in English and in Vietnamese. Compiled and translated by Nguyễn Đại Thanh. Trong công việc dịch thuật từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ kia, lãnh vực khó khăn nhất là thơ. Tài giỏi đến đâu, người dịch cũng không thể nào chuyển được cái hồn thơ, cái vần điệu nguyên tác sang một ngôn ngữ khác. Nếu thơ dịch không hẳn “phản” lại thơ nguyên tác, thì thơ dịch chỉ có thể là một “hóa thân” bất đắc dĩ, kém ý vị đi nhiều của nguyên bản. Thú thực, tôi đều cảm thấy như thế mỗi khi “dịch” xong một bài thơ ngoại ngữ sang tiếng Việt hoặc ngược lại. Nhưng nhu cầu dịch thơ vẫn còn đó, do đòi hỏi của trào lưu giáo dục hoàn vũ. Biết rằng mình không thể đòi hỏi gì hơn trong thơ dịch, tôi chỉ cầu mong thơ dịch đừng đi quá xa thơ nguyên tác về ý nghĩa, về thông điệp gửi gấm trong đó. Được như vậy là hài lòng lắm rồi. Và tôi thực hài lòng sau khi xem kỹ cuốn VIETNAMESE POEMS in English and in Vietnamese mới xuất bản của ông Nguyễn Đại Thanh, một nhà giáo kỳ cựu vừa hồi hưu sau cả một cuộc đời dạy tiếng Anh tại quê nhà và tại Hoa Kỳ. Cuốn sách trình bày giản dị và trang nhã, chứa đựng 48 bài thơ nguyên tác của các thi sĩ Việt Nam nổi tiếng và các bản dịch của chúng sang Anh ngữ. Mở cuốn sách ra, người đọc sẽ thấy thơ nguyên tác nằm trên các trang bên phải và thơ dịch nằm trên các trang bên trái, song song với nhau trong toàn bộ cuốn sách, rất tiện cho việc thưởng lãm và so sánh văn bản. Điểm son nổi bật là dịch giả Nguyễn Đại Thanh đã chuyển ý nghĩa các bài thơ tiếng Việt sang văn xuôi tiếng Anh khá trung thực, qua một văn phong giản dị và sáng sủa, một cú pháp vững vàng, và một sự lựa chọn từ vựng cẩn thận. Xin cử ra đây một thí dụ điển hình cho nhận định vừa nói. Đoạn đầu trong bài thơ “Ông Đồ” của Vũ Đình Liên: Mỗi
năm hoa đào nở
được dịch giả chuyển sang tiếng Anh sát nghĩa như sau (trang 16): Every
year, when peach blossoms were in bloom
Những từ ngữ đặc biệt Việt Nam khó chuyển sang tiếng Anh như “đuôi gà cao”, “dải yếm đảo”, “quần lĩnh”, “áo the”, và “nón quai thao” trong thơ Nguyễn Nhược Pháp (trang 43) hoặc “dậu mùng tơi xanh rờn” trong thơ Nguyễn Bính (trang 69) được dịch giả lần lượt chuyển thành “ponytail”, “peach-colored halter”, “taffeta pants”, “gauze dress”, “large, round, fringed hat”, và “verdant basella hedge” một cách đáng tin cậy. Để giúp người ngoại quốc hiểu rõ thêm ý nghĩa các bản dịch, dịch giả cung cấp một số cước chú ngắn gọn bằng tiếng Anh về phong tục Việt Nam. Chẳng hạn trong bản dịch bài thơ “Bạn Đến Chơi Nhà” của Nguyễn Khuyến, câu “Đầu trò tiếp khách trầu không có” được chuyển thành “Even betel leaves and areca nuts are not available to welcome you” với một chú thích nơi cuối trang như sau: “Customarily, hosts invited guests to chew betel leaves, areca nuts, and some lime paste. This custom is still practiced by many, especially in rural areas in Vietnam” (trang 78). Cuốn sách song ngữ này là một đóng góp đáng ngợi khen của một nhà giáo Việt Nam tận tụy với nghề nghiệp vào kho tàng tài liệu học tập cho cao trào giáo dục đa văn hóa, đa ngôn ngữ tại Hoa Kỳ. Người đọc sẽ thấy trong đó những nét đặc thù rất đáng ái mộ của nếp sống dân tộc Việt nam, trong thời bình cũng như trong thời loạn, qua những bài thơ phổ cập của các thi nhân nổi tiếng như Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Thế Lữ, Đinh Hùng, Cung Trầm Tưởng, vân vân. Đây cũng là một cuốn sách rất hữu ích cho giới trẻ Việt Nam sinh trưởng tại hải ngoại, không giỏi tiếng Việt, nhưng muốn về nguồn qua thi ca của quê cha đất tổ. Đàm Trung Pháp
[Đăng trên báo Ngày Nay, Houston, ngày 15 tháng 11, 2005]
|