Tài Liệu‎ > ‎Biên Khảo‎ > ‎Khảo Luận‎ > ‎Claude Lévi-Strauss‎ > ‎

Phần III: Tư tưởng của Lévi-Strauss

 

Tôi không giới thiệu những sách lớn của Claude Lévi-Strauss. Cơ-cấu-pháp đòi hỏi sự trừu-hóa (abstraction) một thực-tại vô cùng tạp-biệt diễn ra trong những xã-hội gọi là “nguyên-sơ”, rồi gỡ những mẫu-hình ấy ra thành những cơ-cấu liên-hệ với nhau để so sánh và tìm hiểu, qua những hình-thức, cái nội-dung hay thực-tính của tâm-thần con người. Đó là cả một chương trình mà Lévi-Strauss đã khai phá và hi vọng rằng sẽ được nối tiếp trong tương lai. Tuy nhiên, đi vào thế-giới cơ-cấu không phải là một chuyện dễ-dàng mà ai cũng làm được.

TRI VÀ HÀNH

Trong những sách nhỏ của Lévi-Strauss, ông cố gắng phân biệt trong ông hai con người: một bên là nhà khoa-học phân tích và học hỏi, một bên là ông, một con người thật, có hình hài, có tình-cảm, có dây mơ rễ má trong một xã-hội có lịch-sử; hai con người ấy ở cùng trong một thân-thể, kết hợp với nhau nhưng có lúc xung đột với nhau: nhà khoa-học có lúc phủ nhận con người có những hành-động đi quá xa, và con người lên tiếng vì thấy nhà khoa-học quá thận trọng, quá rụt-rè. Nếu có thể tôi sẽ ví với trường-hợp của Pasteur, một nhà hóa học đột-nhiên tìm thấy thế-giới vi-trùng, nhưng khi bị đặt trước trường-hợp một bệnh-nhân bị chó dại cắn thì lo âu vì không biết cái thuốc mà mình làm ra có ngăn được bệnh hay lại làm chết bệnh-nhân? Đó là điều đã làm cho toàn thể nhân-loại coi Pasteur là ân-nhân của loài người.

Trên một bình-diện khác, đây là một trường-hợp điển-hình để minh họa vấn-đề cốt-tủy của Triết-học Trung Hoa: liên quan giữa tri hành. Vấn-đề thực-tế là: sự hành được hướng dẫn bởi tri đến mức-độ nào? Và sự hành có thể làm cho sự tri mất tính cách khách-quan, vậy thì có còn nói được rằng sự tri vẫn hoàn-toàn khoa-học không? Bởi vì như ta biết, động-lực của sự  hành không phải chỉ có sự hiểu-biết mà có thể do lòng từ-bi (hay thù-hận), và cái tâm có thể làm mờ cái trí. Đối với người viết những dòng này, đây là cái đẹp, cái cao-quí của con người. Các nhà khoa-học thuần-túy chắc sẽ không tán đồng í-kiến của tôi, nhưng làm nghề y, tôi trọng và theo khoa-học mà để chữ tâm trên chữ trí, cho rằng sự hành có khi phải vượt sự tri. Lévi-Strauss có những tư-tưởng đôi lúc quá đà, không đủ căn-bản khoa-học, khi ông không còn ở trong sự khảo-cứu Nhân-học mà nói về nhân-bản, nói về chính-trị văn-hóa, nói về nếp-sống. Ông có quyền.

Tôi sẽ không phân tích từng cuốn sách hay từng bài mà Claude Lévi-Strauss đã viết, và cũng không nói gì đến cơ-cấu-pháp, như đã được xây dựng trong khoa-học và như Lévi-Strauss đã làm. Trong một bài tưởng-niệm vị minh-sư mới mất, tôi chỉ có thể sơ-sài tóm lược toàn bộ sự-nghiệp khoa-học và tư-tưởng xã-hội để tiền phóng cái hương-hỏa của ông mà thôi.

Con người lúc mới sinh ra (vào khoảng hơn 4 triệu rưỡi năm trước đây) tất-nhiên là sống chung với bầy hầu-nhân trong đó có tổ-phụ hay tổ-mẫu của nó. Sự sống tự-nhiên là sự sống cùng với bầy đàn, cùng ở một nơi, cùng hái trái cây dại trong rừng, cùng ăn như nhau, nhưng bắt đầu một dòng chọn-lựa tự-nhiên vì có thể nó đã biết thích đi cùng và chơi với những con hầu-nhân giống nó. Khí-hậu thời ấy có lẽ giúp cho những con khỉ trụi lông sống mạnh và sống lâu hơn, và qua nhiều ngàn-vạn năm, với vài đột-biến nữa trong hệ gen, loài người Hominidae được khai sinh.

Sự sống tự-nhiên trong Tự-nhiên (Nature) tiếp diễn phần lớn theo loài tổ, với một vài sự thích-nghi vì thân-thể có khác đi và vì theo những di-chuyển, có những biến-đổi của môi-trường. Con người vẫn còn là một con vật, vẫn chỉ là một con vật.

Lévi-Strauss, nhà khoa-học nhân-văn, chống những chủ-nghĩa và chủ-thuyết chủng-tộc (racism) với tư-cách là một con người, tuy rằng tư-tưởng của ông phát xuất từ những khảo-sát khoa-học, lấy những khảo-sát khoa-học làm nền-móng và làm bàn đạp. Nhưng ông nói rằng sự tri (connaisance) và sự hành (action) mâu thuẫn và loại nhau, và con người phải biết thỏa hiệp để tránh sự loạn trí:

Sự tri và sự hành mãi-mãi bị đặt trong một tình trạng bất-ổn: cả hai nằm trong hai hệ qui-chiếu tương diệt phải theo, tuy rằng chỉ ngả về phía này một chốc lát thì phá hoại sự đáng tin cậy của phía kia. Dù vậy, ta cũng phải hãm bớt chúng lại để chúng có thể chung sống trong ta mà không gây ra những bi-kịch.  Đời sống ngắn ngủi: phải kiên trì một chút. Người khôn-ngoan tìm sự vệ-sinh tâm-trí trong sự sáng-suốt trị sự trí-tâm phân-tán này (schizophrénie) (Histoire de Lynx: Chuyện con Cầy hương).

Sự xung-đột giữa lương-tri tư-tưởng và lương-tâm đạo-đức làm mất sự bình an của tâm-trí và có lúc ông viết rằng người ta phải cố sống “như thể là đời sống có một nghĩa-lí”, nếu không thì sẽ bị dẫn đến sự tự-vẫn hay sự khổ-hạnh. Điều này cho thấy rằng Claude Lévi-Strauss đã phải kìm giữ các tư-tưởng xã-hội chính-trị của ông nhiều lắm với những cảnh bi-thảm mà ông đã thấy và với những khám-phá của ông khi ông bới những tro tàn của những dân-tộc đang chết mòn mà dựng nên những cơ-cấu rực-rỡ của một thời xưa đã tắt lụi.

Lévi-Strauss chống lại Chủ-nghĩa Đế-quốc. Chủ-nghĩa Đế-quốc đã tàn phá các xã-hội đang tiến triển theo những đường lối và mô-hình riêng của mỗi nơi, và kết quả sau những thế-kỉ hủy hoại con người và khai thác tài-nguyên thì xét lại, chỉ còn những hoang-tàn của những trận bão từ Tây-nguyên đổ xuống, — nhưng với cái mảnh đất ở chân trời góc biển, nơi tận cùng của Thế-giới Cũ này mà chúng ta gọi là Việt-Nam, thì còn có những cơn gió bấc lạnh-lùng thổi liên-tục cả hơn hai mươi thế-kỉ chưa dứt.

Còn những xã-hội mà người đời, học được cái học kiêu-mãn hẹp-hòi của Âu-Mĩ, gọi là một cách khinh-miệt là “xã-hội nguyên-sơ”, thì bị tan nát và tán loạn chỉ trong một chớp mắt của lịch-sử; những nhóm người lẻ loi còn sống sót chống lại sự xâm-nhập của “văn-minh” dưới hình-thức tôn-giáo và những “đài” (phát thanh) liên-minh. Họ cố giữ lại được sự nhất-thống mỏng-manh của họ là văn-hóa và ngôn-ngữ với cái thiên-nhiên đã nuôi sống họ từ ngàn năm xưa. Nhưng được bao lâu nữa?

Tôi không thể không nói lại được ở đây một vài cái kinh-nghiệm nhỏ-nhoi của một cá-nhân chưa được thấy những cảnh Nhiệt-đới Buồn của Lévi-Strauss. Những người ở núi rừng mà ngôn-từ chính-trị ngày nay gọi là “Cao Dẻo” tiếp khách Đường Kinh một cách trang-trọng dưới một khóm cây, với một hũ rượu cần mà chủ phải lần-lượt hút (một chục người chỉ có miếng vải bện ở bẹn) trước khi chuyển sang cho khách. Một kĩ-sư nông-nghiệp Anh kể với tôi rằng ông qua Nam Phi-châu dạy dân Pygmê (mọi lùn) về cách  trồng cây, trồng lúa mì trong một chương-trình của Quĩ Lương Nông, Liên-hiệp-quốc. Phái đoàn của ông bị dân mọi đuổi đánh, và khi họ hỏi vì sao lại đuổi đánh họ thì họ được trả lời rằng “Đất là mẹ, tại sao lại đâm lại đào bụng mẹ lên để ăn?” Liên-hiệp-quốc phải xét lại phương-thức viện-trợ để không xúc phạm đến những tín-ngưỡng rất cao-quí của những dân-tộc không chữ-nghĩa.

Một giáo-sư Y-khoa Mĩ nói với tôi rằng Việt-Nam nghèo quá, dân không đủ ăn, thực là đáng thương. Tôi nói rằng nước Việt-Nam có hai ngàn năm lịch-sử (không kể thời tiền sử). Nước Hoa-kì (lúc đó) chưa được 200 tuổi và là một nước không có quá-khứ. Tôi mong sẽ được gặp lại vị đồng-nghiệp Mĩ vào khoảng năm 4000, và sẽ được nói chuyện tiếp về lịch-sử với ông.

Cái kinh-nghiệm và sự hiểu-biết về nhân-loại của Claude Lévi-Strauss giàu có và bao quát hơn của tôi như bầu trời xanh so với cái miệng giếng (hay cái cửa hang, nếu ta rời bỏ sách của Trang-tử và đọc những Thoại-ngôn (Dialogues) của  Plato). Một lời nói của ông  có thể làm rung động cả nước và vang lên đến những núi rừng của châu Phi, làm cho thế-giới phải theo  rõi và bình luận.

Vì thế, ông hết sức cách li trong ông nhà khoa-học (le savant) và người công-dân của thế-giới loài người. Tuy vậy mà khi giới trí-thức năm châu tôn vinh ông là một trong những cực (pôles) của lương-tâm đương-đại, thì giới chuyên-môn trách ông là đã không đứng hoàn-toàn ở vị-trí khoa-học, mặc dầu trái với những người mà sau này người ta gọi là “các thày dạy nghĩ” (les maitres penseurs) như Bertrand Russell, Jean-Paul Sartre, Althusser, Lacan, ông đã bỏ hết các hoạt-động chính-trị. Trong đời trưởng thành của ông, ông chỉ kí có một cái tuyên-ngôn để “chống sự bạo-hành” trong cuộc Cách-mệnh bất-thành của sinh-viên Pháp (Tháng Năm 1968). Sau Cách-mệnh, ông chỉ nói “Trên cái cầu thang đi xuống đã bắt đầu từ lâu, Đại-học lại xuống thêm một bậc nữa”.

HUYN-THOI-LÍ-HC

Chương đầu của bộ Huyền-thoại-lí-học (I. Sống và Chín) kể mấy huyền-thoại của một thời không định rõ, nhưng tác-giả để ở đầu sách, có lẽ để chỉ rằng đây là thời tự-nhiên, chưa có văn-hóa tuy rằng đàn ông, đàn bà đã sống chung và có con với nhau, nhưng sự ăn chung ở lộn với nhau và với các giống vật của rừng rú vẫn còn được coi là thường. Ăn uống thì toàn nhờ sự nhặt vặt (trứng chim rừng, v.v…) và ăn sống nuốt tươi.

Chương thứ hai kể bước nhảy vọt từ tự-nhiên vào văn-hóa. Một anh thiếu niên được dắt đi lấy trứng chim, một hành-động tự-nhiên. Nó chỉ lấy được có hai quả trứng và người chồng của chị nó chặt cái thang (sợi dây leo) không cho nó xuống. Mấy hôm sau, nó được một con beo cứu và đưa về hang beo để ăn thịt nướng. Nó không hiểu thịt “nướng” là  gì nhưng cũng để cho beo đưa về nhà beo. Ở đây nó được thấy giữa mấy hòn đá có một cái cành cây lớn đang cháy và rồi được ăn một miếng thịt rừng nướng đầu-tiên (Tiếp xúc với lửa nhà và cái bếp: Văn-hóa).

Con beo đi săn thì vợ nó, là một người đàn bà, hành hạ nó và chỉ cho nó ăn thịt thiu, thịt thối, rồi cào và đánh nó, làm nó phải chạy trốn. Con beo giận vợ lắm và cho anh con nuôi một cái cung với mấy mũi tên để tự vệ khi bị ức hiếp. Dùng cung tên, nó bắn chết mụ vợ beo rồi ăn cắp một miếng thịt nướng mà chạy về làng. Cả làng tưởng nó đã chết nhưng rồi cũng tin câu chuyện của nó với miếng thịt nướng chín mà nó mang về. Mọi người quyết định đi ăn cắp lửa về làng: một việc dễ dàng vì nhà beo không còn ai. Từ đó, người ta có lửa ở bếp, có lửa sáng ban đêm và có lửa để sưởi ấp khi trời lạnh, lại có cung tên để đi săn (Đời sống văn-hóa).

Còn con beo thì xa lánh con người vì hận thằng con nuôi. Nó bỏ hẳn sự nướng thịt để ăn từ đó.

Những huyền-thoại (myths) này được phân tích thành những thoại-đề (mythemes) rồi các thoại-đề được so đọ với nhau để tìm những biến-cải (transformation) và những liên-hệ. Các huyền-thoại đầu tiên (187 huyền-thoại chính ở quanh cái đề tài “Sống và Chín” (Le Cru et le Cuit, Anh: The Raw and the Cook), cái Sống (ăn sống, nuốt tươi) là cái Tự-nhiên (Nature), còn cái Chín (nướng, nấu) là Văn-hóa (Culture). Cuộc cách-mệnh từ đời sống thú-vật (theo Sinh-học) sang đời sống làm người bắt đầu ở đây, với hai thay đổi lớn mà huyền-thoại trong khu-vực Bororo Gé kể ra: sự ăn trộm được lửa (đổi cái sống thành cái chín) và sự dùng cung-tên để săn bắn (đổi từ sự nhặt-vặt (cueillette; Anh: gathering) sang sự khai thác thiên-nhiên).

Nhiều chuyện khác nữa trong sự vượt lên khỏi đời thú-vật rất bấp bênh, phiêu-lưu trong cái thân phận con khỉ trụi lông của núi rừng Phi-châu ở cuối địa-kì thứ Ba. Tôi không nén lòng được để kể chuyện vì sao loài người mất sự trường sinh bất tử để chúng ta xếp song song với một huyền-thoại Việt-Nam đã xuống cấp để thành chuyện “Rắn già rắn lột, Người già người tọt vào săng[i]:

(Huyền-thoại M76). Ông trời muốn ban cho loài người sự sống mãi không-già. Ông bảo con người đứng chờ ở bờ sông để chọn và phải kiên nhẫn đợi cái thuyền tốt.

Con thuyền thứ nhất đi qua chở đầy thịt thối. Mùi thối nồng-nặc và mọi người chạy ra xa.

Con thuyền thứ hai có một người lái tới, và người ta ào ra đón. Người lái thuyền là Thần Chết.

Con thuyền thứ ba là thuyền của Trời và chỉ có rắn, một số loài cây và đất với đá còn lại để được lột xác mà sống lại, lâu-dài vô-tận.

Tôi không dịch nguyên-văn vì bài này đã quá dài và chữ-nghĩa của các dân-tộc sơ-khai ở Mĩ-châu, dầu đã được chuyển thành Pháp-văn hay Anh-văn, cũng không có tiếng tương-đương trong Việt-ngữ.

Sự thành-lập xã-hội là một bước đường nữa của loài người. Trước đây đã có nhiều giả thuyết, toàn là do óc của những người ngồi trong văn-phòng tưởng tượng ra theo những triết-lí mà tôi gọi là vòi voi, đuôi voi, chân voi hay bụng voi. Một thuyết đã được hoan nghênh đặc-biệt và thành thuyết “Sáng Thế” của Thánh-kinh Marxist, là thuyết về Nguồn gốc Gia-đình. Lévi-Strauss không nói gì đến những hư-cấu ấy.

CƠ-CU THÂN-TC

Sự-kiện  nam nữ có con với nhau trong một giới-hạn sinh-học liên quan đến tuổi là một sự-kiện tự-nhiên với các sinh-vật, kể cả thực-vật và động-vật, không cần phải nói đến.

Nhưng gia-đình (family) và thân-tộc (parenté, Anh: kinship) là những sự-kiện xã-hội, và vì thế, là những sự-kiện văn-hóa không ai biết, và không có một cách gì để có thể biết, vào lúc nào thì hiện-tượng xã-hội xuất hiện trong loài người, vì lí-do gì và bằng cách gì xã-hội đã thành. Con người có thể ngay từ khởi-thủy, sống trong một bầy khỉ gọi là hầu-nhân. Bầy khỉ là bầy khỉ, như một bầy huơu, một bầy trâu rừng, một bầy hải-âu, một bầy cá, một tổ ong, một tổ kiến, không phải là những xã-hội. Không ở một loài sinh-vật nào kể cả loài người, có một cái gì gọi là “qui-ước xã-hội” mà Jean Jacques Rousseau đã tưởng tượng ra và nhóm lên ngọn lửa trong lòng của những người như Marat, Robespierre, Saint-Just đã lãnh đạo cuộc Cách-mệnh Pháp năm 1789. Văn-hóa và xã-hội là hai mặt của một sáng-tạo cộng-đồng làm cho con vật người thành người.

Nhiều khoa chuyên môn đã và đang còn nhìn vào vấn-đề nan-giải ấy. Khoa khảo-cổ đặt nặng sự tạo ra những dụng-cụ và, cũng như những người da đỏ Bororo và Gé, sự dùng lửa. Chủ-nghĩa Marxist cho rằng có gia-đình rồi mới có xã-hội.

Lévi-Strauss khảo cứu những cơ-cấu sơ-đẳng của thân-tộc và đồng thời những tương-quan với định-chế hôn-phối (cưới nhau) trong một cộng-đồng (xã-hội). Khảo-cứu này mở rộng từ những dân-tộc sơ-khai ở Mĩ-châu qua Phi-châu đến Úc-châu và đi ngược lịch-sử lên Trung Hoa và Ấn-độ (India) thái-cổ. Để tóm lược quyển sách lớn dài 500 trang vào hai câu: 1- Không có một xã-hội nào còn hiện diện trên mặt đất mà không có những qui-định về hôn-nhân, quan trọng nhất là những điều cấm; 2- Những cấm-kị này có một lí-do chung, là để cấm-đoán sự loạn-luân, lấy nhau trong gia-đình, nhưng mỗi xã-hội quan niệm gia-đình với những cơ-cấu, tức là những tương-quan bên trong khác nhau. Cơ-cấu gia-đình và những qui-định về hôn-nhân, nghĩa là về đời sống tình dục (sex) để đảm bảo sự sinh-tồn của cộng-đồng và cùng một lúc cho phép giải tỏa những đòi-hỏi sinh-lí của cá-nhân, không biết có phải là cái bước từ Tự-nhiên sang Văn-hóa hay không. Nhưng như Lévi-Strauss viết:

“Sự ngăn cấm loạn-luân ngay từ lúc đầu, là ở ngưỡng cửa của văn-hóa, ở trong văn-hóa, và theo một nghiã (en un sens) chính là văn-hóa.”

Những cấm đoán này không có tính-cách nhất-quyết cực đoan (categorical) như những giới-luật tôn-giáo, và cũng không bị đe dọa bởi hình-phạt như quốc-pháp, nhưng trong một xã-hội sơ-khai, không những cá nhân bị điều-kiện-hóa (conditioned) bởi toàn thể xã-hội từ khi còn trong bụng mẹ, mà vì không thể tự  mình một mình sống ở ngoài cái xã-hội trong đó mình đã sinh ra, nên không có thể mơ đến chuyện xé rào như ở những nước văn-minh đời nay rồi đi biệt tăm biệt tích để tránh sự đàm tiếu (vẫn có) của thiên-hạ. Nên nhớ rằng mỗi xã-hội có những qui-định riêng, nơi này cấm ăn thịt bò, nơi kia cấm ăn thịt lợn, phương Tây ôm chó lên giường ngủ, phương Đông cho chó ăn những đồ mà nói ra người ta phải xin lỗi rồi lại nấu nó với riềng để nhắm rượu. Vì lí-do gì, chỉ có thể nói rằng không chắc là vì những lí-do mà đời nay người ta nói ra. Các độc-giả những dòng này tất cũng thấy rằng tác-giả viết ra tự í, với tư-cách là người Việt-Nam viết cho người Việt-Nam, không tìm ra được trong các sách của Claude Lévi-Strauss.

Còn nhiều lắm, trong các văn-hóa, các xã-hội, các dân-tộc mà người đời gọi là “sơ-khai” (primitive); tôi dùng ba danh-từ để gọi họ, đó là vì ta phân biệt ra những “diện”, những “mặt” khác nhau. Lévi-Strauss nói rằng với những người này, tất cả đều là một: từ thức ăn, cách nấu nướng, phép ăn uống, qua ngôn-ngữ, lên đến họ-hàng thân-tộc, tổ-chức xã-hội, ca-dao (bài hát), âm-nhạc, khiêu-vũ, điêu-khắc, hội-họa (trang điểm trên người), tất cả, tất cả, đều nhất-như (unité) và tất cả đều có nội-dung í-nghĩa (content).

Với Lévi-Strauss, Văn-hóa không đối lại với Tự-nhiên. Văn-hóa không chống, không phá tự-nhiên, và khi đã thành, văn-hóa không phải là một lãnh-vực ở ngoài và cách biệt với tự-nhiên. Văn-hóa mọc ra từ tự-nhiên, với hai biến đổi song-song: con người thích nghi vào cái thiên-nhiên trong đó nó đã chọn để sống, đồng-thời nó cố gắng làm cho cái khoảng thiên-nhiên quanh nó thích hợp với sự sống mà nó xây dựng. Hai biến-đổi ấy kéo dài cả ngàn năm, vạn năm, mãi mãi không cùng không tận. Nhưng từ những rừng nguyên-sơ và thảo-nguyên Phi-châu đến những băng-địa ở Bắc-cực, khí-hậu và phong-cảnh khác nhau như con sư-tử, con mãng-xà khác con hải-cẩu, con penguin. Chỉ trong một địa-hạt nhỏ như đất nước Việt-Nam, những đồng lầy xưa gọi là Thủy Chân-lạp không phải là những rừng tre và núi xanh (Lam-sơn) của Lạc Việt. Phương chi là quan-niệm sống lại không như nhau. Cho nên khi vào nông-nghiệp, chỗ thì trồng trọt giỏi mà không nuôi súc-vật (Mĩ-châu), chỗ thì trồng lúa, nuôi tằm (Việt-Nam, Trung-Hoa), chỗ thì thuần hóa trâu bò rừng (Ấn-Độ), chỗ thì dạy chó (Khuyển Nhung, Bắc Âu-Á), chỗ thì chăn ngựa (Mông-Cổ, Âu-châu). Cán cân thăng-bằng bị gẫy khi ở một khu nhỏ của mặt đất, nảy sinh ra công-nghệ máy-móc và cái í-tưởng ngông-cuồng rằng ta phải làm chủ trời đất, thanh tẩy hết cái Linh-Thiêng, và ta có quyền khai thác đến triệt-để tất cả, kể cả những giống người không phải là ta. Với súng ống và những tàu biển bọc sắt, họ chinh phục thế-giới, và từ đó nảy sinh ra cái tư-tưởng rằng Âu-châu là cái rốn của vũ-trụ và lịch-sử (Eurocentrism) mà các nhà Dân-tộc-học gọi là Chủ-nghĩa Dân-tộc (ethnocentrism) với cái quái thai là Chủ-nghĩa Chủng-tộc (racism) chưa chấm dứt với Hitler và Đảng Quốc-xã[ii].

XÃ-HỘI NÓNG VÀ XÃ-HỘI LẠNH

Giảng về lịch-sử của các xã-hội, ông phân biệt “xã-hội nóng”“xã-hội lạnh”. Xã-hội nóng là những xã-hội đã vào công-nghệ và giống như những máy chạy hơi nước (xe lửa, tầu thủy), tiêu thụ nhiều năng-lượng có “entropy” mạnh theo những nguyên-lí nhiệt-động-học, đòi hỏi một sự chênh-lệch càng ngày càng lớn trong xã-hội (để tạo áp-lực), nên tổ chức chính-trị tinh-vi và tạo những bất-ổn liên-tục để khai-thác lực-lượng lao-động đến triệt-để. Hỗn-loạn, tranh-đấu, xung-đột, chiến-tranh trong nội-bộ là lẽ tồn-vong của các xã-hội nóng. Lịch-sử luôn-luôn sóng gió, sự lạm phát là một phương-tiện để thúc đẩy lao-động, các xã-hội nóng theo những đợt sóng, lên rồi xuống rồi lại lên, với thỉnh thoảng một cuộc khủng-hoảng để loại bỏ những phần-tử không theo kịp thời rồi đi vào một sự tái-cơ-cấu (restructuration, perestroika) dữ-dội hơn.

Các xã-hội “nguyên-sơ” là điển-hình của những xã-hội lạnh. Xã-hội lạnh giống như những máy không đốt than, không tạo sự nổ và như những đồng-hồ (quả lắc) chạy bằng những sức tự-nhiên như sức hút của trái đất, nắng của mặt trời, gió của không khí, dòng nước của sông. Cả đến sức của giống-vật, người nguyên-sơ cũng không dùng đến. Xã-hội lạnh cầu giữ được gốc-nguồn và khi gốc-nguồn đã mất hẳn thì vẫn có những lễ-nghi để tái lập lại nguồn-gốc trong chốc-lát, và chốc-lát có cái í-nghĩa là thiên-thu: đó là những điệu múa trong đó người ta mặc lễ-phục (váy lá, mũ lông, vòng tay, vòng chân…), và xuống thấp nữa, là những trò chơi của trẻ con, như trò chơi Rồng Rắn ở Việt-Nam. Nhưng ở lưng chừng, còn có những nghệ-thuật tạo hình (trang sức, mặt nạ, tượng gỗ, tượng đất, cột totem…) và những huyền-thoại mà í-nghĩa đã ra ngoài tầm hiểu của người đời nay. Một cái hố sâu ngăn cách các xã-hội nguyên-sơ  (xã-hội lạnh)  và các xã-hội đã vào đời công-nghệ  (xã-hội nóng). Cái đầu tàu xe lửa và cái phi-đạn không-gian không nhìn thấy được cái lờ bắt cá nữa. Tổ-chức làm mất con người. Sự tập trung quyền-hành càng mạnh thì càng làm tiêu hủy con người thực. Xã-hội nguyên-sơ là những xã-hội còn những người chân-thực, còn có sự chân-thực (authenticity); những xã-hội “tiến-bộ” đã mất sự chân-thực (inauthenticity). Vì thế nên trong văn-minh, có sự vô trật-tự, có nhu-cầu tiêu-thụ quá lạm, có sự đấu-tranh vô-tận, có sự bạo-hành. Xã-hội văn-minh là xã-hội đã bỏ văn-hóa, mất văn-hóa, và nhất là mất tình thương (compassion), mất nhân-tính, vì chứa chất đầy ắp những phương-tiện quyền-thế và đàn áp.

Có nhiều người nghĩ rằng các dân-tộc nguyên-sơ không có lịch-sử. “Nguyên-sơ” nghĩa là im-lìm, là lạc hậu hoặc cũng có thể là thoái hóa, dật lùi về quá-khứ ngu dại. Lévi-Strauss chống lại những cách nhìn phiến-diện, khinh miệt đó. Ông nói rằng các dân-tộc ấy còn cho đến ngày nay, tức là đã trải qua thời-gian ngang với tất cả các người đương-thời, họ phấn đấu, “họ (cũng) đã sống, đã tồn tại và đã thay đổi”. Họ khác ta, ta không hiểu được họ, họ cũng không hiểu nổi ta, có thể ví như loài chim diều-hâu và loài chim sẻ hay chim-ruồi sống khác nhau ở những cảnh trí khác nhau; nếu không có những xâm-phạm nhau, thì chưa biết loài nào sẽ tự-nhiên tiêu diệt trước.

Muốn hiểu con người sơ-khai, Lévi-Strauss nói rằng phải tạo ra những phương-pháp mới và nhất là phải biết chọn những cách nhìn bổ-túc nhau, trong đó Dân-tộc-học và Sử-học, tuy có cùng một đối-tượng (đời sống xã-hội), cùng một mục-tiêu (tâm-trạng con người) và giống nhau phần nào về phương-pháp, nhưng “Sử học tổ chức các dữ kiện theo những phát-biểu (minh hiển) của í-thức”, còn Dân-tộc-học thì theo những điều-kiện vô-thức của đời sống xã-hội”. Sau đó ông đã giảng rằng ông phân biệt tiềm-thức (subconscience) với vô-thức (inconscience); tiềm-thức là cái kho tàng kí-ức (nhớ) về các kinh-nghiệm và hình-ảnh xa-xưa, còn vô-thức là nơi rèn luyện những thoáng nghĩ của con người nguyên-thủy trần-trụi sống với thiên-nhiên và những sinh-vật ở chung quanh.

“Những hiện-tượng cơ-bản của đời sống tâm-thần, những hiện-tượng điều kiện hóa đời sống này và quyết định các hình-thức phổ quát nhất của tâm-thần là ở tầng-lớp của tư-tưởng vô-thức. Như thế, vô thức có thể là cái trung-gian giữa cái tôi và kẻ kia (le moi et l’autrui)”.

Tác-giả xin lỗi các độc-giả vì tuy đã cố gắng hết sức mà không thể làm cho dễ hiểu hơn, đồng thời không làm sai tư-tưởng của Claude Lévi-Strauss.

TÔI S KHÔNG LY LÀM PHIN Đ NHN ĐO PHT LÀM TÔN GIÁO CA TÔI

Lévi-Strauss, khảo sát về những dân-tộc không có chữ-nghĩa, đi lên đến sự tố-cáo cái ảo-tưởng về “ngã” (le moi). Cùng với J. J. Rousseau, ông chế nhạo Descartes mà triết-lí dựa trên sự chứng-minh rằng “có TA” [“Tôi nghĩ, vậy là tôi có (thực)”]. Ông nói rằng trong các xã-hội nguyên-sơ, không có “tôi” và ông lật ngược cái nguyên-lí của Descartes lại là “CÓ TÔI KHÔNG?” (Suis-je?). Có tôi thì tất cả là , rồi sẽ dẫn đến câu châm-ngôn kinh-hồn của J. P. Sartre: “Địa-ngục là những kẻ khác” (L’Enfer, c’est les autres), đưa tới một thế-giới trong đó “có tất cả những phương-cách để triệt hạ, để tiêu diệt, để tra tấn hành hạ” kẻ kia (l’autre). Theo ông thì thực ra sự mất đạo-lí đã bắt đầu từ lúc con người tự cho là mình không phải là con vật và là minh-chủ của mọi loài, cầm quyền sống chết trong tay: cái í-nghĩ phi-luân ấy thu nhỏ lại vào “dân-tộc ta” trong khi khoa-học đã chứng minh rằng “người là một sinh-vật (một “chúng sinh”) đau-khổ, như tất cả các chúng sinh khác” (“L’homme est un être vivant et souffrant, pareil à tous  les autres êtres”). Ông đi đến kết luận rằng: “Đó là cái nguyên-lí thực của các khoa-học về người và cái nền độc nhất có-thể-có cho luân-lí”. Ông tuyên bố chính-thức trước Quốc-hội Pháp, họp bàn về các tự-do và nhân-quyền rằng những nguyên-lí của cuộc Cách-mệnh Pháp 1789 không còn hợp thời nữa và các Quyền của con người phải bị giới hạn bởi Quyền được sống và được phát triển tự-do của mọi loài vật”. Ông đã không ngần ngại viết ra rằng “Nếu mà tôi sống trong một xã-hội bắt buộc mỗi người phải khai một tôn-giáo rõ ràng, tôi sẽ không lấy làm phiền để nhận Đạo Phật là tôn-giáo của tôi”. Không phải chỉ vì lòng từ-bi với tất cả chúng-sinh ở trọng-tâm của Phật-giáo, mà con vì trong Đạo Phật, không có thần-linh, không có tín-điều, không có tạo-hóa, không có thần-vật (idole), chỉ có lời Phật lâu đã hơn hai ngàn năm trăm năm. Và ông, một người có gốc Đạo Do-thái thờ Chúa Trời, ông dám nói rằng tội ác lớn nhất đối với loài người và với toàn thể sự sống là từ những “Đạo độc-thần” (monotheist). Đây là í-kiến của Claude Lévi-Strauss mà tác-giả bài này ghi lại, không giải thích, không bàn cãi.

TRANH LUN VI SARTRE

Tư-tưởng sắc-bén và mạnh-mẽ, tuy cách-biệt với những khảo-sát dân-tộc học nhưng không phải là không liên hệ với các nhận-xét khoa-học của Lévi-Strauss đã gây ra nhiều xích-mích giữa ông và các bạn (mà tôi bỏ qua trong bài này). Nhưng các tranh-luận thì phải phác lại vì là những dịp để ông xác định tư-tưởng và lập trường của ông. Tranh luận với những học-giả thuộc các ngành khác, tuy quan-trọng những chỉ có tính-cách hàn-lâm. Tranh luận về cơ-cấu-pháp trong triết-lí (với Ricoeur) rất hay, nhưng khó với những độc-giả chưa biết triết-thuyết hermeneutics của Ricoeur. Tôi chỉ kể qua cuộc bút-chiến giữa Claude Lévi-Strauss và Jean-Paul Sartre, vì triết-lí Hiện-sinh theo Sartre đã là ngọn đèn sáng ánh chói cho tuổi trẻ sau Thế chiến thứ hai trên khắp thế-giới.

Sau Thế Chiến, Lévi-Strauss ở Mĩ về Pháp đã có ngay một phán-đoán nặng nề về triết-lí của Sartre.

“Đối với tôi thì hình như tư-tưởng ấy trái nghịch với một suy-tư thích-đáng vì nó quá dễ dãi với những ảo tưởng của sự chủ-quan”.

Ông tiên đoán hơi ác, nhưng đúng với sự thật, là khuynh-hướng ấy “rất có thể chỉ đưa đến có một thứ siêu hình-học cho các cô bán đồ nữ-trang rẻ tiền ở Paris (une sorte de métaphysique pour midinettes)”.

Theo ông thì triết-lí hiện-sinh có vẻ kín mít (“sent le renfermé”). Điều này cũng dễ hiểu, vì Sartre hướng nội và cho cái tôi của mình một sự tự-do vô biên trong một thế-giới vô thần và phi-lí, trong khi Lévi-Strauss tin-tưởng ở khoa-học, nhìn ra toàn thể nhân-loại và tìm thấy tư-tưởng logic ở tất cả các xã-hội.

Cuộc tranh-luận lớn nổ ra sau khi Sartre cho ra cuốn sách lớn thứ hai vào năm 1960 “Phê-bình Lí-trí Biện-chứng ” (Critique de la raison dialectique) trong đó Sartre nói rằng Lévi-Strauss là một người theo Chủ-nghĩa Duy-vật siêu-việt và thẩm-mĩ (un materialiste transcendental et esthète). Hai năm sau, Lévi-Strauss cho xuất thế cuốn sách nhỏ, tựa đề là “Tư-tưởng Hoang-dại” (La Pensée sauvage) mà các nhà văn, nhà phê-bình, nhà Sử-học, nhà Dân-tộc-học ở Pháp, ở Anh chào mừng như một quyển sách đánh dấu một giai-đoạn của lịch-sử tư-tưởng.

Lévi-Strauss viết chương cuối của Tư tưởng Hoang-dại để bác bỏ Sartre trong Phê-bình Lí-trí Biện-chứng. Ông nói rằng Sartre tự mâu thuẫn với chính mình, rằng Sartre đã hiểu sai Marx hay cho Marx những í nghĩ của mình, rằng Sartre đã cho nhân loại một hình-ảnh “tủn-mủn và méo-mó” khi nói rằng lịch-sử tính (historicité) là các đặc-tính của loài người. Tôi không thể tóm lược được khi E. Leach ở Đại Học London, E. Carpenter ở New York nói rằng “không tóm lược được, vì mỗi chữ, như một đồ thờ tự linh-thiêng, có một chỗ” đích-xác. Cái đòn cuối-cùng của Lévi-Strauss đánh thẳng vào tim của Sartre và tất cả các tư-tưởng-gia mác-xít  (tôi xin lỗi vì không viết rõ là theo Chủ-nghĩa Marx-Lenin). Ông viết rằng: “Trong hệ (í thức) của Sartre, lịch-sử giữ đúng vai trò của huyền-thoại”, và ông hỏi câu hỏi then chốt: “Trong những trường-hợp nào, đã có thể (thành và) có cái huyền-thoại Cách-mệnh Pháp?”

Cách-mệnh đã thành huyền-thoại và huyền-thoại ấy đã là cái kim-chỉ nam Thần thánh của nhiều thế-hệ và của cả những người lãnh-đạo những Cách-mệnh của thế-kỉ XX.

BÁC B THUYT KHUCH-TÁN

Trong dân-tộc học, ông bác bỏ thuyết khuếch tán (diffusionism) và nói rằng khi có sự tiếp-xúc giữa hai xã-hội và hai văn-hóa thì có sự trao-đổi (exchange) hai chiều, và sự trao-đổi là động-lực lớn nhất của sự tiến-bộ. Tuy nhiên, các xã-hội văn-hóa nẩy nở và biến đổi theo những điều-kiện vật-chất và sinh học của mỗi nơi, mỗi thời mà thành muôn màu muôn sắc (diversity) trên mặt đất. Những gì lấy được từ bên ngoài đều được tiêu hóa rồi mới được nhập vào văn-hóa của cộng-đồng, và mỗi văn-hóa vẫn giữ sự nhất-như (unité) sau khi nhập nội một nguyên-tố mới.

Đ KÍCH THUYT TIN-HOÁ VĂN-HOÁ

Ông đả kích thuyết tiến-hóa mạnh-mẽ hơn nữa vì thuyết này phát triển ra từ trường-phái Scottish (Tô-cách-lan Scotland), rồi lan ra đến Anh, Mĩ, Đức, Pháp. Phái tiến-hóa, dựa vào Darwin, đã thành một tín-điều không những của Dân-tộc-học, mà của Xã-hội-học, và Triết-học (Auguste Cornte). Trường-phái của Franz Boas đã đập vào thuyết tiến-hóa xã-hội và văn-hóa những chùy làm lung lay thuyết ấy đến nền móng, nhưng không đưa ra được một hình-ảnh linh-động nào để thay thế. Trong khi đó thì trong chính-trị xã-hội, thuyết của Marx-Engel và trên bình-diện Tâm-lí-học, tư-tưởng của S. Freud, vẫn còn lưu hành để truyền bá một thuyết tiến-hóa hoàn toàn tưởng-tượng.

Lévi-Strauss cho rằng thuyết tiến-hóa áp dụng vào văn-hóa (cultural evolutionism) là một giả khoa-học, do Chủ-nghĩa Dân-tộc đặt Âu-châu ở đỉnh cao của thế-giới loài người (ethnocentism - Eurocentrism) và bám vào thuyết tiến-hóa sinh-học của Darwin để có một cái dù che. Ông gọi thuyết tiến-hóa văn-hóa là “giả-tiến-hóa” (pseudo-evolutionism) và lên án tất cả những ai còn nghĩ như thế là không hiểu lịch-sử và không biết gì về những sự thực trong cõi sống của con người.

“Nói rộng ra…, tất cả các xã-hội người đều đã trải qua một quá-khứ lâu dài ngang nhau…

…Chúng ta thực đã có khuynh-hướng nói rằng có những “dân-tộc không có lịch-sử”…Điều này chỉ có nghĩa là lịch-sử của các dân-tộc ấy đã và sẽ vĩnh viễn mất đi, chúng ta không bao giờ còn biết được nữa, chứ không phải rằng họ thực không có lịch-sử. Trong cả mười — đúng ra là bao nhiêu trăm ngàn — năm xưa, các người ở đó đã yêu, đã ghét, đã đau khổ, đã sáng tạo và đã chiến đấu như bất cứ ai ở đâu khác. Sự thực là không có một dân-tộc nào còn ở thời ấu-trĩ; tất cả những dân-tộc không viết nhật kí về tuổi thơ và tuổi trẻ của họ. (Chủng-tộc và Lịch-sử, Race et Histoire).”

CHNG LI VĂN-HOÁ ĐC-BÁ (MONOCULTURE)

Trong dòng tư-tưởng ấy, không những cáo buộc các tôn-giáo độc-thần, Claude Lévi-Strauss còn phê-bình văn-minh Mĩ (Hoa-kì) và kịch liệt chống lại những chủ trương độc-bá, muốn thiết lập một nền văn-hóa độc-nhất (monoculture) trong thế-giới loài người. Về văn-minh Mĩ, ông viết năm 1944 khi chưa rời nước Mĩ, một bài, đầu-đề là “Kĩ-thuật hạnh-phúc” (La technique du Bonheur), hình như chưa hề được dịch và phổ biến ở Hoa-kì. Ông nói:

            Văn-minh Mĩ là một khối. Hoặc là phải nhận tất cả toàn khối, hoặc là đành phải bỏ nó.

Hạnh-phúc Mĩ là “cách sống Mĩ” (the American Way of Life”) coi như một lí-tưởng ở đỉnh cao. Lévi-Strauss khen ngợi nó và từ chối nó, vĩnh biệt nó. Viết xong bài ấy ông trở về Pháp, một nước Pháp nghèo đói, kiệt quệ sau bốn năm bị Đức coi là một thuộc-địa khai thác ở phần trên và một nước Bảo-hộ ở phần dưới. Năm 1986, ông trở lại vấn-đề “Văn-hóa độc-bá” và viết rằng:

Chúng ta đang đi đến một sự đồng-hoá toàn diện (une homogéneisation totale)  song-song với một sự ngu-muội cũng toàn-diện (une sorte d’abêtissement, également total).

Chúng ta, con dân của nước Đại-Cồ-Việt, chúng ta đã và đang ở trên con đường đồng hóa ấy và sẽ, dần dần, coi cái văn-hóa đã nuôi dưỡng dân-tộc là hoàn-toàn hủ-bại và có nguy-cơ từ bỏ nó, coi nó là một thứ ung-độc toàn thân hay một thời tiền-sử phải chấm dứt.

Hết bài III, xin xem tiếp bài IV — “Hương-hoả của Lévi-Strauss


 



[i] Cái săng là cái hòm (quan tài).

 

[ii] Hitler chủ trương tiêu diệt dân Do-thái: đó là Chủ-nghĩa Chủng tộc (Racism), đưa đến những trại tập-trung và “giải pháp cuối-cùng”, diệt chủng bằng hơi độc.

 

Comments