Tuyển tập của Phạm Quốc Bảo 2010.
260 trang $20.00 Nhà xuất bản Người Viêt. Điện thoại liên lạc: 714-892-9414 ext 143. Đàm Trung Pháp
Tâm Sự Cùng Tác Giả Anh Phạm Quốc Bảo quý mến, Cảm kích trước lời ước nguyện của anh ghi ngay ở đầu cuốn sách là anh “sống được đến từng tuổi này chả còn mong ước gì nữa cả ngoài ý thích được nhẩn nha tâm sự với nhau” (trang 4), tôi mượn lá thư này để chia xẻ với anh những điều tôi suy nghĩ khi đọc xong tác phẩm mới nhất của anh, Khuất Rồi Mấy Bóng Chim Di. Mong anh coi nội dung lá thư này như những tâm cảm về những điều anh viết, từ một người bạn chân thành của anh. Ấn tượng mạnh nhất lưu lại trong tôi sau khi đọc xong cuốn sách là bản chất bộc trực và thành thực của người viết nó. Tấm lòng thành trong sáng của anh làm tôi cảm động khi anh tâm sự với bạn đọc rằng “nhờ có độc giả, tôi mới luôn luôn được thúc đẩy để viết ra những gì tôi muốn viết. Và khi viết thường xuyên như vậy, tôi mới chịu khó tìm hiểu vào sâu xa những gì mà hầu hết tôi chỉ biết đến một cách sơ lược, nếu không muốn nói là nông cạn, hời hợt. Nghĩa là tôi được học hỏi rất nhiều trong khi viết” (trang 6). Tôi gật gù tán thưởng vì anh nói đúng quá: khi viết chúng ta học hỏi rất nhiều. Cũng vì lý do này mà có lời cảnh báo nghiêm nghị “publish or perish” trong hàng ngũ giáo sư đại học Mỹ -- nhân viên giảng huấn nào mà không thường xuyên viết bài hay viết sách nghiên cứu (để học hỏi thêm) rồi cho xuất bản thì khó lòng mà được vào ngạch (tenure) hoặc thăng chức (promotion)! Tôi càng chịu cái bản tính bộc trực của anh khi anh bàn về phong trào “viết hồi ký để … tự ca tụng mình” mà trong đó người viết “hồi tưởng theo cái kiểu thổi phồng quá khứ, bằng cách chỉ nhắc lại những cái gì hay ho đáng cho ta hãnh diện mà đã lược bỏ qua tất cả những gì xấu đáng xấu hổ (lẽ ra mình phải rất cần thành thực và khách quan trình bầy hết ra để cho người khác biết mà tránh, và để tâm lý chính mình cảm thấy … nhẹ nhõm hẳn đi!” (trang 203). Theo lối nói người Mỹ thì “Phạm Quốc Bảo does what he preaches” đấy! Quả thực, có những chi tiết không tích cực trong đời (anh nghèo mạt rệp khi mới di cư vào Nam, cái chân lặc lè phải chạy điện của anh khi mới qua Mỹ tỵ nạn, công việc cọ rửa cầu tiêu trong những ngày làm lại cuộc đời nơi đất khách, vân vân) đã được nhắc đến một cách bình thản trong sách. Hơn nữa, tôi không thấy anh đã tự ca tụng mình trong cuốn sách có thể được coi là một hồi ký này của anh. Nếu nó có mang lại cho anh một ích lợi nào chăng, thì đó chính là nhờ viết nó mà anh tự hiểu anh hơn, khi anh kết thúc bài viết về ý nghĩa câu “Lục thập nhi nhĩ thuận” trong phần cuối của cuốn sách. Lời tự thú này của anh đã làm tôi khựng lại một hồi lâu, vì mấy ai đã tự thấy khuyết điểm của chính mình và công bố ra cho thiên hạ biết như Phạm Quốc Bảo: “Nghĩa là trong khi bàn đến vấn đề ‘Lục thập nhi nhĩ thuận’ mà thực ra chính những phân tích lý giải của tôi chúng tỏ rõ rệt là con người của tôi, chính cái tâm trí của tôi đây chẳng hề tỏ ra ‘nhĩ thuận’ một chút nào cả! Thật là tôi không thấy tự xấu hổ sao!” Ngộ thay, như một catharsis cho tâm trí anh, lời tự xét này đã khiến anh “cảm thấy mình bỗng nhiên như vừa trút hẳn đi một gánh nặng biện luận thuần lý trí” (trang 201). Tuy người ta khó tránh khỏi khuynh hướng “tự ca tụng mình” khi viết hồi ký, tôi rất thích đọc hồi ký tha nhân, anh Bảo ạ. Tôi mê điều này vì nó là một cách cho tôi tìm hiểu thêm về bản chất muôn hình vạn trạng của cuộc đời thể hiện qua kinh nghiệm sống của người khác. Đọc hồi ký tha nhân chính là đi tìm lại những thời gian đã mất cùng với họ và để thông cảm với họ hơn. Nếu qua cuốn ĐỐT LÒ HƯƠNG CŨ (1971) của Đinh Hùng, tôi được thích thú theo dõi nhà thơ “tìm về kỷ niệm” của ông với Tản Đà, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, cũng như với “Hà Nội văn nghệ những ngày báo hiệu loạn ly” thì qua tập NGUYÊN SA HỒI KÝ (1998), tôi đã được sống lại những ngày thơ mộng của tuổi học trò, những biến động chính trị, lúc nhà thơ Nguyên Sa còn dạy triết học tại Trung Học Chu văn An trong những ngày rực rỡ của Miền Nam nước Việt. Và với cuốn hồi ký của nhà giáo Nguyễn Đình Hòa bằng Anh ngữ FROM THE CITY INSIDE THE RED RIVER (1999), tôi đã đọc kỹ từ đàu đến cuối, để được cùng với tác giả “sống” lại khoảng thời gian ngập tràn kỷ niệm văn hóa giáo dục đã qua đi của ông, với ít nhiều tiếc nuối trong lòng mặc dù tôi là một đàn em khá xa về tuổi đời nhưng cùng chung nghề nghiệp. Ba cuốn trên liên hệ đến cuộc đời của những người thuộc thế hệ trước tôi, nhưng hồi ký KHUẤT RỒI NHỮNG BÓNG CHIM DI của anh gần gũi với tôi hơn vì tuổi đời chúng ta ngang nhau. Đọc xong cuốn sách này tôi hiểu anh rõ và quý anh thêm. Ngoài bản chất thực thà như đếm của anh, tôi còn biết anh là một người yêu mến bạn hữu hết mực. Tình cảm anh dành cho bạn bè như bát nước đầy, và anh nhắc nhở đến những kỷ niệm buồn vui với họ với một tấm lòng tha thiết. Tôi cũng thương mến bạn bè, nhưng không quảng giao bằng anh. Tôi nghĩ tình bạn càng về già càng quý, và anh đã nhắc nhở rất nhiều đến bạn bè trong cuốn sách này. Lòng ưu ái với bạn của anh đã “lây” sang tôi và khiến tôi đi tìm cảm nghĩ của một vài bộ óc siêu việt trong nhân loại để xem họ nghĩ gì về tình bạn. Thomas Jefferson (vị tổng thống nước Mỹ từ 1801 đến 1809) khi về già đã viết về tình bạn thế này: “I find friendship to be like wine, raw when new, ripened with age, the true old man’s milk and restorative cordial.” Trước đó ở nước Pháp, Montesquieu, vị triết gia suốt đời cổ võ cho công lý nhân loại, đã chẳng ngần ngại nói thẳng ra lòng si mê tình bạn của ông: “Je suis amoureux de l’amitié.” Thấm thía biết bao! Những đoạn anh viết về bạn hữu cảm động lắm, nhất là về những người đã quá vãng, tức là về những “bóng chim di” đã “khuất rồi” của anh. Lòng tôi chùng xuống khi đọc đoạn anh viết về căn bệnh trầm kha Alzheimer đã lấy mất trí nhớ của nhạc sĩ Trần Đình Quân, để đến nỗi anh ấy “quên hết những tâm huyết của cả một đời anh đã gieo trồng hạt giống đó rồi” (trang 14). Qua anh, tôi cũng được làm quen với anh chị Ngô Bảo là hai người anh đã biết và quý mến từ lâu. Nay họ đã ra đi, anh hồi tưởng lại những kỷ niệm của những ngày cùng ở trại Ga Lăng, nơi anh “luôn luôn được hưởng những ‘bữa cơm nhà’ ngon” và “cùng nhau hoạt động văn nghệ cộng đồng, cắm trại, tắm biển một cách hết sức là thân thiết” (trang 148-149). Đoạn anh viết về chị Ngô Bảo sau đây khiến tôi nghĩ đến điển tích bát cơm phiếu mẫu được thi bá Nguyễn Du nhắc đến trong Truyện Kiều qua câu Mà lòng phiếu mẫu mấy vàng cho cân: “Đến được trại đảo tạm trú, tôi là thuyền nhân mồ côi nên cầm chắc hàng ngày cơm sấy và cá khô trại phát làm chuẩn. Nói chi đến những bữa cơm gia đình ấm áp mà toàn là những món khoái khẩu với tôi như canh rau đay nấu cua đồng tươi thơm ăn với cà pháo, thịt đông dưa chua, đậu phụ rán chấm mắm tôm đánh bông lên với chanh-ớt-tỏi giã nhỏ ra … Đấy là những bữa cơm mà ngay còn ở Saigon lúc ấy chưa chắc được hưởng, huống chi làm kẻ thuyền nhân tứ cố vô thân như hoàn cảnh cá nhân tôi bấy giờ! Những bữa cơm thâm tình vô cùng hiếm quí ấy là vì thế, quí vị ạ ...” (trang 152). Tôi mủi lòng khi đọc lại trong hồi ký của anh bài viết Góp Vài Liên Tưởng Thú Vị Về Tục Ngữ Ca Dao (trang 109-125) mà anh đã đăng trên nguyệt san văn học Khởi Hành (tháng 9-2009) sau khi anh đọc bài của tôi mang tựa đề Mối Tương Đồng Lý Thú Giữa Tục Ngữ Việt Nam Và Tục Ngữ Nước Ngoài (đăng trong Khởi Hành tháng 8-2009). Bài viết này của anh đã “đánh dấu một tao ngộ” vì từ đó chúng ta đã dần dần trở thành văn hữu tri âm. Tôi cảm tạ anh đã chia xẻ thêm những điều lý thú về tục ngữ ca dao và chắc chắn sẽ hoàn chỉnh bài viết của tôi sau này, dựa vào những “liên tưởng” đặc sắc của anh. Tôi cũng xin ghi nhận với lòng biết ơn những nhận xét rộng lượng của anh về tôi ở cuối bài viết: “Hành nghề giáo sư ngôn ngữ học lâu năm ở hải ngoại, ông đã có cơ hội sống và suy tư giữa những ngôn từ của các dân tộc khác nhau. Và bài viết của ông, theo tôi, thực ra cũng chỉ thể hiện chút đỉnh nào đó những hiểu biết lý thú sâu xa của ông mà thôi” (trang 124). Nói về “lý thú” thì tôi phải đề cập đến khả năng dịch thơ Bạch Cư Dị sang thơ Việt rất tới của anh. Bốn mươi năm về trước, một Phạm Quốc Bảo trẻ trung mà đã mong hưởng nhàn, như anh ao ước trong phần dịch cuối bài thơ Thu San của Bạch Cư Dị sang mấy câu lục-bát nhẹ nhàng trong tiếng Việt (trang 42): Đời người thoáng chốc rồi đi, Nay đang trong tuổi “lục thập nhi nhĩ thuận” anh rong chơi với người bạn thân Hà Quốc Bảo vào lúc chớm thu tại một vùng đồi núi của tiểu bang Washington. Cảnh trí chứa chan thi vị ấy khiến nhà thơ họ Phạm chợt nhớ đến bài ngũ ngôn tứ tuyệt Vấn Hoài Thủy cũng của Bạch Cư Dị mà anh cũng đã chuyển thành bốn câu lục-bát 40 năm về trước ở quê nhà khi anh “có cảm giác tù túng, bực tức giữa một xã hội đảo điên”: Tự
ta là khách lợi danh
Tôi thấy ông Trời hơi oái oăm với anh đấy, vì một người cả đời thích nhàn như anh mà có được nhàn đâu? Anh là một người lý luận có duyên và đưa ra những suy nghĩ khá độc đáo (original) có khả năng thuyết phục người đọc. Những suy nghĩ ấy có khi phóng khoáng đến táo bạo, có khi hý lộng cực kỳ, nhưng lúc nào cũng khiến người đọc phải nghiền ngẫm những điều anh viết xuống. Đó là cảm nghĩ của tôi sau khi đọc xong chương “Tai Nghe Thuận Hay Thuận Tai?” là chương chót trong cuốn sách. Tôi mỉm cười thích thú khi đọc câu viết này của anh: “Lục thập nhi nhĩ thuận có nghĩa là ‘sống đến lớp tuổi sáu mươi thì tai mình nghe bất cứ điều gì cũng thấy xuôi cả’, như vậy hóa ra mình thành kẻ ‘ba phải’ sao?” (trang 170). Tôi càng thú hơn với nhận định thẳng thừng của anh rằng “Lý thuyết của Khổng Giáo đã được bàn sâu tán rộng đến độ trùm lấp mọi ngõ ngách tư tưởng (qua nhiều xã hội, nhất là thời của các danh gia và thời Tống Nho bên Trung Hoa), và do đó đã khiến cho biết bao nhiêu tầng lớp trí thức đông phương lạc đường giữa một mớ bòng bong và chết chìm” (trang 179). Anh rất có lý khi nhận định rằng “Khi chúng ta tìm hiểu những câu nói của người xưa thì chữ nghĩa vốn thô thiển của người xưa lại biến thành mù mờ, khó hiểu” (trang 181). Chính vì sự “mù mờ, khó hiểu” ấy của lối viết chữ Hán quá ngắn gọn của cổ nhân mà ý nghĩa của câu “lục thập nhi nhĩ thuận” đã được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Qua khảo hướng (approach) vui tươi để tìm hiểu của Phạm Quốc Bảo thì câu nói ấy có nghĩa “sống đến sáu mươi tuổi, con người nghe (và thấy) cái gì cũng thuận tai mà ngược lại, tai của mình cũng thuận để nghe (và thấy) đủ mọi thứ từ bên ngoài dội vào tai, cả!” (trang 181). Nhưng theo học giả Nguyễn Hiến Lê trong cuốn LUẬN NGỮ (do Nguyễn Hiến Lê dịch, chú; nhà xuất bản Văn Nghệ, Westminster, California, 1994; trang 37) thì câu ấy chỉ có nghĩa là “Sáu mươi tuổi ĐÃ biết theo mệnh trời.” Theo học giả họ Nguyễn khá nghiêm túc này thì “chữ NHĨ ở đây không có nghĩa là TAI mà có nghĩa là DĨ = ĐÃ.” Tôi chia xẻ với anh điều này để chúng ta cùng “học nhi thời tập chi” trong niềm vui “bất diệc duyệt hồ?” nhé! Còn đang băn khoăn với nhận định “Mệnh trời theo như Khổng giáo đề ra thì … rắc rối kinh khủng lắm” (trang 178) của anh thì tôi bỗng vỗ đùi và cười thành tiếng khi đọc những “ngạn ngữ” tân thời khá hý lộng về cuộc đời mà Phạm Quốc Bảo và Hà Quốc Bảo cống hiến, nhất là các câu sau đây (trang 202-204): Thất
thập cổ lai hy, Thất
bại vì ngại thành công.
Mừng anh đã hoàn tất một hồi ký rất dễ thương, trong đó anh đã hoàn toàn thành thực với lòng mình, và mến chúc anh thân tâm luôn an lạc. ĐÀM TRUNG PHÁP Dallas Chớm Thu 2010 |