Cuộc Bể-Dâu Đưa Đến Thời-Đại Mới
1. Trong lịch-sử của cõi người ta, thời-đại mới, trên phương-diện trí-thức, bắt nguồn với cuộc cách mạng thiên-thể-học (the astronomical revolution) mà N. Copernic (1473-1543) khởi xướng với cuốn De Revolutionibus Orbium Coelestium (Sự tuần-hành của các Quĩ-đạo trên Trời, Nurnberg, 1543), xuất thế cùng một năm nhưng sau khi ông mất. Trong sách, ông bác bỏ thuyết của Aristote và Ptolemy, được dạy từ thời Thượng Cổ, trong đó quả đất được đặt yên-vị vào trung-tâm của vũ-trụ, còn tất cả các thiên-thể khác, Mặt Trời và các Hành-tinh, quay quanh quả đất trên những vòng tròn đồng-tâm (cycles) và sai-tâm (epicycles). Trong thuyết của Copernic, Mặt Trời được đặt vào trung-điểm thành một định-tinh đứng vững trên bầu trời, còn quả đất được coi là một hành-tinh quay tròn quanh Mặt Trời. Sự truất-ngôi trung-tâm của Đất bị lên án nghiêm trọng bởi Giáo Hoàng năm 1616 vì trái với Lời trong Thánh Kinh. Copernic khi ấy đã chết nên không bị tội, nhưng sách bị đốt, thuyết Nhật-trung (Heliocentrism) bị cấm, và năm 1623, vì chủ-trương rằng Copernic đúng theo những nhận-xét bằng viễn-kính của ông, Galileo Galilei bị Tòa Án xử cấm không được khảo cứu khoa-học nữa. Dĩ-nhiên, mặc dầu thế, nhưng “quả đất vẫn cứ quay tròn”, như Galileo nói.
Theo A. Koyre (1939, 1961)(1), cuộc cách-mệnh lớn này chỉ thực hoàn-thành sau những khám-phá của J. Kepler và G.A. Borelli.
J. Kepler (1571-1630), dựa trên những đo-đạc rất thực và rất chính-xác của Tycho Brahé (1546-1601), đã đặt ra ba định-luật (Astronomia Nova 1609, Harmonices Mundi 1619), trước hết rằng Mặt Trời thực đứng yên-vị, không phải ở trung-điểm của một vòng tròn, mà ở một tiêu-điểm (focus, foyer) của những quĩ-đạo hình ellipsum của các hành-tinh, và hai định-luật nữa về độ xa (distance) và về diện-tích (area, surface).
Borellus (tên La-tinh của Borelli, 1608-79) (Theorica mediceorum planetarum, 1666) là người thứ ba, sau Copernic và Kepler, đã lập thuyết rằng khi các hành-tinh quay quanh Mặt Trời (và các vệ-tinh quay quanh hành-tinh, như trăng quay quanh trái-đất) thì chúng tạo ra những lực li-tâm, vì chúng là những vật- thể vật-lí chứ không phải chỉ là những chấm toán-học.
Tới đây thì con đường lớn đã được mở ra cho một khoa-học mới gọi là Cơ-học thiên-thể (Celestial Mechanics) mà Isaac Newton (1682-1727) sẽ lập ra (De motu, 1682; Philosophiae naturalis principia mathematica, Nguyên-lí Toán-học của Triết-lí tự-nhiên, 1687). Những quan-niệm hiện-đại về khối trọng (mass), nguyên-lí inertia, ba luật cơ-bản về sự chuyển-động, và hệ thế-giới căn-cứ trên luật trọng-hấp-hoàn-vũ (universal gravitation) được đặt ra và toàn thể giới khoa-học theo, cho đến khi thuyết tương-đối thu hẹp và mở rộng được công-bố và minh-chứng ở đầu thế-kỉ thứ Hai Mươi, bởi A. Einstein (1879-1955) và các nhà thiên-thể vật-lí-học của thế-kỉ thứ Hai Mươi.
J. Kepler (1571-1630), dựa trên những đo-đạc rất thực và rất chính-xác của Tycho Brahé (1546-1601), đã đặt ra ba định-luật (Astronomia Nova 1609, Harmonices Mundi 1619), trước hết rằng Mặt Trời thực đứng yên-vị, không phải ở trung-điểm của một vòng tròn, mà ở một tiêu-điểm (focus, foyer) của những quĩ-đạo hình ellipsum của các hành-tinh, và hai định-luật nữa về độ xa (distance) và về diện-tích (area, surface).
Borellus (tên La-tinh của Borelli, 1608-79) (Theorica mediceorum planetarum, 1666) là người thứ ba, sau Copernic và Kepler, đã lập thuyết rằng khi các hành-tinh quay quanh Mặt Trời (và các vệ-tinh quay quanh hành-tinh, như trăng quay quanh trái-đất) thì chúng tạo ra những lực li-tâm, vì chúng là những vật- thể vật-lí chứ không phải chỉ là những chấm toán-học.
Tới đây thì con đường lớn đã được mở ra cho một khoa-học mới gọi là Cơ-học thiên-thể (Celestial Mechanics) mà Isaac Newton (1682-1727) sẽ lập ra (De motu, 1682; Philosophiae naturalis principia mathematica, Nguyên-lí Toán-học của Triết-lí tự-nhiên, 1687). Những quan-niệm hiện-đại về khối trọng (mass), nguyên-lí inertia, ba luật cơ-bản về sự chuyển-động, và hệ thế-giới căn-cứ trên luật trọng-hấp-hoàn-vũ (universal gravitation) được đặt ra và toàn thể giới khoa-học theo, cho đến khi thuyết tương-đối thu hẹp và mở rộng được công-bố và minh-chứng ở đầu thế-kỉ thứ Hai Mươi, bởi A. Einstein (1879-1955) và các nhà thiên-thể vật-lí-học của thế-kỉ thứ Hai Mươi.
2. Trong đời sống thực-tế, sự đổi đời không bắt đầu từ những khám phá trên trời của khoa-học, cũng không do những tư-tưởng phóng-khoáng của các triết gia từ thời Trung-Cổ cho tới sau thời Phục-Hưng, từ Abélard đến Bacon, Descartes. Sự đổi đời bắt đầu khác nhau từng nơi vào khoảng thế-kỉ thứ Mười Bốn, Mười Lăm, và dẫn đến sự tích-lũy của-cải vào tay một thiểu-số, đồng thời với một loạt những biến-đổi cơ-sở trong một vài khu-vực có địa-lợi ở vài nước miền Tây của châu Auropa (Châu Âu). Sử-học hiện-đại, với những quan-niệm quảng bác và những phương-pháp nghiên-cứu tinh-vi, đã làm sáng tỏ nhiều vấn-đề của lúc khai-sinh thời-đại mới này và lật đổ nhiều lí-thuyết rất sôi nổi của hai thế-kỉ trước đây, cho loài người những bài học vô-giá, mà tiếc thay nhiều giới lãnh-đạo của các nước mới còn chưa hấp-thụ được. Chính những người làm cách-mệnh và những người làm chính-trị không hiểu lịch-sử, lại lấy những mộng-ước của mình làm những đích của lịch-sử mà họ tưởng rằng họ đã nắm trong tay để nặn được theo ý muốn, nên nhân-loại còn lầm than, hòa-bình và hạnh-phúc vẫn còn là những viễn-vọng, càng cố theo đuổi càng xa vời trong những cõi tuyệt mù vô-vọng.
Thời-đại mới trong đời sống thực-tế bắt đầu ở Anh-quốc, với phong-trào cho rào các nông-trại (enclosure 1530-1780). Nông-dân (yeoman) bị đuổi ra ngoài các cánh đồng đã được rào giậu, sự trồng lúa mì bị bãi bỏ trên những diện-tích lớn và sự nuôi cừu, nuôi ngựa, nuôi bò được phát-triển mạnh mẽ. Các gia-tài lớn bắt đầu từ đây mặc dầu có những cuộc nổi dậy của nông-dân (cho đến 1549)(2).
Những ích-lợi vật-chất của sự ngăn rào không có ngay và chỉ được thấy sau gần hai thế-kỉ(3). Ngày nay người ta có thể khẳng-định rằng, tuy có tạo ra một số xáo-trộn xã-hội ngắn hạn như Karl Marx đã miêu tả và thổi phồng lên trong das Kapital (Tư-bản-luận 1867) sau thi sĩ Oliver Goldsmith (The Deserted Village: Làng hoang-phế 1770), nhưng sự ngăn rào đã là một điều-kiện tiên-quyết cho cuộc cách-mệnh nông-nghiệp, mở màn cho cuộc cách-mệnh công-nghệ tư-bản, và làm cho Anh-quốc đi vào thời-đại mới trước tất cả các nước khác trên thế-giới (Chambers, Ashton, Slater, Crouzet).
Tây-Auropa trong lục-địa cũng rục-rịch ngay từ Thế-kỉ thứ Mười Lăm (F. Braudel 1967-1979)(4) không phải trên địa-hạt nông-nghiệp, mà trên lãnh-vực thương-mại và tài-chính. Những hoạt-động này cũng có và rất sầm-uất ở Ấn-độ, Trung-Hoa, Nhật-Bản và cả Việt-Nam, nhưng chỉ ở trong hàng tổng, nhiều lắm là hàng tỉnh, và thiếu tính-chất tự-do đối với chính-quyền và đối với tôn-giáo, lại bị các nạn bá-quyền khu-vực, nên nền kinh-tế và sự dân-sinh không cất cánh lên được. Trái lại, châu Auropa, vì sau khi Đế-quốc Roma bị tan rã, thì một phần bị các dân-tộc Goth gốc Đức mà Thiên Chúa-giáo gọi là “man rợ” (barbare, barbarian) tàn phá cướp bóc, một mặt bị xâm nhập từ ngoài vào, (từ Bắc bởi quân Viking và Slav, từ Đông bởi quân Hun [không phải Hung, Hungary], từ Nam bởi quân Moslem [theo đạo Islam], nên sự lập thành những quốc-gia thống nhất chỉ mới thực-hiện từ cuối Thế-kỉ thứ Mười Tám. Cho đến lúc ấy, thì châu Auropa còn là những đống vụn những tiểu-quốc, thuộc về những công, những bá (duché, comté, principauté...) Chính là nhờ vậy mà sự buôn bán khá tự-do, rộng-rãi, từ khu này sang khu khác: đó là cái đầu mối mà ngày nay người ta gọi là kinh-tế thị-trường (market economy) và các nhà kinh-tế-học gọi là sự trao-đổi tự-do (libre échange, free trade). Ở mỗi khu-vực, không những có chợ (market, marché, Mart), hội-chợ (fair, foire, Messe) lại có những cửa hàng cửa hiệu (shop, boutique, Laden) kho hàng (store, storage, magasin-entrepôt). Và sự tín- dụng (credit) bắt đầu có tại các hội-chợ với những cửa hàng lớn và những nhà buôn lớn. Ngân-hàng (Banco, bank, Banque) mọc ra ở Venise, ở Genoa, ở Firenze, ở Lyon, rồi lên Anvers, Amsterdam, rồi London. Tất cả Tây-Âu thành một thế-giới kinh-tế mà F. Braudel rồi I. Wallerstein gọi là économie-monde (World economy, Weltwirschaft). Chính-trị vẫn chia rẽ, có khi có chiến-tranh, mỗi khu chính-trị có thủ-đô riêng và có vua, có chúa, có cả hoàng-đế riêng, nhưng việc thương-mại, tài-chính, nhất là tài-chính cao (haute finance) vẫn được thực-hiện trên đầu các chính-phủ, ít ra là cho đến khoảng 1879, khi nước Đức, khi ấy đã thống-nhất, đặt ra bản-vị vàng (gold standard) để bắt đầu một chính-trị tranh bá-quyền, với sự phá vỡ chính-trị cán cân quyền-lực của Anh Pháp (balance of power), chạy đua võ-khí (course aux armements) dẫn đến trận Đại-Chiến (1914-1918) rồi đến Thế- Chiến Thứ Hai (1939-1944).
Tôi đã bỏ đi rất nhiều những sự-kiện lịch-sử long trời lở đất, trong đó sự thành-lập Đế-quốc Anh và Pháp, sự cướp đất và chia xẻ Mĩ-châu, Phi-châu, Úc-châu, và sự uy-hiếp Trung Hoa - Việt Nam là những luồng nổi quan-trọng. Sự biến-đổi lớn đã cho phép sự hoành-hành vô-pháp ấy là Cuộc Cách-mệnh Công-nghệ. Trong phạm-vi Việt-Học, rồi chúng ta còn phải trở lại những vấn-đề này, là vì Việt-Nam nay mới đi chập chững vào kinh-tế thị-trường và bắt đầu công-nghệ-hóa một cách miễn-cưỡng, ép buộc, èo ọt, như một đứa bé thiếu tháng, vô-học, bụng ỏng đầy run sán, mắt toét kèm-nhèm, đứng giữa những người khổng-lồ có những pháp-thuật mà ta tưởng-tượng ra cũng không nổi!
Thực-Trạng Của Việt-Nam Và Của Thế-Giới
Thực-trạng của Việt-Nam so với thế-giới về phương-diện kinh-tế và dân-sinh còn tệ hại hơn là cái hình-ảnh đứa bé ốm yếu, trần trụi đang cố gắng ngoi ngóp đuổi theo một nhóm người lớn, khỏe-mạnh, đầy-đủ, có giầy dép, đã cách xa mình mấy quãng đường dài.Để cho ngắn gọn, tôi chỉ xin ghi ở đây một câu tóm-tắt, là từ cuộc Cách-mệnh kĩ-nghệ ở Thế-kỉ Thứ Mười Tám, nước Anh đã thành Cơ-xưởng của Thế-giới (The Workshop of the World) (Chambers), nhưng thế-giới đã qua hai đợt của cuộc Cách-mệnh thứ nhất rồi chuyển sang cuộc Cách-mệnh Siêu-Kĩ-thuật-học với năng-lượng hạch-tâm, kĩ-thuật-học-không-gian, nano-kĩ-thuật, sợi kính, điện-toán-cơ, và chẳng bao lâu nữa, các chất siêu-dẫn, năng-lượng hydrogen,... và trước mắt là sự toàn-cầu-hóa kinh-tế (globalisation, mondialisation) và sự tự-động-hóa (automation), chưa kể sự công-nghệ-hóa sinh-học.
Việt-Nam còn thuộc vào Thế-Giới Thứ Ba (Le Tiers Monde, the Third World); về phương-diện kinh-tế, còn theo nông-nghiệp cổ-truyền với sức con trâu, con bò và kĩ-thuật cấy lúa nước. Hoàn-toàn không có sự khảo-cứu khoa-học (trừ một vài cố gắng nhỏ-nhoi chưa có kết-quả). Về phương-diện chính-trị và xã-hội, tôi miễn phê-bình. Việt-học, trên nguyên tắc, cố tránh những vấn-đề ngắn hạn.
Vấn-đề lớn của Việt-Nam ngày mai, tôi thu lại còn hai điều chính yếu:
-
Làm thế nào đốt giai-đoạn, thâu hai cuộc Cách-mệnh lớn, Cuộc Cách-mệnh thứ Nhất của thế-kỉ Mười Tám, Mười Chín (cơ-khí, điện-khí, dầu hoả) và Cuộc Cách-mệnh thứ Hai của thế kỉ Hai Mươi, Hai Mươi Mốt (nguyên-tử-lực, kĩ-thuật không-gian, kĩ-thuật cực-vi, điện-dẫn không-cản, kĩ-thuật sinh-học, trí-khôn nhân-tạo...) làm một để không bị ép phải thành những nông-nô của những siêu-đế-quốc mới, có những uy-quyền vô-biên nhưng bất-kiến kì-hình (Super Empires Virtuels).
Chương-trình tối-thiểu: Bỏ một số kĩ-thuật cổ-hủ, tiến ngay lên mũi nhọn, tự tạo lấy một khu-vực riêng tiền-tiến và giữ một ngôi vị cao tuy nhỏ trong nền kinh-tế của thế-giới trong sự phân công (division du travail) mới của Thiên-niên-kỉ thứ Ba, đây là một kế-sách nhẹ nhàng và ít đụng chạm nhất, nhưng cũng rất khó. - Tất cả những bước tiến đều hàm chứa những sai-lầm mà hậu-quả có thể nguy-hại đến vô-biên. Khi chúng ta (tôi muốn nói đến một nước Việt-Nam tương-lai thực là độc-lập, tự-do, sáng-suốt) muốn tiến, tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc và nhất là khi ta quyết tâm đốt giai-đoạn, thu ngắn con đường phát-triển của Anh, Mĩ, Tây-Âu trong 250 năm vào khoảng 150 năm chẳng hạn thì điều đầu-tiên và tối-thiểu là ta phải tránh những sai-lầm lớn mà các nước tiền-tiến đã phạm, gây ra đau khổ không những cho dân nước họ, mà cho cả thế-giới loài người. Đừng bịt mắt dẫm chân lên những vết bánh của những đoàn xe đã đổ.
Ba Vết Xe Nguy Hại Cần Tránh
Trong phạm-vi của một bài báo, đến đây đã quá dài, tôi không thể trình bày trong chi tiết những sai-lầm lịch-sử được kể ra ở đây. Tôi nói là những sai-lầm vì lịch-sử đã làm lộ ra những hậu-quả tai-hại chứ không phải vì tự ý suy-luận và lên án. Sự chỉ-trích hoàn-toàn ở ngoài ý định của chúng tôi.Chúng tôi xin phép thu hẹp vấn đề chỉ trong ba điều:
- Sự giảm-thiểu con người thành “con người kinh-tế” (homo economicus): Nước Anh, nhờ một sự trùng-hợp kì-diệu của trời đất và người (thiên thời, địa lợi, nhân hòa, nói theo người Trung Hoa cổ) đã đi thẳng vào cuộc đổi đời vĩ-đại từ năm 1773 đến năm 1802, một thời mà ông W. Rostow (1916-2003) (5) gọi là “trận nước lũ lớn trong đời sống của các xã-hội mới (“the great watershed in the life of modern societies”). Đó là thời mà ông gọi là lúc kinh-tế Anh “cất cánh để bay bổng” (take off into sustained growth).
Những thay đổi trong tâm-trạng (mentalité) của con người ta đã bắt đầu trước đó và không lọt ra ngoài mắt của những người tinh-tế nhất trong nước. Adam Smith (1723-1790) (6) ông tổ của khoa kinh-tế chính-trị, năm 1776 đã nhận xét rằng con người có cái “thiên năng chác, đổi và trao đổi vật này lấy vật khác) (propensity to barter, truck and exchange one thing for another). Đã đành rằng, như tục-ngữ của ta nói “ông có cái giò, bà thò chai rượu” hay như người Trung Hoa xưa nói “môn đăng, hộ đối”, nhưng nói rằng loài người chỉ có thế thôi thì thực là một sự sai-lầm không có gì sai-lầm bằng, như K. Polanyi (7) đã minh chứng. Nhưng các nhà kinh-tế-học sau ông (mà tôi không thể kể tên ra được vì quá nhiều) đều nhận điều ấy là một chân-lí tiên-khởi (vérité première), nhưng tôi không thể bỏ được Karl Marx, vì Karl Marx đã dựa vào A. Smith và khoa kinh-tế chính-trị cổ-điển của Anh-quốc để nói rằng kinh-tế là cái hạ-tầng cơ-sở (infrastructure), nghĩa là nền-móng của các xã-hội loài người! Rồi từ sự sai-lầm căn-bản ấy lập ra cái quái-thuyết gọi là “chủ-nghĩa xã-hội khoa-học” (mà người đời sau giản-ước đi để bẻ quẹo thành “chủ-nghĩa Mác” hay Marxism).
Những sai-lầm của thời khai-sinh ra cuộc Cách-mệnh Công-nghệ đầu-tiên ở Anh-quốc đã nhanh chóng làm cho các nghề cũ, dùng chân tay và sức lao-động của loài vật bị phá sản tan hoang: nghề cầy, nghề dệt, nghề chuyên-chở bằng xe ngựa và thuyền... Những người thất-nghiệp ở thôn quê tràn lên các tỉnh để kiếm việc; không tìm được việc thì thành ăn cắp vặt và đĩ điếm như được kể trong các tiểu-thuyết xã-hội của Ch. Dickens và các nhà văn đương-thời ấy; còn nếu tìm được việc với những đồng lương bị dìm thì thành một lớp người cùng-khổ, bán sức lao-động để sống cực nhọc, một “giai-cấp” mà Engels gọi là proletariat (“vô sản”). Tôi gọi những hiện-tượng ấy là những bệnh ấu-trĩ của nền kinh-tế tư-bản (les maladies infantiles de l’économie capitaliste). K. Marx đã coi những bệnh ấu-trĩ ấy là trạng-thái tất-nhiên và thường-trực của chủ-nghĩa tư-bản và đó là sự sai-lầm căn-bản thứ hai của ông.
Nhưng ở Anh, chính-phủ của Bà Hoàng Victoria, với hai vị thủ-tướng Disraéli và Gladstone, đã rất nhanh chóng lập ra những đạo-luật mới về sự nghèo-khó (pauperism), đưa đến sự thành lập “nước dân-sinh” (welfare state) như ngày nay.
Chúng tôi không nói rằng những gì đã được thực-hiện cho dân Anh ở Anh-quốc, ở Canada, ở Australia là lí-tưởng hay đầy-đủ. Nhưng những sai-lầm nguyên-thủy đã một phần nào được sửa lại khẩn-cấp và liên-tục.
Sweden (Thụy-điển) và Norway (Na-uy) là hai nước Bắc-Auropa, đi vào kinh-tế Công-nghệ và thị-trường tự-do chậm, nhưng đã nhận được bài học từ Anh-quốc. Xã-hội của hai nước này có lẽ là tự-do và an-ninh nhất trong thế-giới ngày nay.
Chế-độ cộng-sản đã sụp đổ ở Liên-Sô vào khoảng 1990. Mặc dù đã đạt được một nền công-nghệ rất cao, nhưng sự nghèo khó vẫn lan rộng và hơn mười năm sau khi nhận thị-trường chung, vẫn chưa làm gì để giải-quyết các tệ-trạng xã-hội sa-đọa, nguy hại nhất là sự chênh-lệch giữa những người giàu “nứt đố đổ vách” và những người nghèo không đủ ăn. Nạn băng đảng (mafia) hoành-hành ngang-nhiên ở ngay thủ-đô và các thành-phố lớn. -
Sự phát-triển lệch-lạc: Nhật Bản (Japan) là một nước mà toàn-thể Asia miền Đông khâm-phục vì là nước Á-châu đầu-tiên đã thoát khỏi tình-trạng sa-lầy trong vũng bùn của Trung-Hoa cổ- điển để tiến vào thế-giới công-nghệ.
Sự thoát-thai của nước Nhật xảy ra sau cuộc uy-hiếp và viếng thăm của thuyền-trưởng Mĩ (commodore) Perry. Nhà Tokugawa bị lật đổ, chế độ tướng-quân (shogun) chấm dứt, uy-quyền được trả về cho vua. Với quyền-lực thần-thánh do huyền-thoại Thiên-Hoàng (dòng dõi Thái-dương Thần-nữ), vua Minh Trị (Meiji) bắt đầu cuộc cải-cách, chú trọng đặc biệt vào ba lãnh vực: 1- làm chiến hạm; 2- đưa điện tới các làng trong toàn-quốc; 3- cải-tổ giáo-dục. Để cho sự tân-tiến-hóa thực sâu đậm, Nhật-Hoàng trọng dụng một người Anh trong việc thứ nhất, một người Đức trong việc thứ hai, và một người Mĩ trong việc thứ ba.
Tuy-nhiên, nền Quốc-học cổ-truyền vẫn được duy-trì, lí-tưởng chiến-sĩ (samurai) vẫn được nuôi-dưỡng. Một nhà kinh-tế-học Mĩ là Veblen tiên-đoán rằng nước Nhật tân-tiến sẽ là một nước hiếu chiến và muốn bành-trướng. Quả-nhiên, sau những thành-công ngắn hạn, điển-hình là cuộc chiến-thắng oanh-liệt trận hải-quân Nga-Hoàng (1905) thì Nhật-Bản càng ngày càng biến thành một nước quân-phiệt tài-phiệt với một giấc mộng đế-quốc vô-lối.
Thế-chiến thứ Hai (1939-1944) đã dập tắt nước Nhật âu-hóa với một ý-hệ trung-cổ, và đưa nước Nhật hậu-chiến thành một nước thực-sự tân-tiến. -
Sự phát-triển triệt-để theo một chủ-thuyết sai lầm: Trường-hợp của Liên-Sô (1917-1990).
Những người làm cuộc Cách-mệnh 1917 (tháng 10) và lãnh-đạo Liên-Bang Sô- Viết, lớn nhất là Lenin và Stalin, đã nhất quyết bằng mọi giá, đẩy mạnh sự công-nghệ-hóa tất cả các hoạt-động sản xuất trong nước:- Trong nông-nghiệp, lập những đại nông-trường (sovkhoz) cơ-giới-hóa nặng.
- Trong công-nghệ, thực-hiện kĩ-nghệ nặng, và tạo ra một xã-hội thuần-túy vô-sản với huyền-thoại vô-sản chuyên-chế và cái mộng làm thành một nhân-loại mới với con người Sô-viết (homo Sovieticus) là trình-độ cao nhất của con người kinh-tế.
Hai sự sai-lầm căn-bản trong tư-tưởng và ý-hệ chỉ-đạo, tức là chủ-nghĩa của Marx-Engels, đã bị làm cho nặng thêm vì chủ-trương phi-nhân của Lenin-Stalin, dùng bạo-lực để ép nhân-dân phải theo một cách mù-quáng, giết hại tới mấy chục triệu người, làm cho tiềm-lực của nước bị kiệt-quệ. Nay được thả ra để đi vào kinh-tế tự-do, với một nền công-nghệ đã rất cao, nhưng toàn-thể xã-hội vẫn ngưng đọng, tội-ác vẫn đầy rẫy, cái nhà dột từ nóc dột xuống sau đã mười lăm năm đổi mới! Nước Nga hiện tại chỉ là một nước nghèo có bom hạch-nhân và phi-đạn.
Vì Sao Việt-Học?
Sự phát-triển của đất nước trước hết phải là sự phát-triển của con người.... Con người phá đất để mưu sinh. Đồng- thời, lại sáng tạo ra những phong-cảnh cho hợp với sự sống của mình, lâu dần xây dựng nên một mĩ-quan riêng. Đó là cốt-tủy của văn-hóa. Tất cả phong-cảnh của cõi sống là văn-hóa. Tất cả các sinh-hoạt của con người, mục-đích là sinh-lí, nhưng hình-thức là văn-hóa.
Trong những nghìn năm sống trên đất nước Việt-Nam, máu, mồ-hôi và xương thịt đã thấm nhập vào đất và vào nước, biến thành vẻ đẹp Việt-Nam, tình người Việt-Nam, văn-chương, tư-tưởng và nghệ-thuật Việt-Nam.
Kinh-tế ở đâu trong cái cảnh-trí này? Ở tất cả mọi nơi, vì từ lúc mà con người bỏ đời sống lang thang nhặt vặt và săn-bắn thì có sự trồng trọt, chăn nuôi, nghĩa là sản-xuất, có sự chia việc, thành nghề nghiệp, và thành có sự trao đổi, rồi sự mua bán; có sự tích-trữ, trước hết là hạt giống, con giống, và phải có sự tính-toán, học-hỏi, tức là chữ nghĩa, kĩ-thuật và khoa-học. Người ta càng đông thì đời sống càng phức-tạp, khó khăn, và phải đi vào tổ chức. Đó là kinh-tế, nhưng cũng là văn-hóa, chính-trị. Đây chỉ là những danh-từ chỉ những khía cạnh của đời sống. Nhưng đời sống là cái toàn-thể, đời sống không có khía cạnh.
Hãy thử nhìn lại đời sống Việt-Nam. Trong làng có lễ, người ta mổ và luộc một con lợn. Xong rồi cái thủ lợn đầy đủ cả tai, mắt phải bê lên chiếu các cụ tiên chỉ, còn thịt thăn, thịt mông thì thái ra để dân làng đánh chén “linh đình” (long đình).
Các bà nội trợ ngày nay, sau khi đã học được một chút khôn ngoan của các quan tây, đi chợ thì mua thịt mông, thịt thăn chứ ít mua tai, mũi hay lãn (lưỡi) lợn. Đó là sự khác biệt giữa nền văn-hóa trọng lễ và nền văn-hóa vị lợi.
Trong xã-hội cổ, người ta biếu nhau (tặng). Sự biếu bao giờ cũng có sự biếu lại. Nhà xã hội học M. Mauss, cộng tác viên của Durkheim, đã viết một quyển sách về “Sự biếu” (Le don). Biếu đi, biếu lại không phải là trao đổi hàng hóa vì ích-lợi. Biếu là trao đổi tình-cảm.
Kinh-tế-học là sự phủ-nhận toàn-diện chữ NHÂN của Khổng-tử, chữ TỪ của Phật Thích-ca, chữ ÁI của Jesus Christ. Chưa nói đến chữ VÔ VI của Lão-tử. Hèn chi mà Karl Marx chẳng nói rằng: “Tôn-giáo là thuốc phiện của quần chúng”. Tôn-giáo không chống sự biếu xén cũng như sự đổi chác, mua bán, để dành. Có tôn-giáo còn cho phép sự tín-dụng (Đạo Thiên Chúa Do-Thái). Có tôn-giáo khuyến-khích sự mua bán và cho vay, như Đạo Jaina (Đạo Kì-na ở Ấn-Độ) để tránh sự sát-sinh và bạo-động (ahimsa) cả với cỏ cây. Đạo Phật có ngũ giới và cũng không cấm sự gởi tiền và cho vay. Câu nói trên của Karl Marx chẳng qua là một lời vu-cáo phỉ-báng để tranh khách mà thôi. Tôn-giáo không cấm sự buôn bán và các dịch-vụ tài-chánh. Tôn-giáo chỉ ngăn cấm sự lường gạt, dối trá và những sự tráo trở vì lòng tham, sân, si. Tôn-giáo cũng là một khía cạnh của đời sống, khía cạnh tâm-linh mà kinh-tế hoàn-toàn không biết tới, nhưng người Việt-Nam thì phải biết.
Người Việt-Nam từ hơn mười ngàn năm nay đã vào nông-nghiệp và tự tạo ra một cõi sống riêng, cố-định, đó là văn-hóa. Lại từ hơn bốn ngàn năm lập làng, trị nước (huyền thoại Sơn Tinh và Chử Đồng Tử) phân chia ruộng đất, biệt lập công-tư (huyền thoại bánh dày bánh chưng), đi vào sự văn-hiến. Ngôn-ngữ tư-tưởng phát triển. Khoa thiên-văn cũng đã chớm nở đi đến sự khám phá thấy sao Bắc cực là ngôi định-tinh cố định của bầu trời và do đó có thể phân chia thời gian để làm lịch (huyền thoại 18 đời Hùng-vương) và có lẽ đã đặt ra chữ viết (dấu khắc trên trống đồng).(8)
Tất cả các sự-nghiệp ấy của đời Hồng Bàng đã bị xóa trắng trong sự cai-trị hà-khắc và tàn-bạo của nhà Hán mà Mã Viện là tay sai đắc lực. Những di-tích nhỏ nhoi mơ-hồ mà ta còn thấy trên những đồ đồng hoen rỉ, trong ngôn-ngữ, trong huyền-thoại, trong ca-dao, trong phong-tục, trong nếp-sống của người dân Việt ở thôn quê hay rừng núi là những bằng-chứng cao-quí của một lòng trung-dũng bền vững như nhật nguyệt của người con Việt qua những thế-kỉ điêu-linh nhất của lịch-sử. Tổ-tiên ta đã nhẫn nhục rất nhiều để học hỏi cho bằng người, cho hơn người, mà vẫn bảo trọng cái di-sản của cha ông và truyền lại cho đời sau, mãi mãi vô cùng tận.
Nay chúng ta sang một thời khác của lịch-sử. Sự sống còn một cách đàng hoàng xứng đáng nếu không phải là ngang tàng trong một thế-giới mới đang biến-động đòi hỏi rằng chúng ta một lòng nhất quyết học hỏi, tìm tòi, sáng-tạo để bước vào thời đại mới, đốt giai-đoạn để đi nhanh, nhưng không phản-bội lại lịch-sử oai-hùng của dân-tộc.
Việt-Học là cái học để biết và hiểu những gì mà tiền-nhân đã làm và đã xây dựng, đắp điếm vào trong đời sống và tâm-linh dân Việt để có một chỗ đứng nghiêm-chỉnh dưới ánh mặt trời. Làm cho nước mạnh dân giàu là một chuyện, tạo ra một xã-hội công-bằng, yên vui, thoải mái trong đó con người được ấm no và được tự do ăn nói, làm việc để đi tìm hạnh-phúc, nhưng không quên những trách-nhiệm và bổn-phận chung (đê điều và thủy-lợi, chống thiên-tai, giữ nước, cứu đói...) là một vấn-đề khác.
Việc nhỏ trước mắt phải là nỗ-lực trong vài thế-hệ để truyền lại cho những người trẻ, những người sinh ra ở nước ngoài hay bị cắt-đứt với đời sống Việt-Nam từ lúc tuổi còn quá nhỏ, một chút hiểu biết về nguồn gốc, một chút hương-vị của quê cha đất tổ, một niềm kiêu-hãnh tối-thiểu về dân-tộc. So với một nước ngoài có một Đề-đốc Nelson đánh tan hải-quân của Napoléon, thì ta cũng có Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, đánh tan cả lục-quân lẫn hải-quân của Nhà Nguyên ở Trung-quốc và đuổi hay bắt bọn Toghan (Thoát-Hoan), Sögetu (Toa Đô), Omar (Ô-Mã-Nhi). Và sau đó còn Lê Lợi, Nguyễn Trãi, còn Nguyễn Huệ. Và trước đó còn Ngô Quyền, còn Lê Hoàn, còn Lý Thường Kiệt. Nhưng sự đề cao những bậc anh-hùng chỉ là một phần công việc mà các người lớn tuổi phải làm. Khó hơn gấp trăm ngàn lần là sự gây được tình quê-hương và sự thương, sự yêu, sự kính phục đối với người dân quê, phấn đấu hàng ngày, dưới trời mưa dầm hay nắng gắt phỏng da, để có đủ gạo ăn, thêm mấy con cua đồng hay con cá rô, cá trê và vài ngọn rau muống, rau cải.
Việc lớn phải làm trong khi chờ đợi về được nước để bắt tay thực-sự vào việc xây dựng một nước Việt-Nam mới, tân tiến, tự-do, sáng sủa, bình đẳng, an-ninh, và phong-phú: Học và xét-lại tất cả các sắc-thái của đời sống Việt, từ cổ đến kim (lịch-sử), từ quê lên tỉnh, từng khu-vực (địa-lí nhân-văn khu-vực), theo mọi khía-cạnh (vật-chất và tinh-thần), trước hết là để hệ-thống-hóa theo những phương-pháp khoa-học (từ vật-lí, hóa-học lên kinh-tế-học, xã-hội-học, tôn-giáo-học, văn-chương-học, tư-tưởng-học), sau là để xét lại, nên giữ lại điều gì, cải cách điều gì, từ bỏ điều gì.
Công việc lâu-dài, đòi hỏi sự cộng-tác của nhiều học-giả thuộc nhiều chuyên-môn khác nhau, lập ra nhiều hội nghiên-cứu để tiến tới những công-trình khảo-sát mới, khách-quan, độc-lập; đó là việc chính của Việt-học, tiên-quyết cho các thảo-luận tự-do và rộng rãi trong nhân-dân, để đi tới những quyết-định lớn.
Những nước tiên-tiến, vì không thấy rõ tầm quan-trọng của vấn-đề, đã đi vào đời công-nghệ. Kết-quả ra sao? Một cuốn sách, dựa vào lịch-sử dân-sinh, với đầu đề là: “The World We Have Lost” (9) của ông P. Laslett (Thế-Giới Mà Chúng Ta Đã Mất), xuất bản 1965, đã được bổ-túc và tái-bản hai lần (1971, 1984) với nhiều lần ấn-hành lại, nói về những biến-đổi xã-hội ở nước Anh sau khi vào cuộc Cách-mệnh Công-nghệ. Chúng ta không muốn rằng, đem Công-nghệ tiến-bộ vào trong nước, sau vài chục năm, cũng phải nói lên điều ấy: gia-đình tan rã, làng mạc mất hết, không bao giờ con trẻ còn được nghe thấy tiếng sáo diều... Nước Việt-Nam bất-tử không còn nữa...
Nhưng đó chỉ là một khía cạnh nhỏ của vấn-đề. Vấn-đề lớn, quan-trọng hơn, là sự đang sống lại của đấu-tranh giai-cấp, với lớp chủ mới và một lớp tân-vô-sản với những tệ-trạng xã-hội mới (bán con gái, lao-động trẻ con, thất học, mua bằng...)
Và vấn-đề lớn thứ hai: Chiến-tranh Cục-bộ, Đông Á hay Đông-Nam Á-châu.
Vấn đề lớn thứ ba: Việt-Nam, nô-quốc của những thế-lực toàn-cầu mới.
Những tai-họa này sẽ chỉ đến sau mười năm, ba mươi năm. Tức là ngày mai trong thời-gian lịch-sử.