Post date: Feb 17, 2010 8:26:13 PM
Đàm Trung Pháp.
Sau ba chục năm tỵ nạn tại Mỹ, nhiều người Việt chúng ta đã sử dụng tiếng Mỹ trong đời sống hàng ngày cũng như trong công ăn việc làm rất thành thạo. Cũng chính vì vậy mà khi nói tiếng Việt với nhau tại quê hương mới này, chúng ta có khuynh hướng đưa khá nhiều tiếng Mỹ vào ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng ta. Trong các câu chuyện xã giao, trong báo chí, và ngay cả trong văn chương nữa, mối giao duyên ngôn ngữ Việt-Mỹ thực tự nhiên và đề huề!
Các tiệm ăn mới khai trương thường không tính tiền nước uống cho thực khách và diễn đạt ý tưởng ấy bằng nhóm chữ "FREE Nước Ngọt". Kỳ diệu thay, nhóm chữ này dùng cú pháp Mỹ rất chỉnh: tính từ FREE mô tả danh từ Nước Ngọt được trịnh trọng đặt trước danh từ ấy! Vài tiệm phở có sáng kiến bán phở làm sẵn cho người mua mang về nhà, và quảng cáo thứ phở đó là "Phở TO GO". Khỏi phải nói, nhóm chữ này cũng đúng cú pháp Mỹ luôn! Mới đây, nguyệt san văn học Khởi Hành (số 103, tháng 5-2005) của nhà thơ Viên Linh tại Little Saigon có đăng một bài thơ vui của Nguyễn Phú Long, trong đó tiếng Mỹ sánh vai cùng tiếng Việt ngộ nghĩnh làm sao:
Xe thư bưu điện đến rồi đi,
Ngoài COUPONS ra chả có gì.
Bạn tới chúc xuân khui nước ngọt,
BUY ONE ngoài chợ GET ONE FREE.
Hiện tượng giao duyên ngôn ngữ của chúng ta thực ra là một khuynh hướng đại đồng. Mọi sắc tộc di dân khác tại xứ này đều cho tiếng nói mẹ đẻ của họ giao duyên "tưới hột sen" cùng Mỹ ngữ, y chang như chúng ta vậy. Mùa Giáng Sinh vừa qua, một sinh viên gốc Mễ Tây Cơ của tôi có gửi cho tôi một bài thơ vui khá dài mang tên "The Night Before Christmas" trong đó tất cả các câu đều bắt đầu bằng Mỹ ngữ và kết thúc bằng Tây Ban Nha ngữ với vần điệu hẳn hòi và cú pháp của cả hai thứ tiếng đều hoàn hảo. Đoạn đầu bài thơ ấy như sau:
It was the night before Christmas and all through the CASA (1)
Not a creature was stirring, CARAMBA, QUÉ PASA? (2)
I was hanging the stocking with MUCHO CUIDADO (3)
In hopes that old Santa would feel OBLIGADO (4)
To bring all the children, both BUENOS Y MALOS, (5)
A nice batch of DULCES Y OTROS REGALOS (6)
Giới nghiên cứu ngôn ngữ tại Mỹ mệnh danh cái hiện tượng giao duyên ngôn ngữ rất tự nhiên này là "code-switching" và không hề lên án những người sử dụng nó là cẩu thả, lai căng, hoặc hỗn loạn trí tuệ. Trái lại, họ cho rằng những người có khả năng cho hai ngôn ngữ giao duyên với nhau một cách hữu hiệu là những người thực sự đã làm chủ được cả hai ngôn ngữ ấy, và khi cần thiết (như khi giao dịch với một cá nhân "đơn ngữ") họ dư khả năng sử dụng chúng một cách "tinh tuyền" không pha trộn chút nào.
Có vài lý do khiến chúng ta cho tiếng Việt giao duyên cùng tiếng Mỹ, và những lý do này rất thực tiễn. Có lẽ lý do thông thường nhất là khi tiếng Việt không có ngữ vựng hoặc thành ngữ thỏa đáng để diễn tả một ý niệm mà chúng ta đã quá quen trong tiếng Mỹ. Thí dụ, khi còn ở quê nhà trước 1975, lúc bị bệnh không đi làm được, chúng ta đâu có gọi điện thoại vào sở để "cáo ốm" được? Thành ra, khi diễn tả ý niệm đó trong cuộc sống hiện tại, chúng ta liền cho thành ngữ rất tiện dụng của người Mỹ là CALL IN SICK giao duyên ngay với tiếng Việt mến yêu, để phát sinh ra câu "Bữa nọ mình bịnh quá, đi làm hết nổi, thành ra phải CALL IN SICK rồi nhờ người ta đưa đi bác sĩ đấy". Những từ ngữ chuyên môn như SOFTWARE, BLUEPRINT, EMAIL, WORKSHOP, những công thức ngắn gọn để chào hỏi, chúc tụng, cảm tạ, hoặc chia tay trong tiếng Mỹ như HELLO, GOOD MORNING, SORRY, CONGRATULATIONS, THANK YOU, và GOOD-BYE cũng rất được chúng ta chiếu cố và sẵn sàng cho vào tiếng nói chúng ta. Một lý do nữa khiến chúng ta dùng yếu tố Mỹ trong tiếng Việt là để gián tiếp nói lên một mối liên kết giữa những người "đồng hội đồng thuyền" với nhau. Tôi biết chắc những Việt kiều áo gấm về làng khi gặp nhau tại quê cũ thế nào cũng "pha" ê hề tiếng Mỹ vào tiếng Việt của họ, như thể để nhắc nhở mọi người mọi giới rằng họ là những "người Mỹ gốc Việt" chính cống sáng giá lắm đấy, chứ không phải là đồ bỏ đâu! Khôn ngoan chẳng kém gì chúng ta, các chánh trị gia người Mỹ gốc Mễ Tây Cơ khi đi vận động tranh cử ở những địa phương có nhiều cử tri cùng gốc gác sắc tộc với mình sẽ tận dụng võ khí giao duyên ngôn ngữ Mỹ-Mễ để nhắc nhở các cử tri song ngữ ấy rằng "chúng ta đồng hội đồng thuyền với nhau đâu mà, vậy thì hãy bỏ phiếu cho tôi đi!" Sau hết, chúng ta có thể dùng yếu tố Mỹ trong tiếng Việt như để chuyển sang một thái độ mới, như để cảnh giác người nghe. Chẳng hạn, khi thấy sắp đến giờ đi học mà đứa nhỏ còn nằm dài trên giường, người mẹ song ngữ Mỹ-Việt có thể phát ngôn "Này cu Tý, gần bảy giờ sáng rồi đấy nhá. Ngủ nhiều rồi mà, con ơi. NOW GET UP!" Nghe bà mẹ hiền đang nói tiếng Việt rồi bà bất chợt nghiêm giọng chuyển sang tiếng Mỹ ở câu cuối cùng thì cu Tý, dù có lì lợm đến mấy, chắc cũng phải nhảy ra khỏi giường tức khắc.
Tóm lại, thưa quý bạn, CODE-SWITCHING giữa hai ngôn ngữ Việt Mỹ là một NATURAL PHENOMENON, cho nên chúng ta chẳng phải WORRY gì cả về vấn đề này, OK? Vả lại, cái HABIT này nó khó bỏ lắm! Bạn cứ thử nói tiếng Việt "tinh tuyền" về thời sự hoặc công ăn việc làm trong một bữa cơm gia đình mà coi. IT WOULD BE A PAIN, BELIEVE ME!
CƯỚC CHÚ: (1) CASA = House, (2) CARAMBA, QUÉ PASA? = My goodness, what's happining? (3) MUCHO CUIDADO= Much care, (4) OBLIGADO = Obliged, (5) BUENOS Y MALOS = Good and bad, (6) DULCES Y OTROS REGALOS = Candies and other gifts.