Ngày Từ Phụ Nhớ Nghiêm Đường
Nếu còn sống, cha tôi năm nay (1996) vừa tròn 100 tuổi. Từ ngày cụ khuất núi 8 năm nay ở tuổi 92, tôi đã mất đi một nơi nương tựa tình cảm vô bờ. Khi cụ đã gần cửu tuần, sức khỏe sa sút, tôi xin cha tôi một đôi câu đối chữ Hán để treo trong phòng làm việc. Cụ vui vẻ tự mài mực Tầu, cắt hai miếng giấy đỏ dài, miệng lẩm nhẩm những lời sắp viết. Tay trái cầm kính “lúp” và tay phải cụ xoay xoay ngọn bút lông ưng ý nhất. Cụ viết chậm lắm và nét chữ đã run.
Qua phong thái một nhà giáo và một nhà nho nghiêm túc trọn đời, cụ giải thích tận tường ý nghĩa từng chữ, rồi ý nghĩa trọn vẹn cả hai vế câu đối, lấy từ một bài thơ của Trình Hiệu đời nhà Tống, cho tôi nghe. Ý nghĩa đôi câu đối là một lời khuyên nhủ, đặc biệt hơn tất cả biết bao nhiêu lời khuyên khác mà cụ đã dành cho tôi từ tấm bé cho đến lúc ấy tôi đang đi vào lứa tuổi “tri thiên mệnh”:
萬物静觀皆自得 Vạn vật tĩnh quan giai tự đắc 四時皆興與人同 Tứ thời giai hứng dữ nhân đồng
Câu trên có nghĩa “Hãy bình thản quan sát để mà thấy mọi vật đều tự đâu vào đó” và câu dưới có nghĩa “Khắp bốn mùa hãy tìm hứng thú mà giao hảo với đồng loại.” Đối với tôi, đó là một lời khuyên thành khẩn nhất của một người cha già dành cho một người con trai mà cụ hết sức yêu thương. Đó cũng là triết lý cuộc đời của chính cụ, một con người can đảm, bình thản, đã chấp nhận cuộc đời mà mệnh trời đã định. Một người đã sinh bất phùng thời để không có cơ may trở thành ông nghè, ông cống. Một người đã hai lần góa vợ để hai lần gà trống nuôi con. Và khổ đau hơn nữa, một người đã phải bỏ mồ mả tổ tiên ngoài Bắc để vào Nam năm 60 tuổi và bỏ cả quê hương sang đất khách năm đã 80!
Đàm Trung Pháp Father’s Day 1996
|