posted Feb 17, 2010, 10:57 AM by Quốc-Anh Vương
[
updated Feb 17, 2010, 10:56 AM by Chí-Thông Nguyễn
]
Trần Ngọc Ninh
“… Nước là dân và toàn dân phải như
dây quấn thì mới tạo được hoà bình ở trời Nam: làm lịch sử là kiến
tạo hoà bình vĩnh cửu, chứ không phải là gieo rắc thù hận và những mầm
mống của đấu tranh không cùng …”
Kể từ khi lập quốc
cho đến ngày nay có một dòng lịch sử Việt Nam trong đó đã cấu thành nên
một quốc dân Việt Nam, thì hiển nhiên rằng phải có một tư tưởng Việt
Nam. Tư tưởng Việt Nam là cái động lực lớn để giữ nước và yên
dân. Tư tưởng Việt Nam là cái sức mạnh chính yếu đã tạo ra sự đặc thù
của con người và văn minh Việt Nam trên trái đất của loài người. Tư
tưởng Việt Nam là tư tưởng lãnh đạo lịch sử Việt Nam. Những ngọn sóng
của lịch sử thế giới nhiều khi đã tràn ngập cả cõi sống Việt Nam.
Tư tưởng Việt Nam đã có những thời bị dìm xuống tận đáy sâu thẳm
của những vực không bờ tưởng rằng vĩnh cửu không còn một cái bóng, một
tiếng vang, trong trí nhớ của người ta. Nói đến tư tưởng Việt Nam trong
những thời quốc vận suy mạt này, những người tự thổi lên là kẻ sĩ hay
trí thức chỉ biết nhìn nhau ngơ ngác, tưởng là nói chuyện quỷ thần. Có
hay là không có? Hình bóng ra sao? Ðạo Nho chăng? Hay là Ðạo Lão? Ðạo
Phật? Ðạo Chúa? Tư tưởng của Lư Thoa à? Chủ nghĩa của Các Mác chăng?
Thưa là hoạt kê và cũng thực là bi đát. Y như đứa trẻ mồ côi bị loài
sói nuôi thì gọi sói là mẹ và coi sự đấu tranh sinh tồn của loài sói là
lẽ sống của chính mình. Sự mất bản thể và tha hoá có thể kéo dài cả thế
kỷ, cả mười thế kỷ tối tăm. Nhưng rồi tư tưởng Việt Nam lại
nổi lên, với những nguồn sinh lực mới, giàu hơn, mạnh hơn, đẹp hơn,
thực hơn, và trăm phần tươi sáng hơn. Nó châm lên những bó đuốc mới để
phá tan đêm tối mà đón ánh mặt trời buổi ban mai. Nó khơi lại trong mỗi
trái tim cái tàn lửa cũ cho bùng lên thành cục than hồng của lòng yêu
nước vạn năng. Nó làm cho giang sơn đất nước rực lên một mầu vinh quang
và sình bùn cũng chứa đựng những hứa hẹn không cùng. Nhưng các
đế quốc lớn trong thiên hạ vẫn không ngớt thèm muốn cái nơi góc bể chân
trời mà tiền nhân chúng ta đã biến thành gấm vóc thi ca và gọi bằng cái
tên yêu dấu là nước ta, quê ta. Dầu là từ Bắc phương gần, Bắc phương
xa, - nơi lòng người giá lạnh như băng tuyết nghìn thu, hay từ phương
tây bên bờ của đại dương mà mặt trời lặn xuống, kẻ xâm lăng, với sự
phản bội của những Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, Ðồng Khánh, Hồ Chí
Minh, sợ cái tư tưởng quật cường bất khuất của người Việt Nam yêu nước,
đã bao lần đốt lửa để nấu chảy trống đồng, thiêu hủy sách vở và đem
xe, tàu đến để chở cái rừng tư tưởng Việt Nam về nơi chính quốc mà chôn
trong những phòng cấm của những tàng kinh các quốc gia của họ. Nhưng
cái hoá thân có hình hài sắc tướng với những chữ nghĩa trên trang giấy
có thể bị đốt, bị khoá, mà pháp thân của tư tưởng Việt Nam, không sống
gửi vào vật chất, vẫn tự tại và tự tồn, để chờ ngày quật khởi. Trên
khắp nước Việt Nam, không có một tấc đất nào không có máu thịt của ta
trong những kiếp trước. Không có một lá cây ngọn cỏ nào mà mỗi tế bào
không có một phần của ta ngày xưa. Tất cả cái phong cảnh của đồng ruộng
núi sông trong nước là do khối óc và bàn tay của tiền nhân xây đắp. Ðó
là cái vùng trời và những con đường của văn hoá dân tộc. Và mỗi cái
thoáng nghĩ trong đầu óc của một người hiện ra trong một lời nói, một
nụ cười hay một cái nhúc nhích của một sợi cơ trong một bàn tay, hoặc
phải nén xuống trong cõi lòng không đáy của những ngàn năm đàn áp, cũng
chứa đựng tất cả cái tư tưởng Việt Nam. Vào đầu thế kỷ thứ 17 ở
bên trời Âu, có nhà đại khoa học, đại văn hào là Blaise Pascal đã để
lại cho hậu thế những mảnh vụn của một cuốn sách mà người ta chắp nhặt
lại, đặt cho một cái đầu đề là Tư Tưởng (Pensées). Ðại để đi ngược lại
với người đời thường nghĩ rằng hiểu nhau rồi mới yêu nhau được, Pascal
nói rằng có yêu Chúa thì mới hiểu được Chúa, và không ngần ngại đi đến
cuộc đánh cá lớn nhất trong lịch sử triết học Tây phương, là cứ đi lễ đi
rồi mới có thể mong được ban ân. Hành tiên, trí hậu.
Quốc tộ như đằng lạc… Tư
tưởng Việt Nam cũng như Chúa của Pascal. Có đó, mà không có đó. Có đó
cho người đã yêu, đã thấy. Khi ấy thì có khắp mọi nơi, từ cái cực vi
đến cái cực đại, từ trong một mô đất bên bờ ruộng đến những con sông
dài chở củi, lúa và tình người ; từ tiếng sáo diều trên cánh đồng quê
đến những lời hát vô tận của gái trai trong cuộc sống văn hiến, từ một
hột cơm, một cọng rau đến sự nghiệp bất diệt của một Nguyễn Trãi. Nhưng
rõ ràng hiển nhiên là thế, mà vẫn không có với những kẻ lạc loài.
Có thì có tự mảy may Không
thì cả thế gian này cũng không
Ngay cả trong những sách
vở còn lọt qua mạng lưới của đế quốc và chó săn cũng còn để lại chút
ít di tích của tư tưởng đích thực Việt Nam. Cho những ai biết đọc, cho
những ai đọc với tình người Việt Nam, với tình nước Việt Nam. Trong
thực tế thì cũng chẳng còn bao nhiêu. Một vài mảnh giấy đã nhám lửa,
vùi trong những đống tro tàn của những hoả đài văn hoá. Nhưng quý làm
sao ! Đẹp làm sao ! Và thâm trầm biết là chừng nào qua những huy hoàng
và đắng cay của lịch sử ! Tư tưởng chính trị nằm ở trong tư
tưởng là cái ánh của tư tưởng để soi đường cho chính trị, là cái kim
chỉ nam để cứu nước, giữ nước và yên dân. Tất nhiên rằng đế quốc và phản
quốc ở bất cứ thời nào, cũng phải truy lùng và tiêu hủy tư tưởng chính
trị của người dân yêu nước, trước tất cả những gì khác, hữu hình hay
vô hình. Binh Thư Yếu Lược của Trần Hưng Ðạo đã tuyệt diệt,
nhưng An Nam Chí Lược của Trần Ích Tắc vẫn còn cho tới ngày nay,
là vì thế. Trong tâm khảm của chúng ta, không một người nào
không tôn thờ cuốn sách mà không một ai được trông thấy, cuốn Binh Thư
đã đuổi giặc Nguyên ra ngoài bờ cõi. Và tuy cũng còn có những sử
gia vì sự bắt buộc của nghề nghiệp phải đọc cuốn sử vong bản về đất An
Nam, nhưng cũng không có một ai không khinh bỉ và thương hại cái văn
tài trác tuyệt đã lầm đường mà thành nô dịch cho đế quốc. Tư
tưởng chính trị bị đốt, bị chôn nhưng vẫn sống trong lòng người dân, ở
đó nó âm ỉ cháy mãi, nuôi dưỡng bởi cỏ hoa của đất nước, để vạn kiếp bí
truyền cho con cháu đời sau. Và khi nào cần thiết thì Binh Thư lại
xuất hiện, Binh Thư không sách, Binh Thư không chữ, vì đó mới là Binh
Thư thực của tư tưởng Việt Nam: Binh Thư Yếu Lược là thời trời,
là lợi đất, là hoà người Việt Nam. Binh Thư sách đã bị ngọn lửa hung
tàn của nhà Minh đốt cháy, nhưng cuốn sách ấy còn dùng làm gì sau khi
nó đã vẻ vang chiến thắng quân Nguyên ? Còn lại là cái tin tưởng và cái
tinh thần mà Lê Lợi và Nguyễn Trãi cùng với toàn dân đã thừa hưởng của
Binh Thư, với những chiến lược mới phải được sáng tạo ra để đánh đuổi
một kẻ thù mới, và lập nên nền đại định Bình Ngô. Thế nhưng có
còn một chút di tích gì của tư tưởng chính trị Việt Nam trong kinh sách
không ? Một ngàn năm trước đây, vào khoảng thập niên từ 980 đến
990, không phải 70 năm của sự thành lập Liên Xô, không phải 200 năm
của sự ban hành hiến pháp Hoa Kỳ, cũng không phải thiếu đầy 200 năm kỷ
niệm cuộc cách mệnh Pháp, một ngàn năm trước đây, trong nền độc lập mới
còn chập chững của nước Ðại Việt ta, vua Lê Ðại Hành (ở ngôi từ 980 đến
1005) đã hỏi pháp sư Ðỗ Pháp Thuận (mất năm 991) về vận nước. Sư Pháp
Thuận nói kệ để trả lời vua; kệ rằng:
Quốc tộ như đằng lạc Nam
thiên lý thái bình Vô vi cư điện các Xứ xứ tức đao
binh
Dịch là:
Vận nước như dây quấn Trời
Nam thấy Thái Bình Vô vi ngự cung điện Muôn xứ dứt
chiến chinh
Ðây là sách lược chính trị để mở nước, sau mười thế kỷ Bắc
thuộc. Triều đại nhà Ngô, mặc dầu đã chiến thắng quân Nam Chiếu một
cách lẫy lừng trên sông Bạch Ðằng, nhưng còn lung lay và chưa có chính
sự. Loạn mười hai sứ quân được dẹp bởi Ðinh Bộ Lĩnh, người anh hùng
thôn dã, nhưng nhà Ðinh còn phải nấu vạc dầu và nuôi cọp dữ để giữ vững
ngôi vua mà vẫn còn bị tiêu diệt bởi mũi dao của kẻ thích khách. Lê Ðại
Hành lên ngôi trong sự đàm tiếu của bọn anh em tay chân của Ðinh Bộ
Lĩnh, phương Bắc thì nhà Tống đem quân xuống để mưu đồ tái chiếm vùng
đất thuộc cũ, miền Nam thì Chiêm Ba bắt sứ và khinh khi nền độc lập còn
thơ ấu của nước Việt Nam. Dầu đã là Thập Ðạo Tướng Quân Lê Hoàn, vua
Lê Ðại Hành cũng không khỏi có những bối rối lo âu. Sự mầu nhiệm kỳ
diệu là vua Lê Ðại Hành, một quân nhân vừa ra khỏi đêm tối của thời
trung cổ bán khai, đã quay sang một nhà sư học sĩ để hỏi việc nước. Và
chúng ta được thấy sự khai sinh của tư tưởng chính trị Việt Nam trong
văn chương chữ nghĩa. Quốc tộ như đằng lạc, vận nước như dây
quấn. Những dây mây trong rừng, dây sắn dưới ruộng, quấn quít chằng
chịt vào nhau như dây đan, như dệt, dựa vào nhau mà đứng vững trong
gió bão, như trường thành. Ðó là cái hình ảnh của xã hội. Các nghề
nghiệp lồng vào nhau, các giai tầng tựa vào nhau. Sự liên đới và đại
đoàn kết của toàn dân là nền tảng của sự vững bền của vận nước. Người
dân Việt Nam hiểu rõ điều ấy từ ngàn xưa. Tục ngữ ca dao nối tiếp vào
bốn câu kệ của Thiền Sư Pháp Thuận mà giải thích thêm. `Vì cây dây
quấn`, người ta nói. Những sợi mây xoắn vào nhau, móc vào nhau, khoác
chặt lấy nhau là vì sự sống còn và vững mạnh của cả cây mây. Cũng như
toàn thể dân trong nước, sát cánh nhau trong sự đấu tranh chung, là để
giữ nước và xây dựng nước. Vì nước, tất cả các dây người cũng quấn; tay
khoác tay, sự hợp quần phải chặt chẽ, trận tuyến phải dầy đặc. Cây là
gốc của dây. Nếu người lãnh đạo hiểu được rằng `vận nước như dây quấn`
thì người dân sẽ đáp ứng lại rằng toàn dân đã sẵn sàng, không trừ một
giới nào. Dân là đằng lạc, quốc tộ là do dân. Trong cái đằng
lạc ấy, không phải là sự hỗn độn, không có sự tranh chấp. Dây già, dây
non, dây cao, dây thấp, thậm chí đến cả dây chết, dây sống cũng vẫn ôm
nhau, quyện nhau, không rời, không nhả, chia sẻ với nhau những nỗi khó
khăn khổ cực của đời sống giữa rừng già. Thế nhưng `rút dây động rừng
`chỉ cần cho kẻ lạ thấy được một cái đầu mối nào đó để rút ra một sợi
mây thì cả rừng mây sẽ bị động và dầu là một cơ cấu thiên niên vạn đại
cũng có thể sụp đổ. Ðến thế kỷ thứ hai mươi này, người ta sẽ gọi đó là
`cách mệnh`. Cách mệnh là rút ra một sợi dây của đằng lạc và gieo cái ý
thức rằng sợi dây cao đè sợi dây thấp, sợi dây già buộc sợi dây non,
và phải rút đi một sợi dây thì thiên hạ mới thái bình. Ðó không phải là
tư tưởng chính trị Việt Nam. Ðó là tư tưởng loạn nước loạn dân. Nhóm
lên ngọn lửa đấu tranh giai cấp là chính thức hoá nội loạn. Ðó là một
tư tưởng ngoại xâm. Tư tưởng lập quốc của Việt Nam nói ra rất
rõ:
Vận nước như dây quấn Trời
Nam thấy thái bình
Hiểu rõ rằng nước là dân và toàn dân
phải như dây quấn thì mới tạo được hoà bình ở trời Nam: làm lịch sử là
kiến tạo hoà bình vĩnh cửu, chứ không phải là gieo rắc thù hận và những
mầm mống của đấu tranh không cùng.
Vô vi cư điện các Vô
vi cư điện các. `Không làm` trong chốn quyền quý. Ðây là lời dạy vua
quan trong sự cai trị. Vô vi là không làm. Không phải sự vô vi của Lão
Tử, cưỡi con lừa già ra khỏi cổng thành để làm một Thái Thượng Lão
Quân, ngồi nấu thuốc trường sinh bất lão. Mà là sự vô vi của Ðạo Phật.
Sư Pháp Thuận là người Thiền Môn, không là một đạo sĩ. Trong Ðạo Phật,
vô vi là sự không làm những cái không phải là Bát Chánh Ðạo, quan trọng
hơn hết thẩy là sự không làm hại, ahimsa, mà sau này Mahatma Gandhi
coi là sự dũng cảm tối hậu và phương châm chính trị tối cao. Trong Ðời,
vô vi là không can thiệp, không bắt ép, không bó buộc, không phá rối
truyền thống, pháp luật, và tín ngưỡng mà nhân dân đã thuận theo trong
tự do, và cuối cùng, không mượn những cớ giả dối để đem quân đi chiếm
đóng một nước khác. Ðó là những lời dạy của chính Phật Như Lai, về dân
nước Vajji. Vô vi là cái cực đối lập với chuyên chế. Chính trị vô vi
tôn trọng dân quyền và nhân quyền. Chính trị vô vi có một điều kiện căn
bản: nhân dân phải như dây quấn. Khi tất cả mọi giới đã ràng buộc lấy
nhau trong cái thế liên kết, liên đới, liên thuộc, thì hoà bình trong
xã hội tự nhiên được thực hiện, mọi sự cưỡng bách từ trên xuống trở
thành vô nghĩa. Một xã hội yên vui không cần phải có một Ðảng lãnh đạo
và cũng chẳng phải mướn một nhà nước quản lý. Những cái đó là những phát
minh thời đại của những đỉnh cao trí tuệ, nhìn vào một cái sơ đồ của
xã hội Âu Tây bệnh hoạn. rồi cho rằng lịch sử của loài người chỉ là
lịch sử đấu tranh giai cấp, và mọi xã hội đều được cấu tạo với hai lớp
người, kẻ bóc lột và người bị bóc lột. Hãy so sánh cái xã hội thô sơ ấy
với tư tưởng Việt Nam ở cuối thế kỷ thứ mười, trong câu kệ của Thiền Sư
Pháp Thuận : Vận nước như dây quấn : cơ cấu xã hội phức tạp là thế,
chặt chẽ là thế, nhưng vẫn có tự do vì một dây mây cá nhân vẫn có thể
trồi từ lớp này lên lớp khác mà không cần phải có một kế hoạch nào của
nhà nước chỉ huy cả. Bởi vậy cho nên không những có được hoà
bình xã hội mà có được cả hoà bình trong loài người.
Xứ xứ tức đao binh (Mọi
nước dứt chiến chinh)
Một bài kệ nhỏ, vỏn vẹn chỉ có
bốn câu, đã gói ghém, với những hình ảnh tuyệt đẹp, từ cung điện đến
đời sống dân gian, từ vận nước đến cái thế lớn trong thiên hạ, và từ đầu
đến cuối thoát ra một hương sắc Thiền nhẹ nhàng thanh nhã, luyện cái
thiên nhiên vào cái trừu tượng rồi chuyển cái trừu tượng vào cái thực
tế, và đồng thời, đem cái tư tưởng chính trị Việt Nam diễn ra, sáng như
trăng rằm, trong như ngọc bích, thực là kỳ tuyệt. Mở sử ra đọc lại,
thấy những lời của Trần Hưng Ðạo dặn dò vua trước khi chết, cũng là cái
tinh thần ấy, nhưng chân phương là chừng nào, khẩn thiết là chùng nào ;
thực là lời của vị võ thần giữ nước, nhìn thấy một chiến lược toàn
diện và hiểu rằng nồng cốt của nước là dân. Xem đến Bình Ngô Ðại Cáo
của Lê Lợi - Nguyễn Trãi: vẫn là cái tư tưởng chính trị căn bản xưa,
nhưng phát triển ra lâm ly dũng mãnh, lúc như gió rít trong ngàn cây,
lúc như sóng thần từ lưng trời đổ xuống, từ đầu đến cuối chỉ vì nước vì
dân, coi dân là nước và nước là dân, rồi cuối cùng cũng chứng tỏ sự vô
vi trong uy vũ để mua lấy một nền hoà bình vinh quang vĩnh cửu. Tư
tưởng chính trị Việt Nam có một truyền thống, cho đến lúc ấy chưa bao
giờ bị thực sự gián đoạn. Nhưng vài trăm năm sau đó thì rừng mây bắt
đầu bị xẻ ra. Rồi vài chục năm gần đây, người trong nước đã khởi sự rút
mây. Tư tưởng chính trị Việt Nam bị ô nhiễm đến độ rằng những bậc thức
giả trong nước cũng không nhìn thấy nữa. Nay là lúc chúng ta
phải gạn đục khơi trong lại. Dòng tư tưởng của Việt Nam ở ngưỡng cửa
của thế kỷ thứ hai mươi mốt tất nhiên không thể vẫn là bốn câu thơ của
sư Pháp Thuận. Lịch sử Việt Nam cũng không dừng lại ở thời Lê Ðại Hành.
Qua mỗi lần chuyển mình của lịch sử, tư-tưởng Việt Nam đã thay đổi và
còn phải luôn luôn thay đổi. Nhưng chúng ta quyết không để cho một bọn
ngụy trí thức, trong sự ngu tối và cuồng-loạn vọng-ngoại, xoá bỏ đi bốn
ngàn năm lịch sử tư tưởng của Việt Nam để thay thế bằng cái quái thai
đầu Ðức mình Nga gọi là chủ nghĩa Mác-Xít Lê-Nin-Nít. |
|