Đàm Trung PhápTôi phải nói ngay đây là một cuốn sách hấp dẫn lạ thường. Tại sao tôi dám quả quyết như vậy? Thưa là vì tôi đã bị cuốn sách này của Bác Sĩ Lê Văn Lân cho vào “mê hồn trận” ngay từ mấy trang đầu, không thể bỏ nó xuống được. Có thể nói “ma lực” của cuốn sách đã khiến tôi dẹp ngay cái công việc khẩn cấp là chấm bài thi ra trường của các sinh viên sang một bên, không một mảy may e ngại, để ngồi đọc hết luôn cuốn sách một cách thú vị và bổ ích vô cùng. Tôi đã học hỏi được rất nhiều từ cuốn PTVN mà tác giả đã ưu ái gửi tặng. Và khi ôm ấp cuốn sách đó trong tay, tôi có ngờ đâu là mình đã tìm thấy cho mình một gốc rễ tinh thần cũng như một lạc thú tâm linh hiếm quý!Quả thực, qua một lối viết vừa hấp dẫn vừa uyên bác, cuốn biên khảo này đã phơi bầy ra một cách rành rẽ cái tiềm thức tâm linh kỳ bí của người Việt, một điều mà quý vị cũng như tôi rất muốn tìm hiểu nhưng chưa có phương tiện, vì như chúng ta đã rõ, các tài liệu trước đây viết về nếp sống người Việt thì chỉ đề cập sơ sơ và mơ hồ về thế giới tâm linh kỳ bí này. Để tránh mọi hiểu lầm, tôi xin thưa cùng quý vị rằng PTVN là một công trình biên khảo nghiêm túc về văn hóa dân tộc, và tác giả của nó, một y khoa bác sĩ, tuyệt đối không phải là một đạo sĩ hay pháp sư tuyên truyền về dị đoan trong sự trị bệnh. Như ông đã xác quyết trong phần mở đầu cuốn biên khảo, “Chúng ta thiết tưởng phải gột bỏ định kiến coi bùa chú là ‘dị đoan’ mà chúng ta nên có thái độ mở rộng tâm trí mà nghĩ rằng đó là những vấn đề thuộc phần tiềm thức hay linh thể trong lãnh vực của một nền văn hóa cổ xưa, và đường hướng thích nghi nhất là phải điều tra, khảo sát và phân tích cái nền tảng tín ngưỡng của dân Việt Nam ta qua giòng lịch sử triết lý và văn hóa” (trang 34). Dưới con mắt của tôi, một nhà giáo đã dạy học hơn ba chục năm tại Mỹ, cuốn biên khảo này có nhiều ưu điểm lắm, và hầu như hội đủ những tiêu chuẩn quan yếu nhất của một sách giáo khoa (textbook) có giá trị cao trong các trường đại học xứ này. Thứ nhất, PTVN là một cuốn sách rất “dễ dùng” (user-friendly), nhờ vào in ấn trang nhã, hình ảnh hấp dẫn, chữ in khổ lớn dễ đọc, sự phân chia nội dung của sách ra từng phần và từng chương rất hợp lý và nhất quán, và năm trang mục lục chi tiết ở ngay đầu cuốn sách là điểm son cho tiêu chuẩn này. Nhìn vào mục lục đầy ắp chủ đề hấp dẫn được xếp đặt mạch lạc, người đọc sẽ có cảm tình ngay với cuốn sách này và thêm tin tưởng vào khả năng trình bầy những kiến thức, những phát hiện mới của tác giả một cách có hệ thống. Thứ hai, nội dung được thể hiện một cách trong sáng (lucid exposition) để người đọc hiểu ngay, và có mối liên kết lớp lang (cohesion) để người đọc có được cái nhìn toàn diện mạch lạc để tránh khỏi bị hụt hẫng. Văn phong của tác giả luôn sáng sủa, thanh lịch, bình thản, với những ẩn dụ nên thơ rải rác đó đây. Đáng quý thay lời nhận định khiêm cung của tác giả khi ông thấy các công trình đồ sộ của người Trung hoa, Nhật bản, và Tây phương nghiên cứu về pho kinh điển của Đạo giáo: “Nhìn lại công trình khảo sát của thiên hạ, chúng ta mới quả thấy mình như chim chích lạc vô rừng sâu” (trang 19). Nhưng con chim chích khiêm hạ đầy thiện tâm thiện chí này đã mạnh bạo một mình bay vô cõi rừng u linh ấy, mê say học hỏi trong một thời gian đằng đẵng, rồi bay ra khỏi cánh rừng để chia xẻ những điều đã học hỏi được một cách lớp lang tuần tự, trong đó các nhận định, các suy tư dính chặt vào nhau như keo sơn. Đọc trọn cuốn sách, tôi không hề bị hụt hẫng, nhờ vào cách chuyển đoạn, chuyển ý thông minh và đầy cẩn trọng của tác giả. Thứ ba, và đây là một tiêu chuẩn “nặng ký” lắm đối với giáo giới đại học Mỹ khi lựa chọn tài liệu giảng huấn cho sinh viên: Cuốn sách cung cấp cho người đọc nhiều cơ hội phải vỗ đùi mà thốt lên “à ra thế!” mỗi khi đọc được một điều gì mới lạ đáng kể và đáng nhớ (người Mỹ gọi những giây phút hứng thú này là “the aha moments”). Nổi bật trong tiêu chuẩn này là biệt tài phân tích, so sánh, và tổng hợp các ý niệm siêu hình giữa những văn hóa Việt, Trung hoa, Ấn độ, Chàm và Miên, để người đọc có một cái nhìn tổng thể khả tín. Kiến thức vững vàng trong các lãnh vực hóa học, thực vật học, y khoa, tôn giáo, và tâm lý học phân tích của tác giả đã được sử dụng để giải thích một số hiện tượng kỳ bí. Tôi đã gật đầu, vỗ đùi, và thốt lên “à ra thế!” nhiều lần, thí dụ như khi đọc về lý do của câu nói “len lét như rắn mồng năm”, về cây ngải, cách nuôi ngải, và giải ngải, cũng như về cái hội chứng chết đột ngột bất đắc kỳ tử vào ban đêm (gọi nôm na là “ma đè”) của khoảng 100 người tỵ nạn gốc Móng (Hmong) còn trẻ và đang khỏe mạnh. Tôi cũng thấy tác giả đã làm chủ được cái bí quyết giúp đỡ người đọc “nắm vấn đề” bằng cách cung cấp những thí dụ, những giai thoại (anecdotes), những nghiên cứu hoàn cảnh (case studies) thích đáng nhất để soi sáng vấn đề đang được mổ xẻ. Nếu tác giả dạy học, tôi biết chắc ông sẽ được sinh viên đồng loạt hoan hô! Thứ tư và sau hết, đây cũng là một tiêu chuẩn tâm lý tối quan trọng trong giáo giới chúng tôi: Nhiệt tình của tác giả cuốn sách đã lan sang cả người đọc (“contagious enthusiasm”) để kích thích họ trở thành những “nhà thám hiểm” (“explorers”) sẵn sàng đi khám phá thêm về những ý niệm trình bầy trong cuốn sách. Kích thích sinh viên trở thành các nhà thám hiểm để mang lại những phát hiện mới cho nhân loại là một trong những mục đích cao nhất của nền giáo dục đại học ngày nay. Riêng tôi, sau khi thấy tác giả trân trọng nêu tên những cuốn sách tham khảo trong đó có hai cuốn mang tên “Connaissance du Việt-Nam” của Pierre Huard và Maurice Durand (1954) và “A Dictionary of Chinese Symbols: Hidden Symbols in Chinese Life and Thought” của Wolfram Eberhard (1977) mà tôi may mắn cũng có trong tủ sách gia đình, nhiệt tình của tác giả đã tràn lan sang tôi, khiến tôi phải “lôi” hai cuốn sách ấy ra ngay mà đọc lại. Tác giả quả có con mắt tinh đời: Cả hai cuốn sách này cực kỳ uyên bác và hấp dẫn! Theo tôi, PTVN, khi có một thư tịch (references) đầy đủ hơn và vài trang danh mục cuối sách (index), sẽ là một tài liệu giáo khoa thượng thặng. Trong cái trào lưu giáo dục đa sắc tộc, đa văn hóa đang thăng hoa ngày nay tại Mỹ, tôi uớc mong sẽ có người sử dụng tài liệu quý giá này làm chuẩn để khai phá thêm, cập nhật, và biến nó thành một luận án tiến sĩ hoặc thành một cuốn sách giáo khoa dành cho các sinh viên chuyên về nhân chủng học. Cái tiềm thức tâm linh kỳ bí được phơi bầy trong PTVN đã gắn liền với nếp sống Việt Nam từ bao nhiêu đời nay, và nó hiển hiện rõ ràng trong ngôn ngữ thường nhật và trong cả văn chương nữa. Chẳng hạn, trong một lần nói chuyện điện thoại với Bác Sĩ Lê Văn Lân mới đây về các bùa phép, ông đã chơi chữ bằng cách ghép tên tôi vào nghề dạy học của tôi và gọi đùa tôi là một “pháp sư” qua một chuỗi cười sảng khoái. Và giữa chúng ta, ai mà chẳng biết đến câu ca dao tinh quái mà các bà mẹ bao đời đã dùng để ru con: Ba
cô đội gạo lên chùa Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư Sư về sư ốm tương tư Ốm lăn ốm lóc cho sư trọc đầu Ai làm cho dạ sư sầu Cho ruột sư héo như bầu đứt dây. Trong văn chương bác học, cõi u linh cũng đậm nét không kém. Bạo thay, thách thức cả lời khuyên “kính quỷ thần nhi viễn chi” của người xưa, thi hào Nguyễn Du đã cho Thúy Kiều tiếp xúc với người ca kỹ bạc mệnh Đạm Tiên nằm dưới tấm mồ vô chủ! Đó là đoạn Thúy Kiều cùng hai em đi qua tấm mồ “hương khói vắng tanh” ấy trong cảnh xuân rực rỡ của hội đạp thanh, và nàng đã xót xa, thắp hương để “người dưới suối vàng biết cho.” Rồi nàng còn: Rút trâm sẵn giắt mái đầu Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần Lại càng mê mẩn tâm thần Lại càng đứng lặng tần ngần chẳng ra Lại càng ủ dột nét hoa Sầu tuôn đứt nối châu sa vắn dài Khi em gái Thúy Vân chê chị “khéo dư nước mắt khóc người đời xưa” và em trai Vương Quan trách lời nói gở của chị “thấy người nằm đó biết sau thế nào?” thì Thúy Kiều quả quyết đáp lại, chắc như đinh đóng cột: Kiều rằng
những đấng tài hoa Thác là thể phách còn là tinh anh Dễ hay tình lại gặp tình Chờ xem ắt thấy hiển linh bây giờ Và hãi hùng thay, chỉ trong giây lát, như thần giao cách cảm, hồn ma Đạm Tiên xuất hiện, mạnh như gió cuốn, thoảng mùi hương phấn, dấu giầy in rõ mồn một trên rêu: Phút
đâu trận gió cuốn cờ đến ngay Ào ào đổ lộc rung cây Ở trong dường có hương bay ít nhiều Đè chừng ngọn gió lần theo Dấu giầy từng bước in rêu rành rành Như tôi đã thích thú chia xẻ cùng Lê Quân trong những phút mạn đàm, thế giới u linh không còn là chuyện tầm phào nữa đâu, vì ngay cả các trường đại học lừng danh nhất nước Mỹ mới đây đã cấp phát văn bằng tiến sĩ cho một số sinh viên viết luận án về bùa chú và các đề tài tương tự. Chẳng hạn, sinh viên Bradford Verter đã bảo vệ thành công luận án viết về sự xuất hiện cận đại của “bí đạo” hoặc niềm tin vào huyền bí (occultism), và được Đại Học Princeton cấp văn bằng tiến sĩ về lịch sử tôn giáo năm 1997. Và năm 2000 Đại Học Harvard đã cấp văn bằng tiến sĩ về nhân chủng học cho sinh viên Kori Pekala sau khi người này bảo vệ thành công luận án viết về những phương cách để đánh bại quỷ thần (gồm quỷ thuật, bùa chú, trù ểm, trừ tà) được ghi trong sách kinh Avesta của một tôn giáo cổ (Zoroastrianism) tại xứ Ba Tư. Thế mới biết cái thế giới u linh mà Lê Quân tìm hiểu cho người Việt chúng ta cũng bàng bạc trong văn hóa nhân loại. Là một hậu sinh của Lê Quân, tôi đã nghe danh ông từ lâu, nhưng chỉ mới được hân hạnh biết rõ ông từ ngày ông định cư tại Texas, qua cơ duyên văn học. Lê Quân uyên bác bao nhiêu thì cũng khiêm cung và khả ái bấy nhiêu. Và ông nói chuyện thì có duyên, hào hứng và vui như tết! Sau mỗi lần trao đổi kiến thức văn học trên điện thoại với ông, tôi đều sảng khoái vô cùng. Lê Quân là cây bút biên khảo kiệt xuất của chúng ta tại hải ngoại. Hiển nhiên ông được nhiều người mến mộ, nhưng riêng đối với tôi, ông còn là một người đặc biệt lắm. Câu chuyện riêng tư này tôi xin chia xẻ cùng quý độc giả bốn phương vì nó nói lên được trái tim từ ái của vị bác sĩ y khoa này. Lê Quân có biết ông cụ thân sinh đã quá vãng của tôi là cụ Đàm Duy Tạo, khi hai người cùng làm việc tại Trung Tâm Học Liệu của Bộ Giáo Dục tại Saigon. Ông cụ tôi là một nhà nho được mời dịch thuật các sách chữ Hán sang tiếng Việt, và năm 1966 Bộ Giáo Dục có xuất bản bản tiếng Việt của cuốn “Kiến Văn Lục” bằng chữ Hán của cụ Võ Nguyên Hanh mà ông cụ tôi là dịch giả. Lê Quân có trong tay cuốn sách ấy, đã đi chụp từng trang của cuốn sách, và gửi cho tôi như một món quà quý báu bất ngờ vào mùa thu năm 2000. Tôi đã đọc lời viết thực khả ái của Lê Quân cho tôi trên trang đầu của tập sách, trong đó có câu “Đời cha dịch sách, đời con tìm đọc lại có thống khoái và cảm động chăng, hỡi Đàm Quân?” Tôi đã cảm kích đến rơi lệ sau khi đọc hàng chữ chan chứa ân tình ấy của Lê Quân. |