Tài Liệu‎ > ‎Biên Khảo‎ > ‎Khảo Luận‎ > ‎Claude Lévi-Strauss‎ > ‎

Phần II: Sự nghiệp Khoa học (Nhân học Văn hoá)

 

Cơ-cấu (structure) là một í-niệm (concept). Cơ-cấu pháp là một phương-pháp (méthode). Không có chủ-nghĩa Cơ-cấu, và ta dịch structuralisme là “chủ-nghĩa” là một sai-lầm cơ-bản. Một vài tác-giả như Claude Lévi-Strauss có tư-tưởng và có xây dựng lí-thuyết, nhưng các lí-thuyết là những chặng đường khoa-học lập ra để kết tinh một giai-đoạn học-hỏi rồi phá đi nếu có thể, để lên giai-đoạn trên. Khoa-học không chấp nhận chủ-nghĩa.

Cơ-cấu là một í-niệm đã nảy nở ra từ tư-tưởng của đại-văn-hào Goethe và đi vào Sinh-học rồi Hóa-học trước.

Toán-học phải tự xét lại sau trận động-đất của Godel. Nhóm Bourbaki ở Pháp bỏ phương-pháp định-đề (axiomatic method) và  tuyên bố dựng những cơ-cấu Toán trên thuyết tổ (tập hợp, set theory, théorie des ensembles).

Vật-lí học đi vào những cơ-cấu nguyên-tử  (tinh thể, kim-chất, thuyết các khí) và cơ-cấu của nguyên-tử. Hóa-học nhận nguyên-tử và quantum (lượng-tử) là căn-bản và đặt ra cơ-cấu của các chất. Sinh học tự sắp xếp lại và sau cùng, gần đây, đi hẳn vào nhãn-quan cơ-cấu khi cấu-thức phân-tử của DNA được khám-phá.

Cơ-cấu thành một cách nhìn sự-vật cạnh tranh với cái nhìn qui-giản (reductionism, tin tưởng rằng toàn-thể các hiện-tượng trong trời đất, kể cả những hoạt-động của tâm-thần, đều sẽ được qui về cái mối hay cái nền là Vật-lí-học.)

Sự qui-giản không ra ngoài được khoa-học vật-chất. Cơ-cấu-pháp lúc đầu cũng ở những lãnh-vực các khoa-học chính-xác, lên đến Sinh-học (vạn vật, cơ thể, sinh-lí-học, thuyết tiến-hóa, di-truyền học); nhưng rồi dần-dà xâm nhập vào địa-hạt của các khoa-học nhân-văn mà người ta nghĩ là sẽ không bao giờ lên trên được trình-độ thấp nhất là sưu tầm, miêu tả sự-kiện, rồi xắp xếp theo những tiêu-chuẩn và lề-lối sơ-đẳng. Khoa ngữ-lí (linguistics) được khai sinh, và rất-sớm, vượt qua giai-đoạn cơ năng (functional) mà đi vào cơ-cấu-pháp. Roman Jakobson là một ngôi sao sáng của Ngữ-lí-học cơ-cấu (structural linguistics). Ông và Trubetzkoy đã lập ra Âm-vị-học (phonology), rồi ông lại thấy được rằng các âm-vị (phonème), như [a, e, i, o, ô, u] và [b, c, d, l, m, n] khác nhau từng đôi một bởi một nét dị-biệt. Ngữ-lí-học bước thẳng vào khoa-học với những khám-phá ấy, cũng như trong Hóa-học, các nguyên-tố được định tính và nhà Hóa-học tìm những tính ấy để biết được cấu-tạo nguyên-tử của một hóa-chất và các chức (functions) có trên hóa-chất.

Lévi-Strauss đã vào sâu trong Dân-tộc-học và có thể nói rằng không biết gì về Ngữ-lí-học ngoài vài í-kiến cổ-lỗ về ngữ-pháp Pháp-văn lượm nhặt được ở Trung-học. Cơ-cấu-pháp áp dụng vào Ngữ-học là mặt trời rạng sáng với một người đang tìm đường trong đêm-tối để ra khỏi cái hỗn-độn của cả ngàn nền văn-hóa man-dợ của những dân-tộc chưa có chữ-nghĩa rải rác trên  những hòn đảo chơi-vơi trên biển cả hay nơi rừng thẳm núi cao của đất liền. Ở Nữu-ước, ông bắt đầu viết lại, một bài dài, về Lịch-sử Xã-hội-học trong thế-kỉ XX: Lévi-Strauss đề cao phương-pháp của Durkheim, nhưng cho rằng Durkheim đã quá độc-đoán trong tư-tưởng: “Trong thực-tế, những xây-dựng độc-đoán (dogmatique) đã dứt khoát hết thời”. Chiến-tranh chấm dứt ở mặt trận Âu-châu và Lévi-Strauss về Pháp. Ông viết hai bài nữa: Một bài nghiên-cứu về nghệ-thuật tạo hình, từ Trung Hoa thái-cổ đến các dân-tộc Mĩ-châu qua Tân-tây-lan (New Zealand), trong đó ông bác bỏ thuyết khuếch-tán (diffusionism) của khoa khảo-cổ và tuyên bố rằng những sự giống nhau lạ-lùng trong hình-thái của các vật văn-hóa phải được đặt vào trong những toàn thể (ensembles) — tức là toàn bộ văn-hóa — “những toàn thể cơ-hữu (organiques) trong đó kiểu-cách, qui-ước thẩm-mĩ, tổ-chức xã-hội, đời sống tinh-thần liên hệ với nhau trong cơ-cấu” (ensembles organiques où le style, les conventions esthétiques, l’organisation sociale, la vie spirituelle sont structuralement liés). Lời tuyên-bố này soi sáng một vấn-đề về thời-đại đồ đồng của tiền-sử Việt-Nam, như sẽ được nói sau trong phần thứ ba của bài này.

Bài thứ hai, minh-bạch hơn và mạnh mẽ hơn, có cái đầu-đề khô-khan là “Sự phân-tích cơ-cấu trong Ngữ-lí học và trong Nhân-học (Athropology)”. Lévi-Strauss dựa trên vấn-đề mà ông đang để í: những liên-hệ thân-tộc. Claude Lévi-Strauss phải viết sách. Ở New York, R. Jakobson đã nói với người bạn mới sau khi nghe bạn giảng về thân-tộc: “Anh phải viết về những điều này”, và Lévi-Strauss đã không quên. Trở về Pháp, ông cần phải có một địa-vị, và điều-kiện không thể không có là phải đoạt được học-vị cao nhất, vào được Học-viện uy-tín nhất, và được toàn-thế học-giới công nhận. Mà môn học của ông lại chưa có trong hệ hàn-lâm của nước ông.

Cuốn sách đầu tiên của ông là Các Cơ-cấu Sơ-đẳng của Thân-tộc (Les Structures Élémentaires de la Parenté). Ông kể lại khi viết sách ấy: “Tôi không có đời sống xã-hội. Tôi không có bạn bè. Một nửa thời-gian của tôi, tôi ở trong phòng thí-nghiệm, nửa còn lại tôi ở văn-phòng”. Để hoàn thành sách, ông đọc bảy ngàn cuốn sách và bài báo-cáo. Ông nói rằng trong một khoảng thời-gian vào thập niên 1940-1950, “không có một cái gì được in ra về Dân-tộc-học đã thoát ra ngoài sự biết của tôi”.

Nói đến thân-tộc thì người ta nghĩ ngay đến cái gọi là “dòng máu”, tức là Sinh-học. Lévi-Strauss nói rằng Sinh-học không ở trọng-tâm của suy-tư xã-hội. Cha mẹ với con trai và con gái, anh chị em ruột thịt, họ-hàng “nội, ngoại”, có những liên-hệ khác nhau tùy theo xã-hội, và những liên-hệ ấy có những í-nghĩa xã-hội quan-trọng. Một xã-hội phụ hệ như xã-hội Á-Đông nói chung thì “con gái là con người ta” và không cấm đoán sự lấy nhau với “con cô, con cậu, con dì” vì:

Con cô, con cậu thì xa,
Con chú, con bác thực là anh em.

Khác hẳn với những xã-hội mẫu-hệ (matriarchal) và mẫu-tuyến (matrilineal) không kể đến những xã-hội đa-phu, trong đó các con là của mẹ, vì không biết ai là cha, với nhiều điều khác nữa mà ta cho là “vô luân-thường đạo-lí”, hay ghê hơn nữa, “phi-luân”, với những hình-phạt kinh-hồn mà xưa kia ở các làng chính chúng ta cũng vẫn theo, nhưng với họ thì là “đạo-đức”.

Lévi-Strauss nói rằng mỗi xã-hội qui định các chức trong gia-đình – cha-mẹ, bác, chú, cậu, thím, dì, mợ, cô, dượng v.v… (nhiều chức nữa không có danh-từ tương đương trong Hán-văn, Việt-văn…) – như những “âm-vị” (phonemes) trong ngôn-ngữ, và mỗi chức là một biểu-tượng. Các ước lệ về đời sống gia-đình và về hôn-phối có thể rất chặt-chẽ còn hơn là luật-pháp. Chúng ta đều nhớ câu tục-ngữ ngặt-nghèo đến tàn bạo của một thời xưa chưa xa lắm: Phép vua thua lệ làng. Nhưng cũng tùy nơi, tùy dân-tộc. Một sự cấm chung, là cấm không được lấy nhau trong “gia-đình”, nhưng các liên-hệ thân-tộc không theo cùng một mẫu và “một hệ-thống thân-tộc không phải làm thành bởi những đường dây khách quan (Sinh-học); hệ-thống ấy là ở trong í-thức của mọi người (trong xã-hội) và là một hệ-thống vô-cứ (arbitraire) các biểu-tượng”.

Đây không những là một khẳng-định về phương-pháp và í-hệ của tác-giả. Đây là tuyên bố rằng Dân-tộc-học lại bắt đầu có lí-thuyết và là một lí-thuyết khoa-học. Nước Pháp, vốn là một nước coi trọng Xã-hội-học và coi thường Dân-tộc-học, chỉ qua một đêm, đã là một tân-tinh (nova) thu hút sự chú í của thế-giới Dân-tộc-học.

Một  quyển sách không chỉ là kết-quả của sự cóp nhặt sưu tập những tài-liệu vụn-vặt. Tôi gọi những sách ấy là những thùng rác. Trang-tử còn nặng lời hơn thế nữa trong văn-chương như sương sớm, như mây bay của ông. Cũng đừng tìm văn-chương trong những nghiên-cứu khoa-học của Lévi-Strauss. Chỉ có những câu, những lời và những sơ-đồ khô-cạn trong sách. Toán-học trong sự giảng-giải những cơ-cấu sơ-đẳng của thân-tộc của mấy trăm dân-tộc rải rác trên năm châu để đi tới một kết-luận, tân kì và rắc rối đến độ rằng tác-giả phải nhờ André Weil, một trong những người đã lập ra nhóm Bourbaki để xây dựng “Tân Toán-học” (Mathématiques Modernes), viết một phụ-lục về Toán cho sách. Nhưng Các Cơ-cấu Sơ-đẳng của Thân-tộc là luận-án chính mà Claude Lévi-Strauss đệ trình để lấy bằng Tiến-sĩ Văn-chương cao nhất trong nền giáo-dục Pháp mà ông muốn có thẳng không qua cấp Cử-nhân. Văn-đàn Paris sôi động trước nhất, Simone de Beauvoir rồi George Bataille viết những bài phân tích, phê bình và ngợi khen quyển sách trong những tạp-chí văn-chương nổi tiếng nhất, với hậu-í là lôi cuốn tác-giả mới vào văn-phái của mình. Học-giới cũng thức giấc. Một giáo-sư Đại-học Hòa-lan (de Joncs) để cả một năm để giảng sách và viết một cuốn sách mới để tóm lược tư-tưởng của Lévi-Strauss. Những kèn trống vang rội này làm phiền người thí-sinh sắp vào phòng thi trước năm vị giáo-sư và đại-học-giả, mỗi người chuyên môn về một lãnh-vực có đá động đến trong sách. Nhưng Claude Lévi-Strauss đã được lấy đỗ ngay.

Các vấn-đề chức-tước và công-việc đến sau. Cùng với những trở-ngại, những đấu tranh, những mâu thuẫn, những do dự. Con người của Claude Lévi-Strauss rất phức tạp. Tư-tưởng của ông rất mới: ông có một phương-pháp mới, ông biết rất nhiều và hiểu nhiều điều mới, ông lại muốn làm mới. Nhưng, một mặt, ông chống lại sự độc đoán; mặt khác, học về văn-hóa, ông trọng truyền-thống. Sự đụng chạm với quyền-thế cũng là một điều không thể tránh được.

Những người bạn đang là giáo-sư tại Collège de France đề cử ông vào dạy ở đây. Học-viện Pháp-quốc là nơi cao chót-vót trong nền Giáo-dục của nước Pháp và không cho phép ai đệ đơn xin vào. Sự đề-cử là thủ tục bắt buộc, rồi Hội-đồng Giáo-sư mới bỏ phiếu. Lévi-Strauss bị loại hai năm liền vì ông Viện-trưởng và cánh giáo-sư bảo thủ còn là đa-số. Ông đành chỉ dạy ở Trường Thực-tế Cao-học (Ecole Pratique des Hautes Etudes), một trường ở ngoài hệ-thống Đại-học nhưng rất nổi tiếng vì có những cách nhìn rất mới, thứ nhất là về Sử-học, với L. Febvre và Fernand Braudel.

Febvre là vào bậc thày còn Braudel thì là đồng-sự của Lévi-Strauss từ lúc hai người cùng dạy học ở Ba-tây. Lévi-Strauss cần giới thiệu chuyên khoa của mình và phân định khoa ấy với các khoa lân-cận, đầu tiên là với Sử-học, rồi với Xã-hội-học và với Tâm-lí-học và Phân-tâm-học. Mỗi lần là gây ra những đụng chạm và xung khắc. Ông mất nhiều bạn lắm, và thú nhận rằng ông “có rất ít bạn thật tâm” (có lẽ chỉ trừ có Jakobson ở Mĩ). Nhưng không phải vì thế mà ông lùi bước. Ông cần thám hiểm thêm và cương quyết đi trên con đường mới mà ông đã thấy là có kết quả và hi vọng là vẫn hứa hẹn. Năm 1952, ông được mời sang lại Hoa-kì để giảng ở Diễn-đàn của Wenner Gren Foundation, là nơi tụ-hội quốc-tế quan trọng vào bậc nhất về Nhân-học. Ông nói về “Cơ-cấu Xã-hội” và định rõ lập trường của ông:

“Nguyên tắc căn-bản là: Quan-niệm cơ-cấu không phải là cái thực-tại nhận xét được (la réalité empirique), mà là những mẫu hình (modeles) xây dựng lên từ cái thực-tại được thấy”.

Ông xét cơ-cấu xã-hội trong thân-tộc, sự trao đổi của-cải (kinh-tế), sự trao đổi tin-tức (ngôn-ngữ) lưu động của xã-hội và những mẫu-hình uy-quyền.

Ông từ chối lời mời làm giáo-sư của Đại-học Havard và trở về Pháp để làm việc với những phương-tiện bình-dị nghèo nàn sau chiến-tranh — một sự nghèo-nàn vật-chất mà chính người viết những dòng này cũng đã sống qua khi sang ở Paris để học. Claude Lévi-Strauss sống nghèo, bà vợ thứ hai vừa li-dị, cuốn sách kí sự Nhiệt-đới Buồn xuất bản được sự hoan-nghênh của giới nhà văn nhưng bị lên án bởi giới chuyên môn, rồi giới chính-trị cực tả, rồi cả giới triết-gia.

Ông vẫn viết những bài khảo-sát Dân-tộc-học về nhiều phương-diện và xuất bản Nhân học Cơ-cấu I (Anthropologie structurale I), Hoa Tư-tưởng Hoang-dại (La Pensée sauvage),  Vĩ-tích Asdiwal (La Geste d’Asdival), và  Vấn-đề Totem 4 ngày nay (Le Totemisme aujourd’hui).

Đùng một cái — phải nói nôm-na như thế mới tả được một chút đinh sự đột-ngột của tin lạ: Claude Lévi-Strauss được bầu làm giáo-sư của Học-viện Pháp-quốc và ngồi ở ghế chủ của Khoa Nhân-học Xã-hội mới mở theo đề-nghị của triết gia Merleau-Ponty. Vừa đúng lúc, vì năm sau thì Merleau Ponty mất, mới 53 tuổi.

Claude Lévi-Strauss vào Học-viện và đầu niên-học sau bắt đầu giảng về Huyền-Thoại của các dân-tộc Châu Mĩ. Những bài giảng này là cốt-tủy của bộ Huyền-thoại-lí-học (Mythologiques) gồm bốn quyển lớn, là công-trình vĩ-đại phân tích cơ-cấu 813 huyền-thoại của Tân-thế-giới.

Năm 1973, Claude Lévi-Strauss được bầu vào Hàn-lâm-viện Pháp-quốc. Các danh-dự đại-học đã đến liên-tục từ nhiều nước, ngoài nước của ông mà không bao giờ ông có í rời bỏ.

Ngày 18.11.2008, nước Pháp cử hành lễ sinh-nhật thứ 100 của ông, đồng thời với 25 nước nữa. Trong lễ này, Bảo-tàng-viện Nhân-học được đổi tên là “Viện Bảo-tàng Claude Lévi-Strauss” và nước Pháp lập ra một giải thưởng hằng năm (100.000 euro) lấy tên ông, cho một nhà khảo-cứu về khoa-học nhân-văn. Tổng-thống Nicolas Sarkozy đến viếng thăm ông ở nhà chiều hôm ấy, vì ông không dự lễ được.

 

Hết bài II, xin xem tiếp bài III — “Tư-tưởng của Lévi-Strauss


 

Comments