GIỚI THIỆU SÁCH: TẢN MẠN VỀ TIỀN CỔ VIỆT NAM

posted Feb 1, 2017, 10:13 AM by Chí-Thông Nguyễn   [ updated Feb 28, 2017, 7:50 AM ]

Viện Việt-Học trân trọng giới thiệu tác phẩm Tản mạn về tiền cổ Việt Nam cuả tác giả Lục Đức Thuận và Võ Quốc Ky. 
Mọi chi tiết xin liên lạc: info@viethoc.com

            Sách gồm 7 chương khảo luận, khoảng 230 trang cùng hình ảnh, khổ 8 x 11.
 

Mục Lục 

            Chương 1: Tản mạn về tiền cổ Việt Nam.

Giới thiệu khái quát về tiền cổ Việt Nam. Những tính chất về tiền cổ VN như hình dạng, kim loại, đơn vị, trọng lượng, danh pháp và thư pháp của đồng tiền, tiêu bản của tiền cổ, cách nhận dạng, phương pháp phân loại tiền cổ theo nhiều khía cạnh khác nhau như hợp kim, nguồn gốc chính thống của tiền, phong cách chữ viết ... Những vấn đề khác như phương pháp đúc tiền, sự phân bố tiền cổ trên lãnh thổ VN và trị giá của tiền cổ cũng được đề cập. Một thư mục đầy đủ nhất về sách tiền cổ VN bằng các thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Nhật, Hoa trong vòng 150 năm được cung cấp, cũng như ảnh hưởng của đồng tiền trong những câu ca dao Việt Nam. Và tổng quát về những sai lầm trong những sách viết về tiền cổ VN do người ngoại quốc viết từ thế kỷ trước mà người khảo cứu nên tránh ngộ nhận là chính xác.

 

            Chương 2: Đơn vị, Trọng lượng và Hợp kim của tiền đồng và tiền kẽm Việt Nam.

Trình bày về đơn vị, trọng lượng và hợp kim của hai loại tiền thông dụng trong dân gian từ đời nhà Đinh cho đến đời Bảo Đại, vị vua cuối cùng của nền quân chủ chuyên chế. Sự thay đổi về đơn vị của tiền cổ VN được trình bày theo lối biên niên. Trọng lượng của đồng tiền được thảo luận trong những trường hợp đặc biệt trải qua các triều đại. Bản phân tích thành phần hợp kim dựa trên phương pháp tối tân nhất XRay Fluoresence được dùng thảo luận cho các loại tiền như tiền đồng, tiền kẽm, tiền ô diên, tiền chì và đưa ra những cách phân loại chính xác theo phương pháp khoa học thay vì theo mắt nhìn màu sét rỉ của đồng tiền.

 

            Chương 3: Ố tiền và Trường Kỳ mậu dịch tiền của Nhật Bản ở Việt Nam.

Trình bày về sự ngoại thương giữa Nhật Bản và Việt Nam trong thế kỷ 17 và 18, cũng như các thứ tiền Nhật Bản được xuất cảng sang Việt nam vào thời đó. Chính sách Ngự Châu Ấn Trạng của Tướng quân Tokugawa và những chi tiết về ngoại thương cho thấy tầm vóc quan trọng về phát triển kinh tế ở Đàng Trong được thảo luận trong chương sách, cũng như ảnh hưởng của chính sách bế quan tỏa cảng của Nhật ảnh hưởng ra sao trong việc ngoại thương. Đặc biệt sơ lược về lịch sử tiền tệ Nhật Bản, nguyên nhân đưa nước Nhật từ vị thế nhập cảng tiền Trung Quốc đến xuất cảng tiền sang Đại Việt, mối lợi tức trong việc xuất cảng tiền cổ Nhật Bản để tiền Nhật ngày nay tìm thấy trong nhiều hũ tiền tìm thấy ở VN được xét đến. Và lần đầu tiên, các loại tiền Nhật Bản được phân loại để tìm hiểu thứ tiền gì được xuất cảng sang Đại Việt cũng như tư liệu về một hũ tiền cổ Nhật Bản 60 kí được tìm thấy ở Bình Định ra sao.

 

            Chương 4: Đồng tiền ngoại thương vào thế kỷ 16 đến 19 ở Việt nam.

Giới thiệu về lịch sử ngoại thương giữa phương Tây và các nước Đông Á châu, đặc biệt là Việt nam. Lịch sử giao thương của các quốc gia Bồ Đào Nha, Tây ban Nha, Hòa Lan, Anh Quốc, Pháp Quốc, Chân Lạp, Nhật Bản và Trung Quốc cùng các thứ tiền ngoại quốc nào của họ được mang vào Đại Việt mua bán mà ngày nay còn tìm thấy trên lãnh thổ Việt nam được trình bày. Sự phân tích trị giá tương đương giữa tiền ngoại quốc cùng quan tiền, lạng bạc của Việt nam được so sánh. Chương sách cũng giải mã một số từ ngữ của tiền ngoại quốc được sử Việt nói đến qua từ ngữ như bạc lá si, bạc Phiên, tiền hoa biên, song chúc và quỷ đầu. Và cuối cùng, vào thế kỷ 20, đồng bạc ngoại thương của Hương Cảng, Hoa Kỳ, Thụy Sĩ xuất hiện trên đất Việt trước khi đồng bạc Đông Dương được chính thức thay thế các loại tiền ngoại thương được kết luận ra sao.

 

            Chương 5: Tiền cổ Việt nam có mệnh giá lớn.

Chưong sách trình bày cả một bộ sưu tập về tiền cổ Việt nam có mệnh giá lớn từ tiền giấy của Hồ Qúy Ly, trải qua các đồng tiền đồng to đầu tiên  của thời Lê mạt. Lịch sử tiền của mệnh giá lớn của triều Nguyễn được phân tích so sánh trị giá giữa tiền đồng và tiền kẽm, các đại đồng tiền với mỹ ngữ, các loại đồng tiền vàng bạc và đặc biệt các loại tiền Tự Đức Bảo Sao, Thất Tiền Nhị Phân của triều Tự Đức. Tỷ lệ giá trị giữa tiền hợp pháp và các thứ tiền tạp chất, tiền ngụy, tư chú tiền cũng được thảo luận.

 

Chương 6.

Ai đúc tiền An Pháp nguyên bảo ? Khảo luận về nguồn gốc của tiền không chính triều An Pháp nguyên bảo.

Chương 7.

Giao Chỉ Dương và chỗ đứng của Đại Việt trong giao thương Biển Đông vào thế kỷ 10 - 16. Bài viết về Giao Chỉ Dương trong chương Tiền tệ và Thương mại đời Lý Trần, trích trong sách chưa xuất bản Tiền tệ trong xã hội Việt Nam thời xưa và những vấn đề liên hệ.


Comments