Post date: Feb 18, 2010 5:50:3 PM
Giáo sư Trần Ngọc Ninh
Bài giảng #1, 2008-09-29.
(Lớp "Ngữ pháp Việt ngữ" do Giáo sư Trần Ngọc Ninh giảng hàng tuần vào mỗi tối Thứ Sáu tại Viện Việt-Học,
từ tháng 9 năm 2008 đến nay (01.2010) đã được hơn 50 bài giảng.
Dưới đây là bài giảng đầu tiên.)
Đã lâu lắm rồi, trên 30 năm nay, tôi không giảng như thế này. Nói chuyện với mọi người thì có, nhưng từ lâu lắm tôi không giảng lớp như thế này. Lớp này, không biết chừng, là những lớp cuối cùng của tôi. Thành ra tôi mong rằng mọi người nghe rồi nếu có điều kiện thì chuyển những hiểu biết của mình đi cho những người khác, bởi vì rằng tất cả vấn đề học chỉ là chuyện truyền thụ những hiểu biết từ những người đã học trước, đã có công khảo cứu, sang những người sau. Nhưng vấn đề lớn trong cái học ở tầng đại học là trao đổi chứ không phải truyền thụ. Chuyện trao đổi rất quan trọng, bởi vì rằng người nào cũng có những ý kiến nào đó về một vấn đề. Những ý kiến đó dầu là không phải theo sách vở mà chỉ là theo thông lí (common sense, tôi gọi là “thông lí”) của một người thôi, cũng có giá trị. Chúng ta, ở trong đời sống, sống bằng thông lí nhiều hơn khoa học, nhưng càng ngày khoa học càng tăng tiến lên và có thể thay đổi cuộc đời ta nhiều hơn trong những thế hệ sau. Mỗi thế hệ chỉ được hưởng một phần nhỏ thôi, nhưng thế hệ này tiếp tục sang thế hệ khác, thì chúng ta sẽ thấy rằng khoa học càng ngày càng tiến bộ.
Vấn đề ngữ pháp nằm trong một khoa học lớn hơn gọi là ngữ lí học. Đây là một chữ mới. Người ta thường dịch linguistics là “ngôn ngữ học”. Tôi không dùng “ngôn ngữ học”, tôi gọi là “ngữ lí học”, vì nó học về ngữ (tôi sẽ nói sau “ngữ” là cái gì), mà nó đi tìm cái lí ở trong cái ngữ. Nó không khác gì những khoa học cao, trong đó người ta dùng chữ “lí”, thí dụ như vật lí học, là cái học về cái lí của vật chất chứ không phải học về cái bàn, cái ghế, cái gậy… mà người ta đi tìm cái lí ở trong; chẳng hạn như là cái mass, mà chúng ta không ai biết dịch ra làm sao cả. Tôi dịch là “khối lượng”, nhưng nhiều khi tôi nói là mass, bởi vì chúng ta [xưa nay] không có cái lí đó. Chúng ta từ xưa đến nay trong cái học cổ truyền không hề có ai biết đến cái gì gọi là cái “mass”. Có khi người ta biết đến cái cân nặng bao nhiêu, nghĩa là cái trọng lượng, nhưng người ta không biết đến ý niệm mass, mà trong vật lí học người ta chỉ nói đến mass mà thôi, vì trong mass còn có sức hút của trái đất, loại trừ ra khỏi cái sức nặng. Những ý niệm như thế là những ý niệm khoa học mà ta dùng chữ của triết-lí là cái “lí” của các vật, cho nên gọi là vật-lí-học. Cũng như tôi vừa nói chữ “triết-lí”. Nó là chữ “lí” đó. Tìm cái lí ở trong cái sự, đó là vấn đề lớn trong triết học ngày xưa của Việt Nam và Trung Quốc. Cũng có một vài ông — ở Việt Nam cũng có một ông — viết một quyển sách về lí và sự. Các ông đặt ra vấn đề: tất cả mọi sự trên đời này, tức là những hiện tượng hay các vật, có cái lí ở trong. Phải tìm thấy cái lí đó. Cái lí đó là ở trong quan niệm, trong sự khảo cứu, suy tư của ta mà có, như tôi vừa nói về vật là cái mass, hay là những cái khác, như là sự quay của các vật thể dưới nguyên tử (electron), chẳng hạn, có cái spin. Khi người ta nói đến spin thì người ta biết nó là một trong bốn điều quan trọng cho tất cả các vi hạt dưới nguyên tử, thế nhưng không có ai nhìn thấy được nó. Người ta tính được nó nhưng không nhìn thấy được nó. Những chuyện mà chúng ta nói về sau này cũng thế: nó là cái lí ở trong cái ngữ.
Thế thì tại sao nói cái lí ở trong cái ngữ?
Ngữ là gì? Mình cũng phải hiểu ngữ là cái gì. Chúng ta học đây là học ngữ pháp của Việt ngữ. Thế thì ngữ là gì? Chuyện đó cho đến năm 1912 mới được giải quyết, bởi vì ông Ferdinand de Saussure — những tên đó thì từ từ; tôi chỉ kể được một vài tên thôi chứ không kể được hết các tên là vì thứ nhất có khi tôi quên đi, thứ hai là vì lủng củng lắm, nhưng có những tên người cần phải nhớ — ông Ferdinand de Saussure là người Thuỵ Sĩ. Ông ấy chỉ dạy có một khoá ở Genève, cũng chỉ có mấy người ngồi nghe như thế này thôi, nhưng trong đó có hai người học trò của ông chép lại những điều ông nói, đến khi ông chết rồi thì in quyển sách đó ra. Sách đó gọi là Giáo trình về ngữ lí học đại cương, đánh dấu cho một thời đại dứt khoát. Trước đó, chưa có ngữ lí học đại cương nhưng bây giờ thì bắt đầu có một cái “ngữ lí học đại cương”, trong đó ông ấy có một phân biệt đầu tiên, là sự phân biệt giữa hai cái, tiếng Pháp là: parole (Anh: speech) và langue (tiếng Anh không dịch được; gọi là tongue cũng được nhưng ít người dùng, bây giờ dùng chữ language.) Language không phải là langue. Language là ngôn ngữ. Speech là lời, lời nói. Tôi nói thế này là lời. Các anh chị em nói chuyện với nhau ở nhà thì là nói ra những cái lời. Những lời đó nói ra theo một hệ thống và có những qui tắc ở trong đó, tức là cái langue. Từ trước đến nay ta chưa bao giờ có phân biệt đó. Khi tôi bắt đầu học lại những cái này thì tôi phải dịch ra tiếng Việt. Speech, parole, tôi dịch là lời, nhưng nếu dịch ra tiếng Hán thì tôi dịch là ngôn. Còn langue, tôi dịch là ngữ, tức là cái hệ thống của cả một xã hội nói một thứ tiếng hay cả một cộng đồng nói một thứ tiếng (cùng theo cả). Chúng ta tự nhiên nói tiếng mẹ đẻ, tức là nói cái ngữ Việt, hay nói theo Hán văn là Việt-ngữ, cái đó nếu nói [theo] tiếng Việt Nam là “tiếng Việt”. Nhưng cái “tiếng” Việt này nó phiền lắm, bởi vì “tiếng” chỉ nhiều cái quá: tôi đánh rơi cái gì xuống, nó gây ra tiếng động, đó cũng là tiếng; con chó kêu là tiếng chó sủa; tiếng người nói là tiếng mà tôi nghe thấy. Nhưng mà khi tôi nói “tiếng Việt” thì tôi lại chỉ “the Vietnamese language”. Thế thì dùng chữ “tiếng” nó lôi thôi lắm. Có khi tiếng có nghĩa là word: “Dùng cái tiếng này không đúng == Dùng cái chữ này không đúng.” Nếu như chúng ta nói chuyện với nhau thường ở nhà thì không sao cả, nhưng đi vào trong khoa học nào cũng vậy, vấn đề khó là phải dùng chữ cho chính xác để mọi người đừng hiểu lầm. Thế thì riêng một sự phân biệt đầu tiên này chúng ta đã thấy có chuyện khó khăn ở trong đó rồi.
Từ nãy đến giờ tôi nói về sự phân biệt của ông Ferdinand de Saussure. Phân biệt đầu tiên là sự phân biệt giữa parole và langue. Parole: mỗi người nói ra những lời, có thể là vô cùng tận những cái lời, chỉ một người nói thôi trong một đời người nói không biết bao nhiêu là lời, nhưng mà langue, tức là ngữ, thì gần như không thay đổi. Tôi nói “gần như không thay đổi” là vì thực ra ở trong thời gian nó có thay đổi, nhưng lâu lắm nó mới thay đổi, chẳng hạn như trong 50 năm tôi rời xa đất Hà Nội, tôi nghe người Hà Nội tôi vẫn còn hiểu được. Thế thì chuyện quan trọng là: langue là một hệ thống. Thế nào là hệ thống? Hệ thống là cái gì đóng, không ra ngoài, trong đó tất cả những nguyên tố liên hệ với nhau. Vấn đề của khoa học là tìm ra những cái gì ở trong đó mà nó làm thành từng loại, và nó có những cái liên hệ như thế nào. Bắt đầu từ đây người ta thấy rõ vấn đề đặt ra; người ta cố học từ cái ngữ, học thấy cái hệ thống của cái ngữ, rồi thì sau đó người ta sẽ đi dần dần và hiểu được cái lời, và có thể đi được xa hơn nữa là hiểu được lời văn, lời thơ, hay những cái còn cao xa hơn nữa. Nhưng cái căn bản chung cho tất cả mọi người là phải học về ngữ. Ngữ là cái hệ thống mà trong đó có những vật liệu hay nguyên tố — mà ta chưa biết là cái gì cả — những cái đó có loại chứ không phải là bừa bãi, thí dụ chúng ta trông vào tủ sách thấy có cái vàng, cái xanh, cái đỏ, cái tím, cái cao, cái thấp, nhưng chúng ta có thể nói rằng nó là những sách. Thế thì tất cả những cái này cũng vậy. Người ta phải biết nó là cái gì, xong rồi mới có thể đi tìm được những liên hệ giữa các cái với nhau.
Tôi [tạm] ngưng chỗ này một chút nhé, để nói với mọi người một chuyện khác nữa. Những điều này ai cũng biết hết cả, là vì chúng ta ai cũng nói tiếng Việt Nam hết. Có thể có những anh chị em ở đây nói tiếng Việt Nam còn giỏi hơn tôi, hay là nói một thứ tiếng Việt Nam nào đó giỏi hơn tôi; họ biết chữ Hán hơn tôi, đọc được những sách, những truyện mà tôi không đọc. Thành ra mỗi người đều có một ý tưởng nào đó về cái ngữ mà mình nói. Chúng ta nói tiếng mẹ đẻ, rồi chúng ta học tiếng Anh, học những tiếng khác nữa, có một phần nào chúng ta cũng so sánh, có sự tỉ giảo ở trong. Chúng ta cũng ngấp nghé nhìn ra được chút gì. Vậy thì ai cũng có những ý kiến hết. Điều mà tôi mong muốn là tất cả chúng ta trao đổi ý kiến, là vì chúng ta đi vào trong một địa hạt bắt đầu chúng ta đi học về cái đó, và có rất nhiều người đã học về cái đó ở trong nước, cũng như ở ngoài nước, nhưng mà tôi có những quan niệm khác, người ta có những quan niệm khác — cái đó về sau này gọi là những môn phái. Nhưng, bao giờ cũng vậy, có một cái nó đúng sự thực hơn; cái đó về sau sẽ thắng.
Tất cả vấn đề của khoa học là gì? Các anh chị em cần phải hiểu rằng không có một cái gì gọi là khoa học chính thống hết. Nhà nước không ăn thua gì chuyện đó hết; đảng phái, chính trị không ăn thua gì chuyện đó hết. Nó là chuyện của những con người muốn tìm hiểu. Và khoa học là gì? Khoa học là sự tìm hiểu liên tục từ đời này sang đời khác. Tìm cái gì? Tìm một cách hiểu, hay là một cái thấy có thể giảng giải được nhiều nhất và có lẽ là đúng nhất về cái thực tại trong đó tất cả mọi người đang sống. Cái thực tại đó có thể là vũ trụ, hay là cái gì đó, nhưng cái thực tại mà ta đang ở trong bây giờ là tiếng Việt Nam, nói đúng ra là cái ngữ Việt Nam. Chúng ta đứng trước một cái gọi là ngữ Việt Nam, hay Việt ngữ, chúng ta phải cố mà hiểu được nó. Là vì sao? Là vì chúng ta lúc nào cũng muốn hiểu cái thực nó là gì. Biết là cái đó rồi, biết là cái không khí rồi, nhưng mà không biết rằng ở trong không khí có bao nhiêu phần oxygen, bao nhiêu phần nitrogen, và có những khí khác, và có cả những chuyện ô nhiễm nữa… Thế thì cái chuyện không khí nó là cái gì không có bao giờ ai nắm được hết cả, đến khi chúng ta biết rồi thì chúng ta thấy rằng nó có những vấn đề, vậy thì chúng ta có thể có một đời sống trong sạch hơn, về phương diện vật chất, và những người có bệnh thì chúng ta có thể giúp đỡ họ được bằng cách cho họ dưỡng khí. Học ngữ pháp cũng thế. Học Việt ngữ cũng thế. Nó là tiếng mẹ đẻ, thì chúng ta cần phải làm cho nó trong sạch, cần phải làm cho nó đẹp, và chúng ta cần phải hiểu nó. Đó là chuyện chính.
Nhưng ngoài ra còn có không biết bao nhiêu vấn đề, mà vấn đề tôi đặt ra nhiều nhất là cái chuyện mà chúng ta đang sống trong một thời đại giao thời. Thời đại đó bắt đầu từ lúc có những người Hoà-lan, Bồ-đào-nha đến buôn bán ở Đà Nẵng, bắt đầu tiếp xúc với Tây phương, xong rồi họ đem súng ống sang họ bắn, họ lấy nước mình, xong rồi trải qua biết bao giai đoạn… Các anh chị em ở đây biết được một phần nhỏ, tôi biết được vài năm cái chuyện đó. Thế nhưng, chúng ta thấy rằng chuyện quan trọng là có một cái lãnh vực của sự sống họ hơn hẳn mình, cho nên họ thắng mình, thế thì mình làm sao làm chủ được lãnh vực đó mà không làm mất bản thân của mình? Tất cả những vấn đề đó đã đặt ra cho người Việt Nam hai ngàn năm về trước, khi quân Tàu sang đặt nền Bắc thuộc trên đất nước Việt Nam. Rồi tôi sẽ trở lại chuyện này để các anh chị em hiểu rõ hơn. Là vì tất cả những chuyện đó nó nằm ở trong ngôn ngữ ấy! Nó còn để lại những vết thương, vết thẹo trong ngôn ngữ ấy! Tất cả những cái đó chúng ta phải vượt qua, mà muốn vượt qua thì vấn đề quan trọng nhất là phải hiểu được tiếng mẹ đẻ của mình, xem thử nó có thể dùng được để đi vào trong lãnh vực chưa có người Việt Nam [đi vào], và người Việt Nam vào trong lãnh vực đó có vào nổi hay không: với thân thể, quần áo, trí óc của mình, mình có vào được những lãnh vực đó hay không? Vào đó, chiếm được lãnh vực đó rồi, trong một trăm hai trăm năm mình có thể ngoi lên được gần bằng trình độ của họ. Nhưng phải có cái điều kiện đầu tiên là cái tiếng mẹ đẻ này, mà chúng ta đã dùng trong mấy nghìn năm nay và gần như không có vấn đề gì cả, đã cho phép chúng ta làm ra những tác phẩm tuyệt đẹp như Cung Oán Ngâm Khúc, như Kim Vân Kiều, nhưng mà tại sao chúng ta lại mất nước? Tại sao chúng ta lại phải mất mấy triệu người để đi đến tình trạng hiện tại, mà tình trạng ấy cũng chưa phải là sáng sủa gì? Ngôn ngữ không phải là điều kiện độc nhất, nó là một trong những điều kiện trong đó mình phải làm chủ, và ở mỗi một thời đại tất cả mọi người đều có một bổn phận, một nghĩa vụ là làm thế nào để cho tiếng nói của mình nó là tiếng nói của thời đại này, chứ dầu rằng ông Nguyễn Du có tái sinh đi nữa thì ông cũng không cứu được nổi nước! Với văn tài của ông, ông ấy cũng chịu chết. Cho nên bổn phận là bổn phận chung, của tất cả mọi người.
Tôi chỉ xin mọi người nhớ cho rằng: không có một cái gì gọi là cái chính thống ở trong khoa học hết. Không có khoa học chính thống. Có một cái tôi gọi là cái dòng chính, đó là cái dòng mà hầu hết các nhà khoa học theo. Không có chuyện chính quyền ở trong. Các nhà khoa học đặt ra dòng chính. Nhưng mà không phải những dòng phụ là không quan trọng. Tôi kính trọng tất cả các dòng phụ. Và tôi kính trọng ý kiến của tất cả mọi người, nhất là của những anh chị em đến ngồi nghe tôi như thế này. Khi nào mọi người có điều gì muốn hỏi tôi, muốn chất vất tôi, không chắc chi tôi đã trả lời được hết đâu. Bởi vì tôi cũng là một người đi tìm hiểu. Nhưng mà tôi sẽ cố trả lời. Nhưng mà giữ các câu hỏi đó, là vì trong mỗi buổi học tôi sẽ để ra vào khoảng lưng chừng một chút thì giờ để cho mọi người hỏi. Những người ở xa thì có quyền hỏi hai câu, còn những người ở gần thì chỉ nên hỏi một câu thôi để cho những người khác còn có thể hỏi được. Điều thứ hai nữa là cứ sau độ ba buổi học thì tôi sẽ để dành ra một buổi để dành riêng cho tất cả mọi người hỏi. Chỉ có hỏi tôi thôi. Lúc đó tôi là thí sinh. Tất cả mọi người hỏi lại tôi. Nhưng mà đừng có hỏi cái gì đi quá xa những gì mà tôi đã giảng rồi, là vì có khi tôi sẽ giảng về sau này, hỏi tôi trước vô ích. Khi nào tôi thấy rằng hỏi tôi trước nhiều quá thì tôi sẽ bảo rằng tôi sẽ trả lời sau. Như thế, tôi nhắc lại: tất cả mọi người đều phải suy nghĩ, dầu là suy nghĩ bằng cái common sense, cái thông lí, bằng những cái học cũ, hay bằng những cái học mới của mình. Thấy tôi nói có cái gì có vẻ không được xác đáng lắm, còn có chuyện bàn cãi được, thì cứ việc bàn cãi. Qua sự bàn cãi thì sự thực có thể ra được. Sự thực đó [có được] không phải do tôi, mà do sự bàn cãi.
[…]
Bây giờ tôi tiếp tục nhé? Sự phân biệt đầu tiên của ông Ferdinand de Saussure, chúng ta chấp nhận xong rồi không phải là chúng ta bỏ những cái lời nói của mọi người. Tất cả những lời là một cái khối những dữ kiện. Chúng ta làm việc trên những dữ kiện (facts). Tất cả những câu nói của chúng ta hay những câu văn người ta viết trong tiểu thuyết, những bài bình luận trên báo, hay trong thơ, tất cả những cái đó chúng ta coi là những tài liệu, speech, parole. Chúng ta không học về những cái đó. Nhưng mà dùng những cái đó để đi tìm cái gì gọi là cái ngữ. Thế thì vấn đề đặt ra đầu tiên là cái khối lời. Cái khối những tài liệu, khoa học người ta gọi là corpus. Cái khối đó từ trước đến nay là những gì đã được nói ra rồi, viết ra rồi, hay nghe thấy rồi, nhưng bây giờ nó khác. Bây giờ người ta không bằng lòng như thế nữa. Bây giờ người ta đi sang một giai đoạn khác, là không phải nhìn về quá khứ không thôi mà người ta cho mọi người đặt ra những câu mới rồi người ta xét những câu mới đó, rồi người ta thử lại tất cả những điều gì mà người ta tìm thấy, xem rằng thì có dùng được thực hay không. Vấn đề đó đi sang một giai đoạn mới. Nó làm cho linguistics (ngữ lí học) thâu nhận được một phương pháp của khoa học vật chất là phương pháp thực nghiệm (experimental).
Thế nào là thực nghiệm? Thực nghiệm nghĩa là thế này: dùng cái khối lời này, những dữ kiện này, người ta cố tìm ra những cái… gọi nôm na là “định luật”. Mỗi định luật mà người ta tìm ra là do đầu óc người ta nghĩ ra, tức là ở trong đó có một cái thuyết. Cái thuyết đó người ta nói ra, nó thành một định luật, hay một qui luật, hay một nguyên lí (gọi nó thế nào thì từ từ rồi tôi sẽ nói). Người ta đặt ra những cái đó qua sự nhận xét (observation) để đi đến một lí thuyết — tôi gọi là thuyết không thôi (có người gọi là “giả thuyết” này nọ…). Thuyết là theory. Luôn luôn, luôn luôn trong khoa học thực nghiệm là người ta làm theory, theory từng li từng tí một. Những theory nho nhỏ đi lên thành theory lớn. Mỗi một thuyết đó người ta lại phải nghiệm. Nghiệm nghĩa là gì? Nghiệm nghĩa là do thuyết này, người ta lại tìm ra nó có những hậu quả như thế nào, rồi nếu cần thì người ta bày ra những cái chuyện để xem rằng thuyết đó có đúng hay không. Bày ra chuyện nghĩa là làm những thí nghiệm. Và bây giờ corpus không phải là những chuyện của ông Nguyễn Du hay ông Nguyễn Gia Thiều viết ra nữa, mà là chuyện của tất cả các học viên này đặt ra đây này. Đặt ra một câu đi, theo cái thuyết mà tôi nói ra. Đặt ra một câu, xong rồi nghiệm xem rằng câu đó nó có chứng minh được cái thuyết hay không. Khi nào mà tất cả các thí nghiệm có thể chứng minh cho cái thuyết nhỏ này thì cái thuyết đó mình tạm gọi là nó đúng.
Nhưng có một vấn đề lớn nhất mà mọi người phải hiểu, là trong khoa học, luôn luôn người ta phải tìm ra cách để phá các thuyết, tức là phá những cái gì mà mình nghĩ ra, khi nào mà không thể phá được thì tạm thời coi thuyết đó là đúng. Chứ còn việc chính của khoa học bắt đầu từ nhà khoa học đặt ra thuyết là phải tìm cách phá thuyết của mình. Những cái đó, những người không làm khoa học không hiểu được. Khoa học là luôn luôn tự phá, phải phá cho đến khi nào dùng được thì lúc bấy giờ mới thôi. Lúc bấy giờ mới đặt ra một thuyết lớn. Tất cả những chuyện đó chúng ta phải làm. Thuyết lớn đó đặt ra rồi, thì chúng ta lại làm những thí nghiệm khác, hoặc là chúng ta sẽ áp dụng nó để làm việc. Nó có nhiều chuyện ở trong đó lắm. Có những cái người ta gọi là khoa học thuần tuý — khoa học mà người ta nghĩ rằng chỉ có thuyết không thôi.
Ngày xưa, ông Einstein tự mãn lắm. Ông bảo rằng tôi làm ra một cái thuyết mà tôi mừng lắm, là vì thuyết đó không có áp dụng (bởi vì có những khoa học áp dụng – applied sciences). Cái thuyết [của ông Einstein] không có gì áp dụng được cả. Áp dụng cái gì, mà những chuyện ánh sáng nó đi vòng vòng, đi ngoằn ngoèo, hay áp dụng cái gì những chuyện mà cái gì cũng tương đối? Đùng một cái, công thức ông viết ra làm thành bom nguyên tử. Ông ấy gần như phát điên. Ông ấy bỏ hết các việc, và tuyên bố rằng tôi là công dân của thế giới, chứ không phải là công dân Hoa-kì, Do-thái hay gì gì nữa. Và ông đi tuyên truyền để phá bom nguyên tử. Nhưng không thể phá được. Cái lí thuyết mà ông đã đặt ra, cái lí thuyết gọi là lí thuyết nhất, nghĩa là không có gì để áp dụng hết, thì té ra lại là cái lí thuyết có áp dụng ghê sợ nhất cho tương lai của tất cả không những là của nhân loại mà của cả trái đất này. Đó là chuyện của khoa học. Tất cả khoa học làm ra những lí thuyết để tìm hiểu thực tại để mình có được một cái hình ảnh tốt nhất. Không ai nhìn thấy được cái thực tại hết, nhưng mình có được một cái hình ảnh về cái thực tại đó đúng nhất. Cái hình ảnh đó, chẳng hạn, nó nằm ở trong công thức của ông Einstein. Không ai nhìn thấy nó cả. Nó là cái công thức. Nhưng mà người ta có thể dùng cái đó được, có thể áp dụng để làm những chuyện mà không ai ngờ được. Tất cả chúng ta làm việc để đi tìm những theory, những cái thuyết, để giảng giải cái ngữ, cái tiếng. Còn chuyện áp dụng thì mình cũng có thể làm được nếu mình muốn. Ai cũng có thể áp dụng được một khi đã đưa ra được một cái thuyết.
Vấn đề đã đặt ra như thế rồi, thế thì bây giờ có một chuyện nữa, là ông ấy [tức Ferdinand de Saussure] nhìn cái ngữ, ông thấy rằng nó có những phần ở trong đó, chứ không phải nói cái ngữ là cái ngữ thôi. Bây giờ thì người ta chia thành nhiều phần lắm, nhưng những phần đó cũng không phải là những cái gì đóng. Người ta chia ngữ làm ba phần chính (nhưng còn xê dịch nhiều lắm):
1. Ngữ âm (phonetics)
2. Ngữ pháp (grammar)
3. Ngữ nghĩa (semantics)
Về ngữ âm, bây giờ đã có [nhiều] thuyết. Thuyết mà mọi người bây giờ theo gọi là âm-vị-học (phonology). Ngữ pháp thì lôi thôi lắm, tôi sẽ trở lại. Vì tất cả lớp này là học về ngữ pháp. Về ngữ âm, tôi có một lớp khác. Tôi nói về cách viết tiếng Việt Nam bằng abc theo âm-vị-học. Đó là lớp cho các thầy cô giáo. Thế còn ngữ nghĩa thì tôi xin lỗi, là vì tôi biết nhưng tôi không khảo cứu. Điều thứ hai nữa là vì trong thế giới hiện tại, chưa có một thuyết nào cả, và chưa có ai đi lên trên những chuyện chi tiết lặt vặt. Cho nên phần này là cái phần mà trong thế kỉ này hay thế kỉ sau nữa, từ từ người ta sẽ đi vào.
Nhưng tất cả vấn đề của một tiếng [ngữ] là nó đi từ âm đến nghĩa. Làm thế nào mà những âm mà mình phát ra như [a, e, o, ô, u, ư…] cho đến những cái [blơ, bla…] các thứ, mà nó thành ra một lớp ngữ lí học như thế này? Nó làm sao thành được? Từ âm cho đến nghĩa, hay có người đặt ra là từ hình [form] — form này không phải là cái hình mình nhìn thấy đâu; cái âm mình nói ra người ta cũng gọi là phonic form, nghĩa là một hình thức âm — từ cái form này đi đến cái mà người Pháp gọi là sens, người Anh gọi là meaning. Tôi hay kể chữ Pháp là vì thế này: các ông ngày xưa nói là đi từ cái son đến cái sens thì nghe hay lắm, còn nói đi từ cái sound đến cái meaning thì nghe không hay bằng. Nói son đến sens thì nghe nó êm tai, réo rắt hơn, nghe thích hơn. Nhưng thực ra thì nó cũng như nhau cả.
Ba cái này chúng ta sẽ trở lại sau.
Tất cả những điều này là tôi chỉ nói chuyện vẩn vơ, chưa đi vào ngữ pháp. Nhưng nếu mà không hiểu thì đi vào chuyện ngữ pháp cũng rắc rối. Bởi vì, bao giờ cũng vậy, mình có cái một cái nhìn tổng quát, xong rồi mình đi dần dần xuống, thì dễ hơn.
Bây giờ tất cả các anh các chị — tôi gọi chung là như thế nhé? — các anh các chị có ai muốn hỏi gì thì xin cứ hỏi. ♦
H.H. phiên tả từ bài giảng của Gs Trần Ngọc Ninh