Tài Liệu‎ > ‎Biên Khảo‎ > ‎Khảo Luận‎ > ‎Claude Lévi-Strauss‎ > ‎

Phần I: Hương hoả, Gia đình và Đường đời

Chính ông cũng là một người thừa hưởng một hương-hỏa từ gia-đình và thời-thế.

Tôn-giáo gần như không ảnh hưởng tâm-trí và cuộc sống của ông tuy ông cụ ba đời của ông rất chú trọng đến lịch-sử của Đạo Juda (Do-thái). Cụ có một bộ sưu tầm các đồ thờ tự, hiện còn được trưng bày ở Viện Bảo-tàng Nghệ-thuật của Đạo. Quan trọng hơn cả là lòng yêu âm-nhạc. Cụ chơi đàn violin và là bạn của vài nhạc-sĩ lớn như Berlioz, Offenbach. Cụ cũng là nhạc trưởng của Hoàng-đế Napoleon III.

Một người con gái của cụ là Lea Strauss, lấy chồng và đem họ của chồng là Lévi gắn liền vào họ của mình cho các con. Dòng này bắt đầu có họ là Lévi-Strauss từ đấy.

Cha của Claude, Raymond Lévi-Strauss, là một người con trai của cặp vợ chồng này. Raymond được cha mẹ cho đi học trường Cao-đẳng Thương-mại (H.E.C) ở Paris, nhưng sau khi tốt-nghiệp, ông chỉ là một tư-chức nhỏ cho Công-ti Chứng-khoán Pháp-quốc. Là vì ông không có óc làm giàu và chỉ thích Âm-nhạc, Văn-chương, Hội-họa, nhất là Hội-họa. Ông vẽ tranh sơn dầu theo kiểu xưa, không chạy theo những trào-lưu mới. Tranh của ông cũng bán được kha khá ở Belgium (Bỉ). Vợ chồng ông dọn nhà đến Bruxelles (Bỉ) để ở. Một người con trai được sinh ra ở đó ngày 28-11-1908 và được đặt tên là Gustave Claude Lévi-Strauss, vị Giáo-sư sẽ làm rạng danh nước Pháp trong thế-kỉ thứ XX.

Claude sắp tròn sáu tuổi thì Thế-chiến thứ Nhất (1914-1918) bùng nổ. Nước Bỉ nằm giữa Đức và Pháp, trên đường tiến quân của Đức. Gia-đình Lévi-Strauss phải chạy về Pháp và Raymond, người cha của gia-đình, được động viên làm y-tá tại Bệnh-viện Quân-y Versailles, không xa nhà, nhưng vì sợ chiến-tranh lan đến Paris nên mẹ con Claude dọn về Cực Tây, tại Brest, sát bờ biển. Khi hết chiến tranh, trở lại Versailles, thì ông nội của Claude được giao chức-vụ Trưởng Đạo (Rabbin) Do-thái. Nhưng gia-đình rất rộng rãi về vấn-đề tôn-giáo, và Claude, tuy không chối bỏ Đạo của Tổ-tiên, nhưng sống ở bờ ngoài của Tín-ngưỡng.

            Hưởng cái gia-tài hoàn toàn tinh-thần của ông và cha, Claude cũng vẽ và cũng học kéo đàn như cụ nội, nhưng tuy cũng đạt được một chút tài-năng, Claude sớm nhận ra rằng phải thực là có thiên-tài thì mới ngoi lên được trong nghệ-thuật. Ông còn giữ cho đến cuối đời lòng yêu hội-họa và một sự hiểu biết thâm-sâu về âm-nhạc, với một sự ham-mê đặc-biệt những đại nhạc-kịch mà Richard Wagner dựng lên về những huyền-thoại Đức và Bắc Âu. Nhưng ông không còn nuôi mộng trở thành một họa-sĩ hay một nhạc-sĩ nổi danh nữa.

Ông học ở trường không khó-khăn gì và đọc sách rất nhiều. Ông mê truyện Don Quixote  và đọc J.J. Rousseau, Balzac, các tiểu thuyết-gia Anh, Nga và Marcel Proust. Cha ông đã gần như bỏ nghề vẽ vì không còn kiếm tiền được bằng cây cọ, khi lòng hiếu kì của giới tiêu-thụ đã ngã hẳn về tranh của những phái mới: lập-thể, mãnh-thú, nguyên-sơ… mà ông cụ coi là loạn nếu không muốn nói là cuồng. Ông cụ làm và sửa đồ vặt-vãnh với những mảnh vụn gỡ ra từ đủ thứ đồ “đồng nát” bỏ đi và dẫn dắt Claude, con ông, vào nghệ-thuật “bricolage[i]”, mà sau này Claude sẽ làm thành thuật tạo-thoại (mytho-poeties).

[Danh-từ bricolage không có chữ tương đương, vì hình như nó là một cái thuật trong văn-hóa Pháp mà người Anh, người Đức không có. Nhưng tôi không thất vọng với văn-hóa đồng nát, mảnh chai, hàn nồi của Việt Nam và đã tìm thấy nó ở trong câu kết của Đoạn Trường Tân Thanh:

Lời quê chắp nhặt dông-dài
Mua vui cũng được một vài trống canh

“Bricolage Kiều” thuật chắp nhặt những vụn-vặt vỡ nát của cổ-văn và điển-tích để làm thành một bài thơ trường-thiên bất hủ của Việt-Nam.]

Nghỉ hè thì Claude theo cha mẹ về ở một cái nhà nhỏ ở vùng Núi Cévennes, một khu-vực hoang-vu và nguyên-sơ bậc nhất trong nước. Ở đó, ông đã gặp được ba maitresses, vừa có nghĩa là “bà thày” lại vừa là “người yêu”. Ông đi rạo trong những rừng núi, thấy những tầng lớp của vỏ trái đất mà các băng-hà đã mài trần ra trong những thiên-vạn-niên-kỉ của các địa-kì xưa, và thấy rằng cây của rừng già mọc lên theo địa-chất và đem theo tuổi của khí-hậu mỗi vùng. Địa-học (geology) là bà thày yêu thứ nhất của Claude.

Bà thày yêu dấu thứ hai của Claude là Phân-tâm-học (psychoanalysis), mà một bác-sĩ tâm-thần, cha của một người bạn, đã vỡ lòng cho ông ở cái  tuổi ông còn đang ở Trung-học. Ông đọc những sách của Sigmund Freud theo thứ tự của sự dịch-thuật sang tiếng Pháp và hiểu được rằng “những hiện-tượng (tâm-lí) nghịch-lí nhất cũng có thể phân tích được bằng lí-trí”. Sự quan-trọng của phương-pháp bắt đầu chớm nở từ đây.

Bà thày yêu-quí thứ ba của Claude là bộ Tư-bản Luận của Karl Marx. Ông được dẫn dắt vào sự tìm hiểu Chủ-nghĩa Xã-hội bởi một người mà cha mẹ ông đã quen biết khi ở Bỉ và đã từng là đảng-viên của Đảng Thợ-thuyền Bỉ.

Claude thấy chủ-thuyết của Marx cũng có một cái cơ-cấu (structure) giống như Địa-chất học và Phân-tâm-học, tuy chưa biết danh-từ ấy.

Nhưng còn phải tiếp tục sự học ở trường. Claude trở về Paris, và sau khi đỗ Tú-tài, ghi tên học những lớp dự bị để thi vào học Trường Cao-đẳng Sư-phạm, mà sau ông bỏ vì phải học văn Hellen (Hi-lạp) hoặc Toán cao-cấp, cả hai môn mà ông thấy là không hợp với ông. Và rồi ông ghi tên vào Đại-học ở Sorbonne khoa Triết, mặc dầu một thày Triết đã bảo ông rằng: “Như anh thì không có năng-khiếu về Triết-học, chỉ làm được cái gì ở cạnh mà thôi.” Ông cũng chưa thấy gì hấp dẫn trong nghề dạy học, mà học Triết hay Văn thì hầu hết các học-sinh đều thành những giáo-sư, chết mòn giữa một đống bàn ghế vô-tri. Ông đi học, và cùng bạn bè bị lôi cuốn vào trào-lưu chính-trị, tức là những hoạt-động Xã-hội Chủ-nghĩa trong thời ấy. Nhưng cũng không lâu, vì ông không đồng í với những chủ-trương làm chính-trị theo lí-thuyết mà không có căn-bản khoa-học và chống lại những ảo-vọng biến đổi xã-hội bằng cách-mệnh bạo hành, kiểu Lénin.

Những thắc-mắc và do-dự của tuổi trẻ  — Claude mới 18-20 tuổi — chỉ là những bước đầu để đi tìm một lẽ sống cho một cuộc đời. Sự thành nhân của Claude Lévi-Strauss mới chỉ qua giai-đoạn sơ-khởi. Ở trường, Claude vẫn học, nghe các giáo-sư thượng thặng của nước Pháp trong thời-đại huy-hoàng của học-thuật. Học Luật, thì Claude thấy Luật-học không khác gì Thần-học (Theology). Học Triết, Claude cũng có lúc hăng say, nhưng rồi thấy rằng Triết-học là một đấu-trường trên đó người ta đưa ra những “chưởng” không thực, rất hoa-mĩ và tinh-xảo mà thiếu gốc rễ trong lòng đất.

Từ 18 đến 20 tuổi Claude giật đủ bốn chứng chỉ Cử-nhân Triết, rồi một năm sau, lấy luôn cái Cử-nhân Luật (mà ông nói rằng ông vĩnh viễn rời bỏ vì “Luật-học làm cho tôi mụ người” – Le droit m’assommait). Ông còn hoạt-động chính-trị với các sinh-viên cùng thời-đại, xuống đường, viết báo, đả kích “những tên thanh-niên tóc dài nghĩ rằng chính-trị là từ những lí-thuyết thẩm-mĩ và sự vị-kỉ suy-đồi của chúng mà ra”. Đồng thời, ông đi làm việc vặt để kiếm tiền nuôi thân: lau dọn đồ đạc trong Viện Bảo-tàng Dân-tộc-học, làm thư-kí cho Nghị-viện, viết bài thuê cho các ông Nghị. Trong những ngày giờ rảnh rang, Claude viết luận-án và học để thi lấy bằng Thạc-sĩ Triết-học. Ông thi và đỗ thứ ba trên bảng có mười một tên, và chính ông lấy làm lạ rằng mình đã thành một triết-gia, ở cái tuổi rất trẻ là 23 năm. Claude vẫn đấu tranh, viết bài chống lại nền độc-tài của Stalin mà ông gọi là “sự thoái-hóa của cách-mệnh”, phê-bình những sách báo bôn-xơ-vích là “những trận bão lời rỗng tuếch để chửi bới thuyết dân-chủ xã-hội” (social-démocratie).

Ông được bổ đi dạy Triết ở một trường Trung-học tỉnh nhỏ và làm lễ cưới một người bạn học trước khi nhậm chức. Ông soạn bài dạy học rất cẩn-thận. Dina, vợ ông, cũng đang học để thi Thạc-sĩ và cũng sẽ đỗ năm sau. Nhưng Claude chán cái nghề cứ phải nhắc đi nhắc lại mỗi năm vẫn những bài cũ, í cũ, danh-từ cũ, rồi ngồi chấm thi, nghe cả trăm học-sinh lải nhải những cặn-bã của những cặn-bã mà ông và các đồng-nghiệp đã mớm cho họ mà họ không tiêu hóa được. Ông nói rằng trong thâm-tâm ông có “cái tri-thức của con người tân-thạch” (néolithique): đốt rừng làm rẫy, rồi bỏ đi, đốt rừng làm rẫy khác, chứ không mọc rễ cố-thổ ở một vùng đất nào.

Ông gặp gỡ Dân-tộc-học vào lúc này.

Ông đã đọc Durkheim, thủy-tổ được công nhận của Xã-hội-học và Nhân-chủng-học Pháp, và không chịu, vì ông cho rằng Durkheim còn vướng vấp triết-lí và đã xây dựng những thuyết về tôn-giáo sơ-khai quá sớm, quá vội, chỉ qua sách vở.

Cuốn sách đã làm ông bừng tỉnh là cuốn Xã-hội Sơ-khai (Primitive Society) của R.H. Lowie. Lowie không ngồi nhà đọc sách như Durkheim. Lowie tả những gì ông đã thấy và ghi lại những nhận-xét của ông khi ông sống với những dân-tộc bản-xứ chưa hề bị xâm nhập bởi các nhà thám-hiểm hoặc truyền-đạo Âu-Tây. Lowie không lập thuyết. Và Claude, đọc Lowie, thấy rằng mình có thể “hóa giải được cái sở-học với cái ước-vọng phiêu lưu” của mình và, hơn nữa, “hòa hợp được cái bản tính của tôi với cuộc đời tôi”. Claude Lévi-Strauss thăm dò, tìm hiểu và ngỏ lời với các Thày để xin giúp cho được đi xa, ra ngoài nước. Vừa đúng lúc nước Brazil (Ba-tây) tìm giáo-sư cho những Viện Đại-học mới mở. Claude được nhận cho đi dạy Triết-học ở São Paulo, cùng lúc và cùng chỗ với sử-gia F. Braudel, người trưởng-tràng Sử-học mới sẽ phát triển phái Annales (Biên-niên) về lịch-sử dài thời của “các xã-hội, các kinh-tế và các văn-minh”.

Những thám-hiểm và khảo-sát đầu tiên của Claude về những dân bản-xứ (“Mọi Da Đỏ”) ở Brazil đã được ông kể trong tác-phẩm Nhiệt-đới Buồn (Tristes Tropiques). Tác-phẩm này có một phần là tự-truyện và một phần là những biên-chép về những điều mắt thấy tai nghe. Và là một trong những tuyệt-phẩm văn-chương đáng lưu danh thiên cổ của thế-kỉ XX. Tuy không phải là tiểu-thuyết, nhưng ngay sau khi xuất thế, Triste Tropiques đã được các văn-gia lớn chào mừng, khen ngợi: “Một cuốn sách đầy tình người, một cuốn sách lớn.” (G. Bataille), và được Hàn-lâm-viện Goncourt[ii] nói rằng “rất tiếc đã không thể tặng được Giải vì Giải của Viện bắt buộc phải dành cho một tác-phẩm hư-cấu.”

Đọc Nhiệt-Đới Buồn như một áng văn, một quyển truyện, tôi thấy — hơn Rousseau, hơn cả Chateaubriand — Claude Lévi-Strauss đã tả cảnh kể chuyện, từ những khung trời lớn đến những túp lều cỏ bên bờ sông; từ những hội hè cổ truyền rực màu-sắc huyền-thoại tới những đằm-thắm tự-nhiên không bị những hủ tục của tôn-giáo và văn-minh đàn áp đậy điệm, không phải bằng con mắt và ngòi bút khách-quan của một nhà khoa-học, mà bằng tâm-tình của một người đã tìm thấy được nguyên-quán, quê-hương của tổ-tiên mình, để biết được  rằng nó đang chết, đang phải chết trong cái thế-giới nhiễu loạn vật-chất này. Tôi đọc Nhiệt-Đới Buồn và, cũng như đọc Linh-sơn của Cao Hành Kiện mới đây, hiểu được rằng đó là sự thật ở sau cái Huyền-thoại của Người Hùng đi tìm Gốc Nguồn, đi tìm Đất Thánh, đi tìm cây Kiếm Thần đã chìm sâu trong nước hồ của một Quá-khứ đã và mãi-mãi đang đi vào cái Hư-vô không tên. Nhiệt-Đới Buồn, nhưng ai buồn? Tôi lại nhớ lại hai câu Kiều mà Nguyễn Du viết khi Kiều đang đêm trốn đi vào sâu trong cái gọi là “định-mệnh” nhưng vô-định với người trong cuộc:

Đêm khuya, thân gái, dặm trường
Phần e đường xá, phần thương dãi dầu.

Ai thương ai, mà đã có ai thương?

Tôi không kể lại những bước đường của hai vợ chồng Claude và Dina Lévi-Strauss trong rừng rậm nhiệt-đới của xứ Ba-tây. Tên của các bộ-lạc thổ-dân, trừ dân Bororo mà tôi sẽ kể sau, là những tên mà ngữ-âm Việt-Nam chỉ thấy là những tiếng hỗn-độn vô-lí hoặc là những tiếng mách-qué, không tục-tĩu thì buồn cười.

Cuộc khảo-sát điền-địa đầu tiên của Claude chỉ có bốn tháng Đông (là Hè ở Nam Bán-cầu), và dẫn đến một bài nghiên-cứu về gia-đình, xã-hội, đời sống kinh-tế và văn-hóa Bororo, với hai bài viết về những cảm-nghĩ của một du-khách vào những hoang-vu của xứ sở. Hai con người của Claude Lévi-Strauss đã xuất hiện ngay từ những việc làm thiết-thực đầu-tiên này: nhà khoa-học, thận trọng trong sự ghi chép sự-kiện, và con người, với những xúc-cảm sâu-sắc trước những cái khác mình nhưng cũng Người như mình. Tuy-nhiên vẫn chưa thành Lévi-Strauss, vì Claude vẫn chưa có được cái chìa khóa để vượt qua cái Hình mà thấy được cái Lí, và vì vậy mà cảm tính chưa kết tinh được để thành tư-tưởng.

Học-giới ở Paris cũng chỉ mới nhìn nhận ông là một người có khả-năng về Dân-tộc-kí (ethnography), biết nhận xét, biết thu thập tài-liệu, trong khu-vực của những thổ-dân châu Mĩ. Ông thì đã thấy được rằng, tuy chưa được vào nghề (métier) nhưng đã có cái nghiệp (vocation): ông sẽ phải vào Dân-tộc-học (ethnology) để tìm được con người (Nhân-học, anthropology). Ông quyết định bỏ Triết-học và trở lại Ba-tây để học hỏi-thêm về những người còn bị gọi là “người sơ-khai” hay “nguyên-sơ”.

Ông đi, hay về Ba-tây hai lần nữa, chỉ để đến với những người sống trong tự-nhiên ở những nơi không có tên trên bản đồ, những bộ-lạc trần truồng, ngủ trên đất dưới bầu trời sao, nói những tiếng mà người văn-minh không biết làm cách nào để thốt ra cho đúng được. Con nít thì thực là dễ thương, và tất cả mọi người đều như nhau, nghĩa là không ai có một cái gì cả ngoài tình người mà họ phô diễn ra dưới ánh sáng mặt trời rồi cười vui, không e thẹn, không mặc-cảm tội-lỗi, là vì trời sinh ra thế. Một buổi tối, Claude ghi lại:

Người du-khách lần đầu tiên đến căn lều trong rừng sâu với những thổ-dân, cảm thấy thắt ruột và se lòng trước cái cảnh của một nhân-loại hoàn-toàn trần-trụi đến thế; hình như thể là họ đã bị nghiền nát, đè bẹp trên mảnh đất dữ dằn bởi một thiên-tai không biết tha thứ: họ trần truồng và rét run bên những đám lửa thoi thóp…Nhưng sự nghèo-khốn ấy vẫn có những tiếng thì-thào to nhỏ và tiếng cười. Các cặp trai gái ôm ấp nhau như nuối tiếc một-sự đồng-nhất đã mất; họ không ngừng vỗ về âu yếm nhau khi có kẻ lạ đi qua gần. Người ta cảm thấy ở tất cả những người này một sự tử-tế hiền-hậu bát ngát mênh mông, một sự vô-tư-lự sâu-sắc, một thứ mãn nguyện ngây thơ và đáng yêu của loài vật, và, thoát ra từ tất cả những cái ấy, một cái gì như là sự biểu-lộ cảm động nhất và chân thực nhất của Tình Người. (Nhiệt Đới Buồn).

Nhưng có những chuyện không may xảy ra cho phái-đoàn khảo sát, và Claude cùng vợ phải trở về. Ba-tây không còn hiếu khách nữa, và Paris còn tệ hại hơn. Là vì tình-hình chính-trị đã căng thẳng đến cực-điểm: người ta sống những ngày êm-ả cuối-cùng trước Thế-chiến II và sự chiếm-đóng nước Pháp bởi quân-đội Quốc-xã của Hitler.

Claude Lévi-Strauss hoạt động chính-trị, nhưng như rất nhiều nhà chính-trị, trong đó có những học-giả và chuyên-viên ở tầm vóc quốc-tế, không biết gì, không hiểu gì, gần như mù tịt trước thực-tế chính-trị. Với cái gốc Do-thái mà ông mang rành rành trên tên họ, Levi-Strauss vẫn chủ trương hòa-bình (pacifism). Bị động viên, ông còn đi tản bộ trước phòng-tuyến Maginot (ở trong phòng-tuyến là triết-gia Jean-Paul Sartre ngồi đọc sách và viết Nhật-kí Chiến-tranh). Nước Pháp đầu hàng vô điều-kiện sau 60 ngày chiến đấu và quân Đức vào duyệt binh qua Đài chiến-thắng của Napoleon dưới chân của Hitler, rồi nước Pháp bị chia đôi, miền Bắc bị Đức chiếm đóng và cai trị. Claude được đưa về miền Nam và còn ngây-ngô đến độ làm đơn xin được về nhiệm-sở cũ ở Paris để làm việc. Người thư-kí cầm tờ đơn của ông giáo-sư Do-thái phải trợn mắt lên vì sợ: “Về Paris, với cái tên của ông? Ông hết muốn sống rồi sao?” Claude dần dần hiểu ra, rằng mình đã lầm lẫn, và từ đó bỏ hẳn, không dây dướm đến chính-trị nữa.

Nhưng còn phải tìm đường sống. Loanh quanh, ngơ ngác, vô lối, vô phương. Không ai tại chỗ dám công khai giao thiệp với một người Do-thái3. Đang lúc thất vọng, thì được thư của hai ông Thày cho biết rằng Rockefeller Foundation của Mĩ lập ra một ủy ban cứu các khoa-học-gia Âu-Châu bị đe dọa tính mạng. Einstein ở Đức đã được đưa sang Mĩ. Claude Lévi-Strauss chưa ở cái cấp của Einstein, vì quá-khứ còn quá mỏng manh, nhưng trong đường cùng, ông cũng ghi tên xin được đi. Những rắc rối, khó-khăn từ-từ được giải quyết. Cuối-cùng, ở cảng Nữu Ước (New York), Claude bị giữ lại vì trong hành-lí có những tài-liệu về những thổ-dân da đỏ ở Ba-tây, bản đồ (vẽ tay), ngôn-ngữ kì-quặc bị nghi là mật-mã,…và ông giáo-sư tị nạn phải vào tù mất ba tuần để điều tra xem có phải là “do thám của Đức” hay không! Chuyện mất nước vượt biên và xin tị-nạn mỗi thời một khác, nhưng sự đau-khổ chung thì làm người, ai cũng như ai, dầu là Einstein, là Claude Lévi-Strauss hay là Trần Ngọc Tèo, Nguyễn Văn Cột…

Trước con mắt của Claude, Nữu Ước là một kì-quan: một cõi sống không quá-khứ (thành phố mới chưa đầy 200 tuổi) nhưng sức sống nhung-nhúc, đi qua vài phố thì cơ hồ như thoắt đi từ nước Hòa-lan đã sang nước Í (Italia), rồi vào tỉnh Tàu. Hình như thế-giới đã tập trung ở đây.

Có khoảng sáu chục giáo-sư người Pháp tụ tập trong thành phố. Họ quyết định không tản mác đi vào các trường Mĩ, và lập ra một trường Tự-do Cao-học với nhiều phân-khoa. Trường dạy tiếng Pháp. Claude vừa dạy ở Viện Xã-hội học vừa tìm tài-liệu, không những ở những điều mắt thấy tai nghe tại Ba-tây, mà còn ở những báo-cáo từ khắp nơi trên thế-giới tại Thư-viện Công-cộng của New York. Và ông mua được, bằng tiền nhịn ăn dành dụm, một bộ những báo-cáo thường-niên, từ quyển 1 đến quyển 48 của Văn-phòng Dân-tộc-học Hoa-kì, ở một hiệu sách cũ. Bộ này sẽ là cái nền trên đó Claude Lévi-Strauss xây dựng cái lâu đài Huyền-thoại Lí-học (Mythologiques), gồm bốn quyển.

Claude là người của sách vở từ nhỏ. Kinh sách là truyền-thống của Dân-tộc Do-thái. Những tiếp-xúc điền-dã thực tế đã nhồi sức sống vào những báo-cáo vô cùng phong-phú nhưng cũng vô cùng rối-ren, không thứ-tự, của các Hội khoa-học, và phải có một sự kiên-nhẫn vô-song nếu không có sự đam-mê hơn là nghiện-ngập.

Thời gian tạm trú ở New York là giai-đoạn chót của sự thành Đạo với Claude Lévi-Strauss.

Khi còn là lính, đi dạo và nằm chơi trên một bãi cỏ sau chiến-tuyến Maginot, Claude thấy những bông hoa pissenlit (dandelion) với cả ngàn cái tơ tua tủa ra thành một quả bóng trắng toàn-mĩ, thì bỗng nhớ lại những tầng-lớp của núi đá và thoáng thấy rằng vạn vật đều có một kiến-trúc bên trong. Nhưng đây mới chỉ là một rung-động thẩm-mĩ pha lẫn một thoáng nghĩ khoa-học. Một vài kinh-nghiệm bản-thân nữa, với các dân-tộc man dợ và với sách vở (một nghiên-cứu của M. Granet về thân-tộc ở Cổ Trung-hoa) đã dẫn ông đến gần ngưỡng cửa của sự Giác-ngộ.

Ở New York, Lévi-Strauss gặp gỡ những thi-sĩ và họa-sĩ lớn, người Pháp, những người đã lập ra phái siêu-thực (surrealism) lí-thuyết và thực-hiện. Ông hiểu được rằng cái thực-tại trước mắt cũng có một í-nghĩa thầm-kín. Và ông hiểu nghệ-thuật của các dân-tộc sơ-khai là một nghệ-thuật không những đẹp mà luôn luôn hết sức nặng nội-dung.

Sự gặp-gỡ thứ hai, tạo ra một ấn-tượng sâu xa đến Claude, là với Franz Boas, một Giáo-sư gốc Đức đã lập ra ở Hoa-Kì, một trường-phái Nhân-học lớn. Boas là một đại-học-giả và một trí-thức Thanh-tâm (puritanist) nghiêm-khắc. Sau khi khảo cứu về ngôn-ngữ, phong-tục, đời sống kinh-tế và xã-hội của một số lớn các dân-tộc gọi là “da đỏ” ở Mĩ, ông dạy rằng không có ngôn-ngữ nào kém hay hơn, không có phong-tục nào dở hoặc hay, không có nghệ-thuật nào thua hay thắng, dân Cherokees cũng như dân Hopi và cũng như dân Nga, dân Đức, dân Anh, dân Do-thái. Văn-hóa mỗi dân-tộc là sự thực-hiện một triết-lí sống đã được cấu thành ở một vùng đất, trong một khí-hậu, dọc một lịch-sử. Đem một người Mọi đến ở Nữu Ước, hay một người Mĩ sinh trưởng ở Nữu Ước đến một làng Mọi, không biết ai sẽ chết trước ai!

Người thứ ba là cái duyên gặp gỡ trời dành cho Claude Lévi-Strauss để Lévi-Strauss ngộ. Tự thành.

Roman Jakobson là một người Nga. Xuất thân là một nhà phê-bình thơ, ông hiểu được ngôn-từ thơ và ông hiểu được nhạc trong thơ. Ông lập ra phái Hình-thức (formalism), rồi phái Vị-lai (futurism) và là bạn của các thi-sĩ lớn như Mayakovsky, Pasternak. Stalin đích thân lên án sự phê-bình mới và đuổi ông ra khỏi nước. Ông chạy sang Tiệp-khắc (Cheko-Slovakia) và cùng vài người bạn lập ra Hội-đoàn Ngữ-lí Prague (Linguistic Circle of Prague). Cơ-cấu-pháp (structuralism) không khai sinh ở đây, nhưng ở đây, Jakobson và các bạn của ông đã làm rung động học-giới Âu-Tây bằng Ngữ-lí-học cơ-cấu (Structural Linguistics). Sau đó, ông cũng trốn sang Hoa-kì và ở hẳn Hoa-kì, làm một giáo-sư  khoa Ngữ-lí ở Viện Kĩ-thuật học Massachusetts (M.I.T), một ngọn núi tối-cao của Hoa-kì, tương đương với Học-viện Pháp-quốc của Pháp và Viện Khoa-học Planck của Đức.

Jakobson đến trường Tự-do Cao-học nghe những bài giảng của Lévi-Strauss về  những hệ thân-tộc (kinship, parenté) và khi Jakobson lại trường để giảng về Ngữ lí-học “Từ âm thanh đến nghĩa-lí” (From Sound to Meaning), thì Lévi-Strauss vào ngồi để học. Những gì đang âm-ỉ trong trí óc của nhà dân-tộc học bung ra và kết hoa, kết trái. Ông bừng thấy rằng trong vô-thức, tâm-trí đã có những cơ-cấu luận-lí (logical structures) và rằng các nguyên-tố không tự-chúng nó có í-nghĩa, mà í-nghĩa là ở những liên-hệ và tương-quan giữa những nét dị-biệt[iii] (distinctive traits) của các nguyên-tố. Những điều phi-lí mà ông thấy ở những dân-tộc sơ-khai trở nên có lí và có nghĩa-lí. Cơ-cấu-pháp là cái chìa khóa để mở cái hình-thức mà vào cái nội-dung, phá cái nghĩa đen để thấy cái thực-chất. Cái thực-chất ấy mà ông đang tìm để hiểu, là cái tâm-trí (l’esprit) của con người mà người phàm thường gọi là cái tinh-thần. Ông đã Ngộ.

Ngộ, không phải là sự gặp-gỡ với Jakobson. Những trao-đổi với Jakobson dù quan trọng đến đâu cũng chỉ mới là cái duyên. Như ở một tầng lớp siêu-đẳng, Thích-ca Cồ-đàm, sau năm năm khổ tu ép xác trong rừng, đã ngã gục và ngất đi rồi được nữ Bồ-tát đút cho một cái bánh sữa để tỉnh dậy, không phải là tỉnh ra ngoài sự ngất vì kiệt sức thôi, mà là tỉnh ra khỏi giấc mê rằng khổ tu có thể đưa đến sự toàn-giác. Trung-đạo bắt đầu nẩy mầm từ điểm ấy. Sự Ngộ đến sau, ở gốc cây Bồ-đề, khi Ngài từ bỏ cả phép thiền vô-sắc của hai Đạo-sư đã dạy Ngài và trở về phép thiền tự-nhiên mà Ngài đã trải qua khi mới lên sáu lên bảy. NGỘ là sự thấy chính mình, NHƯ LAI, CHÂN-NHƯ, để truyền lại cho những đời sau. Claude Lévi-Strauss ngộ cũng như thế. Ngữ-lí-học cơ-cấu của Jakobson là cái mồi lửa đã thắp lên bó đuốc trong tâm của Claude Lévi-Strauss.

 

Hết bài I, xin xem tiếp bài II — “Sự-nghiệp Khoa-học (Nhân-học Văn-Hoá)”


 

 

 

 



[i] Bricolage – Không ai biết từ đâu mà có danh-từ này và các từ tiếp-nhánh (bricoler, bricoleur…). Tôi đưa ra giả-thuyết rằng /bric/ là tách từ /bric-à-brac/, rồi cộng với /collage/, ‘thuật dán giấy bằng keo’ (colle): chắp dán những “mảnh vụn vứt đi” (bric).

Lévi-Strauss đối người chắp nhặt với người kĩ-sư, và nói rằng người chắp nhặt “xoay sở cho xong với những gì có dưới tay?” Anh ta “sử dụng một đống những gì còn lại từ những đồ do người ta chế tạo ra, tức là một di-sản văn-hóa” (Tư-tưởng Hoang-dại)

 

[ii] Hàn-Lâm-viện Goncourt, một hàn-lâm-viện tư, do hai anh em Goncourt, cùng là nhà văn, lập ra, được giới viết văn Pháp coi là có óc tân-tiến, đáng trọng hơn cả HLV Pháp-quốc.

 

[iii] Các âm-vị (nguyên-âm, phụ-âm) của ngôn-ngữ không có bản-thể và khác nhau vì những nét dị-biệt, tức là những liên-hệ làm cho có thể phân biệt, chẳng hạn [b] khác [v], [i] khác [e].

Lévi-Strauss đặt ra những “thoại-vị” (mythemes) và những “nguyên-tử thân-tộc” (atoms of kinship).

 

Comments