NHỮNG NGƯỜI MUÔN NĂM CŨ

posted Sep 9, 2010, 12:28 PM by Doãn-Vượng Nguyễn   [ updated Sep 9, 2010, 12:39 PM by Chí-Thông Nguyễn ]

Tuyển tập truyện ngắn mà nội dung làm tê tái cõi lòng người đọc và những cuốn “tạp ghi” đặc sắc của Huy Phương (1).

Bài nói chuyện của GS Đàm Trung Pháp trong buổi giới thiệu sách “Những Người Muôn Năm Cũ” ngày 2 tháng 5-2010 tại Dallas- Ft Worth.

Như một thói quen tôi thường làm khi gặp sách hay, tôi đã đọc các cuốn nêu trên hai lần. Lần đầu qua “lăng kính thưởng ngoạn” với trái tim đóng vai chủ động. Rồi quay lại để đọc chúng qua “lăng kính hàn lâm” với trí tuệ đóng vai chính để tìm ra lý do, qua phân tích nội dung tác phẩm và văn phong tác giả, tại sao tôi mến mộ những cuốn sách này. Ðọc xong, tôi mến anh vì anh từng là nhà giáo, ngưỡng mộ anh vì văn tài, thương anh vì những ngày khổ ải sau quốc nạn 1975, quý trọng anh vì bản chất hiền hòa đôn hậu, và biết ơn anh đã chia xẻ những kinh nghiệm sống khi trực diện biến cố đổi đời nghiệt ngã ở quê nhà cũng như những thử thách gây ra bởi xung đột văn hóa tại quê người.

Tập truyện NHỮNG NGƯỜI MUÔN NĂM CŨ (NNMNC) gồm 18 truyện ngắn mà nội dung làm tê tái cõi lòng người đọc. Tất cả các truyện đều hay, nhưng tôi thích nhất các truyện sau đây. “Bếp Lửa Ngày Về” là câu chuyện của người tù cải tạo tên Hựu khi trở về nhà sau 8 năm khổ cực. Trên đường về, anh được nhiều người thương cảm: anh lơ xe đò nhất định không lấy tiền xe, một bà già ngồi bên mời anh trái quít. Nhưng anh cũng bị một người tự nhận là “huynh đệ chi binh” chém quá nhiều tiền sau chuyến xe ôm, mặc dù hắn nói “Chặt ai thì chặt, chứ không nhẽ chặt đàn anh!” Cảm động nhất là lúc anh vào nhà cũ thấy đứa con trai nhỏ đang ngồi nhặt gạo trên chiếc ghế nhỏ, và vợ anh vừa đi đâu về, xuất hiện trên bậc cửa – “Chị đứng đó, không kêu lên một tiếng, không bước lại gần anh, chỉ đúng lặng với hai giòng nước mắt trào ra.

“Dưới Mái Từ Ðường” lưu lại cho người đọc những hình ảnh cô đơn đến rợn người . Ðây là câu chuyện của tác giả khi trở về thăm ngôi từ đường bên ngoại trang nghiêm, u tịch, trong đó có bàn thờ, bài vị, hình ảnh của những người đã mất. Người duy nhất còn lại để trông coi ngôi từ đường là “dì Thuần” xưa kia là một thiếu nữ gia thế, xinh đẹp, nay là một cô gái già hiu quạnh. Tập tục nặng nề của Huế đã giết chết mối tình đầu của dì. Giã từ chốn ấy, Huy Phương bị ám ảnh bởi “hình ảnh dì Thuần già nua, héo úa trong gian nhà đầy những khung ảnh thờ của những người quá vãng trong gia tộc, gian nhà tranh tối tranh sáng, không bao giờ có được một tia nắng rọi vào.

Tôi không biết Huy Phương đã tốn bao nhiêu hộp Kleenex để lau nước mắt khi viết truyện “Những Ngày Buồn Thảm” để kính tặng hương hồn thân mẫu (mà anh phải gọi bằng “dì”), với câu mở đầu bộc trực: “Dì tôi lấy chồng từ năm 18 tuổi, nói cho đúng ra là đi làm hầu cha tôi.” Cha Huy Phương là một thầy giáo kiêm nghề thầy thuốc bắc cũng là “một gia trưởng nghiêm khắc, vũ phu, và độc đoán.” Lúc ấy Huy Phương 5 tuổi, và theo lời anh: “Một đêm nào đó, tôi bỗng choàng thức dậy, không thấy dì tôi bên giường và tiếng la hét ầm ĩ nổi lên, tiếng đánh đập rợn người, cùng với tiếng khóc kể lể của dì tôi. Dì tôi càng khóc càng kể lể thì cha tôi càng đánh đập nặng tay.” Vì sao nên nỗi? Thưa, cha anh chỉ vì “hoàn cảnh khó khăn, vất vả thể xác, đau khổ tinh thần, thương mẹ, bênh em đã đổ hết những bực bội lên đầu dì tôi.” Vậy mà, mãi về sau, khi thấy cha tiều tụy với tuổi già, Huy Phương vẫn thấy xót xa thương cha và cảm thấy “những oán hận trong lòng tôi chừng như đã hoàn toàn phai nhạt.” Câu chuyện buồn thảm này còn có một giá trị xã hội học vì nó đã ghi lại, qua một nhân chứng sống, một nếp sinh hoạt gia đình rất phiền toái và khổ đau của người dân Việt trong giai đoạn ấy.

“Huế Của Một Thời” là một bài học hấp dẫn về lối sống, cái ăn, cái ngủ của người Huế. Tôi thích nhất các chi tiết sau đây: “Người con gái Huế gặp người lạ, tay thì níu vành nón, sẵn sàng làm mạng che, tay thì quấn tà áo, vừa phòng thủ, vừa tránh những làn gió vô duyên quái ác” (trang 58). “Cái ăn, cái ngủ là cái rất riêng tư của người Huế, nhiều khi phải giấu giếm đến mức sợ sệt, chớ có đột nhập nhà người ta vào cái thời điểm ấy. Cái nghèo muốn giấu đã đành, cái sang trọng người Huế cũng không muốn cho ai biết” (trang 59). “Huế còn như bao phủ bởi những linh hồn quá vãng, là của hương trầm, là của những linh hồn oan khuất” (trang 61). Và tôi ngậm ngùi với câu kết của Huy Phương về thành phố cổ kính này: “Huế như một người con gái tài hoa mà bất hạnh. Huế là nơi đi để mà nhớ, không phải để ở mà thương” (trang 65).

Qua lăng kính hàn lâm, một truyện ngắn có giá trị phải có một số đặc điểm, nhất là các đặc điểm sau đây: (1) Trong cốt truyện (plot) phải có một xung khắc (conflict) tăng dần để dẫn đến mức căng thẳng (tension) giữa những nhân vật. (2) Cao điểm (climax) của truyện là đoạn bi tráng (dramatic) hoặc hưng phấn (exciting) nhất; đây là lúc nhân vật chính như nhận thức ra được một điều gì hoặc đi đến một quyết định. (3) Phần kết thúc phải đưa ra một dung giải (resolution) cho mức căng thẳng, thường là một tư duy sâu sắc hé lộ một khía cạnh của nhân bản.

Các truyện ngắn và một số trong các “tạp ghi” (theo tôi, tương đương về ý nghĩa với “essays” trong tiếng Anh) có chứa đựng những đặc điểm nêu trên mà tôi sẽ chứng minh trong chốc lát, cùng với những điểm son khác của nhà văn Huy Phương. Cũng nên nói thêm, văn phong anh trong sáng giản dị, phản ánh lối viết của một nhà giáo nghiêm trang – quả thực, trong tất cả các tác phẩm tôi đã đọc của anh, tôi chưa hề thấy một “câu cụt” hoặc một câu tối nghĩa nào. Anh cũng không làm dáng, không dùng sáo ngữ, vì anh trân trọng chữ nghĩa và kính trọng độc giả của anh. Tôi thiết nghĩ những ai trong chúng ta muốn viết truyện ngắn hay tạp ghi có thể lấy lối viết Huy Phương làm mẫu mực.

Có lẽ truyện ngắn “Những Ngày Buồn Thảm” duy trì được mức căng thẳng dữ dội nhất, qua sự mô tả sống động sự xung khắc ngột ngạt giữa “cái gia đình vợ chính, nàng hầu của cha tôi” (NNMNC trang 103) là nguyên nhân đã dẫn tới nhiều bi đát. Cũng trong NNMNC, truyện ngắn “Người Tù Buồn” cho độc giả thấy mức căng thẳng giữa “Hải tóc quăn” và các bạn tù cải tạo hầu như lúc nào cũng ngùn ngụt.

Cao điểm là lúc một sự thực, bất kể xấu hay tốt, được soi sáng. Ðó là điều sẽ lưu lại trong tâm tư người đọc lâu nhất. Tạp ghi “Tổ Trống” được Huy Phương viết sau cuộc viếng thăm hai vợ chồng người bạn đã già, con cái ở xa, hiện đang ở ngôi nhà rộng lớn trống trải. Truyện này có một cao điểm đã ám ảnh tôi mãi, vì vợ chồng chúng tôi cũng đang sinh sống trong một “tổ trống” (empty nest). Trong đoạn văn dưới đây, ba câu sau cùng là cao điểm: “Về già, anh chị ngủ riêng vì cho rằng ngủ chung khó ngủ. Anh độc chiếm căn phòng lớn ở dưới basement với lý do là bề bộn sách vở hay nghe nhạc đến khuya. Phần chị còn lại là 4 phòng ngủ ở trên cùng với phòng khách rộng thênh thang, vắng lặng. Ðêm qua, lúc thức giấc, tôi nghe tiếng chị ho ở phòng bên, chuỗi ho kéo dài từng chập. Ở dưới kia, chắc anh đã ngủ say. Các con chị giờ này ở xa” (NHÌN XUỐNG CUỘC ĐỜI trang 45).

Trong truyện ngắn “Người Tù Buồn” Huy Phương đã dung giải nỗi xung khắc với Hải “tóc quăn” một cách cao thượng khiến người đọc phải mủi lòng về sự độ lượng của anh: “Quả thật bọn ta xấu hổ vì có một thằng bạn tù như mày. Nhưng thôi, mong được gặp mày một ngày nào đó … Dù sao mày cũng là một con người hèn yếu, chỉ mong sao mày thấy rõ được con người của mày. Hãy bắt tay tao và không cần thiết phải nói một lời xin lỗi đâu” (NNMNC trang 183).

Sử dụng ẩn dụ đắc địa là một biệt tài của Huy Phương. Trong tạp ghi “Chiếc Bình Trà Sứt Vòi Trên Nhà Thủy Tạ Ðà Lạt” tôi thấy anh đã dùng ẩn dụ “bình trà vàng ố, sứt vòi, vỡ nắp” để làm biểu tượng cho sự đi xuống thảm thê của Ðà Lạt (và của cả nước) sau ngày miền Nam sụp đổ. Mùa mưa 1988 Huy Phương trở lại Ðà Lạt, vào một quán cà phê. Theo lời anh: “Trong khi chờ cà-phê, người nữ mậu dịch quốc doanh đem ra một bình trà và 2 chiếc tách để xuống bàn. Tôi đang lơ mơ mải nhìn qua phía bên kia hồ, tiếng động làm tôi quay lại. Bạn ơi, trên mặt bàn là một bình trà sứt vòi, vỡ nắp và 2 chiếc chén, tất cả đều bằng sành. Tôi định kêu người mậu dịch viên trở lại nhưng cô ấy đã khuất sau cánh cửa … Trong trí nhớ tôi, tôi vẫn thường nghĩ về một Ðà Lạt dịu dàng, sang trọng đẹp đẽ, mặc dù điều ấy giờ đây có thể sai. Nhưng chiếc bình trà vàng ố, sứt vòi, vỡ nắp nằm thách đố trên chiếc bàn, dưới ánh đèn làm tôi cảm thấy nghẹn tức, như có một điều gì bất như ý hiện ra trong lúc tôi đang vui” (NƯỚC MỸ LẠNH LÙNG trang 35).

Nhiều kinh nghiệm cuộc đời Huy Phương chia xẻ trong tác phẩm thực mãnh liệt và làm giàu kiến thức người đọc. Tưởng cũng nên biết rằng nền giáo dục xứ này đánh giá sự thủ đắc kiến thức qua kinh nghiệm người khác (vicarious experience) rất cao. Tôi sẽ chẳng bao giờ quên được sự chia xẻ kinh nghiệm sống này của Huy Phương trong tạp ghi “Tôi Biết Thế Nào Anh Cũng Ðến”: “Thật ra điều kinh khủng ở trong các trại tù không phải là bị bỏ đói, lao động khổ sai hay bị hành hạ mà chính là thấy tháng ngày vô vọng, và nỗi đau đớn thấy mình bị bỏ quên, mất hết lòng tin về những chiến hữu hay những đồng minh đã kề vai sát cánh cùng nhau ngày trước” (NXCÐ trang 9).

Nhưng chính cái bản chất đôn hậu, nhân ái, và đạo đức lồ lộ của Huy Phương trong các tác phẩm đã làm tôi quý anh nhất. Tạp ghi “Nỗi Ðau Của Ðồng Loại” có những lời anh nói về một vị chân tu Phật giáo người Việt ở Canada làm tôi cảm động vô cùng. Vị chân tu này đã quyết định bán miếng đất vừa mua để xây chùa mới, lấy nửa triệu Mỹ kim để cứu giúp nạn nhân sóng thần ở Nam Á. Huy Phương viết: “Việc làm của thầy Nguyên Thảo ở Canada đã làm cho chúng tôi ứa nước mắt vì sung sướng và hãnh diện để còn có lòng tin rằng trên đời này còn có thầy hiểu rõ những lời Phật dạy, hỉ xả, từ bi trước nỗi thống khổ của nhân loại” (ÐI LẤY CHỒNG XA trang 79).

Luôn luôn tin tưởng rằng “văn tức là người”, tôi đã nhận ra con người thực của Huy Phương qua những tác phẩm rất đáng đọc của anh. Tôi thật hạnh phúc vì vừa có thêm một người bạn văn rất đáng quý mến mang danh Huy Phương mà tôi ước chi đã được gặp sớm hơn trong đời.

ĐÀM TRUNG PHÁP


(1) do Nam Việt xuất bản. Gía $16.00

Liên lạc: huyphuong@sbcglobal.net hay (949) 654-7715

Comments