posted Feb 17, 2010, 10:48 AM by Quốc-Anh Vương
[
updated Feb 17, 2010, 10:47 AM by Chí-Thông Nguyễn
]
Hành Trang Và Hành Trình Vào Văn
Hoá Dân Tộc (Bài 4)
(Đã đăng trên Tập san Tư Tưởng số 9)
Một hình
thức rất cao, nếu không phải là tối cao, của văn hóa trong loài người
là nghệ thuật.
Nghệ thuật là một hoạt động văn hóa mà người ta
nhận biết nhưng chưa có ai định nghĩa được.
Anh
Trương Chi chèo con thuyền trên sông mỗi buổi sáng còn tinh sương. Anh
cất tiếng hát đưa đẩy mái chèo, hát để lấy nhịp, hát cho ấm người, hát
vì thấy trong lòng thảnh thơi khoan khoái. Tiếng hát trên mặt sông vang
lên đến cửa sổ hé mở ở lầu Tây, và cô Mị Nương mở cửa rộng ra để nhìn
xuống. Nhưng cửa sổ không trông ra phía sông, và nàng chỉ nghe thấy
tiếng hát thực trong, thực thanh, thực cao, thực ấm từ xa xa tiến đến
rồi lại từ từ ra xa, xa mãi, mà ngọn gió sớm vẫn thoang thoảng đưa lại
một vài mảnh của bài hát đang loãng dần trong khoảng cách đang tăng
thêm.
Một bộ lạc ở cánh đồng bên bìa rừng
và chân núi, họ sửa soạn vào lễ mở đất. Trời cuối đông còn lạnh lẽo,
trên mặt đất còn những vũng nước váng băng và vài mảnh tuyết mỏng đó đây
trên những gò đất; gió núi thổi những lá rừng bay xào xạc đầy đồng.
Trai gái náo nức ăn uống từ đầu đêm để kịp bận đồ cho đẹp và trang sức
cho màu mè, hoa mĩ. Quanh vòng bụng đánh đai, những váy lá gồi cho con
gái, những lá đủ các loại cây rừng cho con trai. Trên đầu quấn những
vành lông chim, anh tù trưởng có những lông chim dài nhất. Cổ con gái
đeo người năm, người ba, những chuỗi hạt dẻ đen nhánh hay những vỏ sò mà
trong năm, có những người miền bể đã đem đến để đổi chác lấy thịt rừng
hay trái dại đem đi. Tảng sáng thì tất cả mọi người đã có mặt ở giữa chỗ
đồng không, chờ mặt trời ló dạng, người tù trưởng đập vào miếng da bò
và hô lên một tiếng, tức thì đám người đang tụ tập ấy chuyển động, làm
thành một cái vòng lớn, trai một bên, gái một bên, vừa đi vừa vỗ tay hay
gõ những thanh gỗ, vừa thốt ra những thanh âm tiếng cao tiếng thấp,
theo nhịp chân khi bước một, khi chạy rào rào. Họ nhẩy, múa, hò, hét,
đổi cách, đổi chỗ, nhưng vẫn nhịp nhàng, kể cả những lúc làm bộ cuồng
nhiệt, hung dữ, náo loạn. Bộ lạc vào lễ mở đất, Ngày mai đây trời sẽ ấm
dần trở lại, những ngọn cỏ non sẽ tự nhiên trồi lên, các cành cây sẽ mọc
ra những búp xanh tươi, chim non sẽ kêu chiêm chiếp khắp nơi, thú rừng
lại ẩn hiện bên những lạch nước róc rách, trời đất lại có mầu, và rì rào
sống lại.
Nghệ thuật là tiếng lòng phát
ra khi trong lòng tràn ngập những tình, những ý quá diệu, quá mạnh, mà
sự phát biểu thông thường không có cách thức hay không đủ khả năng để
bộc lộ ra trung thực và đúng mức, cho xứng với sự xúc cảm đang rào rạt,
sự hân hoan hay đau khổ nung nấu trong tâm, muốn nổ tung ra để san sẻ
với những ai đồng điệu hay cho đầy ắp không gian. Sự phát biểu nghệ
thuật thường là đẹp, thứ nhất là vì, như Kant (3) đã nói, cái đẹp nghệ
thuật không vụ lợi, hay đúng hơn nữa, ở trên và ra ngoài cái lợi ích qui
ước của xã hội; sau là vì sự phát biểu bởi hình thức nghệ thuật phải
tương xứng với nội tâm của nghệ sĩ (không bắt buộc phải là người chuyên
nghiệp); và cuối cùng là vì trong sự phát biểu nghệ thuật, tức là một
sáng tác, nghệ sĩ phải vượt lên trên cái tâm tư riêng của mình để tạo ra
tác phẩm có tính cách hoàn vũ (universal), trong đó những người khác
thấy phản ánh chính họ, và vì thế họ hòa đồng được, dầu không sống cùng
thời hay trong cùng một cảnh ngộ.
Tôi có
nói ở ngay đầu phần này là không ai giảng được nghệ thuật, hơn nữa chưa
ai định nghĩa được cái đẹp trong nghệ thuật, và có lẽ không bao giờ
triết lí hay khoa học có thể giải được sự diệu kì của sự sáng tạo. Những
điều tôi vừa viết ở trên không có tham vọng làm được cái việc mà tôi
vừa khẳng định là không ai có thể làm được. Ðây chỉ là những ý nghĩ thô
thiển mà cho đến nay, tôi vẫn giữ riêng cho tôi. Nhưng vì nói đến nghệ
thuật như một hoạt động văn hóa, nên phải trình bày cái quan niệm của
mình về nghệ thuật.
Dĩ nhiên liều lĩnh đến
đâu cũng không ai dám nói rằng có một loài hay một con vật nào có thể
làm một cái gì mà ta gọi được là nghệ thuật.
Con
chim đại bàng xòe cánh lượn trong mây; con vượn đu mình từ một cành cây
này sang một ngọn cây khác; con ngựa đua phóng như bay khi gần về tới
đích; con họa mi cất tiếng hót thành một chuỗi âm cao vút và trong như
những hạt trai đang đổ vào một cái bát ngọc ... Ðó là những cái tuyệt
đẹp tuyệt diệu mà không bao giờ có thể có một ai trong loài người dám mơ
tưởng là làm được trong muôn một. Nhưng đấy không phải là nghệ thuật,
không phải là cái đẹp của nghệ thuật.
Người
ta có thể tập cho một con yểng, con vẹt hay con khướu biết nói một vài
câu tiếng người như người; có thể luyện cho một con chó biết đi hai
chân; có thể dậy cho một con khỉ biết đạp xe đạp; có thể nuôi một con gà
cho nó biết chọi với tinh thần của một võ sĩ quyền anh hay một thiền sư
Thiếu lâm. Những con vật này được luyện, nghĩa là được nhồi cho một số
phản xạ có điều kiện của Pavlov, nhưng chúng có tài ba đến đâu, ta cũng
không thể nói là có nghệ thuật trong sự trình diễn của chúng.
Vậy thế nào mới nói được là nghệ thuật ở hàng súc vật?
Tôi chỉ biết có một trường hợp đã được đưa ra
với nhãn hiệu ấy.
Ann Sanders, một nhà nữ
sinh vật học Mĩ chuyên tìm học về loài khỉ, một bữa vui chân xách cái
máy ảnh vào sở thú ở Bronx, New York. Thói quen, hay một sự cám dỗ nghề
nghiệp, dẫn bà đến chỗ nuôi khỉ. Ðó là một cái gò, chung quanh là hào
sâu có nước, trên gò có cây có cối, và có những tảng đá dựng lên cho khỉ
ngồi chơi gãi ngứa, bắt rận. Bà mải nhìn xem và quên mình trong sự say
ngắm. Bỗng thấy ù ù tiếng sấm, và rất nhanh, mây đen kéo đến phủ kín một
góc trời, rồi những giọt mưa nặng hột rơi xuống. Bà định rút vào một
cái chòi có mái ở gần đấy thì thấy mấy con khỉ bỏ chỗ ngồi; con chạy,
con bò ra giữa khoảng đất bằng phẳng. Chúng nhảy nhót, cà tưng, có vẻ
khoái trá. Các con khỉ khác cũng chạy cả ra giữa đồng, gia nhập cuộc
nhảy. Một vài con nắm tay nhau, xoay một lúc gần thành một vòng tròn. Sự
vui vẻ chung không thể chối cãi được. Mặc kệ trời mưa, nhà nữ sinh vật
học rút máy ảnh ra chụp lia lịa, hết cuộn phim còn lại, chỉ hận rằng
không mang máy quay phim đi theo. Mưa bóng mây, một lát là cạn nước,
trời tạnh, và lại quang đãng.
Những tấm
ảnh đẹp nhất của màn khiêu vũ dưới mưa được in trong cuốn sách về loài
khỉ mà tôi đọc thoáng trong một hiệu sách cũ.
Tác
giả viết rằng đây là bằng chứng về sự chớm nở của nghệ thuật.
Có thể thế được không nhỉ?
Ðây
là sự phát biểu hồn nhiên của một sự vui thích gây ra trong một đàn khỉ
bởi một trận mưa thình lình. Loài khỉ biết nhảy nhót và chạy tung tăng,
nhưng ta thường chỉ thấy một con loạng choạng hoặc dăm ba con lảo đảo
một cách hỗn loạn, không rõ vì một kích thích gì. Còn như cả một đàn kéo
nhau ra cùng đú đởn, cùng nhảy cỡn theo nhau, dưới những hạt mưa đột
nhiên rào rào từ trên cây đổ xuống, thì quả là một cảnh hiếm có, bất ngờ
và chắc rằng đã làm cho nhiều người có mặt bữa ấy cùng một lúc với nhà
nữ sinh vật học phải chú ý và ít ra cũng phải có vài cặp hay vài đám
thấy hay hay chỉ chỏ cười đùa.
Hành vi của
đàn khỉ nhảy nhót trong mưa rõ ràng là vô tư, không lợi lộc. Sự vui
thú, khoái lạc là cái động lực chung độc nhất đã đẩy chúng ào ào ra sân
nhẩy nhót, bỏ gốc cây, bỏ hòn đá, bỏ gò đất cạnh đó. Chúng ngồi tuơng
đối im lìm lúc cơn mưa chưa tới, có con cả đến hơn tiếng đồng hồ không
buồn nhóc nhách. Cơn mưa đột ngột đã thức tỉnh chúng vào một màn vũ liên
hoan không dự tính, như xuất thần, như đột hứng, như ứng hưởng, như bốc
đồng. Một con có lẽ đã nhậy cảm hơn tất cả và hứng khởi sớm nhất. Sự
đột xuất của nó như khêu lên một cái gì âm ỉ, được ủ ấp đã cả ngàn vạn
năm nhưng chỉ mới le lói chập chờn, bỗng bừng lên, bung ra, làm cho con
này, rồi con kia, rồi tất cả đùng đùng tập tễnh chạy ra hòa mình vào
trong một trận quay cuồng long trời lở đất, dưới những hạt mưa rơi xuống
rào rạt, lộp bộp. Nghệ thuật đã được khai sinh.
Huệ
Tử và Trang Tử đứng trên một nhịp cầu nhìn xuống dòng nước trong veo
lanh tanh chảy trên những hòn cuội hói đầu nhấp nhô dưới đáy khe. Mấy
con cá lăng xăng quẫy đuôi bơi ngược bơi xuôi, lội ngang lội dọc. Trang
nói : - Này Huệ, nhìn xem đàn cá nhởn nhơ vui
đùa với nước, sung sướng lắm thay, thích thú lắm thay?
Huệ Tử nói : - Anh Trang! Anh
không phải là cá, làm sao anh biết được là cá nó thích thú, sung sướng?
Trang Tử đáp : - Anh
Huệ! Anh không phải là Trang, làm sao anh biết được là Trang biết con cá
nó thích thú, sung sướng?
Nghệ thuật còn
là cái có thể gọi được sự hòa đồng của những tâm hồn không đóng kín.
Người ta gọi là cái sức quyến rủ, lôi cuốn, thu hút, cảm hóa. Những sức
này không có trong thế giới vật lí của Newton và Einstein.
Nghệ thuật thuộc về văn hóa.
Nhưng
vũ điệu dưới trời mưa của đàn khỉ ở sở thú Bronx có thực là cái búp non
của nghệ thuật không ? Ðã là văn hóa chưa ?
Tất
cả những sự kiện mà tôi đã kể ra đều không phải là văn hóa.
Tại sao ?
Tại vì một lí
do căn bản : Văn hóa là của loài người. Loài người tạo ra văn hóa và văn
hóa bao trùm, thấm nhuần đời sống của loài người. Ngoài các cộng đồng
và xã hội người ra, không ở đâu có văn hóa.
Darwin
với thuyết tiến hóa, Pavlov với thuyết phản xạ điều kiện, và gần đây
nhất, chủ thuyết xử sự (behaviourism) trong tâm lí học đã tấn công vào
lâu đài văn hóa nhân bản và nhiều lần tưởng rằng việc công phá đã sắp
chọc thủng được thành quách của nhân học văn hóa (cultural
anthropology), nhưng quan niệm văn hóa nhân bản vẫn đứng vững, vẫn tiếp
tục xây dựng vững chãi hơn, đồ sộ hơn, và đang biến chất để thành văn
minh.
Văn hóa chỉ là của người. Người là
con vật độc nhất có văn hóa. Văn hóa cũng là gốc của văn minh. Văn minh
là giai đoạn kế tiếp của văn hóa và trong hiện tại, vẫn chỉ là một cái
đích mà loài người đang tiến tới, một cái đích còn xa vời và còn mờ ảo, ở
trong cõi mộng tưởng.
Ðây không phải là
chỗ để tôi có thể nói rõ hơn về những vấn đề này - vấn đề lịch sử các
khoa học trong cận đại và hiện đại, vấn đề lịch sử văn hóa của các xã
hội người - vì đây là những giòng nước ngầm của lịch sử mà một tủ sách
chưa chắc đã đủ để phác họa ra những khúc uốn éo quanh co.
(1) Von Frisch, K. : Naturwissenschaften, 35 : 12-23, 38-43
(1948). Von Frisch, K. : Bees - Their Vision, Chemical Senses and
Language (Cornell Univ. Press, Ithaca, N.Y. 1950)
(2) Donald Corffin Giáo sư ở Florida, rồi tại MIT, Cambridge, Massachusetts.
(3) Kant, I. - Kritik der Urteilskraft (Critique
du Jugement, Phê bình sự Phán xét, 1790), Immanuel Kant (1724 - 1804),
triết gia Ðức, là một trong những nhà tư tưởng lớn và có nhiều ảnh hưởng
sâu xa nhất trong nền học thuật của Tây phương.
[A] Ðề nghị : (Ðường) quả rọi = Vertical/Verticale
(Ðường) chân trời = Horizontal/Horizontale
|
|