta bỏ cõi đời, rửa hận cho nguôi.

Tác Dụng Những Chuỗi Liệt Kê Trong Thơ Jacques Prévert và Nguyên Sa

posted Feb 15, 2010, 3:45 PM by Quốc-Anh Vương   [ updated Feb 23, 2010, 11:08 AM by Chí-Thông Nguyễn ]

Tác Dụng Những Chuỗi Liệt Kê Trong Thơ
Jacques Prévert và Nguyên Sa

Đàm Trung Pháp


Hai nhà thơ cận đại mà tôi ái mộ là Jacques Prévert (1900-1977) và Nguyên Sa (1932-1998). Hai thi sĩ này giống nhau ở chỗ họ sử dụng những chuỗi liệt kê (énumérations) trong thơ rất hữu hiệu. Đó là lối viết lớp lang trong trật tự, theo kiểu "một thương tóc bỏ đuôi gà, hai thương ăn nói mặn mà có duyên, ba thương má lúm đồng tiền" ấy mà. Tôi võ đoán Prévert đã ảnh hưởng không ít đến Nguyên Sa khi nhà thơ này du học tại Paris vào những năm đầu thập niên 1950. Nếu những bài thơ tình dễ đọc và dễ cảm thông như những lời nói thường ngày khiến Prévert lẫy lừng danh tiếng bên Pháp thì những bài thơ tình trinh nguyên đẹp như mơ của Nguyên Sa cũng đã mang lại cho ông rất nhiều người ái mộ tại Việt Nam.

Một trong những bài thơ Prévert mà tôi thích nhất là bài rất ngắn mang tên "Paris at night."  Bài thơ ấy gọn và chính xác như một lệnh hành quân, thứ tự lớp lang đâu vào đấy khiến người đọc không còn phải thắc mắc gì nữa về nội dung của nó. Vai trò của ba que diêm lần lượt được nhà thơ đốt lên trong bài thơ nói về cuộc sống ban đêm ở Paris rõ rệt lắm. Que thứ nhất để ta nhìn mặt em trọn vẹn, que thứ hai để ta chiêm ngưỡng đôi mắt em, và que chót để ta ngắm miệng em. Sau đó là bóng tối hoàn toàn để ta nhớ lại tất cả những điều ấy trong khi ta ôm chặt em trong vòng tay ân ái. Với dàn bài là một bảng liệt kê, ngôn ngữ dân gian, cú pháp đơn giản, và ý thơ khiêu khích, "Paris at night" không những chỉ là một tuyệt tác, mà theo tôi (một nhà giáo ngôn ngữ thuộc loại méo mó nghề nghiệp) còn là một tài liệu giáo khoa thượng thặng cho những ai muốn trau giồi tiếng Pháp:

Trois allumettes une à une allumées dans la nuit
La première pour voir ton visage tout entier
La seconde pour voir tes yeux
La dernière pour voir ta bouche
Et l'obscurité tout entière pour me rappeler tout cela
En te serrant dans mes bras

Nguyên Sa cũng có những bài thơ kể lể trong lớp lang như Prévert vậy, chẳng hạn như bài "Năm ngón tay" ngộ nghĩnh, với ngôn từ và cú pháp giản dị tối đa và lời kết là một hờn mát dành cho chủ nhân của bàn tay ngà nào đó:

Trên bàn tay năm ngón
Có ngón dài, ngón ngắn
Có ngón chỉ đường đi
Có ngón tay đeo nhẫn
Ngón tay tô môi
Ngón tay đánh phấn
Ngón tay chải đầu
Ngón tay đếm tiền
Ngón tay lái xe
Ngón tay thử coóc-sê
Ngón tay cài khuy áo
Em còn ngón tay nào
Để giữ lấy tay anh?

Vẫn dùng phương thức liệt kê, trong bài "Alicante" Prévert tổng kết những chi tiết buổi ái ân với một kiều nữ như sau: một trái cam trên bàn, quần áo nàng trên thảm, nàng trên giường ta, quà tặng ngọt ngào cho hiện tại, rượi mát ban đêm, nóng bỏng đời ta. Người đọc tinh ý sẽ thấy câu thơ số 4 là một cách "nói nhịu" (contrepèterie) tài tình cắt nghĩa câu thơ số 1, câu 5 cắt nghĩa câu 2, và câu 6 cắt nghĩa câu 3:

Une orange sur la table
Ta robe sur le tapis
Et toi dans mon lit
Doux présent du présent
Fraicheur de la nuit
Chaleur de ma vie

Một chuỗi liệt kê những câu phức hợp bắt đầu bằng những mệnh đề phụ chỉ điều kiện, đi đôi với ngôn từ khuếch đại, làm cho bài "Gọi em" của Nguyên Sa thực khó quên. Đây là những lời thi nhân cuống quít muốn nói với cô bạn gái mà "một buổi sáng tỉnh dậy" chàng đã thấy ra khỏi vòng tay mình:

Tôi bảo rằng: em phải về ngay.
Nếu em là gió tôi sẽ làm trăng.
Em là trăng tôi sẽ là mây.
Nếu em là mây tôi sẽ làm gió thổi.
Còn nếu em là chân trời xa tôi sẽ làm
cánh chim bằng rong ruổi.
Em là mặt trời thì ở trên đường xích đạo
tôi sẽ muôn đời làm một kiếp hướng dương.

Ngoài chủ đề tình ái quen thuộc như đã trình bầy ở trên, Prévert và Nguyên Sa còn làm thơ để châm biếm các quy ước xã hội hoặc nhắc nhở đến những vấn đề nhân sinh, trong đó cái vô lý của chiến tranh là một mối quan tâm lớn, với lời thơ nhuốm một nỗi sầu man mác và vẫn dùng phương thức liệt kê độc đáo của họ. Bài thơ "Barbara" lẫy lừng của Prévert (đã được phổ nhạc để hát trong các quán rượu và khiêu vũ trường) có thể làm người đọc rơi lệ thương cảm cho mối tình mới chớm nở đã bị chiến tranh cướp mất giữa nàng Barbara và một chàng trai thời loạn. Là chứng nhân của mối tình ấy, Prévert trìu mến nhớ lại lúc cặp tình nhân gặp nhau dưới làn mưa hạnh phúc, khi Barbara vội chạy vào trong vòng tay người yêu, đầm đìa nước mưa, mừng vui, hớn hở. Trong ba câu dưới đây, Prévert đã thực hiện các liệt kê này: câu (1) và (3) chứa hai động tác cuống cuồng của một phụ nữ đang yêu ("chạy vội" về phía người yêu và "ném mình" vào trong vòng tay chàng), câu (2) kê ra ba tính từ rất đẹp để tả người phụ nữ đang yêu dưới mưa ấy (đầm đìa, mừng vui, hớn hở):

Et tu as couru vers lui sous la pluie
Ruisselante ravie épanouie
Et tu t'es jetée dans ses bras

Nhưng dưới trận mưa "sắt, lửa, thép, và máu" của chiến tranh ngu xuẩn, em bây giờ ra sao, hỡi Barbara, và cái anh chàng đã ôm em đắm đuối trong vòng tay bây giờ thế nào --"chết, mất tích, hay còn sống"?  Những liệt kê vừa kể làm cho đoạn thơ kế tiếp thêm xót xa, ái ngại:

Quelle connerie la guerre
Qu'es-tu devenue maintenant
Sous cette pluie de fer
De feu d'acier de sang
Et celui qui te serrait dans ses bras
Amoureusement
Est-il mort disparu ou bien encore vivant

Qua một thác nước liệt kê thần sầu, "Cắt tóc ăn tết" của Nguyên Sa là một bài thơ đánh mạnh vào tâm tư người đọc như một lời kinh xin giải tội cho một đất nước đang băng hoại đạo đức trong cơn khói lửa. Ngày nay đọc lại bài ấy, tôi không khỏi buồn man mác và nuối tiếc vì lời nguyện cầu của nhà thơ ưu thời mẫn thế đó đã không được ông Trời chấp nhận cho. Tôi xin kết thúc bài viết này bằng cách chia xẻ với quý bạn đọc một vài đoạn đặc sắc trong bài "Cắt tóc ăn tết" của Nguyên Sa:
 
Cắt cho ta, hãy cắt cho ta
Cắt cho ta sợi dài
Cắt cho ta sợi ngắn
Cắt cái sợi ăn gian
Cắt cái sợi nói dối
Sợi ăn cắp trên đầu
Sợi vu oan dưới gáy
Sợi bè phái đâm ngang
Sợi ghen tuông đứng dọc
Sợi xích chiến xa, sợi giây thòng lọng
Sợi hưu chiến mỏng manh, sợi hận thù buộc chặt
...
Cắt cho ta
Cắt cho ta, hãy cắt cho ta
Sợi Hà-Nội khóc trong mưa
Sợi Sài-Gòn buồn trong nắng
Sợi dạy học chán phè
Sợi làm thơ thiểu não
...
Cắt cho ta
Sợi mệt mỏi sau những tháng ngày hoan hô đả đảo
Sợi cháy đen như rừng núi Chu-Prong
Sợi thở dài trong đêm cúp điện tối om
Sợi sát vào nhau đánh sáp lá cà
Sợi cắt non sông thành Bắc Nam, thành khu chiến

Khi Anh Ngữ Nhuốm Màu Địa Phương

posted Feb 15, 2010, 7:22 AM by Quốc-Anh Vương   [ updated Mar 9, 2010, 10:26 AM by Chí-Thông Nguyễn ]

"Rắn trong lỗ" hay "Đồ ăn trong hội trường"?

Từ nhiều năm nay tôi thường có một số sinh viên quốc tế theo học chương trình giáo dục ngôn ngữ tôi phụ trách tại Texas Woman's University. Cách nói và viết tiếng Anh khá đặc thù của họ đã kích thích tính tò mò của tôi và thúc đẩy tôi tìm hiểu thêm về những dạng thức khác nhau của tiếng Anh ngày nay trên thế giới. Đôi khi tôi thắc mắc và tự hỏi liệu những người nói tiếng Mỹ "tiêu chuẩn" như quý bạn và tôi có khó khăn gì không khi giao dịch với những người nói tiếng Anh loại này, chẳng hạn trong trường hợp giả dụ rất có thể xảy ra dưới đây?

Chúng ta đang dự một buổi tiếp tân tại một khách sạn bên Ấn Độ, quê hương của biết bao thứ mãng xà, và bất chợt nghe vị MC bản xứ dõng dạc nói qua máy vi âm điều gì nghe như thể "Snakes are now in the hole, please serve yourself!"  thì chắc chắn chúng ta sẽ chới với. Khiếp thế, cho ăn gì đây? Hổ mang hoa, rắn đeo kính chăng? Thưa không phải như vậy đâu, may thay! Sự hiểu lầm này xảy ra chỉ vì cách phát âm độc đáo của Anh ngữ Ấn Độ mà thôi. Trong phương ngữ này, người ta giảm bớt đi một số mẫu âm bằng cách "giết hai con chim bằng một hòn đá," và vì vậy hai chữ "snack" và "snake" chứa đựng hai mẫu âm khác nhau một trời một vực đều được phát âm như chữ  "snake."  Hai mẫu âm khác nhau trong chữ "hall" và chữ "hole" cũng cùng chịu chung một số phận ấy, và cùng được phát âm nhữ chữ  "hole."  Thứ tiếng Anh này cũng có một số từ vựng độc đáo, như "co-brother" và "co-sister" chẳng hạn, ý nghĩa tương đương với "anh em cột chèo" và "chị em dâu" trong ngôn ngữ chúng ta. Quý bạn nào tôn trọng ngữ pháp tiêu chuẩn trong tiếng Anh, tiếng Mỹ sẽ không khỏi chau mày khi thấy người nói Anh ngữ Ấn Độ sử dụng các "tenses" trong động từ theo quy luật riêng lạ kỳ của nó, như trong hai thí dụ điển hình sau đây: "We are here since yesterday" (thay cho "We have been here since yesterday") và "They have been here 20 years ago" (thay cho "We were here 20 years ago"). Xin nhớ là những người này rất có học và sử dụng Anh ngữ Ấn Độ tiêu chuẩn đấy.

Lingua franca hoàn vũ

Thực khó mà coi nhẹ vai trò tiếng Anh ngày nay trên thế giới. Tiếng Anh hiện được coi là một lingua franca tức là thứ tiếng dùng chung của hằng hà sa số những người không nói cùng một thứ tiếng mẹ đẻ. David Crystal (1996) ước lượng số người sử dụng tiếng Anh trong 3 khối nhân loại tượng trưng bằng 3 vòng tròn đồng tâm lan rộng ra như sau: (1) "Vòng tròn trong cùng" gồm những xứ mà đại đa số dân chúng nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ, như Hoa Kỳ, Anh Cát Lợi, Úc Đại Lợi, vân vân, có khoảng từ 320 đến 380 triệu người; (2) "Vòng tròn ngoài" gồm những xứ mà dân chúng sử dụng tiếng Anh từ lâu như Ấn Độ, Tân Gia Ba, Ghana, vân vân, có khoảng từ 150 đến 300 triệu người; và (3) "Vòng tròn lan rộng" gồm những xứ như Trung Hoa, Nga, Việt Nam, vân vân, có khoảng từ 100 triệu đến 1 tỷ người. Như vậy, con số người nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ nhỏ hơn con số người dùng nó như một thứ ngôn ngữ thứ hai rất nhiều. Tổng cộng, tối đa có cả thẩy 1 tỷ 680 triệu người hiện dùng tiếng Anh trên thế giới. Đúng như lời tiên đoán vào năm 1780 của Tổng Thống John Adams (1735-1826) rằng tiếng Anh sẽ là ngôn ngữ được nể vì nhất trên thế giới và sẽ được đọc và nói nhiều nhất hoàn vũ trong những thế kỷ kế tiếp.

Hiện tượng bản xứ hóa

Hiển nhiên khi tiếng Anh lan tràn đến một nơi xa lạ, nó sẽ không thoát khỏi ảnh hưởng tiếng nói của người địa phương, trong tiến trình "bản xứ hóa."  Hiện tượng trăm hoa đua nở này đã mang lại nhiều dạng thức khác nhau cho tiếng Anh, đến nỗi ngày nay các nhà nghiên cứu đã dùng số nhiều cho danh từ "English" cho tập thể "the Englishes of the world" ! Hai yếu tố thường được chú ý nhiều nhất trong hiện tượng bản xứ hóa là phát âmtừ vựng. Bằng phương cách đối chiếu, các nhà nghiên cứu có thể phát hiện và hệ thống hóa những khác biệt đặc thù giữa tiếng Anh tiêu chuẩn và tiếng Anh bản xứ hóa. Nhưng thế chưa đủ, vì tiến trình này còn phản ánh vài yếu tố sáng tạo khác, như sự giản dị hóa cú pháp hoặc sự sử dụng những phương thức tu từ cá biệt của các ngôn ngữ địa phương liên hệ.

Các loại Anh ngữ địa phương hóa (và nay đã qui củ hóa) tại Đông và Tây Phi Châu, Ấn Độ, Tân Gia Ba, Phi Luật Tân, vân vân, đều cho giảm đi con số âm vị (phonemes) của tiếng Anh tiêu chuẩn, bằng cách "sáp nhập" các âm vị tương đối giống nhau (vì chúng ở các vị thế phát âm kế cận) vào làm một. Đáng kể nhất trong khuynh hướng đại đồng này là việc sáp nhập các mẫu âm trong các cặp chữ "eat" và "it", "pool" và "pull", "hole" và "hall"; và các tử âm trong các cặp chữ "see" và "she", "den" và "then", "tick" và "thick."  Các cặp chữ vừa kể này với phát âm khác biệt trong tiếng Anh tiêu chuẩn nay trở thành đồng âm. Tiếng Anh nói tại Đông Phi Châu (trong các quốc gia Kenya, Tanzania, và Uganda) đã cho sáp nhập hoặc "đồng hóa" nhiều âm vị Anh ngữ tiêu chuẩn nhất. Tại đây nhiều người còn không phân biệt được cách phát âm hai tử âm trong cặp "lice" và "rice" và cũng cho đồng hóa các tử âm trong ba chữ "sue", "shoe", và "chew", tức là biến cả ba chữ ấy thành đồng âm, với phát âm chung là  "sue."

Vị trí của âm tiết nhấn mạnh trong một số chữ cũng thay đổi. Chẳng hạn, tại Tây Phi Châu, người ta nhấn mạnh âm tiết sau cùng của các chữ "congratulate" và "investigate" và âm tiết đầu của chữ "success."  Anh ngữ Ấn Độ hóa biểu hiện một ngữ điệu (intonation) khá lạ tai do ảnh hưởng của tiếng Hindi, khiến cho nhiều người không quen với ngữ điệu này rất khó hiểu Anh ngữ Ấn Độ hóa. David Crystal (1995) có nhắc đến chuyện bà Thủ Tướng Indira Gandhi (một sản phẩm giáo dục của Đại Học Oxford bên Anh Quốc) đã than phiền với Bộ Giáo Dục trong nội các của bà về những "tiêu chuẩn đi xuống" của tiếng Anh tại Ấn Độ, sau khi bà không hiểu nổi lời phát biểu bằng tiếng Anh của người đại diện Ấn Độ tại một hội nghị quốc tế!

Từ vựng đương nhiên là một đặc thù của các Anh ngữ địa phương hóa. Nhiều từ ngữ được lấy thẳng từ ngôn ngữ địa phương, như "askari" (cảnh sát viên), "chai" (trà), "kibanda" (chợ đen) trong Anh ngữ Đông Phi Châu; "crore" (mười triệu), "durzi" (thợ may), "sahib" (chủ nhân), "gherao" (phản đối một cá nhân bằng cách không cho người ấy ra khỏi văn phòng) trong Anh ngữ Ấn Độ; "koon" (ngủ), "tolong" (giúp), "chope" (dành trước) trong Anh ngữ Tân Gia Ba; và "boondock" (núi), "carabao" (trâu nước) trong Anh ngữ Phi Luật Tân. Những từ vựng địa phương này có được thế giới để ý đến hay không là tùy thuộc vào tầm quan trọng ý nghĩa của chúng. Vì vậy, trong tiếng Anh Nam Phi Châu, "apartheid" (chính sách phân chia chủng tộc tại Cộng Hòa Nam Phi) và "impala" (một loại linh dương tại Nam Phi Châu chạy rất nhanh) đã gia nhập từ vựng trong đại gia đình Anh ngữ, trong khi "dorp" (làng nhỏ) và "bredie" (một món thịt hầm) thì ít người biết đến. Những từ vựng địa phương nào mà đã có những tương đồng trong tiếng Anh tiêu chuẩn thì thường bị bỏ qua, như trường hợp "outwith" (tiếng Anh Tô Cách Lan, tương đương với "outsid") và "godown" (tiếng Anh Ấn Độ, tương đương với "warehouse").

Một số từ vựng Anh ngữ tiêu chuẩn khi địa phương hóa đã thay đổi ý nghĩa, hoặc có thêm ý nghĩa nới rộng, hoặc được canh tân hình thức với ý nghĩa mới, như trong các thí dụ sau đây. Trong Anh ngữ Ấn Độ, colony = residential area, hotel = restaurant / café, police firing = shooting by police, cousin-sister = female cousin, co-brother = wife's sister's husband, Eve-teasing = harassment of women, Himalayan blunder = grave mistake. Trong Anh ngữ Tây Phi Châu, balance = change (money returned to a customer), bluff = dress fashionably, hot drink = liquor, hear = understand, take in = become pregnant.

Những biến thiên của cú pháp Anh ngữ tiêu chuẩn cũng đáng kể trong các Anh ngữ địa phương hóa. Sau đây là một số kỳ hoa dị thảo nổi bật. Tại Tân Gia Ba, người ta dùng thành ngữ tân lập "use to" (thời hiện tại) để diễn tả một thói quen: "I use to go shopping on Mondays" (thay cho "I usually go shopping on Mondays"). Nhóm chữ "can or not?" được dùng ở cuối một câu nói để người nghe phải xác nhận hoặc phủ nhận sự chính xác của câu nói đó: "She wants to go, can or not?" Điều này xảy ra tôi đoán là do ảnh hưởng trực tiếp của tiếng Hán, trong đó "năng bất năng?" là nhóm chữ tương đương về ý nghĩa và vị trí với "can or not?" được sử dụng phổ thông. Và người ta cũng dùng chữ "la" (hẳn là do chữ "liễu" trong tiếng Hán mà ra) như một tiểu từ trong câu nói để diễn đạt sự xuề xòa, thân thuộc: "Please la come to the party!" Tiếng Anh bên Ấn Độ sử dụng "isn't it?" (với nghĩa "phải không?") cho tất cả mọi câu nói để biến chúng thành các câu hỏi chẳng hạn như các câu "She is going home soon, isn't it?" và "You did not pass the test, isn't it?" Và không kém phần sáng tạo, cú pháp tiếng Anh tại Tây Phi Châu cho phép một túc từ ("them" trong thí dụ sau đây) được sử dụng trong một mệnh đề phụ bắt đầu bằng một đại từ quan hệ ("whom" trong thí dụ sau đây), mặc dù túc từ đó không cần thiết: "The guests whom I invited them have arrived."   Phương ngữ này cũng không phân biệt ý nghĩa giữa đại từ phản thân "themselves" và đại từ hỗ tương "each other", và do đó câu "They like themselves" đồng nghĩa với câu "They like each other."
 

Tương lai ra sao?

Trong lịch sử ngôn ngữ loài người chưa có thứ tiếng nào được sử dụng rộng rãi như tiếng Anh ngày nay trên khắp thế giới. Khó đoán chuyện gì sẽ xảy ra sau này. Hiện giờ có hai vấn đề mâu thuẫn nhau, đó là (1) sứ mệnh truyền thông quốc tế của tiếng Anh và (2) bản sắc riêng biệt của các loại tiếng Anh nhuốm màu địa phương. Sứ mệnh truyền thông quốc tế đòi hỏi yếu tố minh bạch để mọi người cùng hiểu, tức là một tiêu chuẩn chung mà mọi nơi cùng thỏa thuận về cú pháp, từ vựng, chính tả, phát âm, và quy ước sử dụng. Một phương ngữ quốc gia của một ngôn ngữ quốc tế đương nhiên phải có bản sắc đặc thù, cũng trong các lãnh vực cú pháp, từ vựng, chính tả, phát âm, và quy ước sử dụng. Tương lai của tiếng Anh trong cương vị một quốc tế ngữ tùy thuộc vào mức "hòa giải" giữa hai vấn đề mâu thuẫn vừa kể. Một hòa giải đại đồng có thể sẽ dẫn tới sự hình thành của một thứ "Anh ngữ tiêu chuẩn thế giới" mà David Crystal (1995) mệnh danh là "World Standard English." Theo ngữ học gia lẫy lừng danh tiếng này thì một trong ba điều sau đây có thể xảy ra:

(1) Một phương ngữ quốc gia "nặng ký" có thể được các tổ chức quốc tế hàng đầu dần dần chấp nhận và trở thành Anh ngữ tiêu chuẩn thế giới. Tiếng Mỹ đã và đang đi những bước dài về hướng này.

(2) Các phương ngữ có thể kết hợp dần dần để trở thành một hình dạng mới, không giống bất cứ một phương ngữ hiện tại nào. Một thí dụ là loại tiếng Anh nghe thấy trong các hành lang quyền lực của Âu Châu, mệnh danh "Euro-English."

(3) Một loại Anh ngữ mới tinh có thể được chế tạo, chỉ nhắm vào những yếu tố quan trọng và hữu ích nhất trong truyền thông quốc tế. Một thí dụ là lời đề nghị hồi đầu thập niên 1980 cho phát triển một loại tiếng Anh "hạt nhân" chỉ chứa đựng những yếu tố truyền thông tối cần thiết trong văn phạm và từ vựng mà thôi.

Tài liệu tham khảo

Crystal, D. (1995). The Cambridge encyclopedia of the English language. Cambridge, England: Cambridge University Press.
Crystal, D. (1996). English: The global language. Washington, D.C.: U.S. English Foundation.
Kachru, B. (1982). The other tongue: English across cultures. Oxford, England: Pergamon Press.
McArthur, T. (2002). The Oxford guide to world English. Oxford, England: Oxford University Press.
Trudgill, P., & Hannah, J., (1994). International English. London: Edward Arnold.

Ngát Hương Cõi Thơ Trữ Tình Đức Ngữ

posted Feb 15, 2010, 7:08 AM by Quốc-Anh Vương   [ updated Feb 24, 2010, 7:29 PM by Chí-Thông Nguyễn ]

Ngát Hương Cõi Thơ Trữ Tình Đức Ngữ

Đàm Trung Pháp


Thành kiến nông cạn cho rằng Đức ngữ chói tai, vụng về và nặng nề đã bị thi ca trữ tình Đức ngữ phản bác một cách hùng hồn bằng bản chất uyển chuyển, linh động, và đầy nhạc tính của nó. Chính bản chất này đã giúp thơ trữ tình Đức ngữ đi sâu vào di sản văn học nhân loại, qua một cơ duyên hy hữu: sự thăng hoa của loại thơ chan chứa tình cảm này xảy ra cùng lúc mà âm nhạc đang đi đến tột đỉnh tại Đức Quốc. Mối liên kết diệu kỳ giữa chữ nghĩa và âm điệu trong thế kỷ 18 và 19 đã tạo nên những bài ca bất hủ cho các danh tài âm nhạc Brahms, Schubert, và Schumann. Trong bài viết này, tôi mời quý bạn đọc một vài bài hoặc đoạn thơ chan chứa tình người, trong đó --theo lời Hermann Hesse (giải Nobel văn chương 1946)-- các thi sĩ sẵn sàng "gọi tên từng con thú từng phiến đá với tất cả yêu thương." Vì biết rõ "dịch là phản" tôi mong quý bạn đọc thông cảm cho rằng các câu chuyển sang tiếng Việt bằng thơ tự do, ngay bên dưới các đoạn thơ tiếng Đức, chỉ là một cố gắng đầy thiện chí mong diễn tả trung thực ý nghĩa các đoạn thơ tiếng Đức nguyên bản đó mà thôi.

DU BIST WIE EINE BLUME (Em Như Một Đóa Hoa) là một tuyệt tác của Heinrich Heine (1797-1856). Bài thơ này đã được Robert Schumann phổ nhạc nên lại càng thêm lừng danh hoàn vũ. Nó phản ánh mối tình tuyệt vọng giữa thi nhân và một người bà con trong họ mang tên Amalie, xinh đẹp nhưng rất thực tế. Nàng làm ngơ Heinrich để đi lấy chồng giàu sang, gây ra một vết thương lòng dai dẳng cho nhà thơ. Khổ thay, nàng yêu kiều bao nhiêu thì chàng đau lòng bấy nhiêu:

Du bist wie eine Blume
So hold und schoen und rein;
Ich schau dich an, und Wehmut
Schleicht mir ins Herz hinein.

Em trông như đóa hoa tươi
Biết bao duyên dáng, yêu kiều, băng trinh;
Ngắm em, ta thấy khổ đau
Lén vào tâm thất thêm sầu lòng ta.

Tuyệt vọng nhưng lại là một người thua cuộc cao thượng, trong phần còn lại của bài thơ ấy Heinrich đã nguyện cầu Ơn Trên ban phước lành cho Amalie được mãi mãi là một đóa hoa rực rỡ làm đẹp cho đời. Người ta thường coi Heine là nhà thơ lớn sau cùng của trào lưu lãng mạn Đức đã có thể viết lên những bài thơ tráng lệ tiêu biểu nhất của thời điểm ấy. Chẳng hạn, bài thơ IM WUNDERSCHOENEN MONAT MAI (Trong Tháng Năm Rực Rỡ) của Heine cho người đọc thấy con người và thiên nhiên, vốn đã sẵn có những liên hệ mật thiết, cùng chợt bừng tỉnh khi mùa xuân trở lại:

Im wunderschoenen Monat Mai,
Als alle Knospen sprangen,
Da ist in meinem Herzen
Die Liebe aufgegangen.

Trong tháng Năm rực rỡ,
Khi muôn hoa đua nở,
Là lúc trong tim tôi
Tình yêu chợt bừng dậy.

Im wunderschoenen Monat Mai,
Als alle Voegel sangen,
Da hab' ich ihr gestanden
Mein Sehnen und Verlangen.

Trong tháng Năm rực rỡ,
Khi chim chóc vang ca,
Tôi cùng nàng thú thật
Lòng ham muốn của tôi.

Chủ đề "carpe diem" hoặc "xuân bất tái lai" không thể thiếu trong thi ca trữ tình, và thi sĩ Ludwig Heinrich Christoph Hoelty (1748-1776) tài hoa mệnh yểu viết về chủ đề này tài tình lắm, như thể có linh tính về cuộc đời ngắn ngủi của chính mình. Giỏi thần học và ưa suy tư về cuộc sống phù du, Hoelty mê say thiên nhiên, ái mộ tuổi trẻ, và ngợi ca tình ái. Nhưng cạnh niềm vui trong thơ Hoelty, người ta thấy lẩn quất đâu đây một thiên tai đang chờ, một Thần Chết đang lảng vảng. Trong bài LEBENSPFLICHTEN (Trách Nhiệm Cuộc Đời), giữa khung cảnh tráng lệ của mùa xuân Hoelty đưa ra cái chết bất ngờ của một chàng trai đang dồi dào sinh lực:

Heute huepft im Fruehlingstanz
Noch der frohe Knabe;
Morgen weht der Totenkranz
Schon auf seinem Grabe.

Hôm nay trong điệu xuân vũ
Chàng thanh niên còn nhẩy cao vòi vọi;
Ngày mai vòng hoa phúng điếu
Đã lất phất gió trên mộ chàng.

Nhưng từ cái nhìn thực tế đến cõi đời ngắn ngủi, Hoelty không buồn mà chỉ muốn xác định mục đích cuộc đời một cách giản dị và hợp lý: vì cái chết không thể tránh được, chúng ta hãy tận hưởng cuộc sống phù du ấy trong niềm vui của thiên nhiên, tình ái, và say sưa túy lúy:

Lasset keine Nachtigall
Unbehorcht verstummen,
Keine Bien im Fruehlingstal
Unbelauscht summen.

Chớ để họa mi nào
Líu lo không thính giả
Con ong nào trong thung lũng mùa xuân
Rì rào chẳng ai nghe.

Fuelt, so lang, es Gott erlaubt,
Kuss und suesse Trauben,
Bis der Tod, der alles raubt,
Kommt, sie euch zu rauben.

Hãy tận hưởng khi Thượng Đế còn cho phép,
Nụ hôn cùng những trái nho ngon,
Cho đến khi Thần Chết tham lam
Đến cướp hết những gì anh có.

Thi nhân trữ tình lẫy lừng nhất trong văn học Đức phải là Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832). Bậc thiên tài hy hữu trong lịch sử loài người này đã thành công trong đủ mọi loại văn chương. Trong cõi thơ trữ tình của ông, nổi bật nhất là ngôn ngữ bình dị và cấu trúc ngữ pháp đơn sơ theo truyền thống dân ca. Trọn bài thơ GEFUNDEN (Tìm Thấy) dưới đây phản ánh vẹn toàn các đặc trưng đó:

Ich ging im Walde
So fuer mich hin,
Und nichts zu sehen,
Das war mein Sinn.

Tôi đi trong rừng,
Một mình cô quạnh,
Chẳng tìm kiếm chi,
Đó là chủ đích.

Im Schatten sah ich
Ein Bluemenchen stehn,
Wie Sterne leuchtend,
Wie Aeuglein schoen.

Bỗng trong bóng rợp
Ló rạng nụ hoa
Long lanh như sao
Đẹp đôi mắt hiền.

Ich wollt' es brechen,
Da sagt' es fein:
Soll ich zum Welken
Gebrochen sein?

Tôi muốn hái hoa,
Nhưng hoa khẽ nói:
Hoa sao khỏi héo
Nếu bị lìa cành?

Ich grub's mit allen
Den Wuerzlein aus,
Zum Garten trug ich's
Am huebschen Haus.

Tôi đào tất cả
Rễ nhỏ cây hoa,
Mang về vườn cây
Bên nhà đẹp đẽ.

Und pflanzt' es wieder
Am stillen Ort;
Nun zweigt es immer
Und blueht so fort.

Tôi trồng lại hoa
Trong góc vườn vắng:
Giờ đây cây lớn
Mãi mãi nở hoa.

Cái cây hoa tươi tốt mà lại biết nói tiếng Đức rất có duyên trong bài thơ hiền hòa chan chứa ân tình nêu trên chính là nàng Christiane Vulpius, một thanh nữ đẹp cả người lẫn nết mà thi nhân đã bất ngờ "tìm thấy" và mang về nhà làm bạn đời đấy!

Một nhà thơ vô cùng ái mộ Goethe là Jakob Michael Reinhold Lenz (1751-1792). Lenz bắt chước cả lối sống lẫn phong cách làm thơ của Goethe. Nhiều bài của Lenz giống thơ Goethe đến nỗi người đương thời không thể phân biệt nổi. Bài thơ thống thiết WO BIST DU ITZT? (Em Ở Đâu Bây Giờ?) mà hai đoạn được trích dẫn dưới đây cho thấy thêm vài chi tiết thú vị. Lenz làm bài này để tặng Friedericke Brion, một phụ nữ mà thi nhân đang choáng váng say mê. Friedericke cũng đã là nguồn cảm hứng dạt dào một năm trước đó cho các bài thơ tình nồng nàn nhất của Goethe! Chắc hẳn Lenz đã làm bài thơ đó trong lúc nhớ nàng đến tái tê, viết ra những câu không gò bó, chất ngất đắm say riêng tư, rập theo khuôn mẫu những bài thơ trữ tình ban đầu của Goethe. Có lẽ chỉ những ai đã có kinh nghiệm với sự kiện người yêu mình tự nhiên biệt tích tăm hơi mới có thể hiểu thấu nỗi đau lòng của Lenz lúc đó:

Wo bist du itzt, mein unvergesslich Maedchen,
Wo singst du itzt?
Wo lacht die Flur, wo triumphiert das Staedtchen,
Das dich besitzt?

Em ở đâu bây giờ, hỡi cô em muốn quên càng nhớ,
Em đang ca hát nơi nao?
Cánh đồng nào đang cười, tỉnh lẻ nào đang chiến thắng
Vì có em?

Seit du entfernt, will keine Sonne scheinen,
Und es vereint
Der Himmel sich, dir zaertlich nachzuweinen,
Mit deinem Freund.

Từ ngày em đi, không mặt trời nào chiếu sáng,
Mà chỉ có sự kết hợp
Để khóc nhớ thương em, giữa trời cao thăm thẳm,
Và người bạn này của em thôi.

Bài thơ trữ tình tiếng Đức mà tôi cho là thấm thía nhất mang tên DER WIRTIN TOECHTERLEIN (Con Gái Nhỏ Bà Chủ Quán) của Ludwig Uhland (1787-1862) sẽ kết thúc bài viết này. Nhiều thơ của Uhland đã nghiễm nhiên trở thành dân ca thực sự của dân tộc Đức. Bài dân ca nổi tiếng này của Uhland có nhiều yếu tố bất ngờ rất độc đáo trong nội dung. Vô số người đọc hoặc nghe bài ca này đã phải hoe con mắt, kể cả tôi trong đó:
 
Es zogen drei Bursche wohl ueber den Rhein;
Bei einer Frau Wirtin, da kehrten sie ein:
Frau Wirtin, hat Sie gut Bier und Wein?
Wo hat Sie Ihr schoenes Toechterlein?
 
Ba chàng trai một bữa vượt sông Rhein;
Họ ghé thăm một bà chủ quán:
Bà chủ quán ơi, bà có rượu ngon đấy chứ?
Và cô ái nữ yêu kiều của bà đâu?
 
Und als sie traten zur Kammer hinein,
Da lag sie in einem schwarzen Schrein.
 
Rồi khi ghé vô nhà trong,
Họ thấy cô nằm trong chiếc quan tài đen.

Der erste, der schlug den Schleier zurueck
Und schaute sie an mit traurigem Blick:
Ach! Lebtest du noch, du schoene Maid,
Ich wuerde dich lieben von dieser Zeit.

Chàng thứ nhất lật tấm khăn che mặt nàng
Và ngắm nàng qua tia mắt khổ đau:
Hỡi em xinh, nếu em còn sống,
Anh sẽ yêu em mãi từ đây.

Der zweite deckte den Schleier zu
Und kehrte sich ab und weinte dazu:
Ach! Dass du liegst auf den Totenbahr!
Ich hab' dich geliebt so manches Jahr.
 
Chàng thứ hai lật tấm khăn che mặt nàng
Rồi quay lưng, lệ rơi lã chã:
Hỡi em nằm trong quan tài lạnh,
Anh đã yêu em suốt mấy năm rồi.

Der dritte hub ihn wieder sogleich
Und kuesste sie an den Mund so bleich:
Dich liebt' ich immer, dich lieb' ich noch heut'
Und werde ich lieben in Ewigkeit.
 
Chàng thứ ba bước tới lật khăn lên
Và hôn miệng nàng đã xanh xao vàng vọt:
Anh đã luôn yêu em, còn yêu em hôm nay
Và sẽ yêu em đến tận ngàn thu.

Khi Phương Tây Ái Mộ Phương Đông

posted Feb 15, 2010, 6:53 AM by Quốc-Anh Vương   [ updated Feb 23, 2010, 10:42 AM by Chí-Thông Nguyễn ]

KHI PHƯƠNG TÂY ÁI MỘ PHƯƠNG ĐÔNG:
THƠ LÝ BẠCH TRONG TÂM TƯ NGƯỜI ÂU-MỸ

Đàm Trung Pháp

LỜI PHI LỘ

Vì lý do thực tế, những đoạn trích dẫn thơ Lý Bạch trong bài viết này sẽ được ghi theo lối phát âm Hán Việt quen thuộc của chúng ta, thay vì bằng phương thức "pinyin" (phanh âm) để ghi âm quan thoại. Đây cũng là một điều lợi, vì lối phát âm Hán Việt vốn gần gũi với lối phát âm chữ Hán đời Đường. Để thêm hứng thú cho độc giả, xen kẽ vào giữa các bài hoặc đoạn thơ trích dẫn của Lý Bạch và phần chuyển sang tiếng Anh là những bài hoặc đoạn chuyển sang tiếng Việt của các dịch giả lừng danh. Người Âu-Mỹ thường chỉ đọc thơ Trung Quốc qua các bản dịch sang ngôn ngữ của họ.
        
        Trong số các thi hào Trung Quốc, có lẽ Lý Bạch (701-762) đời nhà Đường là người được các dịch giả Anh-Mỹ chiếu cố đến nhiều nhất. Lý do chính của sự thiên tư này rất có thể là vì thơ họ Lý không mang nặng bản chất uyên bác với nhiều điển tích lòng thòng phức tạp. Thực vậy, "giản dị" và "dễ cảm thông" là hai đặc trưng nổi bật nhất trong thơ Lý Bạch, theo nhận định của giáo sư James Hargett, hiện dạy văn chương Á châu tại State University of New York . Trong bài "The Poetry of Li Bo" trong cuốn GREAT LITERATURE OF THE EASTERN WORLD (Ian McGreal hiệu đính, Harper Collins xuất bản năm 1996), Hargett trích bài tuyệt cú "Tĩnh Dạ Tứ" do Arthur Cooper bên Anh Quốc chuyển ngữ năm 1973, để chứng minh nhận định ấy:

Sàng tiền khán nguyệt quang,
Nghi thị địa thượng sương.
Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương.

Đầu giường chợt thấy bóng trăng,
Mập mờ trên đất, ngỡ rằng sương sa.
Ngửng đầu trông vẻ gương nga,
Cúi đầu luống những nhớ nhà băn khoăn.
(
Dịch giả Trần Trọng Kim)

Before my bed there is bright moonlight
So that it seems like frost on the ground:
Lifting my head I watch the bright moon,
Lowering my head I dream that I’m home.

        Hai đặc trưng dễ mến ấy cộng thêm những ý niệm cận kề với con tim nhân loại (như khi cô đơn, ta hiểu thế nào là yên tĩnh; đôi khi ta ân hận đã xa nhà và những người thân yêu; và thế giới đổi thay, tiền tài danh vọng có nghĩa gì đâu, tại sao không tận hưởng ngày xuân nhỉ) đã khiến Hargett và nhiều người khác bên trời Âu-Mỹ mến mộ thơ Lý Bạch. Giáo sư  Stephen Owen hiện dạy văn chương Trung Quốc tại Harvard và đã dịch nhiều thơ Tàu sang Anh ngữ rất chuộng bài "Tương Tiến Tửu" của họ Lý mà trong đó luận đề "carpe diem" (tương đương với "xuân bất tái lai") vốn không xa lạ gì với người phương tây, được ngợi ca tuyệt vời. Trong một tuyển tập đồ sộ các tuyệt tác phẩm văn học hoàn cầu đang được dùng trong nhiều đại học Hoa Kỳ mang danh THE NORTON ANTHOLOGY OF WORLD MASTERPIECES (Volume I, do Maynard Mack hiệu đính, Norton xuất bản năm 1995), Owen đã dịch đoạn đầu của bài thơ theo thể nhạc phủ hào phóng và tráng lệ ấy ("Bring in the Wine") như sau:

Quân bất kiến
Hoàng hà chi thủy thiên thượng lai,
Bôn lưu đáo hải bất phục hồi.
Quân bất kiến
Cao đường minh kính bi bạch phát,
Triêu như thanh ty mộ thành tuyết.
Nhân sinh đắc ý tu tận hoan,
Mạc sử kim tôn không đối nguyệt ....

Thấy chăng ai:
Nước sông Hoàng xuống tự trời kia,
Chảy mau ra biển, chẳng quay về.
Thấy chăng ai:
Gương sáng nhà cao, thương tóc bạc,
Sớm tựa tơ xanh, chiều thành tuyết.
Ở đời đắc ý cứ vui chơi,
Chớ để chén vàng trơ dưới nguyệt ...
(Dịch giả Trần Trọng San)
 
Look there !
The waters of the Yellow River,
coming down from Heaven,
rush in their flow to the sea,
never turn back again.
Look there !
Bright in the mirrors of mighty halls
a grieving for white hair,
this morning blue-black strands of silk,
now turned to snow with evening.
For satisfaction in this life
taste pleasure to the limit,
And never let a goblet of gold
face the bright moon empty ....

        Một bài nhạc phủ nữa rất được phương tây ngợi ca là bài "Thục Đạo Nan" trong đó Lý Bạch dùng ngôn từ khuếch đại và dọng văn khẩn trương để dựng lên một cảnh trí cực kỳ sinh động khiến người đọc phải choáng váng, theo nhận định của Hargett. Quả thực, trong cảnh trí ấy "với những con đường cheo leo nguy hiểm chỉ có chim mới bay qua nổi, đất lở, núi xụp, thác chảy, ban mai phải lánh cọp dữ, buổi chiều phải tránh rắn dài" người đọc không thể không đồng ý với thi bá họ Lý rằng:

Y hu hy, nguy hồ, cao tai,
Thục đạo chi nan, nan ư thướng thanh thiên !

        Nay xét lại cho kỹ, Lý Bạch chẳng ngoa chút nào, vì con đường từ Trường An (Changan) kinh đô văn vật đời Đường, nay gọi Tây An (Xian) thuộc tỉnh Thiểm Tây (Shaanxi), sang đất Thục nay là tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan), phải vượt dẫy núi Tần Lĩnh (Qinling) hiểm trở. Ngày nay muốn vào thủ phủ của Tứ  Xuyên là Thành Đô (Chengdu), du khách phải vượt đoạn đường chông gai dài hơn 400 dặm với trên 300 đường hầm xuyên núi và gần 1000 cây cầu cheo leo !  Cô ký giả Shirley Sun trong cuốn JOURNEY INTO CHINA (do National Geographic Society xuất bản năm 1982)  đã dịch dùm du khách tây phương hai câu thơ lẫy lừng nêu trên của Lý Bạch như thế này:

Eheu ! How dangerous, how high !
It would be easier to climb to Heaven
Than walk the Sichuan Road !

        Kể từ khi dịch giả Arthur Waley cho ra đời cuốn sách ONE HUNDRED AND SEVENTY CHINESE POEMS vào năm 1918 tại Luân Đôn, phương tây bắt đầu chú ý đến những đại danh như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Mạnh Hạo Nhiên, Bạch Cư Dị. Những bài thơ dịch xuất sắc của Waley đã ảnh hưởng đến một số thi nhân Âu-Mỹ, nhất là hai tên tuổi lớn William Butler Yeats và Ezra Pound. Gần đây hơn, năm 1987, dịch giả Greg Whincup người Gia Nã Đại đã cho ra mắt cuốn THE HEART OF CHINESE POETRY  (nhà xuất bản Anchor Books), trong đó có 10 bài thơ Lý Bạch. Trong lời nói đầu của cuốn sách chứa đựng 57 bài thơ dịch, Whincup thiết tha tâm sự : "Thi ca được coi là nữ hoàng của nghệ thuật cổ truyền Trung Hoa, và những thi nhân tài hoa nhất mọi thời đại đều vang rền tên tuổi. Vì chúng ta là thành phần của cùng một nhân loại, văn  hóa Trung Hoa cũng là văn hóa chúng ta. Trái tim thi ca Trung Hoa cũng đập trong lòng chúng ta nữa."

        Người phương tây muốn học chữ Hán qua thi ca chắc chắn sẽ hài lòng với cuốn sách của Whincup. Ngoài các bài dịch sang Anh ngữ rất chỉnh, cuốn sách còn cho các bài thơ ấy hiện lên bằng chữ Hán phồn thể, cộng với lối phát âm quan thoại (theo ký hiệu phiên âm của Đại học Yale), và nhất là những lời chú giải khá hấp dẫn của dịch giả. Mười bài thơ họ Lý được Whincup cho vào tuyển tập là các bài "Sơn Trung Vấn Đáp", "Tống Hữu Nhân", "Tặng Mạnh Hạo Nhiên", "Tống Mạnh Hạo Nhiên Chi Quảng Lăng", "Hoành Giang Từ", "Tự Khiển", "Tảo Phát Bạch Đế Thành", "Xuân Tứ", "Ngọc Giai Oán", và "Thính Thục Tăng Tuấn Đàn Cầm."

        Theo Whincup, Lý Bạch là người tài hoa trác tuyệt nhất trong các thi nhân Trung Quốc, có thể ví như một thần linh, một động lực của thiên nhiên không chấp nhận một bó buộc nào của nhân sinh mà chỉ thích làm thơ, uống rượu, vui với trăng sao và bè bạn. Whincup đã khéo lựa những bài tuyệt tác của Lý Bạch để minh chứng cho nhận định của mình về thi ca vị thần thơ ấy. Dưới con mắt Whincup, bài ngũ ngôn bát cú "Tống Hữu Nhân" thực kiệt xuất về cả hình thức lẫn nội dung:

Thanh sơn hoành bắc quách,
Bạch thủy nhiễu đông thành.
Thử địa nhất vi biệt,
Cô bồng vạn lý chinh.
Phù vân du tử y;ù
Lạc nhật cố nhân tình.
Huy thủ tự tư khứ,
Tiêu tiêu ban mã minh.

Chạy dài cõi Bắc non xanh
Thành Đông nước chảy quanh thành trắng phau.
Nước non này chỗ đưa nhau
Một xa muôn dặm biết đâu cánh bồng.
Chia phôi khác cả mối lòng
Người như mây nổi, kẻ trông bóng tà,
Vẫy tay thôi đã rời xa
Nhớ nhau tiếng ngựa nghe mà buồn teo!
(Dịch giả Tản Đà)

Green mountains
Lie across the northern outskirts
Of the city.
White water
Winds around the eastern
City wall.
Once we make our parting
Here in this place,
Like a solitary tumbleweed
You will go
Ten thousand miles.
Floating clouds
Are the thoughts of the wanderer.
Setting sun
Is the mood of his old friend.
With a wave of the hand
Now you go from here.
Your horse gives a whinny
As it departs.

        Yếu tố cân đối song hành (parallelism), vốn hiếm thấy trong thi ca tây phương, làm cho bài thơ rực sáng, chẳng hạn mỗi chữ trong câu 1 có một chữ đối ứng hoàn mỹ trong câu 2:
 
        Thanh (Green) // Bạch (White)
        Sơn (Mountains) // Thủy (Water)
        Hoành (Lie across) // Nhiễu (Winds around)
        Bắc (Northern) // Đông (Eastern)
        Quách (Outskirts) // Thành (City wall)

        Những hình ảnh chất ngất cảm xúc đối ứng nhau trong câu 5 và 6 (Phù vân // Lạc nhật) chính là trái tim của bài thơ, và hai câu chót dẫn người đọc chơi vơi đến phút chia tay.

        Giáo sư Stephen Owen trong cuốn sách AN ANTHOLOGY OF CHINESE LITERATURE: BEGINNING TO 1911 (do chính ông hiệu đính và dịch thuật, Norton xuất bản năm 1996) đã nhận định Lý Bạch như "một nghệ sĩ với những cử chỉ và khoa trương lớn hơn cả đời sống" (a performer whose gestures and claims were larger than life). Những nền văn minh lớn thường được xây dựng trên sự tiết chế của người dân, và do đó, như thể để  được đền bù, họ dễ bị thu hút bởi những bậc tài danh đứng ngoài vòng kiềm tỏa của quy ước xã hội. Theo Owen, cái cử chỉ "đứng ngoài vòng" rất ngông ấy của họ Lý, phản ánh trong thơ như một chân dung tự họa, đã khiến thơ Lý Bạch càng thêm hấp dẫn. Điển hình là bài "Nguyệt Hạ Độc Chước" ("Drinking Alone by Moonlight") mà Owen chuyển ngữ dưới đây:

Hoa gian nhất hồ tửu,
Độc chước vô tương thân.
Cử bôi yêu minh nguyệt,
Đối ảnh thành tam nhân.
Nguyệt ký bất giải ẩm,
Ảnh đồ tùy ngã thân.
Tạm bạn nguyệt tương ảnh,
Hành lạc tu cập xuân.
Ngã ca nguyệt bồi hồi,
Ngã vũ ảnh linh loạn.
Tinh thời đồng giao hoan,
Túy hậu các phân tán.
Vĩnh kết vô tình du,
Tương kỳ mạc Vân Hán.

Trong hoa rượu ngọt một bầu,
Một mình chuốc chén có đâu bạn bè.
Mời trăng cất chén kè nhè,
Thân ta, bóng ấy, trăng kia, ba người.
Trăng thì tiếp rượu không nguôi,
Bóng ta theo mãi không rời thân ta.
Bạn cùng trăng bóng vẩn vơ,
Vui chơi khuây khỏa để chờ ngày xuân.
Ta ca trăng cũng băn khoăn,
Khi ta nhảy múa, bóng lăn lộn hoài.
Cùng nhau khi tỉnh vui cười,
Say rồi nghiêng ngửa, mọi nơi rạc rời.
Vô tình giao kết chơi bời,
Hẹn nhau ở chỗ xa khơi cõi trời.
(Dịch giả Trần Trọng Kim)

Here among flowers one flask of wine,
with no close friends, I pour it alone.
I lift cup to bright moon, beg its company,
then facing my shadow, we became three.
The moon has never known how to drink;
my shadow does nothing but follow me.
But with moon and shadow as companions the while,
this joy I find must catch spring while it’s here.
I sing, and the moon just lingers on;
I dance, and my shadow flails wildly.
When still sober we share friendship and pleasure,
then, utterly drunk, each goes his own way –
Let us join to roam beyond human cares
and plan to meet far in the river of stars.

        Và rồi sau cùng, cả đến cái chết ôm trăng của Lý Trích Tiên, tuy huyễn hoặc, nhưng cũng nên thơ làm sao trong tâm tư người phương tây !  Quả vậy, theo lời giáo sư James Hargett, một Lý Bạch lịch sử và một Lý Bạch huyền sử sẽ muôn đời là một, và điều này chỉ làm gia tăng mức hấp dẫn cho vị thi thánh ấy mà thôi.

1-10 of 13