Giới Thiệu Hai Công Trình Văn Học Quan Trọng Của Viện Việt-Học

posted Feb 15, 2010, 6:25 AM by Quốc-Anh Vương   [ updated Feb 18, 2010, 11:34 AM by Chí-Thông Nguyễn ]
http://www.viethoc.org/eholdings/tdcntd/bia_tdcntd.jpgTỰ ĐIỂN CHỮ NÔM TRÍCH DẪN.

Đồng soạn giả: Nguyễn Hữu Vinh, Đặng Thế Kiệt, Nguyễn Doãn Vượng, Lê Văn Đặng, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Ngọc Bích, Trần Uyên Thi.

Năm xuất bản: 2009.

Nhà xuất bản: Viện Việt Học.

Điện thoại liên lạc: 714-775-2050

 

Nếu có người thắc mắc hỏi tôi tại sao chữ Nôm khó học, khó nhớ, khó viết (là thứ chữ mượn chữ Hán để phiên âm tiếng Việt) mà chúng ta vẫn phải làm quen, vẫn phải tra cứu, thì tôi xin mượn lời cố học giả Trần Văn Giáp, tác giả cuốn LƯỢC KHẢO VẤN ĐỀ CHỮ NÔM biên soạn năm 1969 (được giáo sư Lê Văn Đặng thực hiện văn bản năm 2002 ở Mỹ) để trả lời họ như sau: “Chữ Nôm đã là phương tiện ghi chép lại truyền thống thơ ca, văn học, sự tích anh hùng, vân vân, của dân tộc Việt Nam từ mấy ngàn năm xưa, từ Bắc chí Nam, từ giáp biên giới Trung Quốc đến mãi bờ biển Hà Tiên và còn ra ngoài đấy nữa. Cho nên chữ Nôm tuy hiện nay không còn thông dụng nữa, vì khó đọc khó viết, mà chúng ta vẫn cứ phải nghiên cứu để thu lượm lấy vốn cổ của văn hóa dân tộc.” Thực khó lòng nghĩ ra một lý do chính đáng hơn lời cụ Giáp, khi chúng ta tin tưởng rằng thế nào cũng còn những tài liệu văn học viết bằng chữ Nôm chưa hề được chuyển âm sang quốc ngữ.

TỰ ĐIỂN CHỮ NÔM TRÍCH DẪN (TĐCNTD) được soạn thảo bởi một ban biên tập tài ba. Theo sự hiểu biết của tôi, mỗi vị đều sử dụng sở trường của mình trong công trình chung to lớn này. Giáo sư Nguyễn Văn Sâm, một nhà Nôm học từng dạy văn chương Việt Nam tại Đại Học Văn Khoa Saigon, sưu tập và chuyển sang quốc ngữ nhiều bản Nôm được trích dẫn trong tự điển. Giáo sư Lê Văn Đặng, một nhà Nôm học kiêm chuyên viên điện toán, với tư cách “fonts designer” đã khắc các chữ Nôm chưa có trong Unicode Standard dùng trong cuốn tự điển này. Đồng soạn giả Nguyễn Hữu Vinh, một tiến sĩ kỹ nghệ tại Đài Loan, dò lại những chữ Nôm mới khắc đó để tránh trùng hợp với chữ đã có và chịu trách nhiệm chuyện in ấn cuốn sách tại Đài Loan. Đồng soạn giả Đặng Thế Kiệt, một chuyên gia về tin học tại Paris, đã đại diện Viện Việt Học sưu tầm tài liệu về chữ Nôm tại Bibliothèque Nationale de Paris và gửi qua Mỹ. Đồng soạn giả Nguyễn Doãn Vượng phụ trách kỹ thuật và trình bầy, sắp xếp các mục từ cho hợp lý và làm dễ dàng cho công việc các đồng soạn giả chia nhau đánh máy nội dung vào các mục từ. Đồng soạn giả Nguyễn Ngọc Bích, một nhà nghiên cứu văn học uyên bác và quảng giao, phụ trách những công việc giao tế và quảng bá công trình. Và sau hết, đồng soạn giả “hậu sinh khả úy” Trần Uyên Thi đã thiết kế được một bàn gõ chữ Nôm, nhờ vào đó mà việc đánh máy chữ Nôm được mau lẹ.

Các đồng soạn giả cũng ghi nhận sự đóng góp quý báu của ông Alexandre Lê (nguyên quản thủ thư viện Trường Viễn Đông Bác Cổ Paris) đã cung cấp một nguồn tài liệu rất phong phú về chữ Nôm, và của ông Đỗ Quốc Bảo (một chuyên gia điện toán tại Đức Quốc) đã tích cực hợp tác trong việc chế tạo hai bộ chữ (fonts) Hán Nôm A và Hán Nôm B.

Tận dụng kỹ thuật điện toán tân kỳ và kết hợp hoàn mỹ sở trường của các đồng soạn giả, ban biên tập sau nhiều năm kiên trì hoạt động đã hoàn tất và cho trình làng một công trình tuyệt diệu.  Vì được biên soạn theo một phương thức khoa học, minh bạch, nhất quán, với những phần chỉ dẫn khúc chiết, TĐCNTD dễ dùng và không làm người sử dụng sờn lòng nản chí. Thêm vào đó, những câu trích dẫn từ nhiều áng văn chương chữ Nôm khác nhau vừa làm cho ý nghĩa mỗi mục từ sáng tỏ trong văn cảnh vừa cho người tra cứu thưởng thức văn chương nước nhà một thể. Và chuyện thưởng thức văn chương này đáng kể lắm, vì qua nhiều đoạn trích dẫn trong cuốn TĐCNTD, người đọc thấy như mình được ngắm vẻ đẹp xa xưa, lắng nghe quá khứ thì thầm, để rồi hòa mình vào nếp sống của những thế hệ trước.

Có lẽ cái khó khăn nhất của người tự học chữ Hán, chữ Nôm, hoặc quốc tự (kokuji) hay hòa tự (waji) của người Nhật là khi người ấy gặp một chữ mới và phải kiếm chữ ấy trong tự điển. Và mỗi khi kiếm nó không ra thì buồn bực lắm, như tôi đã nhiều lần cảm thấy trong tiến trình tự học chữ Hán! TĐCNTD đối phó với vấn đề này khá hữu hiệu, qua “bảng tra theo bộ thủ” và “bảng tra theo tổng số nét.” Cách dùng cả hai bảng tra đều được giải thích cách rõ ràng từng bước một. Xin đưa ra đây một thí dụ. Tôi thấy đâu đó cái chữ là lạ này (bên trái là bộ “khuyển” và bên phải là chữ “sơn”) không thể kiếm ra trong các tự điển Hán-Việt của tôi, và do đó tôi đoán nó phải là một chữ Nôm. Mở TĐCNTD ra, tôi kiếm bộ “khuyển” trong “mục lục bộ thủ” ở cuối cuốn sách thì được biết bộ “khuyển” ở trang 1606. Mở trang 1606 đó ra thì tôi tìm thấy cái chữ là lạ đó, và tên nó là “săn”! Cạnh chữ “săn” này là số trang 1111, nơi nó sẽ được định nghĩa qua văn cảnh chữ Nôm và chữ quốc ngữ. Quả nhiên, trong trang 1111, tôi hiểu nghĩa chữ “săn” đó qua câu trích dẫn: “Trẻ thơ ví tựa cỏ sương, Nếu không săn sóc khôn phương sống nào” (trích dẫn từ cuốn Thị Kính, tức là Quan Âm Diễn Ca Toàn Truyện, xuất xứ từ Bửu Hoa Các tàng bản, niên đại văn bản Bính Thân [1896], tờ 24a). Tôi cũng thử tìm chữ “săn” 6 nét này qua “bảng tra theo tổng số nét” thì được biết nó thuộc bộ 94, tìm thấy ở cột đầu trang 1635, bên cạnh cũng ghi trang 1111 là nơi nó được định nghĩa.

Thú thực, tôi vốn e dè với chữ Nôm vì nó đòi hỏi quá nhiều trí nhớ, nhưng sau vài tuần làm quen với cuốn tự điển tân kỳ ngót 1,700 trang đầy kỳ hoa dị thảo mà lại dễ dùng này, mối thiện cảm của tôi với chữ Nôm đã thăng hoa. Tôi hoàn toàn đồng ý với niềm tin sau đây của ban biên tập: “Quyển TĐCNTD không phải chỉ cho các nhà Nôm học, mà cho cả những người không biết chữ Nôm nhưng quan tâm đến tiếng Việt và thơ văn Việt Nam cũng sẽ tìm thấy ở đây một kho tàng ngữ văn của người Việt Nam trải dài 7 thế kỷ, từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 20.”

Tôi bái phục công sức và thiện chí không thể đo lường được của ban biên tập trong khi họ thâu thập các văn bản chữ Nôm từ các thư viện trên thế giới hoặc từ các tư liệu các nhà nghiên cứu, chọn lọc một số văn bản nòng cốt dùng làm cơ sở để nhận diện từng chữ Nôm một qua các thí dụ được trích dẫn với ghi chú xuất xứ chính xác, chế tạo kiểu chữ Nôm đúng tiêu chuẩn mã quốc tế, thiết kế một bàn gõ để đánh chữ Nôm, và gõ nhập chữ vào tự điển dạng điện tử.


http://www.viethoc.org/eholdings/images/BiaNPTC_small.jpg

BỘ DVD-ROM NAM PHONG TẠP CHÍ

1917 - 1934

Do Viện Việt Học thực hiện năm 2009

Điện thoại liên lạc: 714-775-2050

 

 

 

Khi nhận được bộ DVD-ROM NAM PHONG TẠP CHÍ từ Viện Việt Học vài tuần trước đây, tôi bỗng thốt lên hai câu mừng rỡ của Thúy Kiều khi giấc mơ nàng ấp ủ từ lâu nay đã thành sự thực -- lúc Từ Hải cho “mười vạn tinh binh” đến “rước nàng nghi gia”: “Đến bây giờ mới thấy đây / Mà lòng đã chắc những ngày một hai.” Vâng quả thực, tôi mừng rỡ như thế với thành quả chói lọi của dự án văn học lớn lao này.

Lúc đang học ban tú tài ở quê nhà nửa thế kỷ về trước, trong số các sách gối đầu giường của tôi là cuốn “Việt Nam Văn Học Sử Yếu” và cuốn “Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển” của giáo sư Dương Quảng Hàm.  Trong cuốn “Sử Yếu” giáo sư Hàm đã viết tích cực về học giả Phạm Quỳnh và phái Nam Phong (NP) khiến người đọc mến mộ cả người lẫn báo. Theo ông thì “Phạm Quỳnh nghiên cứu ở các sách rồi viết ra những bài chuyên khảo về học thuật Âu-Tây như Văn-minh luận (NP số 42), khảo về các luân lý học thuyết của Thái-tây (NP số 92 trở đi) … hoặc về học thuyết Á đông như Phật giáo lược khảo (NP số 40) … hoặc về văn học nước ta như tục ngữ ca dao (NP số 46), văn chương trong lối hát ả đào (NP số 69), Việt Nam thi ca (NP số 64).” Toàn là những đề tài cực kỳ lôi cuốn, chẳng khác gì “mỡ để miệng mèo” cho biết bao học trò ham học hỏi như tôi lúc đó! Nhưng chẳng tìm đâu ra những số NP mà giáo sư Hàm liệt kê để thỏa lòng đọc hết những bài viết hấp dẫn đó. Tiếc thay, vì số trang hạn chế, cuốn “Hợp Tuyển” của giáo sư Hàm chỉ đăng vài ba bài trích ra từ NPTC như “Cách lễ phép của người mình”, “Triết lý của đạo Phật”, và “Tính cách chung của văn chương Pháp.”

Giờ đây, trễ còn hơn không, ngồi trước màn ảnh máy điện toán tôi có thể đọc được bất cứ bài nào trong NPTC một cách dễ dàng và thoải mái! Cả một khung trời văn học, nghệ thuật, xã hội, chính trị của thời 1917-1934 đến với tôi qua bộ DVD-ROM NAM PHONG TẠP CHÍ. Mười bẩy năm đó thuộc thế hệ cha mẹ, chú bác ruột thịt của tôi.

Với tấm lòng tha thiết tìm hiểu nếp sống của người xưa, tôi bồi hồi đọc từng trang NPTC theo thứ tự thời gian. Đọc đến đâu lại nghĩ đến lúc ấy bậc sinh thành của mình đang ở đâu, đang làm gì, đang sinh sống ra sao, và nhất là có đọc những trang NPTC mà tôi đang đọc không? Tôi cố tình đọc chậm chỉ vì tôi muốn giữ lấy niềm thương nhớ ấy dài lâu hơn trong lòng.

Tôi ngạc nhiên trong thích thú với lối văn biền ngẫu du dương êm tai lạ thường của cụ Nguyễn Bá Trác trong số NP đầu tiên. Để giới thiệu ngọn gió Nam Phong với độc giả, cụ kết luận trong mục “Văn Uyển: Ngọn Gió Hồ Gươm” như sau: “Trong trời đất cũng nhiều hạng gió: ngọn gió cuồng thì cây rung lá cuốn, ngọn gió bấc thì cỏ lạnh hoa tàn. Êm đềm thay! Ngọt ngào thay! Cái ngọn gió này, trong khi chim hót, thuyền ngâm, sen day, sóng dợn, cũng đủ khiến cho người nóng nẩy thì mát mẻ tấm lòng, người ngơ ngẩn thì tỉnh tươi giấc mộng. Có kẻ bảo rằng: gió Hồ Gươm mát là mát vì ngọn gió Nam Phong!”

STết 1918 (Mậu Ngọ) hấp dẫn lắm, xuất hiện vào thời điểm cha tôi phải từ bỏ giấc mơ làm ông nghè ông cống để chuyển sang học chữ quốc ngữ và chữ Pháp trước khi trở thành một nhà giáo tiểu học. Số báo đặc biệt này đầy ắp mọi mục như văn, thơ, phú, chuyện, hát nói, văn sách, thơ dịch từ chữ Hán và chữ Pháp, vân vân, như chủ bút Phạm Quỳnh tâm tình với bạn đọc: “Trong sáu tháng nay, các bạn đọc báo đã cùng với bản báo vẫy vùng trong bể học vấn, rong ruổi trên trường nghị luận, những món chắc-bổ để nuôi tinh thần trí thức cũng đã nếm qua ít nhiều mà biết cái dã-vị thực thà. Vậy nay xin hiến các bạn một mâm đồ ngọt, gọi là cái quà ăn chơi trong vài ngày Tết: mứt bách quả, bánh ngũ sắc, mỗi thứ một ít … Mong rằng các bạn sẽ vui lòng mà nếm cái quả năm mới này.” Cái “quà ăn chơi” ấy thực vui như Tết, với nhiều đóng góp của các văn nhân lẫy lừng tên tuổi. Bài nghị luận “Sợ Vợ” của Nguyễn Khắc Hiếu có đoạn thực dí dỏm: “Tớ vốn là một kẻ sợ vợ, nhưng chưa có mà sợ; chưa có mà sợ, nhưng có cũng tất sợ; có cũng tất sợ, nhưng chưa biết sợ vào hạng nào.” Bài “Thơ Pháo” của cụ Yên Đổ thấm thía biết bao: “Giấy xanh giấy trắng ở tay người / Bao nả công trình tạch cái thôi / Cao lắm lại càng sơ xác lắm / Cũng mang một tiếng ở trên đời.”  Câu đối Tết của ông Tú Tài Xương chua chát làm sao: “Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo / Nhân tình trắng thế lại bôi vôi.” Nhưng ông Tú Tài Xương cũng hóm hỉnh biết mấy với bài “Ngày Tết tặng Cô Đàu”: “Mừng xuân mừng quý khách / Khi vui lọ đàn phách / Chuyện nở như gạo vàng / Chuyện rai như chão rách / Đổ cả bốn cột giường / Siêu cả một bức vách.”

Tôi nao nức đọc bài viết mở đầu cho NPTC số 86 (tháng 8-1924) mang tựa đề “Lễ Kỷ Niệm Cụ Tiên Điền” (Mồng 10 tháng 8 – 8 Septembre 1924). Chương trình buổi lễ lịch sử này được Hội Đồng Trị Sự Hội Khai Trí duyệt y như sau: (1) Ông Phạm Quỳnh thay lời văn học ban diễn thuyết về mục đích cuộc kỷ niệm, (2) Ông Phạm Quỳnh diễn thuyết bằng tiếng Pháp cho các hội viên Tây nghe, (3) Ông Trần Trọng Kim diễn thuyết về lịch sử cụ Tiên Điền và văn chương Truyện Kiều, (4) Kép Thịnh và đào Tuất kể Truyện Kiều, và (5) Ả đào hát bài ca kỷ niệm do ông Nguyễn Đôn Phục soạn.

Mới chỉ xem cái chương trình buổi lễ với hai diễn giả vang dội tiếng tăm kết thúc bằng phần trình diễn văn nghệ qua lối kể truyện và hát ả đào tôi đã thấy lòng vui như hội và có thể mường tượng được mức xôn xao nao nức của các tham dự viên. Tôi từng ước ao được đọc trọn bài nói chuyện của Phạm học giả ngày hôm ấy từ mấy chục năm nay, nhưng mãi giờ đây mới toại nguyện! Mối lo sợ của ông về sự có thể mai một của Truyện Kiều làm tôi bàng hoàng. Xin cùng nghe lời tâm huyết của vị chủ bút NPTC lúc ấy mới 32 tuổi đời: “Văn chương người ta thiên kinh vạn quyển, dẫu có thiếu mất một quyển cũng chẳng hại gì. Văn chương mình chỉ độc có một quyển, vừa là kinh, vừa là truyện, vừa là Thánh Thư Phúc Âm của cả một dân tộc, ví lại khuyết nốt thì dân tộc ấy đến thế nào? Than ôi! Mỗi lần nghĩ tới mà không khỏi rùng mình, chột dạ, sửng sốt, rụng rời, tưởng như hòn ngọc ở trên tay bỗng rơi xuống vỡ tan tành vậy. Rồi mới tỉnh ra, sực nhớ đến mấy câu Kiều, vỗ bàn đập ghế, gõ dịp rung đùi, lên giọng cao ngâm Lơ thơ tơ liễu buông mành / Con oanh học nói trên cành mỉa mai  hay là Phong trần mài một lưỡi gươm / Những phường giá áo túi cơm xá gì bỗng thấy trong lòng vui vẻ, trong dạ vững vàng, muốn nhẩy muốn múa, muốn reo, muốn hò, muốn ngạo nghễ với non sông mà tự phụ với người đời rằng Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, có gì mà lo, có gì mà sợ, có điều chi nữa mà ngờ!

Còn cả hàng ngàn hàng vạn hoa thơm cỏ lạ khác nữa của những ngày tháng cũ đang chờ đón độc giả trong vườn hoa văn học rực rỡ mang danh Nam Phong Tạp Chí.

Bộ DVD-ROM NAM PHONG TẠP CHÍ là một món quà văn học để đời, một thứ “của tin gọi một chút này làm ghi” mà tiền nhân để lại cho chúng ta. Món quà vô giá này chỉ được thành tựu sau những cố gắng phi thường của những tấm lòng hoài cổ thiết thực đáng yêu đáng quý. Tôi chóng mặt khi đọc về những thử thách dễ sợ mà ban thực hiện dự án phải đương đầu. Trước hết là việc phân chia nhiệm vụ đi tìm kiếm khoảng 3,500 trang thiếu hụt trong bộ NPTC mà gia đình cố học giả Phạm Quỳnh đã ưu ái tặng Viện Việt Học. Công việc tìm kiếm này như thể đáy bể mò kim, vì ngay các thư viện đại học lớn như UCLA, UC-Berkeley, Washington (Seattle), Cornell … cũng không giúp được nhiều. Vậy mà nhờ vào sự kiên trì của các ân nhân và thiện nguyện viên, ban thực hiện dự án DVD-ROM NAM PHONG TẠP CHÍ đã kiếm ra hầu như tất cả những trang thiếu hụt nói trên. Sau đó là những công tác cực kỳ mất thì giờ và tỉ mỉ của khối kỹ thuật, khi họ chuyển các trang báo vào DVD để rồi thực hiện E-BOOK. Mỗi trang E-BOOK mất 45 phút mới xong. Lấy 45 phút nhân lên với tổng số 35,000 trang thì thành ra 26,250 giờ đồng hồ. Để cho dễ hiểu, số thì giờ này đòi hỏi lao tác của 3 chuyên viên làm việc 8 giờ mỗi ngày liên tục trong 3 năm rưỡi trời!

Tôi ngưỡng phục và tri ân những cố gắng phi thường của ban thực hiện dự án DVD-ROM NAM PHONG TẠP CHÍ, gồm có trưởng dự án Nguyễn Minh Lân, trưởng dự án Nguyễn Tuấn Khanh, phụ tá trưởng dự án Nguyễn Chí Thông, trưởng khối kỹ thuật Châu Hữu Hiền và các chuyên viên điện toán, và các vị trong ban tìm tài liệu và ban trình bầy. Lòng biết ơn của tôi cũng xin được gửi tới những vị hằng tâm hằng sản đã rộng lòng giúp đỡ cho ban thực hiện dự án.

Comments