Tài Liệu‎ > ‎Biên Khảo‎ > ‎

Điểm Sách - Giới thiệu Sách


ĐIỂM SÁCH TỰ ĐIỂN CHỮ NÔM TRÍCH DẪN

posted Oct 26, 2017, 2:53 PM by Chí-Thông Nguyễn   [ updated Oct 26, 2017, 2:53 PM ]

ĐÀM TRUNG PHÁP ĐIỂM SÁCH
 
TỰ ĐIỂN CHỮ NÔM TRÍCH DẪN
 
2009 • 1700 trang • $75 • Viện Việt Học xuất bản
Liên lạc: info@viethoc.org  • 714-775-2050

TỰ ĐIỂN CHỮ NÔM TRÍCH DẪN (TĐCNTD) là một công trình văn học đồ sộ của Viện Việt Học do một ban biên tập thượng đẳng chung sức hoàn tất. Mỗi vị đều sử dụng sở trường của mình trong công trình chung to lớn này. Giáo sư Nguyễn Văn Sâm, một nhà Nôm học từng dạy văn chương Việt Nam tại Đại Học Văn Khoa Saigon, sưu tập và chuyển sang quốc ngữ nhiều bản Nôm được trích dẫn trong tự điển. Giáo sư Lê Văn Đặng, một nhà Nôm học kiêm chuyên viên điện toán, với tư cách “fonts designer” đã khắc các chữ Nôm chưa có trong Unicode Standard dùng trong cuốn tự điển này. Đồng soạn giả Nguyễn Hữu Vinh, một tiến sĩ kỹ nghệ tại Đài Loan, dò lại những chữ Nôm mới khắc đó để tránh trùng hợp với chữ đã có và chịu trách nhiệm chuyện in ấn cuốn sách tại Đài Loan. Đồng soạn giả Đặng Thế Kiệt, một chuyên gia về tin học tại Paris, đã đại diện Viện Việt Học sưu tầm tài liệu về chữ Nôm tại Bibliothèque Nationale de Paris và gửi qua Mỹ. Đồng soạn giả Nguyễn Doãn Vượng phụ trách kỹ thuật và trình bầy, sắp xếp các mục từ cho hợp lý và làm dễ dàng cho công việc các đồng soạn giả chia nhau đánh máy nội dung vào các mục từ. Đồng soạn giả Nguyễn Ngọc Bích, một nhà nghiên cứu văn học uyên bác và quảng giao, phụ trách những công việc giao tế và quảng bá công trình. Và sau hết, đồng soạn giả “hậu sinh khả úy” Trần Uyên Thi đã thiết kế được một bàn gõ chữ Nôm, nhờ vào đó mà việc đánh máy chữ Nôm được mau lẹ.

Các đồng soạn giả cũng ghi nhận sự đóng góp quý báu của ông Alexandre Lê (nguyên quản thủ thư viện Trường Viễn Đông Bác Cổ Paris) đã cung cấp một nguồn tài liệu rất phong phú về chữ Nôm, và của ông Đỗ Quốc Bảo (một chuyên gia điện toán tại Đức Quốc) đã tích cực hợp tác trong việc chế tạo hai bộ chữ (fonts) Hán Nôm A và Hán Nôm B.

Tận dụng kỹ thuật điện toán tân kỳ và kết hợp hoàn mỹ sở trường của các đồng soạn giả, ban biên tập sau nhiều năm kiên trì hoạt động đã hoàn tất và cho trình làng một công trình đồ sộ. Vì được biên soạn theo một phương thức khoa học, minh bạch, nhất quán, với những phần chỉ dẫn khúc chiết, TĐCNTD dễ dùng và không làm người sử dụng sờn lòng nản chí. Thêm vào đó, những câu trích dẫn từ nhiều áng văn chương chữ Nôm khác nhau vừa làm cho ý nghĩa mỗi mục từ sáng tỏ trong văn cảnh vừa cho người tra cứu thưởng thức văn chương nước nhà một thể. Chuyện thưởng thức văn chương này đáng kể lắm, vì qua nhiều đoạn trích dẫn trong cuốn TĐCNTD, người đọc thấy như mình được ngắm vẻ đẹp xa xưa, lắng nghe quá khứ thì thầm, để rồi hòa mình vào nếp sống của những thế hệ trước.

Có lẽ cái khó khăn nhất của người tự học chữ Hán, chữ Nôm, hoặc quốc tự (kokuji) hay hòa tự (waji) của người Nhật là khi người ấy gặp một chữ mới và phải kiếm chữ ấy trong tự điển. Mà mỗi khi kiếm nó không ra thì buồn bực lắm, như tôi đã nhiều lần cảm thấy trong tiến trình tự học chữ Hán! TĐCNTD đối phó với vấn đề này khá hữu hiệu, qua “bảng tra theo bộ thủ” và “bảng tra theo tổng số nét.” Cách dùng cả hai bảng tra đều được giải thích cách rõ ràng từng bước một. Xin đưa ra đây một thí dụ. Tôi thấy đâu đó cái chữ là lạ này “犭山”(bên trái là bộ khuyển  “犭”và bên phải là chữ sơn “山”) không thể kiếm ra trong các tự điển Hán-Việt của tôi, và do đó tôi đoán nó phải là một chữ Nôm. Mở TĐCNTD ra, tôi kiếm bộ “khuyển” trong “mục lục bộ thủ” ở cuối cuốn sách thì được biết bộ “khuyển” ở trang 1606. Mở trang 1606 đó ra thì tôi tìm thấy cái chữ là lạ đó, và tên nó là “săn”! Cạnh chữ “săn” này là số trang 1111, nơi nó sẽ được định nghĩa qua văn cảnh chữ Nôm và chữ quốc ngữ. Quả nhiên, trong trang 1111, tôi hiểu nghĩa chữ “săn” đó qua câu trích dẫn: “Trẻ thơ ví tựa cỏ sương, Nếu không săn sóc khôn phương sống nào” (trích dẫn từ cuốn Thị Kính, tức là Quan Âm Diễn Ca Toàn Truyện, xuất xứ từ Bửu Hoa Các tàng bản, niên đại văn bản Bính Thân [1896], tờ 24a). Tôi cũng thử tìm chữ “săn” 6 nét này qua “bảng tra theo tổng số nét” thì được biết nó thuộc bộ 94, tìm thấy ở cột đầu trang 1635, bên cạnh cũng ghi trang 1111 là nơi nó được định nghĩa.

Tôi vốn e dè với việc học chữ Nôm vì nó đòi hỏi quá nhiều trí nhớ, nhưng sau một thời gian làm quen với cuốn tự điển tân kỳ 1700 trang đầy kỳ hoa dị thảo mà lại dễ dùng này, nỗi e dè đó của tôi đã bớt đi. Và tôi hoàn toàn đồng ý với niềm tin sau đây của ban biên tập: “Quyển TĐCNTD không phải chỉ cho các nhà Nôm học, mà cho cả những người không biết chữ Nôm nhưng quan tâm đến tiếng Việt và thơ văn Việt Nam cũng sẽ tìm thấy ở đây một kho tàng ngữ văn của người Việt Nam trải dài 7 thế kỷ, từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 20.”

Tôi khâm phục công sức và thiện chí không thể đo lường được của ban biên tập trong khi họ thâu thập các văn bản chữ Nôm từ các thư viện trên thế giới hoặc từ các tư liệu các nhà nghiên cứu, chọn lọc một số văn bản nòng cốt dùng làm cơ sở để nhận diện từng chữ Nôm một qua các thí dụ được trích dẫn với ghi chú xuất xứ chính xác, chế tạo kiểu chữ Nôm đúng tiêu chuẩn mã quốc tế, thiết kế một bàn gõ để đánh chữ Nôm, và gõ nhập chữ vào tự điển dạng điện tử.
   
Ban biên tập TĐCNTD và Viện Việt Học xứng đáng được ân tặng môt vòng nguyệt quế từ những người Việt bốn phương còn nặng tình với văn học quê cha đất tổ.  [09-25-2017]

ĐÀM TRUNG PHÁP
Cố Vấn Viện Việt Học


GIỚI THIỆU SÁCH: TIỀN CỔ VIỆT NAM KHÔNG DO TRIỀU ĐÌNH ĐÚC

posted Feb 1, 2017, 10:15 AM by Chí-Thông Nguyễn   [ updated Feb 28, 2017, 7:50 AM ]

Viện Việt-Học trân trọng giới thiệu tác phẩm Tiền cổ Việt Nam không do triều đình đúc cuả tác giả Lục Đức Thuận và Võ Quốc Ky. 
Mọi chi tiết xin liên lạc: info@viethoc.com

Lời tác giả

Theo thói thường, viết về những việc chính thức dễ dàng hơn những điều mà gốc nguồn không ai rõ. Tương tự, sách về tiền cổ Việt Nam bàn đến những loại tiền do triều đình đúc, sử thần chịu tốn bút mực viết, thì rất nhiều. Tuy nhiên, với những đồng tiền cổ mà không hiểu được do ai đúc và có vào lúc nào, cái thứ tiền được gọi là “niên đại bất tri phẩm” hay “vô khảo phẩm”  muốn tìm sách đọc thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

 

            Sau khi phát hành quyển sách đầu tiên về tiền cổ Việt Nam, người viết đã có hoài bão ghi lại tất cả những gì hiểu biết về loại tiền không do triều đình đúc trong thời gian sưu tập. Tìm một phương thức trình bày những gì người viết muốn đưa ra cũng lắm chuyện nhiêu khê. Đã là thứ niên đại bất tri phẩm thì khởi nguồn từ đâu? Làm sao mà bắt đầu? Từ vài trăm năm nay, các tác giả Nhật Bản cũng nhìn thấy điều này khi viết về tiền cổ của Việt Nam, mà đành phân loại các loại tiền nóí trên theo hình thức thủ bộ để trình bày. Đây cũng là một phương pháp có tiến bộ và với hướng nhìn khác lạ, nhưng không nhằm vào mục đích giải mã những băn khoăn của người sưu tập về đồng tiền đang nắm trong tay. Cho nên số thủ bộ ngày càng tăng, lượng tiền vô khảo phẩm mỗi lúc càng nhiều là cũng vì đấy.

 

            Với cái nhìn của một người đang sống ở thế kỷ thứ 21, người viết cảm thấy càng có lý do nên ứng dụng khoa học vào trong lãnh vực nghiên cứu về tiền cổ. Để những gì mơ hồ được sáng tỏ hơn và để những gì sai lạc được chỉnh đốn lại. Bởi thế, trong quyển sách nhỏ này, đồng tiền cổ được nhìn qua nhiều lăng kính khác nhau và mới mẻ, hầu đưa đến vấn đề xác định niên đại của đồng tiền rõ ràng hơn và ít lỗi lầm hơn.

 

            Với sự phân tích thành phần kim loại của đồng tiền cổ bằng phương pháp X-Ray Fluorescence Spectroscopy (XRF) và phương pháp Scanning Electron Microscope (SEM), hợp kim của đồng tiền cổ được xác định chính xác với sai số rất nhỏ.  Nhờ đó, cùng với lịch sử của khoa luyện kim và kim loại học, một số đồng tiền đã được chỉnh sửa lại niên đại của chúng ra đời cho hợp lý hơn. Đây cũng là công đầu của những vị ân nhân đã có tâm huyết và say mê nghiên cứu văn hoá Việt Nam mà người viết có cơ hội cộng tác, ông Pavel M. Kartashov, ông Vladimir Belyaev ở Liên Bang Nga và ông Craig Greenbaum ở Mỹ. Một ví dụ, trường hợp đồng tiền Vĩnh Định, Khai Kiến, mặc nhiên từ hàng trăm năm nay, được xem như của nhà Mạc đúc vào thế kỷ 16 đã được đưa trễ về  thế kỷ 18 cho đúng, vì chúng là tiền đồng thau.

 

            Hơn thế, kết quả của những khảo sát thực địa về thành phần của những hũ tiền mà xưa nay hầu như không sách vỡ nào áp dụng, cũng giúp rất nhiều trong việc điều chỉnh niên đại cho đồng tiền. Đó là những dữ liệu rất qúy giá từ những người đầu tiên tiếp xúc trực tiếp với những hũ tiền cổ được khai quật, theo người viết nghĩ, nhưng lại không được sử dụng và trân trọng trong việc nghiên cứu về tiền cổ từ xưa đến nay. Nếu người nghiên cứu “hiểu” được sự liên hệ giữa kết quả phân tích hợp kim của đồng tiền Phúc Bình nguyên bảo là đồng thau, cùng với sự xuất hiện của đồng tiền này thường thấy chung trong hũ tiền kẽm hoặc tiền Cảnh Hưng của thế kỷ 18, chắc hẵn sẽ không ai dựa vào thư pháp triện thư cổ kính của đồng tiền mà cho rằng nó được đúc vào hai, ba trăm năm trước đó nữa.

 

Tiếp tay trong việc tham khảo từ những sách xưa và nay viết về tiền cổ, người viết đã truy lục trong thư tịch của các trường Đại Học và cơ quan của Nhật Bản. Những tài liệu quý giá từ thế kỷ 17 của người Nhật Bản về tiền cổ Việt đã quan trọng thổi hơi vào công cuộc nghiên cứu này. Cùng với một số quá ít sách trong thư tịch của Việt Nam, kể cả vài bộ chính sử, người viết đã bổ túc thêm nhiều dữ liệu quan hệ đến đồng tiền trong các bộ điển luật của nhà Lê như Thiên Nam Dư Hạ Tập, các tự điển của Việt Nam như Tự Điển Việt Bồ La hầu làm sáng tỏ vài vấn đề khúc mắc.

 

Tất cả những lăng kính kể trên đã giúp cho đồng tiền cổ của Việt Nam được nhìn trong sáng hơn và tránh được những thiên kiến theo lối khẩu truyền cùng với những kiến thức vô căn cứ được truyền qua nhiều thế hệ đến nay. Trong quyển sách nhỏ này, người viết đã được sự giúp đỡ của anh Mai Ngọc Phát cho sử dụng hình ảnh những đồng tiền hiếm quý từ bộ sưu tập vô giá của anh, cũng như một số ý kiến tham khảo từ các bạn hữu trong làng tiền cổ,  anh Lê Trần Văn ở Thanh Hóa, anh Tạ Doãn Cần ở Quảng Trị, cháu Hoàng Anh Tuấn ở Hưng Yên và anh Trương Ngọc Tường ở Cai Lậy.

 

Quyển sách nhỏ này không nhằm giải mã tất cả mọi khúc mắc về tiền không chính triều của Việt Nam, nhưng người viết mong rằng sẽ lát trải những viên gạch mới mẻ và đầu tiên trên con đường nghiên cứu về tiền cổ Việt. Đây là lần in đầu tiên của cuốn sách này, người viết tự biết vẫn còn nhiều khiếm khuyết trong việc khảo cứu quá bao la, cần thêm nhiều thời gian. Dám xin người đọc hiểu cho mà lượng thứ.

 

 

Lục Đức Thuận

 

 

Mục Lục 

Chương 1.

Ứng dụng của Kim Thạch học, Khoáng vật học, Kim Tướng học và Phân tích Thành phần Hợp kim trong việc nghiên cứu TIỀN CỔ VIỆT NAM.

Chương 2.

Tiền kẽm.

Chương 3.

Tiền gián  ( 間 錢 ).

Chương 4.

Tiền đồng thau.

Chương 5.

Tiền đồng không chính triều.

Chương 6.

Những bài viết nhỏ về  Cái vi tiền, Tiền chì, Tiền thiếc, Tiền sắt, Tiền sềnh, và Tiền đồng bạch.

GIỚI THIỆU SÁCH: TẢN MẠN VỀ TIỀN CỔ VIỆT NAM

posted Feb 1, 2017, 10:13 AM by Chí-Thông Nguyễn   [ updated Feb 28, 2017, 7:50 AM ]

Viện Việt-Học trân trọng giới thiệu tác phẩm Tản mạn về tiền cổ Việt Nam cuả tác giả Lục Đức Thuận và Võ Quốc Ky. 
Mọi chi tiết xin liên lạc: info@viethoc.com

            Sách gồm 7 chương khảo luận, khoảng 230 trang cùng hình ảnh, khổ 8 x 11.
 

Mục Lục 

            Chương 1: Tản mạn về tiền cổ Việt Nam.

Giới thiệu khái quát về tiền cổ Việt Nam. Những tính chất về tiền cổ VN như hình dạng, kim loại, đơn vị, trọng lượng, danh pháp và thư pháp của đồng tiền, tiêu bản của tiền cổ, cách nhận dạng, phương pháp phân loại tiền cổ theo nhiều khía cạnh khác nhau như hợp kim, nguồn gốc chính thống của tiền, phong cách chữ viết ... Những vấn đề khác như phương pháp đúc tiền, sự phân bố tiền cổ trên lãnh thổ VN và trị giá của tiền cổ cũng được đề cập. Một thư mục đầy đủ nhất về sách tiền cổ VN bằng các thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Nhật, Hoa trong vòng 150 năm được cung cấp, cũng như ảnh hưởng của đồng tiền trong những câu ca dao Việt Nam. Và tổng quát về những sai lầm trong những sách viết về tiền cổ VN do người ngoại quốc viết từ thế kỷ trước mà người khảo cứu nên tránh ngộ nhận là chính xác.

 

            Chương 2: Đơn vị, Trọng lượng và Hợp kim của tiền đồng và tiền kẽm Việt Nam.

Trình bày về đơn vị, trọng lượng và hợp kim của hai loại tiền thông dụng trong dân gian từ đời nhà Đinh cho đến đời Bảo Đại, vị vua cuối cùng của nền quân chủ chuyên chế. Sự thay đổi về đơn vị của tiền cổ VN được trình bày theo lối biên niên. Trọng lượng của đồng tiền được thảo luận trong những trường hợp đặc biệt trải qua các triều đại. Bản phân tích thành phần hợp kim dựa trên phương pháp tối tân nhất XRay Fluoresence được dùng thảo luận cho các loại tiền như tiền đồng, tiền kẽm, tiền ô diên, tiền chì và đưa ra những cách phân loại chính xác theo phương pháp khoa học thay vì theo mắt nhìn màu sét rỉ của đồng tiền.

 

            Chương 3: Ố tiền và Trường Kỳ mậu dịch tiền của Nhật Bản ở Việt Nam.

Trình bày về sự ngoại thương giữa Nhật Bản và Việt Nam trong thế kỷ 17 và 18, cũng như các thứ tiền Nhật Bản được xuất cảng sang Việt nam vào thời đó. Chính sách Ngự Châu Ấn Trạng của Tướng quân Tokugawa và những chi tiết về ngoại thương cho thấy tầm vóc quan trọng về phát triển kinh tế ở Đàng Trong được thảo luận trong chương sách, cũng như ảnh hưởng của chính sách bế quan tỏa cảng của Nhật ảnh hưởng ra sao trong việc ngoại thương. Đặc biệt sơ lược về lịch sử tiền tệ Nhật Bản, nguyên nhân đưa nước Nhật từ vị thế nhập cảng tiền Trung Quốc đến xuất cảng tiền sang Đại Việt, mối lợi tức trong việc xuất cảng tiền cổ Nhật Bản để tiền Nhật ngày nay tìm thấy trong nhiều hũ tiền tìm thấy ở VN được xét đến. Và lần đầu tiên, các loại tiền Nhật Bản được phân loại để tìm hiểu thứ tiền gì được xuất cảng sang Đại Việt cũng như tư liệu về một hũ tiền cổ Nhật Bản 60 kí được tìm thấy ở Bình Định ra sao.

 

            Chương 4: Đồng tiền ngoại thương vào thế kỷ 16 đến 19 ở Việt nam.

Giới thiệu về lịch sử ngoại thương giữa phương Tây và các nước Đông Á châu, đặc biệt là Việt nam. Lịch sử giao thương của các quốc gia Bồ Đào Nha, Tây ban Nha, Hòa Lan, Anh Quốc, Pháp Quốc, Chân Lạp, Nhật Bản và Trung Quốc cùng các thứ tiền ngoại quốc nào của họ được mang vào Đại Việt mua bán mà ngày nay còn tìm thấy trên lãnh thổ Việt nam được trình bày. Sự phân tích trị giá tương đương giữa tiền ngoại quốc cùng quan tiền, lạng bạc của Việt nam được so sánh. Chương sách cũng giải mã một số từ ngữ của tiền ngoại quốc được sử Việt nói đến qua từ ngữ như bạc lá si, bạc Phiên, tiền hoa biên, song chúc và quỷ đầu. Và cuối cùng, vào thế kỷ 20, đồng bạc ngoại thương của Hương Cảng, Hoa Kỳ, Thụy Sĩ xuất hiện trên đất Việt trước khi đồng bạc Đông Dương được chính thức thay thế các loại tiền ngoại thương được kết luận ra sao.

 

            Chương 5: Tiền cổ Việt nam có mệnh giá lớn.

Chưong sách trình bày cả một bộ sưu tập về tiền cổ Việt nam có mệnh giá lớn từ tiền giấy của Hồ Qúy Ly, trải qua các đồng tiền đồng to đầu tiên  của thời Lê mạt. Lịch sử tiền của mệnh giá lớn của triều Nguyễn được phân tích so sánh trị giá giữa tiền đồng và tiền kẽm, các đại đồng tiền với mỹ ngữ, các loại đồng tiền vàng bạc và đặc biệt các loại tiền Tự Đức Bảo Sao, Thất Tiền Nhị Phân của triều Tự Đức. Tỷ lệ giá trị giữa tiền hợp pháp và các thứ tiền tạp chất, tiền ngụy, tư chú tiền cũng được thảo luận.

 

Chương 6.

Ai đúc tiền An Pháp nguyên bảo ? Khảo luận về nguồn gốc của tiền không chính triều An Pháp nguyên bảo.

Chương 7.

Giao Chỉ Dương và chỗ đứng của Đại Việt trong giao thương Biển Đông vào thế kỷ 10 - 16. Bài viết về Giao Chỉ Dương trong chương Tiền tệ và Thương mại đời Lý Trần, trích trong sách chưa xuất bản Tiền tệ trong xã hội Việt Nam thời xưa và những vấn đề liên hệ.


BƯỚC ĐƯỜNG CỦA CẢI LƯƠNG

posted Aug 11, 2014, 11:32 AM by Chí-Thông Nguyễn   [ updated Oct 3, 2014, 11:56 PM ]

Đôi Điều Ghi Vội 

Về Một Cuốn Sách Sắp Phát Hành 

 

BƯỚC ĐƯỜNG CỦA CẢI LƯƠNG 

 

Của Nhà Biên Khảo 

Nguyễn Tuấn Khanh 

 

 

Sắp tới đây, Viện Việt-Học California (2014) sẽ phát hành quyển sách BƯỚC ĐƯỜNG CỦA CẢI LƯƠNG do Nbiên khảo Nguyễn Tuấn Khanh từ nhiều năm đã bỏ công sức để tìm hiểu và viết ra nhằm muốn lưu giữ trong kho tàng văn học Việt Nam một công trình nghệ thuật của dân tộc mà tác giả đã nói rõ bằng cụm từ dùng làm tựa cho tập sách của mình. Như để minh định quan điểm khi thực hiện công trình nầy, tác giả đã khéo léo chọn một câu viết của cụ Vương Hồng Sển để đặt thật trang trọng trước khi vào phần trình bày của mình: “Cải lương là đứa con không cha nên mạnh ai muốn khai tên cha mẹ và khai năm sanh tháng đẻ làm sao cũng được”.

 

Ngay cả hai mẫu bìa 1 và bìa 4, tác giả đã chú thích “Bìa trước: Đờn ca tài tử trong hình bìa cuốn “Bài Ca Kiêm Thời (Thập Nhứt Tài Tử)” của Huỳnh Văn Ngà in năm 1916 tại Sàigòn”. “Bìa sau: Đĩa hát Vọng Cổ Hoài Lang trong tuồng “Kim Vân Kiều” và “Lục Vân Tiên” do gánh hát cải lương của Thầy Năm Tú ở Mỹ Tho (1922-1928) thu cho hãng đĩa Pathé tại Sàigòn, cô Hai Cúc và thầy Bảy Thông ca” cũng phần nào nói lên tâm ý của tác giả.  Trong lời giới thiệu in đầu sách, nhà văn Nguyễn Văn Sâm đã viết:

 

“....Bảy năm miệt mài tìm tài liệu trên mạng toàn cầu, trong báo chí xưa anh đi đến hai điều tôi cho là quan trọng:

 

1.      Cải Lương hình thành từ Ca Ra Bộ, mà Ca Ra Bộ là biến thể của Ca Thay PhiênCa Thay Phiên là từ Đờn ca Tài Tử. Nghĩa là, theo Khanh, Cải Lương phát xuất xa gần từ Đờn Ca Tài Tử. Dĩ nhiên cải lương còn thừa hưởng những nét văn hóa dân tộc trong nhiều đặc tánh của hát bội như đối đáp vui buồn (tình cảm), như phát biểu bằng nhiều hình thái (thể loại diễn tả tình cảm). Từ những thừa hưởng đó, cải lương phát huy để có những thể ca/nói lối đặc biệt trong bất cứ tình huống nào của nhân vật.

 

2.      Thời gian xuất hiện đầu tiên của bộ môn cải lương là năm 1919, 1920, đây là con số có được do chứng cứ cụ thể khả tín, không phải do phỏng đoán hay do những câu nói bắt người nghe/người đọc phải tin mà không thể kiểm chứng được như ‘tôi nhớ hình như lúc đó tôi còn nhỏ, độ … tuổi’ hay ‘theo người thân của tôi kể lại’. Những chứng cớ nầy nằm trong các tờ báo xưa, các post card mà Khanh mò mẫm trong các thư viện rồi từ từ tìm ra.

 

Khi đưa ra hai điều trên, Nguyễn Tuấn Khanh đương nhiên nói khác với những bậc lão thành đã viết từ lâu lâu lắm mà từ đó đến nay nhiều người coi là chân lý. Tuy nhiên giọng văn của tác giả tỏ ra thiệt bình tĩnh, không ồn ào đả kích, không mở ra những cuộc tranh luận, anh chỉ nói những gì mình biết và mình tin là đúng, anh không muốn phá đổ lý thuyết của một ai, càng không muốn thổi tắt hào quang của một ai, giọng văn nhẹ nhàng, tránh nói tên người lập thuyết từ trước khiến người đọc không nhức đầu, không bất bình và say mê theo dõi những gì anh viết (...)”.

 

Với cương vị một người viết bài giới thiệu tập sách sẽ ra mắt bạn đọc, nhà văn Nguyễn Văn Sâm không ngại ngùng khi ghi: Khanh viết được, và bước qua được hai câu hỏi khó về thời gian xuất hiện và nguồn gốc của Cải Lương nhờ tinh thần trao đổi của anh. Ngoài tài liệu, anh còn trao đổi cả những suy nghĩ của mình anh thảo luận với người trong nghề đi hát, với thầy đờn, với soạn giả cải lương. Mỗi người hé cho anh một chút ánh sáng, và anh tổng hợp lại để đi đến câu trả lời của riêng anh. Tôi được thuyết phục khi đọc hết sách, tôi tin ở sự lập thuyết của anh và phần nào không còn tin tưởng mấy về lập thuyết tương quan giữa Hát Bội và Cải Lương mà tôi có trong trí mấy chục năm nay. Cái tuyệt vời của tác giả là ở đó!(...).


Về phần mình, trong lời nói đầu (tr. 17-22), có đoạn tác giả viết: Tập sách này đã hoàn tất vào năm 2010 nhưng nhận thấy bài Vọng Cổ có liên quan mật thiết với bộ môn Cải Lương nên tôi bắt đầu thu thập thêm tài liệu về bài Dạ Cổ Hoài Lang là bài ca khởi thủy của bài Vọng Cổ, một bài không thể thiếu trong những vở tuồng Cải Lương để cho tiếp vào phần hai của cuốn sách.

 

Tôi hy vọng là tập sách nhỏ này sẽ bổ túc cho những tài liệu về bộ môn Cải Lương và bài Dạ Cổ Hoài Lang do các nhà nghiên cứu đi trước đã phổ biến để chúng ta có một cái nhìn chính xác hơn về công lao của các nghệ sĩ tiên phong đã khai phá ra bộ môn nghệ thuật sân khấu độc đáo của miền Nam (...).

 

Tập sách này chỉ bao gồm những sự kiện xảy ra từ năm 1900 là thời điểm Nhạc Tài Tử đã được nhiều người biết đến cho tới nửa cuối thập niên 1920 là thời điểm bộ môn Cải Lương đã có chỗ đứng vững trong ngành nghệ thuật sân khấu của Việt Nam. Để độc giả có một cái nhìn khái quát về tiến trình hình thành của Cải Lương, bố cục của tập sách này sẽ được trình bày theo thứ tự năm tháng của sự việc xảy ra để chúng ta dễ dàng theo dõi (...)”.

 

“Ăn trái nhớ kẻ trồng cây” là đức tính chân thực đầy nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam. Nhà biên khảo Nguyễn Tuấn Khanh biểu hiện đức tính đó bằng những dòng kết của LỜI NÓI ĐẦU: Tôi xin chân thành tri ân các vị soạn giả Đinh Bằng Phi, Nhị Tấn, các vị nhạc sư Vĩnh Bảo, Kim Nguyên, Ba Tu, Ngọc Dung, Hoàng Cơ Thụy, Nguyễn Xuân Yên, giáo sư Nguyễn Văn Sâm, các nhà sưu khảo Trương Ngọc Tường, Võ Trường Kỳ, các bạn Phùng Mạnh Tâm, Trương Văn Nho, Nguyễn Khương Hoàn đã giúp đỡ và chia sẻ tài liệu để tôi có đầy đủ kiến thức mà hoàn tất quyển sách này.

 

Tôi xin đặc biệt cám ơn nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, mặc dầu ông đang dưỡng bệnh nhưng đã sốt sắng giúp ý kiến trong việc trình bày cuốn sách này được thêm phần mỹ thuật.

 

BƯỚC ĐƯỜNG CỦA CẢI LƯƠNG dày 332 trang gồm hai phần chánh: Phần I (từ trang 11 đến 188): LỊCH SỬ CẢI LƯƠNG, phần II (từ trang 193 đến 274): BÀI DẠ CỔ HOÀI LANG. Phần phụ lụctài liệu tham khảo (từ trang 278 đến 328). Sách in giá $20.00 USD.

 

Nguyễn Tuấn Khanh cộng tác với tạp chí Văn Hóa Việt Nam ngay từ những năm đầu đến nay với những bài viết rất công phu. Hôm nay nhà biên khảo đã “trình làng” một tác phẩm thật dày công biên soạn, rất xứng đáng lưu giữ trong tủ sách của gia đình. Thay mặt BBT tạp chí chúng tôi chúc mừng nhà biên khảo Nguyễn Tuấn Khanh về sự có mặt của tập sách, một công trình thực hiện những hoài bão đeo mang trong cuộc đời mình. Trang trọng giới thiệu cùng bạn đọc tạp chí Văn Hóa Việt Nam.

 

Được biết, giá quyển sách là $20.00 Mỹ kim bao gồm cả cước phí trong nước Mỹ. Tác giả có CD tài liệu về “Ca Ra Bộ” và “Dạ Cổ Hoài Lang” dành tặng cho 100 khách hàng đầu tiên liên lạc mua sách.

 

Liên lạc mua sách qua địa chỉ tác giả:

 NGUYỄN TUẤN KHANH

1558 Sawleaf Ct.

San Jose,  CA  95131

 Email: ntkhanh@viethoc.com

Phone: (408) 929-4794

Châu Lê

(ghi nhận)

 Nguồn: (Tạp chí Văn Hóa Việt Nam số 65, Mùa Hè 2014) - cập nhật với sự đồng ý của tác giả.

 

 

Đức Phật Giưã Chúng Ta

posted Aug 31, 2013, 1:53 AM by Uyên-Thi Trần   [ updated Jan 26, 2017, 8:02 AM by Chí-Thông Nguyễn ]

Tác giả: 
Trần Ngọc Ninh 
Xuất bản: Viện Việt Học, 2013 
Giá tiền: $25.00 US 
Số trang200 (32 trang màu) 

Bià cứng 

Cước phí trong nước Mĩ: $3/quyển 
Cước phí ngoài nước Mĩ: $10/quyển 
Mua trên 10 quyển, giá $20/quyển + $13 cước phí 

Sách xuất bản lần đầu bởi Lá Bối (1972, Saigon). Lần tái bản 2013 có thêm Lời Tưạ mới, bảng đối chiếu sơ lược lịch sử Việt Nam, Trung Hoa, Ấn Độ, Chàm, Khmer, và nhiều tranh ảnh tài liệu mới. 

Mục Lục: 

Tưạ và lời ghi ơn  (cho lần xuất bản thứ hai) 
Phàm-lệ 
Lời mở đầu 
I. Tu và Hành 
II. Đức Phật lịch-sử 
III. Đức Phật và sự cải-tạo xã-hội 
IV. Sự cải-tạo-xã-hội dưới ánh Đạo Phật trong lịch-sử 
V. Đức Phật giưã chúng ta 
VI. Vị trí cách-mạng cuả Phật-giáo 

Xin gửi chi phiếu về: 
Institute of Vietnamese Studies                         
P.O. Box 11900 
Westminster, CA 
92685-1900

Liên lạc: info@viethoc.com

Sách mới: Ước Vọng Duy Tân

posted Mar 10, 2013, 7:20 AM by Uyên-Thi Trần   [ updated Mar 10, 2013, 7:20 AM by Chí-Thông Nguyễn ]

ƯỚC VỌNG DUY TÂN 
A DREAM FOR VIETNAM 
Tuyển tập 
TRẦN NGỌC NINH
 VĂN HÓA - HUYỀN THOẠI - VĂN HỌC SỬ 
TRẦN UYÊN THI chủ biên 

 Sách dày 472 trang, do VIỆN VIỆT HỌC xuất bản, 11/2012 
Có thể mua trên mạng www.amazon.com

Sách này bắt đầu với một cuộc phỏng vấn Giáo sư TRẦN NGỌC NINH bởi cô TRẦN UYÊN THI, một môn sinh của Giáo sư, để soi sáng và thảo luận về những đường hướng mới của Giáo sư trong sự khảo sát về văn hóa và văn minh Việt Nam, đặc biệt là huyền thoại học, ngữ lí học và văn học sử. Cuộc phỏng vấn này cũng là một sự dẫn đường trong sáng và dễ hiểu vào công trình và tư tưởng của Giáo sư. Sau những bài phỏng vấn là một tuyển tập chọn lọc một số bài viết của chính Gs. Trần Ngọc Ninh, có bài mới và cũng có bài cũ nhưng nay đã bị biếm không còn được lưu hành hay tàng trữ ở Việt Nam. Những bài này, tuy là viết cho một số độc giả không chuyên môn rộng, nhưng với giọng văn hàn lâm cẩn trọng, có thể giúp cho những độc giả lưu tâm đến các vấn đề văn hóa hiểu rõ và định giá các lí thuyết của Giáo sư. Sau cùng là những cảm nghĩ của một số sinh viên và đồng nghiệp của Gs. Trần Ngọc Ninh về ngữ lí học Việt Nam. Đây là một cuốn sách cần yếu cho tất cả các sinh viên và các nhà khảo cứu về văn hóa, huyền thoại và ngôn ngữ nói chung và Việt Nam nói riêng.


“ƯỚC VỌNG DUY TÂN là ước vọng một đời của Thầy chúng tôi cho Quốc gia, Dân tộc. Trong bất cứ thời đại nào, đó luôn luôn là ước vọng của những người tự khoác lên hai vai trách nhiệm và lương tâm của một kẻ sĩ, được ghi lại sớm nhất là trong bản ‘Bình Ngô Đại Cáo’ của Lê Lợi và Nguyễn Trãi — hai kẻ sĩ chân chính và vĩ đại của đất Việt:  ‘Tứ hải vĩnh thanh, đản bố duy tân chi cáo.’ (Bốn bể nước trong mãi mãi lặng sóng, ta nay tuyên cáo một nền DUY TÂN khắp chốn).

Vì sao sách này?

 (1) Ngữ pháp của thế giới đã đi vào Ngữ pháp Hoàn vũ (Universal Grammar). Việt Nam cũng phải tự tìm một con đường mới cho ngữ pháp Việt ngữ, nếu không muốn bị đẩy ra ngoài lề kỉ nguyên của máy móc kĩ thuật, trong đó khoa học tri thức (cognitive science) và ngữ lí học vi tính (computational linguistics) là hai lãnh vực đang đứng ở mũi đầu tàu.

 (2) Huyền thoại (mythology) của các dân tộc trên thế giới đã một thời bị hiểu lầm chỉ là những chuyện kể cho trẻ con, là sản phẩm của những bộ óc ‘sơ khai’, nay đã được khám phá là một kho tàng chứa đựng những tiềm năng khảo cứu và những tư tưởng thâm sâu: với Joseph Campbell, huyền thoại là một nét tôn giáo tiền sử, với những nghi lễ (rituals) giàu ý nghĩa tâm linh, tâm lí, và xã hội, rất cần được học hỏi, tìm hiểu; với Lévi Strauss, nó phản ánh những mô hình, những cơ cấu tri thức của con người, với những cặp đối nghịch (thiện/ác, sống/chết, thiên nhiên/con người...); với Carl Jung, nó là những mẫu hình cổ sơ (archetypes), phản ánh tâm lí của cái vô thức (unconscious), v.v... Việt Nam, hơn nhiều nước trên thế giới, có mấy ngàn năm văn hiến, và tất nhiên là có một di sản huyền thoại. Nhưng huyền thoại Việt Nam đã được hiểu, được đánh giá đúng mức hay chưa, và có còn giữ được sự trong trắng, nguyên sơ lúc ban đầu hay không?

 (3) Văn hóa, truyền thống vừa là một kho tàng quí báu, vừa là một gánh nặng cho một dân tộc. Làm thế nào để hội nhập và học hỏi những cái mới, đồng thời giữ gìn những giá trị cao đẹp và vô giá của truyền thống?

 (4) Khoa học mang lại những tiện nghi tốt đẹp cho con người, nhưng khoa học không có đạo lí là một khoa học thiếu nhân bản. ‘Tuy rằng văn minh và văn hóa là cùng một gốc, nhưng là hai mặt của cùng một cái. Càng lên cao thì hai cái càng chia rẽ ra và phản lại nhau. Văn minh tột đỉnh, trong đó khoa học làm chủ, thì không còn có văn hóa nữa’ (TNN).

 Đó là một số đề tài và vấn đề nan giải được Giáo sư Trần Ngọc Ninh soi sáng bằng một cái nhìn khoa học, tiến bộ, và nhân bản.

 Một số phát kiến mới mẻ của Gs. Trần Ngọc Ninh trong lãnh vực văn học sử: Nguyễn Du và Quan Họ, nguồn gốc thơ Lục Bát, một bài thơ độc đáo của Nguyễn Trãi viết trước khi chết… cũng được tuyển chọn vào sách này…”

                                                                                                                                                                 (Trích “Vì Sao Sách Này?”, TUT)

Phương Pháp Dạy Tiếng Việt Như Một Ngôn Ngữ Thứ Hai

posted May 28, 2012, 6:59 AM by Uyên-Thi Trần   [ updated May 28, 2012, 6:59 AM by Chí-Thông Nguyễn ]

Phương Pháp Dạy Tiếng Việt - Nguyễn Hưng Quốc
Viện Việt-Học trân trọng giới thiệu tác phẩm Phương Pháp Dạy Tiếng Việt Như Một Ngôn Ngữ Thứ Hai cuả Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc (Victoria University, Melbourne, Australia). Tiền Vệ xuất bản, 2012.
Mọi chi tiết xin liên lạc:
info@viethoc.com

Việt Sử Đại Cương 6 - Trần Gia Phụng

posted May 28, 2012, 6:54 AM by Uyên-Thi Trần   [ updated May 28, 2012, 6:54 AM by Chí-Thông Nguyễn ]

Việt Sử Đại Cương 6 - Trần Gia Phụng

Việt Sử Đại Cương - tập 6 của sử gia Trần Gia Phụng viết về những diễn biến chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội của hai miền Nam và Bắc Việt Nam từ 1954 đến 1975, gồm có 17 chương (11 chương về miền Nam và 6 chương về miền Bắc).

1.      Miền Nam Việt Nam sau hiệp định Genève

2.      Sự thành lập nền Cộng hòa

3.      Tình hình chính trị Đệ nhất Cộng hòa

4.      Chính biến ngày 1-11-1963 – Đệ nhất Cộng hòa sụp đổ

5.      Chính phủ lâm thời

6.      Chính phủ Nguyễn Khánh

7.      Chính phủ dân sự

8.      Nội các chiến tranh

9.      Các chính phủ thời Đệ nhị Cộng hòa

10.  Tổ chức cai trị chế độ Việt Nam Cộng Hòa

11.  Sinh hoạt tại miền Nam Việt Nam từ 1954 đến 1975

12.  Miền Bắc Việt Nam sau hiệp định Genève

13.  Quản lý nông nghiệp

14.  Quản lý văn hóa-tư tưởng

15.  Tình hình Bắc Việt Nam trước khi khởi động chiến tranh

16.  Tổ chức cai trị chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

17.  Sinh hoạt tại miền Bắc Việt Nam từ 1954 đến 1975

 

 

Ngoài ra, còn có hai bản hiến pháp, các hiến ước, hiến chương của các chế độ ở miền Nam Việt Nam, và hiến pháp của miền Bắc Việt Nam. 

 

Đặc biệt, VSĐC tập 6 mô tả khá đầy đủ tổ chức xã hội dân sự ở cả hai miền đất nước, với nhiều chi tiết sinh hoạt xã hội, tôn giáo, hội đoàn, đảng phái chính trị, các nghiệp đoàn lao động ở trong Nam cũng như ngoài Bắc mà ít người viết đến trước đây. Bộ thông sử còn ghi nhận đầy đủ các nghệ sĩ thời đại như họa sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ, danh tài cải lương Việt Nam.  Ngoài ra, sách phụ thêm nhiều chú thích giá trị và một bảng danh mục đầy đủ giúp độc giả dễ truy tìm những nhân vật liên hệ đến các sự kiện trong giai đoạn từ 1954 đến 1975. 

 

VSĐC tập 6 dày 544 trang, giá 25 đô. Tìm mua ở các hiệu sách.  Liên lạc: trangiaphung2011@yahoo.com.

ĐIỂM SÁCH CƠ-CẤU VIỆT-NGỮ (Quyển I)

posted Jan 20, 2011, 10:40 AM by Doãn-Vượng Nguyễn   [ updated May 2, 2016, 7:08 AM by Chí-Thông Nguyễn ]

(xuất bản lần thứ hai, có sửa chữa)

của Giáo Sư Trần Ngọc Ninh
Viện Việt Học xuất bản năm 2007
255 trang, ấn phí 20 Mỹ kim
Đàm Trung Pháp

Theo tác giả Trần Ngọc Ninh thì CƠ-CẤU VIỆT-NGỮ (Quyển I) đã ra đời hơn 40 năm tại quê nhà, mới đây được cập nhật hóa và tái xuất bản tại Mỹ với sự trợ lực của anh chị em trong Viện Việt Học (VVH), nhất là ông Vương Huê. Đây là cuốn đầu tiên (chủ đề: Sự thụ đắc ngôn ngữ) trong toàn bộ gồm bảy quyển. Quyển II (Từ N (danh từ) và các dạng vị phụ thuộc tiền-N: dạng vị q) cũng đã được VVH tái xuất bản năm 2009. Quyển III (Từ V (diễn thuật từ) và các dạng s, t, đ phụ thuộc tiền-V) đang được VVH chuẩn bị tái xuất bản. Được biết cơ quan văn hóa này cũng có dự định xuất bản các quyển còn lại trong tương lai, gồm Quyển IV (Từ A (cận từ): AA, AV, và AA), Quyển V (Từ PRO-X (đại từ): PRO-N, PRO-V, và PRO-A), Quyển VI (Đoạn dạng u, v, x, y, z), và Quyển VII (Cú pháp học).

Vừa mở cuốn sách ra, tôi ngạc nhiên thấy 4 trang đầu tiên, trước cả các phần cảm tạ và lời mở đầu, là bảng liệt kê các danh (terms) và ký hiệu (symbols) dùng trong sách tương ứng với các danh và ký hiệu quốc tế. Nhưng sự sắp xếp có vẻ phá lệ này thực ra có lý và ích lợi cho những người như tôi vốn quen biết với những danh từ và ký hiệu trong giới ngữ học tây phương qua tiếng Anh và tiếng Pháp. Tác giả hẳn đã thấy rõ tầm quan trọng của danh từ chuyên môn nên đã cho danh sách của chúng vào ưu tiên một!  Thú thực, tôi đã đọc kỹ bảng liệt kê này trước tiên, trở lại với nó nhiều lần trong khi nghiền ngẫm cuốn sách, và mãn nguyện được làm quen với các danh từ Việt tương đương với các danh từ Anh và Pháp, chẳng hạn như thành phần diễn thuật chính là verb phrase (VP) syntagme verbal trong tiếng Pháp, hoặc từ Việt tân tạo của tác giả như AN (cận từ của N) chính là hiện thân của adjective trong tiếng Anh và adjectif trong tiếng Pháp. Tác giả đã dùng những danh và ký hiệu này một cách nghiêm chỉnh và nhất quán trong suốt cuốn sách. Ông cũng dùng ít danh từ tân tạo, đúng như chủ trương của ông là “trong tập khảo luận này, tôi hết sức cố gắng không dùng những danh từ quá khó và nhất là những danh tân tạo.” Chính Noam Chomsky cũng hành động như thế khi ông viết cuốn sách lịch sử mang tên Syntactic Structures năm 1957, trong đó những ký hiệu trong các công thức đều dễ nhận ra, như S = sentence, N = noun, V = verb, NP = noun phrase, VP = verb phrase, Aux = auxiliary, Prt = particle, vân vân.

Mỗi khi viết về ngôn ngữ học bằng tiếng Việt, tôi thường lúng túng với danh từ chuyên môn trong tiếng mẹ đẻ, chẳng hạn như cho đến nay tôi vẫn chưa biết gọi hai từ inputoutput trong khoa ngữ học giáo dục là gì cho chuẩn trong tiếng Việt. Vì vậy tôi càng quý công lao của tác giả CƠ-CẤU VIỆT-NGỮ đã cung cấp những danh từ chuyên môn này qua bảng liệt kê nêu trên cũng như qua mục Lời Mở Đầu (trang vii-xxx), và nhất là qua mục Từ-Vựng Chọn Lọc Có Giải Nghĩa (trang 173-195) ở phần cuối sách. Những giải nghĩa súc tích này phản ánh kiến thức đương đại của khoa ngữ học và giúp người đọc hiểu thêm những ý niệm căn bản trình bầy trong sách. Lời giải thích của tác giả về Ngữ Pháp Hoàn Vũ (Universal Grammar, UG) sau đây (trang 186) chứng tỏ điều ấy: “Theo thuyết của Chomsky, UG là cái ngữ pháp nội tàng (có tính cách sinh học đặc loại) chung cho tất cả mọi người và mỗi người (tính cách cá nhân) mỗi có, gồm những nguyên-lí căn bản (fundamental principles) của ngôn ngữ nội tàng (I-language), với những bàng kế (parameters) đặc thù đã được cố định bởi kinh nghiệm của cộng đồng trong lịch sử. Nhà ngữ-lí-học phải tìm ra những nguyên-lí và bàng kế của UG, tức là trong cốt tủy, những bộ phận (modules) của cú pháp tạo tác ra (generate) vô cùng tận những cấu trúc trừu tượng nổi (S-structures) được biểu hiện bởi một hình thức logic (L-Form) và một hình thức ngữ âm (P-Form).”

Chương I của cuốn sách bàn về sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ con. Đề cập đến sự tiên thiên (innateness) của cơ cấu não bộ và sự thâu nhận ngôn ngữ ở trẻ con, tác giả khiêm tốn cho biết ông chỉ “trình bày những ý kiến và công trình khảo cứu của các học giả tây phương ở một trình độ phổ thông. Vì vậy những sách dẫn chứng cũng rất chọn lọc” (trang 3). Độc giả nào có con hoặc cháu sơ sinh chắc sẽ thích thú đọc những đoạn ông trình bầy về tiếng đầu tiên của chúng (thường chỉ là tiếng một, rất giản dị), từ loại trong ngôn ngữ đồng ấu (hình như danh từ là loại từ được dùng trước tiên bởi đứa nhỏ mới tập nói, sau đó là động từ, rồi đến những phụ danh từ), về số tiếng mà đứa trẻ sử dụng (tăng lên dần dần, vào khoảng 2 tuổi thì nó có chừng 50 đến 100 tiếng). Nếu người đọc e dè vì những sách dẫn chứng đã khá cũ – thí dụ như bản dịch sang Anh văn năm 1948 từ cuốn Kindersprache, Aphasie und allegemeine Lautgesetze (1942) của R. Jakobson, hoặc cuốn Infant Speech: A Study of the Beginnings of Language xuất bản năm 1936 của M. Lewis – thì tôi xin thưa là những lý giải, nhận xét của tác giả Trần Ngọc Ninh vẫn còn khả tín khi so với những công trình nghiên cứu mới đây của các nhà tâm lý ngữ học đương thời. Đó là các ngữ học gia S. Pinker, tác giả của The Language Instinct (1994); P. Lightbown & N. Spada, tác giả của How Languages Are Learned (2006); S. Brown & S. Attardo, tác giả của Understanding Language Structure, Interaction and Variation (2009); và F. Parker & K. Riley, tác giả của Linguistics for Non-Linguists (2010). Hai tác giả cuốn sách sau cùng đồng thanh khí với tác giả Trần Ngọc Ninh: họ cũng rất ái mộ Chomsky, như họ đã khẳng định trong lời tựa cuốn sách: “No one can study an academic field without developing a particular view of that field, and certainly we are no exceptions. For example, our own views of the field are biased toward the perspective of generative grammar, a view of language that was originally developed by the linguist Noam Chomsky and that views the capacity for language as innate and uniquely human” (trang ix).

Bàn về khả năng thụ đắc ngôn ngữ một cách tự nhiên và dễ dàng của trẻ thơ, tác giả có một nhận định sắc bén mang một giá trị sư phạm thực tiễn không thể không nhắc đến, khi ông “đồng ý rằng có một khả năng ngôn ngữ mà con người mang sẵn trong những cơ cấu sinh-lí khi ra đời,” nhưng ông “cũng nghĩ rằng vấn đề phải được phân tích kĩ hơn, vì ảnh hưởng của cái chung quanh rất là to lớn” (trang 13). Theo tôi, nếu cái “khả năng ngôn ngữ mà con người mang sẵn trong những cơ cấu sinh-lí” ấy được Chomsky mệnh danh là language acquisition device (thường được gọi tắt là LAD) trong cuốn Aspects of the Theory of Syntax (1965, trang 32) thì cái “ảnh hưởng của cái chung quanh rất là to lớn” ấy đồng nghĩa với ý niệm language acquisition support system (được gọi tắt là LASS trong một trò chơi chữ ngoạn mục với LAD) của J. Bruner từng dạy tâm lý học tại Harvard và Oxford và là tác giả cuốn sách The Culture of Education

Vì ảnh hưởng sâu đậm của Chomsky trong tư duy của tác giả họ Trần đã rõ rệt ngay từ mục Đường Vào Ngữ-Pháp (trang 17) của Chương I cho đến hết cuốn sách, tôi thấy cần phải nói qua về khảo hướng của lý thuyết ngữ học Chomsky đã phát triển như thế nào trong vòng nửa thế kỷ qua, lấy tên những cuốn sách đã trở thành kinh điển của ông để mệnh danh các giai đoạn. Trong giai đoạn Syntactic Structures (1957), Chomsky chú tâm đến việc mô tả ngữ pháp (grammatical description). Sự đóng góp chính trong thời điểm này là Chomsky cho người ta thấy ngữ pháp trí tuệ (mentalistic grammar) có thể được mang một hình thức khoa học qua các công thức minh bạch và nghiêm khắc (explicit and rigorous – “nghiêm khắc” được hiểu là các câu được công thức tạo ra đều phải có ngữ pháp tính) được gọi chung là ngữ pháp tạo tác (generative grammar). Cơ cấu thành phần có tôn ti (hierarchical phrase structure) được mô tả qua các quy luật viết lại (rewrite rules, tượng trưng bởi mũi tên →) có thể nới rộng một yếu tố sang thành những yếu tố khác, như Chomsky đã cho thí dụ dưới đây, để sau cùng dẫn đến những câu lõi (kernel sentences) như “The man hit the ball” chẳng hạn:

Sentence → NP + VP
NP → T + N
VP → Verb + NP
T → the
N → man, ball, etc.
Verb → hit, took, etc.

Tuy nhiên, những quy luật viết lại nói trên cũng cần phải được tăng cường bằng những biến cải (transformations) để có thể biến các câu lõi trở thành các câu thụ động (The ball was hit by the man) hay các câu nghi vấn (Did the man hit the ball?), vân vân. Trong giai đoạn Aspects of the Theory of Syntax (1965), Chomsky đã đề cập đến hai ý niệm kiệt xuất là cơ cấu chìm (deep structure) và cơ cấu nổi (surface structure) trong ngôn ngữ. Theo ông, tất cả các câu đều do các cơ cấu chìm đã biến hóa trở thành các cơ cấu nổi sau cùng. Hai ý niệm quan yếu nữa là tiềm năng (competence) và diễn năng (performance) trong ngôn ngữ cũng được Chomsky phân biệt. Và cũng chính trong giai đoạn này, cơ quan ngôn ngữ (the language organ) trong trí não mang danh LAD đã được Chomsky bàn tới. Trong giai đoạn Lectures on Government and Binding (1981), Chomsky cho rằng ngữ pháp gồm những nguyên lý (principles) trừu tượng bất biến giữa các ngôn ngữ và những bàng kế (parameters) cho thấy sự khác biệt giữa các ngôn ngữ. Trong khảo hướng mới này, D-structure cung cấp hình thức ngữ pháp thuần túy, và S-structure được nối với D-structure qua sự di động (movement), nay là phương thức biến cải duy nhất mà Chomsky chấp nhận. PF (phonetic form) cung cấp âm thanh và LF (logical form) cung cấp ý nghĩa ngữ pháp cho câu để chuyển S-structure thành một câu có cơ cấu nổi. Cú pháp (syntax) mang tên X-BAR Theory được căn cứ trên các nguyên lý tổng quát của ngôn ngữ nói chung. Một điều nữa rất đáng ghi nhận là trong giai đoạn khảo cứu này, Chomsky (và các đồng nghiệp tán thưởng lý thuyết của ông) đã lấy các thí dụ minh chứng cho lập luận của họ từ nhiều thứ tiếng trên thế giới, càng làm sáng tỏ hơn cho quan niệm ngữ pháp hoàn vũ. Sau hết, trong giai đoạn The Minimalist Program (1995), Chomsky đã thiết lập những đặc tính rộng rãi hơn cho ngôn ngữ, được mô tả bằng phương thức giản dị và tổng quát tối đa, và coi sự thụ đắc một ngôn ngữ là tiến trình thụ đắc ngữ vựng (lexical entries) cùng với nỗ lực chọn lựa bàng kế thích hợp (parameter setting) cho ngôn ngữ ấy. Lúc này, Chomsky đã bãi bỏ ý niệm D-structure và S-structure của giai đoạn trước, và chỉ chú tâm đến mối liên hệ phức tạp giữa hai cấu phần LF và PF trong câu mà thôi.

Xin trở lại với mục Đường Vào Ngữ-Pháp trong Chương I của cuốn sách đang điểm. Mục này có các đoạn giải thích về câu tối thiểu, hai loại từ căn bản N và V, phân tích thành phần trực tiếp của câu, và liên hệ cơ năng và chức vụ. Tất cả được giải thích rõ ràng với các thí dụ phù hợp. Thí dụ, sau khi cho kết hợp công thức (1) N – V (mẹ bồng) và công thức (2) V – N (bồng con) thành công thức (3) N1 – V – N2 (mẹ bồng con), và rồi dùng phương thức giao hoán cho các yếu tố của (3) để từ đó có các câu dài hơn nhưng vẫn cùng cơ cấu -- người cha nâng niu đứa con / bà lão hôn hít cháu -- tác giả gọi công thức (3) là “câu tối thiểu bổ túc, và là một công thức căn bản trong ngữ pháp của Việt ngữ” (trang 21). Công thức cho câu tối thiểu bổ túc này có thể được ghi lại thành NP1 – VP – NP2, và là mô thức của những câu sau đây: ông hỏi ai / anh lại đây / chúng ta học ngữ-pháp. Nói về liên hệ cơ năng và chức vụ trong công thức câu tối thiểu bổ túc, tác giả cho biết mối liên hệ giữa NP1 và VP (tượng trưng bằng mũi tên có hai đầu) là liên hệ từng lớp thứ nhất, và mối liên hệ giữa VP và NP2 (tượng trưng bằng mũi tên chỉ về hướng trái) là liên hệ từng lớp thứ hai. Đây là một cách diễn tả độc đáo của tác giả mà tôi chưa hề thấy trong các tài liệu khác. Tác giả cũng gọi liên hệ thứ nhất là liên hệ chủ tử - diễn tử có tính cách hỗ tương và liên hệ thứ hai là liên hệ diễn tử - bổ tử có tính cách chọn lựa. [Chủ tử còn được gọi là chủ ngữ (subject), diễn tử là vị ngữ (predicate), và bổ tử là bổ ngữ (complement) hoặc tân ngữ (object) trong tài liệu của một số tác giả khác]. Dưới đây là các vai trò thông thường và đặc biệt của bổ tử trong tiếng Việt, theo tác giả Trần Ngọc Ninh:

Bổ tử chỉ thụ nhân:
NP1                V        NP2
Cha                bế      
Hai người     yêu      nhau

Bổ tử chỉ tác nhân:
                    bị       bả
Hai người       yêu    nhau

Bổ tử chỉ cái phần đặc biệt chịu tác dụng của sử trình:
                  mất     lòng
Anh                 khỏe   tay

Bổ tử đặc biệt:
Ông ta            làm      luật sư
                   như    cái con khỉ

Trong phần nói về các mô hình ước lệ của câu trong ngôn ngữ [sách giáo khoa gọi là word-order typology, một bàng kế quan trọng trong ngôn ngữ, sắp xếp thứ tự xuất hiện của các yếu tố S (subject), V (verb), và O (object) trong câu] tác giả coi mô hình NP1 - V - NP2 (mà giáo giới chúng tôi gọi là SVO, được thấy trong khoảng 40% tiếng nói loài người) “là mô hình ước lệ của câu Việt ngữ trong ngôn từ bình thường.” Ông cũng đưa ra những thí dụ khá thuyết phục để chứng minh rằng “mô hình này không phải là mô hình cú pháp độc nhất” trong tiếng Việt, vì ta còn thấy các mô hình sau đây:

NP1 – NP2 –V (SOV, mô hình của tiếng Nhật và cũng của khoảng 40% ngôn ngữ thế giới khác nữa), như trong câu: Ông ta tiền nhiều.

NP2 – NP1 – V (OSV, một mô hình tồn tại trong rất ít ngôn ngữ nhân loại), như trong câu: Danh vọng nó có.

Bàn về mô hình NP2 – NP1 - V, tác giả chí lý khi nhận định rằng “bổ từ NP2 ‘danh vọng’ được dùng làm đầu đề của câu” (trang 32). [Trong trường hợp này, tôi thường gọi tắt đầu đề NP2 đề hoặc topic, và phần còn lại NP1 – V là thuyết hoặc comment. Cấu trúc này thường được gọi là cấu trúc đề-thuyết hay topic-comment]. Mặc dù tác giả cho rằng “Việt ngữ không dùng cách nói này thường xuyên, và chỉ dùng khi muốn nhấn về cái được chỉ từ N bổ vụ” (trang 32), tôi vẫn nghĩ đề - thuyết là một lối nói rất thông thường trong tiếng Việt.

Phần kết luận Chương I của tác giả phản ánh tính chất tiên thiên (innateness) của khả năng thụ đắc ngôn ngữ của trẻ thơ trong bất cứ xã hội nào: “Nhập tâm được mô hình căn bản của câu tối thiểu cũng chưa phải là làm chủ được ngôn ngữ. Đứa trẻ còn phải thu nhận nhiều mô hình câu khác và dựa vào những mô hình ấy, phải có thể cấu tạo được những câu mới mà mô hình chưa bao giờ được sử dụng bởi chính nó hay bất cứ ai gần nó” (trang 34-35).

Chương II là một “sơ giải” về cú pháp Việt Nam qua các thí dụ kỳ thú lấy từ tiếng “trẻ con hát, trẻ con chơi” từ hàng ngàn năm nay, như các câu “Bụt ngồi, Bụt khóc”, “Con cóc nhảy ra, con ma thập thò”, “Củ khoai chấm mật”, vân vân. Dựa vào lý thuyết tâm lý ngữ học đương thời, tôi tin chắc rằng các bài hát ấy là hình thức tối hảo của comprehensible input (mẫu ngôn ngữ dễ lĩnh hội) là thứ nhiên liệu bắt buộc phải có để cho cái LAD trong não bộ hoạt động. Vì vậy, tôi rất tâm đắc nhận định có giá trị sư phạm cao của tác giả rằng “Chính những bài hát nhỏ của bọn trẻ con truyền cho nhau, giản dị trong lời, ngây thơ trong ý, là những cái khuôn, để trẻ theo đó mà đúc thành những câu khác, ban đầu giống thế, và về sau càng ngày càng phức tạp, uẩn súc hơn, theo những quy luật của ngữ pháp tạo tác” (trang 44). Tôi cũng nghĩ quan sát ngôn từ con nít để tìm hiểu sự phát triển ngôn ngữ tự nhiên là một cao kiến, như Chomsky từng nói trong cuốn Language and Mind (1968) mà tác giả Trần Ngọc Ninh thuật lại là “Ngữ pháp của một ngôn ngữ phải được khám phá ra bởi đứa trẻ, từ những điều mà nó đã thụ đắc” (trang 17).

Sử dụng các câu hát trẻ thơ đầy tình tự dân tộc để biểu hiện các khuôn cú pháp căn bản như tác giả đã làm trong chương này là một khảo hướng tân kỳ, một luồng gió mới rất hấp dẫn. Các khuôn đó được tóm lược như sau:

Khuôn I: Bụt ngồi. Bụt khóc. Con cóc nhảy ra. Con gà ú ụ.

Tác giả cho biết khuôn này, với công thức NP – VP, là “câu tối thiểu mà cơ cấu dễ hiểu nhất” với lý do “việc được kể ra chỉ có một và liên hệ đến một người (hay một sự vật) mà thôi” (trang 44). Thành phần NP có thể là từ đơn (Bụt) hoặc từ N hai tiếng (con cóc). Từ hai tiếng “con cóc” có cơ cấu “n2 – n1”, trong đó n2 được gọi là loại danh và n1 là biệt danh. Thành phần VP cũng có thể là từ đơn (ngồi) hoặc cũng có cấu tạo hai tiếng (nhảy ra). Từ hai tiếng “nhảy ra” có cấu tạo “v2 – v1”, trong đó v2 được tác giả gọi là diễn thuật từ miêu tả, và v1 là diễn thuật từ chiều hướng. Đến đây, qua thí dụ “con cóc nhảy ra”, tác giả cũng cho độc giả thưởng thức một chút hương vị Chomsky về cơ cấu chìm cơ cấu nổi:

Nổi:
S: Con cóc nhảy ra

Chìm:
Sa: Con - nhảy ra
Sb: Con - là con cóc

Câu Sb đã được cài vào trong nội bộ của câu Sa để trở thành: Con (con là con cóc) nhảy ra, theo mô thức n2 (n2 là (n2 – n1)) – VP. Biểu đồ cây (tree diagram) dưới đây càng làm sáng tỏ mối liên hệ này:


Hiển nhiên, theo tôi, Khuôn I chỉ áp dụng khi VP của nó là một diễn thuật từ không đòi hỏi một bổ từ, tức là khi VP ấy là một động từ nội động (intransitive verb, thường gọi tắt là Vi). Hoặc nói cách khác, chúng ta có thể viết lại VP trong Khuôn I như sau: VP → Vi.

Khuôn II: Củ khoai chấm mật. Tao ném hòn sành.

Công thức của khuôn này là NP – V - N, trong đó tác giả minh định “những từ V này có thể gọi là từ V chuyển tác (transitif)” tức là chúng “đều nói về một sử trình được tác động vào một cái được nói ra sau từ V bởi một thành phần NP gọi là bổ-tử hay từ N bổ-vụ” (trang 53). [Từ V chuyển tác ở đây đồng nghĩa với động từ ngoại động (transitive verb) trong danh mục cổ truyền].

Khuôn III: Nhà mụ thổi xôi. Nhà tôi nấu chè.

Khuôn này vẫn theo mô hình NP1 – VP – NP2 , nhưng trong đó NP1 (nhà mụ, nhà tôi) là một nhóm phức tạp, khác với cấu tạo của “con cóc, củ khoai” vì “nhà mụ, nhà tôi” là hai từ N liên kết, chứ không phải là một từ hai-tiếng. Tác giả đưa bằng chứng là giữa “nhà” và “mụ” ta có thể đặt thêm một hay nhiều tiếng khác (nhà của mụ, cái nhà êm ấm của mụ), trong khi đó “con cóc” là từ một khối, không cho phép nói “con của cóc” (trang 58). Tác giả cũng gọi “mụ” là bổ-tử

Khuôn IV: Hai chân trước đi trước. Hai chân sau đi sau.

Vẫn theo mô hình căn bản S → NP – VP, trong đó NP là “Hai chân trước/Hai chân sau” và VP là “đi trước/đi sau”, khuôn sau cùng này được tác giả giới thiệu minh bạch bằng cách cho mỗi từ trong câu tương ứng với vai trò của nó qua một ký hiệu viết tắt, như dưới đây:

Hai chân trước đi trước.
Hai chân sau    đi sau.
q     N      AN       V  AV

Các ký hiệu viết tắt ở trên có nghĩa như sau: q = quantifier, dạng q (lượng số dạng); N = noun, danh từ; AN = adjective, cận từ của N; V = verb, diễn thuật từ; AV = adverb, cận từ của V.

Chương III được dành để thảo luận về cơ cấu dạng vị học trong tiếng Việt. Đây là chương dài nhất trong sách, chứa đựng nhiều nhận định sắc bén và độc đáo có thể làm độc giả ngạc nhiên thích thú vì tính cách mới lạ của chúng. Trong phần mở đầu, tác giả nói qua về ý niệm tiềm năng (competence) và diễn năng (performance) của Chomsky. Tác giả cắt nghĩa ý niệm competence của Chomsky thỏa đáng như sau: “Một câu, nói ra hoặc viết ra, được coi là có ngữ pháp tính (grammaticalité) khi tất cả mọi người trong cộng đồng ngôn ngữ ấy cùng hiểu; lí do là vì mọi người đều nhận thấy câu ấy hợp với cái tiềm năng (competence) ngôn ngữ của mình. Tiêu chuẩn này do Chomsky đặt ra, tuy bề ngoài chỉ có tính cách thực hành và thực tiễn, nhưng đã được coi như dĩ nhiên trong các giảng đường” (trang 69). Tôi xin được nói thêm rằng “nhất là trong các giảng đường sư phạm nước Mỹ ngày nay khi giáo giới được huấn luyện về những phương thức giúp học trò thụ đắc một sinh ngữ thứ hai” vì competence chính là điều giáo giới phải giúp học trò đạt được. Mức competence của học trò đạt được thường được lượng giá qua diễn năng (performance) cụ thể của họ, tức là khả năng thực sự của học trò khi viết và nói thứ tiếng họ đang cố gắng chinh phục. Ý niệm thành phần trực tiếp (immediate constituent), một nguyên lý trong ngữ pháp đại đồng, mà tác giả diễn đạt là “sự khả phân của câu ít nhất là hai khúc” cũng được soi sáng. Áp dụng sự phân tích này vào một câu hạch tâm, ta sẽ thấy hai khúc liên hệ với nhau là NP và VP. Khúc NP có đơn vị chủ chốt (head) là từ N và có thể giảm thiểu đến mức chỉ còn từ N này mà thôi. VP cũng có một đơn vị chủ chốt là từ V và cũng có thể giảm thiểu đến mức chỉ còn có từ một từ V này mà thôi, với điều kiện là từ V này có thể đứng một mình. Hai thí dụ được tác giả đưa ra:

Mây / bay.
Kẻ trộm và người mua đồ ăn trộm / đều bị bắt.


Tuy tác giả không minh định, tôi hiểu chữ từ của ông tương đương với chữ word trong tiếng Anh, vì định nghĩa từ của ông dựa trên định nghĩa word của Bloomfield (1933): “Từ là hình-thức cú-pháp cách-biệt tối-thiểu trong ngôn-ngữ” (trang 80). Theo ông, “Một từ có thể là một dạng-vị như lúa, gạo, đi, nói …; một từ cũng có thể được làm thành bởi hai hay nhiều dạng-vị như cái cưa, cò cưa, lê la, lập lòe …” (trang 80). Theo ông, nếu ngữ pháp cổ truyền đã được xây dựng hoàn toàn trên căn bản ý niệm thì khuynh hướng hiện tại của ngữ lý học là ngữ pháp hình thức. Và ông sẽ dùng những tiêu chuẩn hình thức theo cú pháp để định loại các từ trong tiếng Việt. Những tiêu chuẩn hình thức đó, trước hết, gồm sự khảo sát các tính cách phân phối (distributive features) và sự định đoạt từ bằng phép giao hoán (substitution) của một loại từ. Khi sự khảo sát các tính cách phân phối của một loại từ đã đầy đủ thì tức là loại từ đó đã được định theo tiêu chuẩn khoa học. Và khi áp dụng tiêu chuẩn giao hoán, “những từ khả dĩ giao hoán được với nhau trong một đồng văn và có cùng một số nét cú pháp là những từ đồng loại và đồng trị” (trang 98). Như vậy, trong câu “Bông hoa đẹp quá”, cấu tạo của từ “bông hoa” là (N2 – N1), và tất cả những khúc ngữ lý có thể giao hoán được với “bông hoa” sẽ đều có thể coi là từ N được: cô bé, hòn đá, bức họa, pho tượng … Tuy nhiên, trong xây dựng “Cô bé hỏi mẹ” thì cô bé, bông hoa, hòn đá không hoàn toàn giao hoán với nhau được, vì “giữa cô bé, bông hoa, hòn đá chỉ có sự đồng loại mà không có sự đồng trị” (trang 99). [Trong phần từ vựng chọn lọc ở cuối sách, tác giả dịch đồng loại là homo-categorial và đồng trị là equivalent sang tiếng Anh (trang 181)]. Hình thức thứ ba để định loại các từ trong một ngôn ngữ là sự kết hợp thường xuyên của mỗi loại từ với một số tiếng (hay dạng-vị) đặc biệt. Chẳng hạn, “ngủ, ăn, uống …” đều có thể đứng sau “sẽ, đang, đã …” và đứng trước “rồi, lắm, mãi …” Như vậy tất cả những từ cư xử giống như “ngủ, ăn, uống …” có thể được xếp vào loại từ N. Đồng thời, các tiếng “sẽ, đang, đã” được gọi là hiệu-kí tiền-V, và các tiếng “lắm, rồi, mãi” là hiệu-kí hậu-V. Tác giả cũng đề cập đến cách dùng các chứng tự (mots témoins) của ngữ học gia Lê Văn Lý (1948) và các tiếng chỉ điểm (indicators) của ngữ học gia P. Honey (1956) để định loại các từ trong tiếng Việt. Và vì thấy hai lối này có vài khuyết điểm, nhất là về các hư tự, tác giả minh định “trong sách này sự định loại các từ sẽ không dựa hoàn toàn vào phương pháp hiệu-kí.” Tác giả nói thêm, “Sự phân tích thành phần có mục tiêu là xác định sự phân phối của các từ theo cơ năng cú pháp mà mỗi từ có thể có trong cấu tạo của câu. Vì tính cách đặc biệt của Việt ngữ, sự phân tích này đã được nhận là phương pháp khảo sát sơ khởi chính yếu” (trang 107). Sau hết, sự định loại các từ còn có thể thực hiện được bằng cách phân tích cấu tạo dạng vị của từ. Đối với một ngôn ngữ uyển biến (inflectional) như tiếng Anh, tiếng Pháp thì đây là một công việc dĩ nhiên và dễ dàng, chẳng hạn từ “action” được phân tích thành /act-/ + /-ion/ và sẽ được coi là danh từ. Rồi tác giả đưa ra một câu hỏi quan trọng: “Nhưng đối với Việt ngữ thì có thể dùng cách này được không?” và ông tự trả lời một cách tích cực: “Đó là một điều mà sách này trả lời là đôi khi có” (trang 108). Bảng 6 (trang 108 liệt kê các loại từ chính đã được tác giả nhận diện trong Việt ngữ, tương ứng với các từ loại của ngữ pháp hoàn vũ. Theo đó, thành phần danh (NP) của một câu (S) gồm các yếu tố [Tiền-N q (quantifier) - N (danh từ) - Hậu-N] và thành phần diễn thuật (VP) gồm các yếu tố [Tiền-V đ, s, t - V (diễn thuật từ) - Hậu-V]. Tiền-N q có các dạng K (ước dạng), L (lượng dạng), M (số dạng), và LM (số lượng dạng).  Hậu-N có dạng AN (cận danh từ, adjective). Tiền-V có các dạng đ (định chế, morpheme of status), s (sắc thái, aspect), t (thời gian, time) thực hiện bởi V aux (V phụ, auxiliary verb), V mod (V thức, modal verb). Hậu-V có dạng AV (cận diễn từ, adverb). Tiếc thay, các loại từ chính trong NP và VP nói trên được sắp xếp lớp lang như vậy mà tác giả không cho các thí dụ cụ thể đi kèm. Đây là một sơ sót đáng tiếc khiến người đọc khó theo dõi phần rất quan trọng này của chương sách. Có lẽ phần hấp dẫn nhất của Chương III là mục Dạng-Vị của Việt-Ngữ (trang 114-129) và mục Biến-Dạng của Dạng-Vị (trang 130-138) vì một số phát hiện và lý giải độc đáo và sâu sắc của tác giả có thể làm người đọc ngạc nhiên trong thích thú. Sự kiện tiếng Việt vẫn được coi là một ngôn ngữ cách thể (isolating language), trong đó từ là dạng-vị và dạng-vị cũng là từ, đã khiến các ngữ học gia Việt Nam và tây phương kết luận rằng “tương quan vị trí là hình thức ngữ pháp độc nhất được dùng trong ngôn ngữ Việt Nam” là một nhận định xác đáng của tác giả. Nhận định này khiến tôi nhớ lại những lời sau đây của ngữ học gia Nguyễn Đình Hòa trong cuốn Vietnamese/Tiếng Việt Không Son Phấn (1997, trang 17) của ông: “Comparative linguistics, focusing on the characteristics of the word, would label Vietnamese as an ‘isolating language’, that is, one in which all the words are invariable and grammatical relations are primarily shown by word order.” Khi nói về dạng vị trong ngôn ngữ cách thể thì hầu như không ai tin là có những hình thức ở dưới từng-lớp từ, điển hình là nhận xét của ngữ học gia A. Radford
trong cuốn Linguistics: An Introduction (1999, trang 180): “These [isolating] languages have few, if any, bound morphemes. Thus in Vietnamese, there is no morpheme corresponding to English –er in driver, this concept being conveyed by a compound with roughly the structure drive + person.” Nhưng tác giả Trần Ngọc Ninh đã nêu ra một chuỗi câu hỏi kiệt xuất, thuộc loại research questions trong môi trường hàn lâm, đó là “Trong ngữ-pháp của Việt-ngữ, có hay không có những hình-thức ở dưới từng-lớp từ? Nếu có thì những hình-thức nào có thể gọi là dạng vị được? Những dạng-vị nào có tính-cách hiệu-kí ngữ-pháp? Đến mức-độ nào ta có thể nhận được Việt-ngữ là một ngôn-ngữ cách-thể?” (trang 114). Và trong niềm tin “đã đến lúc chúng ta phải khảo-sát Việt-ngữ ở ngoài mọi tiên-kiến và nếu cần, chấp nhận rằng có thể có những nét cơ-cấu đặc-thù bất-ngờ trong hệ-thống của Việt-ngữ” (trang 115), ông đã tự trả lời những câu hỏi đó một cách hùng hồn, mạch lạc, với các thí dụ chứng minh có nhiều tính cách thuyết phục. Chẳng hạn, theo ông, tiếng Việt có những dạng-vị buộc (bound morphemes) như /đàn/ của các từ đàn ông, đàn bà, đàn anh, đàn chị, đàn con; ý nghĩa của dạng-vị /đàn/ là một nhóm cách-biệt trong tổ chức của một cộng đồng sơ thủy, nhưng ý nghĩa ấy nay đã mất. Dạng-vị đặc biệt trong trong từ vội-vàng là /-àng/ mà ta còn thấy trong dễ-d/àng, dịu-d/àng, rõ-r/àng, vẻ-v/ang, ngổn-ng/ang … Tác giả thấy dạng-vị buộc /-ang/ “có một nội dung kéo dài và nặng tính-chất cảm-xúc hơn từ đơn (vội, dễ …” và nó “thực sự có một hiệu-quả ngữ-pháp giống như các dạng-vị tiếp-vĩ (suffix) trong hầu hết các ngôn-ngữ khác trên thế-giới” (trang 119). Ngoài ra còn có những dạng-vị buộc tiếp-trung-phần (infix) và tiếp-đầu-phần (prefix), với dạng-vị tiếp-trung điển hình nhất là /-âp/ trong những từ V/A như ấp-úng (phụ âm đầu không có), l/-ập-lòe, ch/-ập-chờn, b/-ập-bẹ, th/-ấp-thoáng … Tuy khó nhận diện, dạng-vị tiếp-đầu cũng hiện hữu, như các dạng-vị buộc /-k/ trong loại /cái/ có “cây, cỏ”; trong loại /con/ có “cá, cua, cáy.” Ngoài ra còn có dạng-vị buộc /đ-//s-/ liên hệ đến thời gian trong các từ “đã, đang, sắp, sẽ”, cũng như dạng-vị buộc liên hệ đến dạng-vị định-chế như /ch-/ trong các từ “chẳng, chả, chớ, chỉ, chưa” hoặc /đ-/ trong “đâu, đếch, đừng.” Nhận định sắc bén này của tác giả về dạng-vị tiếp-đầu Việt ngữ khiến tôi nhớ lại ý niệm phonetic-semantic resemblance trong Anh ngữ được nêu lên trong cuốn sách Language (1933, trang 244) đã trở thành kinh điển của Leonard Bloomfield, một núi Thái Sơn của trào lưu ngữ pháp cơ cấu Hoa Kỳ. Bloomfield đã nêu lên các dạng-vị buộc /n-/ trong các từ “not, neither, no, never”; /fl-/ trong các từ “flash, flicker, flame, flare”; và /sn-/ trong các từ “sniff, snort, snore.” Trong mục Biến-Dạng của Dạng-Vị, tác giả cũng chia xẻ với người đọc một số nhận xét độc đáo. Theo ông thì “ảnh hưởng của đồng-văn có thể làm thay đổi cái nội-dung của dạng-vị đi, trong một vài giới-hạn.” [Đồng-văn hay context, được tác giả định nghĩa là “cái chung-quanh lân-cận của một yếu-tố ngữ-lí (âm-vị, dạng-vị, từ, câu) trong một bản văn” (trang 181)]. Thí dụ: những tiếng bắt đầu bằng âm [v-] như vơ, vật, vất, văng, vấn “chỉ những động-tác mà người ta thường làm bằng tay” nhưng những tiếng bắt đầu bằng âm [kw-] như quơ, quật, quất, quăng, quấn “chỉ những động-tác mà người ta thường làm với một dụng-cụ, một cái roi, một sợi dây, hay vật gì đó” (trang 130). Vài thí dụ độc đáo nữa về biến dạng của dạng-vị liên hệ đến các số 1, 5, và 10: Dạng-vị /một/ có hai biến thể là /một, mốt/; dạng-vị /năm/ có các biến thể /lăm, nhăm, răm, rằm/; và dạng-vị /mười/ có các biến thể /mười, mươi/ và biến thể đặc biệt /-m/ như trong “bă-m lăm.” Tưởng cũng nên biết sự sử dụng các biến thể dạng-vị tùy theo đồng văn này được gọi là morphologically-conditioned alternation trong sách giáo khoa đương đại.

CƠ-CẤU VIỆT-NGỮ (Quyển I) là nỗ lực tiên phong nghiêm túc để tìm hiểu cơ cấu tiếng Việt qua khảo hướng ngữ pháp hoàn vũ của Noam Chomsky, một việc làm, như tác giả Trần Ngọc Ninh cho biết trong Lời Mở Đầu, “gần như không có một công-trình tương-tự nào để hướng dẫn” khiến cho “các quan-niệm mới phải dựng lên quá nhiều, đến nỗi rằng sự khảo-sát đã luôn-luôn ở bờ của sự phiêu-lưu tư-tưởng.” Bất chấp những thử thách ấy, ông đã thành công và tôi chia xẻ niềm sung sướng của ông khi ông nhận thấy rằng “trong căn-bản, ngôn-ngữ của chúng ta cũng không ra ngoài cái mẫu chung của các ngôn-ngữ được dùng trong loài người, mà cơ-cấu-pháp đã làm sáng tỏ.” Ông đã thành thực và khiêm cung khi minh định cuốn sách này “không phải là một sách giáo-khoa, theo nghĩa thông-thường của danh-từ này”, nhưng tôi phải nói ngay đây là một nguồn tài liệu hiếm quý cho những người muốn tìm hiểu cơ cấu tiếng Việt qua lăng kính ngữ pháp tạo tác và ngữ pháp biến cải, gồm chính bản thân tôi. Nhìn vào những chủ đề trong sáu cuốn sách kế tiếp (như đã nêu ở phần đầu bài điểm sách này), tôi thấy ông đã thiết lập một “blueprint” chí lý cho công trình nghiên cứu lớn lao này. Tôi mong đợi được đọc trọn bộ, nhất là cuốn sau cùng dành cho cú pháp học.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bloomfield, Leonard (1933). Language. New York: Holt, Rinehart, & Winston.

Brown, Steve & Attardo, Salvatore (2005). Understanding Language Structure, Interaction, and Variation. Ann Arbor: The University of Michigan Press.

Bruner, Jerome (1996). The Culture of Education. Cambridge: Harvard University Press.

Chomsky, Noam (1957). Syntactic Structures. The Hague: Mouton.

Chomsky, Noam (1965). Aspects of the Theory of Syntax. Cambridge: The MIT Press.

Chomsky, Noam (1986). Barriers. Cambridge: The MIT Press.

Chomsky, Noam (1988). Language and Problems of Knowledge. Cambridge: The MIT Press.

Chomsky, Noam (1993). Language and Thought. London: Moyer Bell.

Comrie, Bernard (1989). Language Universals and Linguistic Typology: Syntax and Morphology. Oxford, UK: Basil Blackwell.

Cook, Vivian & Newson, Mark (1996). Chomsky’s Universal Grammar. Oxford, UK: Blackwell Publishers.

Lightbown, Patsy & Spada, Nina (2006). How Languages Are Learned. Oxford, UK: Oxford University Press.

Lê, Văn Lý (1948). Le parler vietnamien. Paris: Hương Anh.

Nguyễn, Đình Hòa (1997). Vietnamese / Tiếng Việt Không Son Phấn. Amsterdam/Philadelphia: John Benjamins Publishing Company.

Parker, Frank & Riley, Kathryn (2010). Linguistics for Non-Linguists. Boston: Allyn & Bacon.

Pinker, Steven (1994). The Language Instinct. New York: Harper Collins.

Radford, Andrew (1997). Syntax: A Minimalist Introduction. Cambridge, UK: Cambridge University Press.

Radford, Andrew (1999). Linguistics: An Introduction. Cambridge, UK: Cambridge University Press.

Webelhuth, Gert (Editor, 1995). Government and Binding Theory and the Minimalist Program. Oxford, UK: Blackwell.

KHUẤT RỒI MẤY BÓNG CHIM DI

posted Sep 27, 2010, 11:03 AM by Doãn-Vượng Nguyễn   [ updated Sep 27, 2010, 11:17 AM by Chí-Thông Nguyễn ]

Tuyển tập của Phạm Quốc Bảo 2010. 
260 trang $20.00 Nhà xuất bản Người Viêt. 
Điện thoại liên lạc: 714-892-9414 ext 143. 

Đàm Trung Pháp Tâm Sự Cùng Tác Giả


Anh Phạm Quốc Bảo quý mến,

Cảm kích trước lời ước nguyện của anh ghi ngay ở đầu cuốn sách là anh “sống được đến từng tuổi này chả còn mong ước gì nữa cả ngoài ý thích được nhẩn nha tâm sự với nhau” (trang 4), tôi mượn lá thư này để chia xẻ với anh những điều tôi suy nghĩ khi đọc xong tác phẩm mới nhất của anh, Khuất Rồi Mấy Bóng Chim Di. Mong anh coi nội dung lá thư này như những tâm cảm về những điều anh viết, từ một người bạn chân thành của anh.

Ấn tượng mạnh nhất lưu lại trong tôi sau khi đọc xong cuốn sách là bản chất bộc trực và thành thực của người viết nó. Tấm lòng thành trong sáng của anh làm tôi cảm động khi anh tâm sự với bạn đọc rằng “nhờ có độc giả, tôi mới luôn luôn được thúc đẩy để viết ra những gì tôi muốn viết. Và khi viết thường xuyên như vậy, tôi mới chịu khó tìm hiểu vào sâu xa những gì mà hầu hết tôi chỉ biết đến một cách sơ lược, nếu không muốn nói là nông cạn, hời hợt. Nghĩa là tôi được học hỏi rất nhiều trong khi viết” (trang 6).

Tôi gật gù tán thưởng vì anh nói đúng quá: khi viết chúng ta học hỏi rất nhiều. Cũng vì lý do này mà có lời cảnh báo nghiêm nghị “publish or perish” trong hàng ngũ giáo sư đại học Mỹ -- nhân viên giảng huấn nào mà không thường xuyên viết bài hay viết sách nghiên cứu (để học hỏi thêm) rồi cho xuất bản thì khó lòng mà được vào ngạch (tenure) hoặc thăng chức (promotion)!

Tôi càng chịu cái bản tính bộc trực của anh khi anh bàn về phong trào “viết hồi ký để … tự ca tụng mình” mà trong đó người viết “hồi tưởng theo cái kiểu thổi phồng quá khứ, bằng cách chỉ nhắc lại những cái gì hay ho đáng cho ta hãnh diện mà đã lược bỏ qua tất cả những gì xấu đáng xấu hổ (lẽ ra mình phải rất cần thành thực và khách quan trình bầy hết ra để cho người khác biết mà tránh, và để tâm lý chính mình cảm thấy … nhẹ nhõm hẳn đi!” (trang 203). Theo lối nói

người Mỹ thì “Phạm Quốc Bảo does what he preaches” đấy! Quả thực, có những chi tiết không tích cực trong đời (anh nghèo mạt rệp khi mới di cư vào Nam, cái chân lặc lè phải chạy điện của anh khi mới qua Mỹ tỵ nạn, công việc cọ rửa cầu tiêu trong những ngày làm lại cuộc đời nơi đất khách, vân vân) đã được nhắc đến một cách bình thản trong sách. Hơn nữa, tôi không thấy anh đã tự ca tụng mình trong cuốn sách có thể được coi là một hồi ký này của anh. Nếu nó có mang lại cho anh một ích lợi nào chăng, thì đó chính là nhờ viết nó mà anh tự hiểu anh hơn, khi anh kết thúc bài viết về ý nghĩa câu “Lục thập nhi nhĩ thuận” trong phần cuối của cuốn sách. Lời tự thú này của anh đã làm tôi khựng lại một hồi lâu, vì mấy ai đã tự thấy khuyết điểm của chính mình và công bố ra cho thiên hạ biết như Phạm Quốc Bảo: “Nghĩa là trong khi bàn đến vấn đề ‘Lục thập nhi nhĩ thuận’ mà thực ra chính những phân tích lý giải của tôi chúng tỏ rõ rệt là con người của tôi, chính cái tâm trí của tôi đây chẳng hề tỏ ra ‘nhĩ thuận’ một chút nào cả! Thật là tôi không thấy tự xấu hổ sao!” Ngộ thay, như một catharsis cho tâm trí anh, lời tự xét này đã khiến anh “cảm thấy mình bỗng nhiên như vừa trút hẳn đi một gánh nặng biện luận thuần lý trí” (trang 201).

Tuy người ta khó tránh khỏi khuynh hướng “tự ca tụng mình” khi viết hồi ký, tôi rất thích đọc hồi ký tha nhân, anh Bảo ạ. Tôi mê điều này vì nó là một cách cho tôi tìm hiểu thêm về bản chất muôn hình vạn trạng của cuộc đời thể hiện qua kinh nghiệm sống của người khác. Đọc hồi ký tha nhân chính là đi tìm lại những thời gian đã mất cùng với họ và để thông cảm với họ hơn. Nếu qua cuốn ĐỐT LÒ HƯƠNG CŨ (1971) của Đinh Hùng, tôi được thích thú theo dõi nhà thơ “tìm về kỷ niệm” của ông với Tản Đà, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, cũng như với “Hà Nội văn nghệ những ngày báo hiệu loạn ly” thì qua tập NGUYÊN SA HỒI KÝ (1998), tôi đã được sống lại những ngày thơ mộng của tuổi học trò, những biến động chính trị, lúc nhà thơ Nguyên Sa còn dạy triết học tại Trung Học Chu văn An trong những ngày rực rỡ của Miền Nam nước Việt. Và với cuốn hồi ký của nhà giáo Nguyễn Đình Hòa bằng Anh ngữ FROM THE CITY INSIDE THE RED RIVER (1999), tôi đã đọc kỹ từ đàu đến cuối, để được cùng với tác giả “sống” lại khoảng thời gian ngập tràn kỷ niệm văn hóa giáo dục đã qua đi của ông, với ít nhiều tiếc nuối trong lòng mặc dù tôi là một đàn em khá xa về tuổi đời nhưng cùng chung nghề nghiệp.

Ba cuốn trên liên hệ đến cuộc đời của những người thuộc thế hệ trước tôi, nhưng hồi ký KHUẤT RỒI NHỮNG BÓNG CHIM DI của anh gần gũi với tôi hơn vì tuổi đời chúng ta ngang nhau. Đọc xong cuốn sách này tôi hiểu anh rõ và quý anh thêm. Ngoài bản chất thực thà như đếm của anh, tôi còn biết anh là một người yêu mến bạn hữu hết mực. Tình cảm anh dành cho

bạn bè như bát nước đầy, và anh nhắc nhở đến những kỷ niệm buồn vui với họ với một tấm lòng tha thiết. Tôi cũng thương mến bạn bè, nhưng không quảng giao bằng anh. Tôi nghĩ tình bạn càng về già càng quý, và anh đã nhắc nhở rất nhiều đến bạn bè trong cuốn sách này. Lòng ưu ái với bạn của anh đã “lây” sang tôi và khiến tôi đi tìm cảm nghĩ của một vài bộ óc siêu việt trong nhân loại để xem họ nghĩ gì về tình bạn. Thomas Jefferson (vị tổng thống nước Mỹ từ 1801 đến 1809) khi về già đã viết về tình bạn thế này: “I find friendship to be like wine, raw when new, ripened with age, the true old man’s milk and restorative cordial.” Trước đó ở nước Pháp, Montesquieu, vị triết gia suốt đời cổ võ cho công lý nhân loại, đã chẳng ngần ngại nói thẳng ra lòng si mê tình bạn của ông: “Je suis amoureux de l’amitié.” Thấm thía biết bao!

Những đoạn anh viết về bạn hữu cảm động lắm, nhất là về những người đã quá vãng, tức là về những “bóng chim di” đã “khuất rồi” của anh. Lòng tôi chùng xuống khi đọc đoạn anh viết về căn bệnh trầm kha Alzheimer đã lấy mất trí nhớ của nhạc sĩ Trần Đình Quân, để đến nỗi anh ấy “quên hết những tâm huyết của cả một đời anh đã gieo trồng hạt giống đó rồi” (trang 14). Qua anh, tôi cũng được làm quen với anh chị Ngô Bảo là hai người anh đã biết và quý mến từ lâu. Nay họ đã ra đi, anh hồi tưởng lại những kỷ niệm của những ngày cùng ở trại Ga Lăng, nơi anh “luôn luôn được hưởng những ‘bữa cơm nhà’ ngon” và “cùng nhau hoạt động văn nghệ cộng đồng, cắm trại, tắm biển một cách hết sức là thân thiết” (trang 148-149). Đoạn anh viết về chị Ngô Bảo sau đây khiến tôi nghĩ đến điển tích bát cơm phiếu mẫu được thi bá Nguyễn Du nhắc đến trong Truyện Kiều qua câu Mà lòng phiếu mẫu mấy vàng cho cân: “Đến được trại đảo tạm trú, tôi là thuyền nhân mồ côi nên cầm chắc hàng ngày cơm sấy và cá khô trại phát làm chuẩn. Nói chi đến những bữa cơm gia đình ấm áp mà toàn là những món khoái khẩu với tôi như canh rau đay nấu cua đồng tươi thơm ăn với cà pháo, thịt đông dưa chua, đậu phụ rán chấm mắm tôm đánh bông lên với chanh-ớt-tỏi giã nhỏ ra … Đấy là những bữa cơm mà ngay còn ở Saigon lúc ấy chưa chắc được hưởng, huống chi làm kẻ thuyền nhân tứ cố vô thân như hoàn cảnh cá nhân tôi bấy giờ! Những bữa cơm thâm tình vô cùng hiếm quí ấy là vì thế, quí vị ạ ...” (trang 152).

Tôi mủi lòng khi đọc lại trong hồi ký của anh bài viết Góp Vài Liên Tưởng Thú Vị Về Tục Ngữ Ca Dao (trang 109-125) mà anh đã đăng trên nguyệt san văn học Khởi Hành (tháng 9-2009) sau khi anh đọc bài của tôi mang tựa đề Mối Tương Đồng Lý Thú Giữa Tục Ngữ Việt Nam Và Tục Ngữ Nước Ngoài (đăng trong Khởi Hành tháng 8-2009). Bài viết này của anh đã “đánh dấu một tao ngộ” vì từ đó chúng ta đã dần dần trở thành văn hữu tri âm. Tôi cảm tạ anh đã chia xẻ

thêm những điều lý thú về tục ngữ ca dao và chắc chắn sẽ hoàn chỉnh bài viết của tôi sau này, dựa vào những “liên tưởng” đặc sắc của anh. Tôi cũng xin ghi nhận với lòng biết ơn những nhận xét rộng lượng của anh về tôi ở cuối bài viết: “Hành nghề giáo sư ngôn ngữ học lâu năm ở hải ngoại, ông đã có cơ hội sống và suy tư giữa những ngôn từ của các dân tộc khác nhau. Và bài viết của ông, theo tôi, thực ra cũng chỉ thể hiện chút đỉnh nào đó những hiểu biết lý thú sâu xa của ông mà thôi” (trang 124).

Nói về “lý thú” thì tôi phải đề cập đến khả năng dịch thơ Bạch Cư Dị sang thơ Việt rất tới của anh. Bốn mươi năm về trước, một Phạm Quốc Bảo trẻ trung mà đã mong hưởng nhàn, như anh ao ước trong phần dịch cuối bài thơ Thu San của Bạch Cư Dị sang mấy câu lục-bát nhẹ nhàng trong tiếng Việt (trang 42):

Đời người thoáng chốc rồi đi,
sống là tạm gửi thân kia đất trời
Thế mà lo nghĩ bời bời
cái thân không một ngày ngơi, nhã nhàn.
Bao giờ thoát được lưới trần
về đây đóng cửa riêng phần thảnh thơi.

Nay đang trong tuổi “lục thập nhi nhĩ thuận” anh rong chơi với người bạn thân Hà Quốc Bảo vào lúc chớm thu tại một vùng đồi núi của tiểu bang Washington. Cảnh trí chứa chan thi vị ấy khiến nhà thơ họ Phạm chợt nhớ đến bài ngũ ngôn tứ tuyệt Vấn Hoài Thủy cũng của Bạch Cư Dị mà anh cũng đã chuyển thành bốn câu lục-bát 40 năm về trước ở quê nhà khi anh “có cảm giác tù túng, bực tức giữa một xã hội đảo điên”:

Tự ta là khách lợi danh
suốt đời phiền nhiễu giành tranh với người.
Cũng như sông chảy khôn nguôi
bôn chôn chi mãi, hãy lơi nhã nhàn?

Tôi thấy ông Trời hơi oái oăm với anh đấy, vì một người cả đời thích nhàn như anh mà có được nhàn đâu?

Anh là một người lý luận có duyên và đưa ra những suy nghĩ khá độc đáo (original) có khả năng thuyết phục người đọc. Những suy nghĩ ấy có khi phóng khoáng đến táo bạo, có khi hý lộng cực kỳ, nhưng lúc nào cũng khiến người đọc phải nghiền ngẫm những điều anh viết xuống. Đó là cảm nghĩ của tôi sau khi đọc xong chương “Tai Nghe Thuận Hay Thuận Tai?” là chương chót trong cuốn sách. Tôi mỉm cười thích thú khi đọc câu viết này của anh: “Lục thập nhi nhĩ thuận có nghĩa là ‘sống đến lớp tuổi sáu mươi thì tai mình nghe bất cứ điều gì cũng thấy xuôi cả’, như vậy hóa ra mình thành kẻ ‘ba phải’ sao?” (trang 170). Tôi càng thú hơn với nhận định thẳng thừng của anh rằng “Lý thuyết của Khổng Giáo đã được bàn sâu tán rộng đến độ trùm lấp mọi ngõ ngách tư tưởng (qua nhiều xã hội, nhất là thời của các danh gia và thời Tống Nho bên Trung Hoa), và do đó đã khiến cho biết bao nhiêu tầng lớp trí thức đông phương lạc đường giữa một mớ bòng bong và chết chìm” (trang 179).

Anh rất có lý khi nhận định rằng “Khi chúng ta tìm hiểu những câu nói của người xưa thì chữ nghĩa vốn thô thiển của người xưa lại biến thành mù mờ, khó hiểu” (trang 181). Chính vì sự “mù mờ, khó hiểu” ấy của lối viết chữ Hán quá ngắn gọn của cổ nhân mà ý nghĩa của câu “lục thập nhi nhĩ thuận” đã được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Qua khảo hướng (approach) vui tươi để tìm hiểu của Phạm Quốc Bảo thì câu nói ấy có nghĩa “sống đến sáu mươi tuổi, con người nghe (và thấy) cái gì cũng thuận tai mà ngược lại, tai của mình cũng thuận để nghe (và thấy) đủ mọi thứ từ bên ngoài dội vào tai, cả!” (trang 181). Nhưng theo học giả Nguyễn Hiến Lê trong cuốn LUẬN NGỮ (do Nguyễn Hiến Lê dịch, chú; nhà xuất bản Văn Nghệ, Westminster, California, 1994; trang 37) thì câu ấy chỉ có nghĩa là “Sáu mươi tuổi ĐÃ biết theo mệnh trời.” Theo học giả họ Nguyễn khá nghiêm túc này thì “chữ NHĨ ở đây không có nghĩa là TAI mà có nghĩa là DĨ = ĐÃ.” Tôi chia xẻ với anh điều này để chúng ta cùng “học nhi thời tập chi” trong niềm vui “bất diệc duyệt hồ?” nhé!

Còn đang băn khoăn với nhận định “Mệnh trời theo như Khổng giáo đề ra thì … rắc rối kinh khủng lắm” (trang 178) của anh thì tôi bỗng vỗ đùi và cười thành tiếng khi đọc những “ngạn ngữ” tân thời khá hý lộng về cuộc đời mà Phạm Quốc Bảo và Hà Quốc Bảo cống hiến, nhất là các câu sau đây (trang 202-204):

Thất thập cổ lai hy,
Bát thập sẵn sàng đi,
Cửu thập sống hơi lỳ.

Thất bại vì ngại thành công.
Đừng bi quan, trong cái rủi nó còn có cái xui …
Không cần mình đẹp … Chỉ cần người khác xấu.

Mừng anh đã hoàn tất một hồi ký rất dễ thương, trong đó anh đã hoàn toàn thành thực với lòng mình, và mến chúc anh thân tâm luôn an lạc.

ĐÀM TRUNG PHÁP Dallas Chớm Thu 2010

1-10 of 22