Sự-nghiệp khoa-học và tư-tưởng của Lévi-Strauss là một khởi đầu, không phải là khởi đầu của một khoa-học mới, mà là khởi đầu của một sự đổi mới trong các khoa-học nhân-văn và có thể là một bước đi tới cái ước-vọng chung là sự hòa-hợp trong loài người và sự bảo vệ và kính trọng thiên-nhiên để cho đời sống muôn mặt trên trái đất được kéo dài thêm vài kỉ. Ngay trong sinh-thời của Lévi-Strauss, người ta đã phải nhận rằng nhân-sinh-học văn-hóa đang ngưng đọng đã khởi sắc lại và bắt đầu xây dựng lại lí-thuyết là cái điều kiện rất lớn để có những khảo sát bề sâu, ngõ hầu bác bỏ hay xây dựng thêm cho lí-thuyết. Các thuyết lớn trong khoa-học — thuyết nguyên-tử, thuyết tương-đối, thuyết tiến-hóa, thuyết di-truyền, thuyết vi-trùng… — đều tiến triển như thế. Tôi sẽ không nói thêm nữa, vì phải nói về lịch-sử của Xã-hội-học, Sử học, và Dân-tộc-học thì rất là dài dòng và phiền-phức. Tất cả các khoa-học về con người đều đã phải tự xét sau Lévi-Strauss. Chủ-thuyết khuếch-tán không có gì để nói. Riêng về phần tác-giả những dòng này thì thấy mừng, vì từ xưa vẫn bán tín bán nghi cái thuyết của một nhà khảo-cổ chuyên-nghiệp, ông Janssen, rằng văn-hóa trống-đồng Lạc-Việt là do sự khuếch-tán của một văn-hóa cổ ở sông Danube, Đông Âu, truyền sang. Nay thì có thể chôn chặt cái thuyết giả-tưởng ấy, mặc dầu là sản-phẩm tri-thức của một học-giả uy tín. Chủ thuyết tiến-hóa trong khoa-học nhân-văn đã lao đao từ trước Lévi-Strauss và phải biến đổi để tồn tại. Chủ-nghĩa Tân Tiến-hóa ngày nay bỏ sự tiến-bộ theo mẫu-hình cây nêu một ngọn lên đến cái cờ với những bùa chú, và đưa ra cái cây văn-hóa với những cành lá xum xuê, nhưng vẫn còn cái cấu trúc có một gốc độc nhất và cái cơ-cấu DNA tiềm ẩn. Cả hai điều đều sai với tình-trạng của các xã-hội thực, là những xây-dựng tập-thể, xuất phát từ tự-nhiên do sáng-tạo của con người, dầu là những xã-hội du-mục phải di dịch theo khí-hậu để tìm sự sống cho chính mình và cho những đàn cừu, ngựa, chó, trâu, lạc đà, lamas mà mình đã nuôi được, hay là những xã-hội đã được ban cho một khu đất lành để trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng xóm làng hoặc chỉ để đào rễ cây, nhặt quả rụng, xúc tổ kiến mà sinh sống. Về vấn-đề đi tìm nguồn gốc và tái lập những liên-hệ lưu truyền thì văn-hóa còn sa lầy và có lẽ còn lâu mới có thể đạt được những thành-quả của Ngữ-lí-học lịch-sử. Dầu rằng những công trình khảo cổ văn-hóa này có hay mấy cũng không thiết yếu bằng sự bảo trì cái tạp-biệt muôn mầu của cuộc sống trên mặt đất bởi tình thương, soi sáng bởi trí-tuệ, và sự tôn trọng cái khác và kẻ kia (l’autre, the other). ♣ Sự đi tìm cơ-cấu trong các khoa-học chính-xác đã dẹp hết các phản-ngôn vì đã đạt được những thành-quả vững-vàng chính-xác vô cùng rực rỡ. Toán-học chỉ biết đến những cơ-cấu mà vượt hẳn lên trên và ra ngoài thực tại. Vật-lí và Hóa-học khảo học về thực-tại, và đã tìm thấy những cơ-cấu cơ-bản của thực tại, dầu là cực nhỏ như cấu-tạo của nguyên-tử hay là cực lớn như vũ-trụ. Sinh-học cũng đã đạt được nhiều kết quả theo chiều dọc của thời-gian hay theo chiều ngang của sự sống trước mắt. Nhưng vào lãnh-vực của các khoa-học nhân-văn thì chỉ có Ngữ-lí-học (linguistics) là đã vào sự chính xác ở một khu-vực (ngữ-âm) nhờ cơ-cấu-pháp. Lévi-Strauss luôn-luôn nhấn mạnh rằng cơ-cấu pháp là khoa-học của cụ thể: “Nếu một chút cơ-cấu-pháp làm xa cách với cụ thể, thì nhiều hơn lại đưa trở về cụ-thể”. Dân-tộc-học cơ-cấu không chỉ để í đến những liên-hệ thân-tộc và những huyền-thoại, mà xét từ tổ-chức xã-hội đến nghệ-thuật, kĩ-thuật và những vật dụng, những tục-lệ, và luôn luôn đối chiếu các hình-thức với thực-tại, chú trọng đến những chi-tiết nhỏ nhặt. Ông nhận rằng Chủ-nghĩa Hình-thức (formalism) là ngọn gió mở đường cho cơ-cấu-pháp trong Ngữ-lí-học và Dân-tộc-học nhưng trách rằng Chủ-nghĩa Hình-thức không trả lại nội-dung cho hình-thức nên đã thành trừu-tượng và mất hết í-nghĩa. ♣ Với Ngữ-lí-học cơ-cấu mà ông biết nhờ Roman Jakobson, Lévi-Strauss nhận cái nợ mà ông đã chịu nhờ cái duyên được nghe và được làm bạn với Jakobson. Ông nói rằng sáu bài giảng của Jakobson là “một sự khải minh (revelation) đã cho tôi một khối í-kiến mạch-lạc (un corps d’idées cohérentes) trong đó tôi có thể kết tinh những mộng-mơ của tôi về những bông hoa dại mà tôi đã ngắm nghía ở (bãi cỏ) nơi biên thùy nước Luxembourg…” Ông nhận thấy rằng ngữ-lí và Dân-tộc-học đứng trước một đống những dữ-kiện tạp-nhạp kinh-khủng đến ngỡ-ngàng, trong khi một sự giảng-giải bao giờ cũng phải tiến tới cái “mục-tiêu là khám phá ra những cái bất-biến (những hằng-số, những định-luật) trong sự hỗn-độn” [Dịch-giả thêm hai danh-từ để trong dấu ngoặc đơn.] Hai điều mà ông đã học được là “vai trò của tâm thức vô-thức (activité inconsciente de l’esprit) trong sự tạo ra những cơ-cấu logic” (của ngôn-ngữ và văn-hóa), và “cái nguyên-lí cơ-bản rằng các nguyên-tố thành-phần không có í-nghĩa tự bản-thân”. Nghĩa-lí phải được tìm trong các liên-hệ (Les lecons de la Linguistique, Những Bài-học của Ngữ-lí, trong De Près et de Loin, Nhìn gần và Nhìn xa). Người đang viết những dòng này có học Ngữ-lí nhưng chỉ biết về dân-tộc mình mà không được học về Dân-tộc học ngoài sự đọc sách. Muốn đi theo vết-chân của Thày và học-hỏi về thân-tộc trong xã-hội Việt-Nam, nhưng xã-hội Việt-Nam là một xã-hội phức-tạp (société complexe) mà Lévi-Strauss chưa khảo sát. Về huyền-thoại lí-học thì chỉ mới phân tích cơ-cấu một số huyền-thoại về khí-hậu trong đó những đối nghịch cao/thấp, dài/ngắn, lâu/chóng được đặt ra: đó là những huyền-thoại khai-sơn phá-thạch để lập quốc là vòng huyền-thoại Lạc Long Quân, nói về cây Chu-đồng (thường gọi lầm là Ngô-đồng) tức là tôn-giáo sơ-khai; nói về “Rồng Rắn” là kí-ức dân-tộc về sự Biển Đông rút đi làm thành Vịnh Hạ-long và các hòn, các đảo ở ven biển; nói về sự phối hợp với Âu-cơ, sinh ra trăm trứng và thành lập Nhà Hùng, là những nhận-xét thiên-văn đầu tiên về chu-kì Mặt Trời, Mặt Trăng và các sao, với sự định-vị sao Bắc-đẩu tức Hùng-Vương thứ Nhất. Vòng Hùng-Vương là vòng huyền-thoại văn-hóa, huyền-thoại Thánh Róng (Dóng, Gióng?) là huyền-thoại Mặt Trời đánh đuổi những âm-u phá phách của Mưa Bão gió mùa; huyền-thoại Chử-đồng-tử và Tiên Dung cũng là về mùa mưa, mùa nắng cùng với vĩ-tích cắm gậy cho thoát nước mà lấy đất làm nhà ở và ruộng-nương; huyền-thoại Sơn-tinh, Thủy-tinh cũng là về hai mùa mưa nắng và sự đắp đê để ngăn nước lũ từ núi đổ xuống; huyền-thoại Trầu Cau là sự khám-phá ra Sông Bạc trên trời và sự hòa-hợp của Trời, Đất và Trăng; huyền-thoại Bánh Chưng là sự chia ruộng đất bình-sản và phân biệt công-tư; huyền-thoại Mưa Ngâu là sự phối-hợp của nghề nông với nghề chăn tằm dệt lụa và sự phân-định thời-gian giữa công-việc và chuyện tư-tình…Tiếc rằng chính những huyền-thoại này đã bị các nhà Nho cho là hoang đường giả dối, trái với Khổng-giáo, và không chép lại đúng với chuyện xưa, mất đi những chi-tiết và không có các dị-bản truyền tụng trong những địa hạt khác nhau, nên cơ-cấu-pháp vô phương sử dụng, vì thế mà đời sống của thời Hùng-Vương vẫn mờ mịt như sương mù. Ngay cả vấn-đề 18 đời Hùng-Vương cũng bị ghi lại như một phụ-bản của 18 đời vua nước Sở bên Tàu (!) trong khi đó là một bước trọng-đại của văn-minh Lạc Việt, là sự làm lịch: 18 tuần trăng, mỗi tuần 10 ngày (Mười ông một cỗ) là nửa năm theo lịch trăng (360 ngày là một năm), nhưng trong tiền-sử, có lẽ tổ-tiên chúng ta cho là có một “năm” mưa rồi một “năm” nắng. Tôi tài hèn sức mọn, không giảng được con số 18 bằng cách nào khác. Claude Lévi-Strauss chỉ là một người phá một con đường mới cho nhân-loại văn-hóa và xã-hội. Vì những công-trình đã được in ra thành sách và vì lời nói của ông như một giáo-sư ở những diễn-đàn và giảng-đàn cao nhất của Âu Mĩ, thêm vào là một thư-viện và một Phòng thí-nghiệm thượng-thặng với một Viện Bảo-tàng Dân-tộc-học nay mang tên ông, ông đã đưa khoa-học của ông chính thức vào nền Đại-học Pháp-quốc và đã lập ra một môn phái có những môn-đồ ở khắp thế-giới văn-minh. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa thể biết sau ông, Dân-tộc-học cơ-cấu đi về đâu và phát triển như thế nào. Trong tình-hình Vật-lí của thế-giới hiện nay, với nhân-số tăng lên theo một đường cong lôgarit đồng thời với sự loang-lở của những tảng băng triệu năm tuổi ở Bắc-cực và trên đỉnh rặng Himalaya và cái viễn-tượng không xa của những đồng ruộng nứt nẻ không còn màu xanh và hương thơm của lúa, những trâu bò, huơu, nai và sư-tử chết khát ở khắp nơi, thì sợ rằng những sắc dân xích-đạo và nhiệt-đới sẽ không còn nữa, không những vì tàn lụi trước văn-minh sắt thép và dầu hỏa, mà vì đói ăn, khát uống — giản dị có thế thôi. Những khai-phá của Lévi-Strauss trong Dân-tộc-học còn được bàn cãi và xét xử, như tất cả các thuyết lớn của khoa-học. Nhưng điều lạ-lùng và phấn-khởi nhất trong khoảng hơn mười năm gần đây là những khảo-sát về một số hoạt-động không ngẫu nhiên của các dân-tộc không chữ-nghĩa, những hoạt động thường được coi là văn-hóa, lại đã được thấy là một ngành lớn của các khoa-học về tri-thức (cognitive sciences). Điều này tương tự như sự phát-triển của miễn-nhiễm-học từ vi-trùng-học của Pasteur. Lévi-Strauss đã chứng minh rằng tri-thức của những dân-tộc không-chữ (peuples sans écriture) gọi là “nguyên-sơ” có logic. Thứ nhất là trong sự trao-đổi, hoạt-động làm ra những xã-hội. Sự lấy nhau cũng là một sự trao đổi ta gọi là “gả bán” [gả > cả (mặc cả) > giá (trả giá)]. Lấy nhau ở ngoài gia-đình để không có sự loạn luân, với nghĩa là loạn xã-hội. Nhưng “trao đổi” là gì trong bản-chất. Cái gì là tiêu-chuẩn trong cái “giá”? Người không có chữ-nghĩa đã biết dùng biểu-tượng khi vẽ mặt, vẽ mình và trang phục. Cái óc biểu-tượng ấy là gì? Màu sắc, đường vẽ, hình-thể, vị-trí, đều có í-nghĩa. Ngôn-ngữ từ đó mà có, nhưng biểu-tượng có trước lời. Lại nữa: Các cơ-cấu sơ đẳng trong huyền-thoại có thể rất phức-tạp, nhưng có một cơ-cấu, mà Lévi-Strauss đã biểu thị bằng một công-thức nổi tiếng (tuy cũng gây nhiều tranh cãi và cách hiểu khác nhau): Fx(a) : Fy(b) :: Fx(b) : Fa-1 (y)
Dạng đơn-giản hơn là: A : B :: C : D (A đối với B như là C đối với D) Lévi-Strauss giảng trong sách Cơ-cấu Nhân-học I như sau: “Nếu có thể lập ra một series đầy đủ các dị-bản (của một huyền-thoại) làm thành một nhóm đảo lộn (permutation), thì hi vọng có thể khám phá ra cái định-luật của nhóm… Bất cứ là có thể đem vào cái công-thức dưới đây những xác-định và thay đổi gì (precision and modification), [tôi thấy] hình như có thể ngay từ bây giờ chấp nhận rằng một huyền-thoại nào cũng có thể qui vào một liên-hệ điển hình (reduced to a canonic relation) kiểu: Fx(a) : Fy(b) :: Fx(b) : Fa-1 (y) Trong công-thức ấy, hai terms a và b được cho cùng một lúc với hai functions x và y của những terms trên. Ta đặt ra rằng có một liên-hệ đồng-trị (a relation of equivalence) giữa hai tình trạng (situation) được định nghĩa bởi sự lộn ngược (inversion) các terms (a, b) và các liên hệ (:) với hai điều-kiện: 1. Một term phải được thay thế bởi đối nghịch (tức là a thành a-1). 2. Một sự đảo-nghịch tương-quan (a correlative inversion) xẩy ra giữa cái giá-trị chức (values of function) và cái giá-trị term (values of term) của hai nguyên-tố (tức là y và a)” (tr. 252). Sự tự-nhiên biết đi tìm một cái trật-tự hiểu được (an intelligible order) trong cái khác và cái bên ngoài (the other and the outside) rồi xây dựng những cơ-cấu nhân-tạo có thể biến cải (như tiếng nói, thân-tộc, totem, huyền-thoại, lễ-nghi, mặt-nạ, phục sức) là một năng-khiếu tiên-thiên (innate) của tri-thức. Các nhà khoa-học về tri-thức thấy rằng đây là những khai-phá lớn phải được tiếp tục đào sâu để hiểu được con người. Vấn-đề mới và rất khó, bài viết này lại đã quá dài, tôi xin phép ngừng bút ở đây. Khoa-học có những chân trời mới và, may ra, nhân-loại sẽ có những ngày an-lành, bớt nóng theo nghĩa Vật-lí thông-thường và theo nghĩa của Claude Lévi-Strauss. TRẦN NGỌC NINH (với sự cộng tác của Trần Uyên Thi) Tháng 12, 2009 THƯ-MỤC Toàn bộ các sách và các bài viết của Lévi-Strauss nay đã được nhà xuất bản Gallimard ấn hành lại. Hầu hết các sách của ông đã được dịch sang Anh-ngữ và Đức-ngữ. Tài-liệu về cuộc đời của Lévi-Strauss được lấy ra từ D. Bertholet - Claude Lévi-Strauss; D. Pace – The Bearer of Ashes Các sách phê-bình nhiều lắm, không tiện kể hết.
|