HOÀI NIỆM GIÁO DỤC
CÔNG VIỆC ĐẦU TIÊN CỦA TÔI TẠI MỸ SAU QUỐC NẠN 1975
Gần một năm trời từ ngày bỏ Saigon ra đi vì quốc nạn và tạm trú vài nơi trên đất Mỹ, gia đình tôi định cư tại thành phố San Antonio, Texas, sau khi tôi kiếm được việc làm tại đây vào mùa xuân 1976. Tôi được việc này do sự giới thiệu nồng nhiệt của mấy người bạn Mỹ cũng như nhờ vào kinh nghiệm dạy Anh văn nhiều năm tại Đại Học Sư Phạm Saigon. Công việc mới này là dạy tiếng Anh để chuẩn bị cho các quân nhân trong Không Lực Vương Quốc Saudi Arabia trước khi họ đi thụ huấn tại các trung tâm huấn luyện kỹ thuật của Không Lực Mỹ, trong một chương trình huấn luyện nhiều năm mà hãng Northrop đã ký kết hợp đồng với Saudia Arabia. Tuy lúc ấy còn đang thương tiếc nếp sống cũ ở Saigon đến nỗi thờ ơ với cuộc sống mới tại Mỹ, tôi cũng thấy thoáng lên một niềm vui trong lòng vì đã kiếm được việc làm phù hợp khả năng chuyên môn, với lương bổng đủ để cho gia đình gồm vợ chồng và ba cháu nhỏ mưu sinh khi đó. Nơi tôi dạy học là một dẫy nhà tiền chế của quân đội Mỹ trong Lackland Air Force Base (AFB), một căn cứ không quân khổng lồ tại San Antonio. Học trò đều mặc quân phục khi vào lớp, tinh thần kỷ luật cao, và rất lễ phép với các nhân viên giảng huấn. Họ là những thanh niên mạnh khỏe, lanh lẹ, nói tiếng Anh trôi chảy nhưng còn phạm những lỗi phát âm cũng như những lỗi văn phạm. Tất cả đã được chính phủ tuyển lựa vào không quân, đưa sang Mỹ tu nghiệp một thời gian, để rồi về nước với cấp bậc mới và trách nhiệm mới. Nhưng trước khi được gửi đi các trung tâm huấn luyện kỹ thuật của Không Lực Mỹ, như Chanute AFB tại Illinois và Maxwell AFB tại Alabama, họ phải học thêm tiếng Anh chuyên môn với chúng tôi tại Lackland AFB trước đã. Mỗi khóa học là 6 tháng, tuần nào cũng học từ thứ hai đến thứ sáu, khoảng 4 tiếng đồng hồ mỗi ngày, rất đều đặn. Hơn thế nữa, để tối đa hóa mức hữu hiệu của việc học hành, sĩ số mỗi lớp học không bao giờ quá 12 người, và các tài liệu giảng huấn cũng như các bài thi giữa khóa và cuối khóa đã được hãng Northrop cho soạn thảo kỹ càng. Hãng Northrop (vốn là một hãng chuyên sản xuất các chiến đấu cơ cho Không Lực Mỹ) cũng rất thận trọng trong việc tuyển lựa nhân viên giảng huấn (instructors). Tất cả đều phải có văn bằng đại học Mỹ và nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy Anh văn cho người ngoại quốc. Ban giảng huấn gồm khoảng 15 người, đều là đàn ông hết, trong đó một vài người cũng là cựu sĩ quan Không Lực Mỹ. Về sau tôi mới hiểu tại sao hãng Northrop không mướn phụ nữ vào ban giảng huấn: Họ sợ làm như vậy sẽ xúc phạm danh dự các quân nhân tu mi nam tử Ả rập! Chúng tôi chia nhau giảng dạy các môn học căn bản như toán, khoa học, và Anh văn như trong một chương trình chuẩn bị đường vào đại học (college preparation program). Khi được chỉ định dạy môn đọc (reading) và viết (composition) Anh văn , tôi mừng vô cùng vì đó chính là sở trường của tôi. Điều kiện dạy học thực lý tưởng: sĩ số nhỏ, tinh thần kỷ luật cao, lớp học tiện nghi, tài liệu giảng huấn sáng sủa dễ dùng. Sau mấy buổi đầu chập chững làm quen với công việc mới, tôi mau chóng điều chỉnh cách trình bầy bài học và trở thành một giảng viên được học trò ái mộ. Có lẽ họ thích tôi vì tôi hay kể chuyện vui cho họ nghe trong các giờ giải lao, nhưng họ nói lý do họ chuộng tôi vì tôi có khả năng làm mọi bài học sống động hơn lên qua kinh nghiệm sống. Họ rất thích nghe tôi nói về kinh nghiệm thời còn là sinh viên du học tại Mỹ cũng như về những ngày tôi đi lính trong chiến tranh Việt Nam. Một điều tôi thấy rõ là, giống như người Việt chúng ta, họ rất nể trọng nhà giáo. Đây cũng là điều làm tôi thương mến họ hơn. Ngày đầu tiên tôi ra thi trắc nghiệm cho họ trong lớp, tôi bị một cú “sốc” rất lớn. Trong khi làm bài thi, họ thì thầm bằng tiếng Ả rập, nói cho nhau nghe câu trả lời nào là câu đúng, vì bài thi này thuộc loại “A, B, C, D khoanh” (multiple-choice). Đỏ mặt tía tai vì bực bội, tôi thu lại các bài thi và khiển trách cả lớp đã phạm tội “cheating” và vô hiệu hóa bài thi ấy. Tôi cũng cảnh cáo lần tới mà chuyện này còn tiếp diễn thì mọi người đều bị điểm F. Sau đó tôi lên gặp một vị cố vấn (student counselor) để tham khảo ý kiến. Người đàn ông Mỹ này từng dạy học nhiều năm tại Saudi Arabia và tính tình hồn nhiên vô cùng. Ông ta bắt tay tôi thật chặt và khuyên tôi chẳng nên bực mình làm chi, vì đây là một sự khác biệt văn hóa rất lớn giữa “họ” và “chúng ta.” Ông còn khẳng định là chúng ta sẽ chẳng bao giờ thay đổi họ được đâu. Để giảm thiểu “cheating,” ông khuyên tôi mỗi lần ra thi thì nên lựa một phòng học lớn, phân tán họ ra thật mỏng, và nhất là phải soạn ra vài mẫu (versions) của cùng một bài thi, trong đó thứ tự các câu hỏi cũng như thứ tự các câu trả lời được sắp xếp khác nhau. Đó quả là một lời khuyên quý báu, vì nhờ vào đó tôi không còn bực bội mỗi khi ra thi cho họ. Trong kỳ thi cuối khóa đầu tiên, một học viên không may bị rớt. Khi nghe tin buồn phải học lại Anh văn thêm một khóa nữa, anh chán nản vô cùng. Đêm đó anh đã uống một lượng lớn thuốc tẩy trùng để tự tử! May thay, người bạn cùng phòng khám phá ra kịp và đã đưa anh đi nhà thương cấp cứu. Sáng hôm sau, tôi và vài đồng nghiệp đến thăm anh. Anh cho biết anh muốn tự tử vì anh đã làm gia đình anh thất vọng! Ngay hôm đó, ban giám đốc nhà trường, ban giảng huấn, và vị sĩ quan liên lạc của Không Lực Saudi Arabia đã họp khẩn. Một quyết định chung được đưa ra: Anh sẽ được thi lại bài thi cuối khóa sau vài ngày ôn tập. Và anh đã đậu trong sự vui mừng của tất cả mọi giới chức liên hệ! Công việc dạy học đầu tiên tại Mỹ của tôi kết liễu vào mùa xuân 1980, sau đúng bốn năm. Trong năm sau cùng của công việc này, tôi được nhà trường cất nhắc lên làm “chủ biên tài liệu huấn luyện” (instructional materials editor), một chức vụ tương đối nhàn hạ mà lương bổng lại cao hơn khi dạy học. Trong bốn năm ấy, tôi đã học hỏi được nhiều điều về những người học trò Saudi Arabia thân thương của tôi. Họ lễ độ, thân thiện, chí tình, và hiếu học. Họ tin tưởng tuyệt đối vào Allah là đấng chí tôn của Hồi giáo. Trong suốt tháng chay Ramadan (bắt đầu vào khoảng hạ tuần tháng 8 dương lịch mỗi năm), họ không uống, không ăn, không hút thuốc từ bình minh cho đến hoàng hôn, và cầu nguyện nhiều lần trong mỗi ngày. Vì vậy họ rất uể oải và có thể ngủ gật trong lớp học trong tháng chay này. Trong lãnh vực phát âm tiếng Anh, họ phải thực tập rất nhiều để có thể phân biệt được hai nguyên âm trong các cặp chữ như “let” và “late”, “sit” và “set”, “cot” và “coat”, cũng như các tử âm đầu trong các cặp chữ như “pan” và “ban”, “fan” và “van”, “fin” và “thin”, “sank” và “thank”, “thigh” và “thy.” Và cũng giống như các học trò ngoại quốc khác, họ có khuynh hướng dùng ngữ pháp tiếng mẹ đẻ để nói và viết tiếng Anh. Thói quen này khiến họ nói và viết tiếng Anh sai văn phạm, với nhiều lỗi khá ngộ nghĩnh, chẳng hạn họ bắt đầu một câu bằng động từ (Arrived the teacher this morning quite late), đặt tính từ sau danh từ (They are people rich), không dùng động từ “to be” (He doctor). Họ cũng gặp nhiều khó khăn với cách dùng các thời của động từ (verb tenses), các trợ động từ (auxiliary verbs), và nhất là với cách dùng các đại từ quan hệ (relative pronouns) trong tiếng Anh. Tôi rời hãng Northrop với nhiều kỷ niệm đẹp, sau khi được một cơ quan khảo cứu và tư vấn về giáo dục đa văn hóa được chính phủ liên bang tài trợ mang tên “Intercultural Development Research Association” tại San Antonio mời hợp tác toàn thời gian, với trách nhiệm làm cố vấn về phương pháp giảng dạy môn ESL (English as a second language) cho các khu học chánh tại Texas, Louisiana, và Oklahoma.
MÙA THU 1976 TẠI SAN ANTONIO COLLEGE
San Antonio College là một trường đại học cộng đồng lớn trong tiểu bang Texas, với khuôn viên tọa lạc trong trung tâm thành phố San Antonio trên đại lộ huyết mạch San Pedro Avenue. Dân chúng ở đây gọi tắt tên trường này là “SAC” (phát âm như chữ “sack” vậy). Lúc đó, mùa hè 1976, tôi đã có việc dạy học toàn thời gian cho hãng Northrop trong căn cứ không quân Lackland, nhưng muốn xin vào dạy thêm tại SAC vào buổi chiều để kiếm thêm chút tiền, cũng như để sống lại cái bầu không khí đại học mà tôi đã đánh mất khi phải rời bỏ thành phố Saigon thân yêu vì quốc nạn 1975. Tôi liên lạc bằng điện thoại vào văn phòng ban Anh văn và được nói chuyện với vị trưởng ban. Ông nhã nhặn lắm, và sau khi biết tôi từng du học tại Mỹ và dạy Anh văn bậc đại học ở Việt Nam, ông mời tôi đến gặp ông tại campus. Tôi như “mở cờ trong bụng” khi ông cho biết khóa học mùa thu 1976 ban Anh văn đang cần thêm một giảng viên (lecturer) buổi chiều để dạy lớp “English composition” cho các sinh viên năm thứ nhất. Ông còn căn dặn tôi nhớ mang theo bản tiểu sử (vita) cũng như phiếu ghi điểm (transcripts) của các đại học Mỹ đã cấp phát văn bằng cho tôi khi đến gặp ông và vị giám đốc các lớp buổi chiều (director of the evening division) ngay ngày hôm sau. Ngạc nhiên vì sao lại có cả một “evening division” tại SAC, tôi tìm hiểu qua cuốn niên giám của trường thì được biết số sinh viên đi học buổi chiều rất đông, ngang ngửa với số sinh viên đi học ban ngày. Đại đa số các sinh viên buổi chiều là những người đã có công ăn việc làm ban ngày và do đó chỉ có thể đi học sau khi tan sở. Họ không còn trẻ như các cô cậu sinh viên vừa xong trung học là những người theo học các lớp ban ngày. Sơ đồ tổ chức của trường đại học hai năm cấp phát văn bằng “associate” này khá chặt chẽ. Đứng đầu là vị viện trưởng (president). Viện trưởng được sự trợ tá của các vị phó viện trưởng (vice presidents) phụ trách học vụ (academic affairs), sinh viên vụ (student affairs), cũng như của vị giám đốc thâu nhận sinh viên (director of admissions). Dưới quyền vị phó viện trưởng học vụ là các khoa trưởng (deans) của các khoa nhân văn và khoa học (arts and sciences), giáo dục tiếp nối (continuing education), vân vân. Và phối trí việc giảng dạy các lớp học là nhiệm vụ chính của các trưởng ban (chairs) các bộ môn (departments). Nhân viên giảng huấn toàn thời gian mang các tước vị từ thấp lên cao là assistant professor, associate professor, và professor. Những nhân viên giảng huấn khác, đa số chỉ dạy một hay hai lớp mỗi khóa học buổi chiều, được gọi là lecturers. Tất cả đều phải có học vị master trở lên. Các lecturers chỉ được nhà trường trả tiền theo số lớp học phụ trách, không được bảo hiểm sức khỏe, không có văn phòng riêng, và trước mỗi khóa học mới phải ký lại hợp đồng dạy học (teaching contract) nếu nhà trường có nhu cầu dùng họ. Đó là cách để các đại học cộng đồng tiết kiệm ngân quỹ, vì trường nào cũng có khuynh hướng sử dụng nhiều lecturers hơn là các giáo sư toàn thời gian. Ông trưởng ban Anh văn giới thiệu tôi với ông giám đốc các lớp buổi chiều tại văn phòng của ông giám đốc. Cả hai người đều lịch sự và hòa nhã vô cùng trong buổi “job interview” ấy, một điều tôi ghi nhớ mãi đến tận ngày nay. Họ xem xét bản tiểu sử và phiếu ghi điểm của tôi từ hai đại học Miami và Georgetown, và hỏi tôi vài câu về kinh nghiệm dạy học. Rồi sau khi tôi ký tên vào đơn xin việc để hoàn tất thủ tục tuyển dụng làm lecturer, họ bắt tay cảm ơn tôi đã hợp tác với SAC, tiễn tôi ra về và cho biết trong khoảng hai tuần nữa tôi sẽ nhận được hợp đồng dạy học gửi về nơi tôi cư ngụ. Ông trưởng ban cũng tặng tôi cuốn textbook để soạn học trình (syllabus) cho lớp. Đó là giây phút “lịch sử” nối kết cuộc đời tỵ nạn của tôi với nền giáo dục đại học Mỹ! Tờ hợp đồng dạy học của tôi được gửi tới nhà y như lời họ hứa. Tôi không thể ngờ mức lương họ trả cho một lecturer lại khá như vậy. Mỗi lớp chỉ học một buổi chiều mỗi tuần trong khóa học, tức là tôi phải dạy 15 buổi, mỗi buổi 3 tiếng đồng hồ. Chỉ làm việc 45 tiếng đồng hồ mà tôi được trả 875 Mỹ kim cho lớp ấy, tính ra là gần 20 Mỹ kim mỗi giờ! Thêm một ngạc nhiên thú vị, vì lúc ấy 20 Mỹ kim có giá trị lắm. Khóa mùa thu 1976 khai giảng vào cuối tháng 8, và sinh viên học với tôi vào các ngày thứ ba mỗi tuần, bắt đầu từ 6 giờ chiều. Tôi đã soạn một học trình kỹ lưỡng cho lớp này, nắm vững nội dung cuốn textbook, và sẵn sàng “ra quân”! Buổi học đầu tiên cho tôi thấy San Antonio là một thành phố đa chủng tộc. Trong khoảng 20 sinh viên hiện diện thì gần nửa thuộc sắc tộc Mễ tây cơ, số còn lại là da trắng và một hai người da đen. Tôi tự giới thiệu qua loa và gửi lời chào mừng họ, trước bằng tiếng Anh và sau bằng tiếng Tây ban nha. Các sinh viên gốc Mễ tây cơ rất đỗi ngạc nhiên và lộ rõ niềm hân hoan vì tôi biết tiếng nói của họ! Sau khi giải thích cho họ rõ mục tiêu của lớp và những trách nhiệm của họ trong khóa học, tôi chia xẻ với họ về quá trình dạy học của tôi tại Việt Nam cũng như công việc tôi đang làm cho hãng Northrop trong căn cứ không quân Lackland. Phần thời giờ còn lại, tôi yêu cầu mọi người viết cho tôi một trang về cuộc đời của họ, để giúp tôi làm quen với họ. Tiện thể, đấy cũng là phương cách thực tế nhất để tôi lượng giá khả năng viết tiếng Anh của họ. Trước khi cho lớp ra về, tôi còn nhắc nhở họ chịu khó đi học đều đặn và đọc kỹ các chương trong textbook như đã ghi trong học trình. Buổi học đầu tiên thuận buồm xuôi gió. Khi đọc các trang sinh viên viết về cuộc đời họ thì tôi thấy khả năng viết tiếng Anh của họ không đồng đều chút nào. Vài ba người viết toàn hảo, đa số viết tạm được, và số còn lại viết dở lắm. Tôi biết là tôi sẽ phải để ý đến nhóm sau cùng này rất nhiều vì họ chưa nắm vững cú pháp và còn phạm nhiều lỗi chính tả. Qua những trang họ viết, tôi được biết họ làm nhiều công việc khác nhau để mưu sinh. Họ đều hy vọng khi tốt nghiệp SAC thì nghề nghiệp họ sẽ có cơ hội thăng tiến. Kinh nghiệm gần một thập niên dạy Anh văn của tôi tại Đại Học Saigon thực đáng giá ngàn vàng! Bao nhiêu “tuyệt chiêu” tôi đều mang ra sử dụng để giúp sinh viên SAC tránh được những lỗi lầm tối kỵ trong khi viết luận văn, như dàn bài lỏng lẻo dẫn đến sự thiếu mạch lạc (lack of cohesion), các câu văn tràng giang không chịu ngừng nghỉ (run-on sentences) vì người viết chưa giỏi cách chấm câu (punctuation), các câu cụt ngủn vì thiếu chủ từ hoặc động từ (fragments), lỗi cú pháp và chính tả (syntactical and spelling errors) gây ra vì cẩu thả, vân vân. Quả thực, tôi đã dùng khá nhiều mực đỏ khi chấm bài của họ! Sau khi trả lại các bài luận văn mà tôi đã chấm và sửa lỗi cho họ, tôi đều có phần tóm lược các lỗi chính và nhắc nhở họ cách tránh những “cạm bẫy” (pitfalls) ấy. Cuối khóa, tôi rất hài lòng với sự tiến bộ của học trò, và hãnh diện là không một người nào bị điểm “D” hay “F” trong lớp ra quân đầu tiên này của tôi! Sau khi nộp bài thi cuối khóa cho tôi thì đa số sinh viên lặng lẽ ra về. Một vài người nói lời cảm ơn và ca ngợi lối dạy học hữu hiệu của tôi. Người cuối cùng lên nộp bài là một sinh viên Mỹ trắng đứng tuổi có khuôn mặt đầy vẻ phong sương, luôn luôn ngồi ở một góc cuối lớp và chẳng bao giờ lên tiếng trong lớp. Một cách chậm chạp, ông ta nói với tôi đại khái, “Giáo sư Đàm ơi, trước khi chúng ta chia tay, tôi xin ông nhận lời tạ lỗi của tôi. Thú thực tôi đã lấy làm khó chịu với ông lúc khóa học bắt đầu vì ông là người Việt. Tôi là một cựu quân nhân Mỹ phục vụ tại Việt Nam, có bạn bè và thân nhân chết trận bên ấy. Tôi cũng lầm to khi cho rằng một người ngoại quốc như ông thì không thể nào dạy người Mỹ chúng tôi viết luận văn bằng tiếng mẹ đẻ của chúng tôi được.” Vừa ngỡ ngàng vừa xúc động, tôi trả lời ông, “Ông không có lỗi gì đâu, nhưng tôi đa tạ tấm lòng thành khẩn rất dễ thương của ông.” Chúng tôi xiết tay nhau thật chặt và chúc lành cho nhau khi giã từ. Trên đường đi bộ ra bãi đậu xe, tôi còn nghe văng vẳng bên tai những lời nói thành khẩn bộc trực ấy của ông. Mắt tôi đã nhòa lệ lúc nào không hay.
MỘT THỜI BAY NHẢY LÀM GIÁO DỤC TỴ NẠN
Một hạnh ngộ chợt đến với tôi vào đầu mùa xuân 1980 tại San Antonio, Texas. Lúc ấy San Antonio đang đón nhận khá nhiều dân tỵ nạn Việt, Miên, Lào (gọi chung là dân tỵ nạn Đông Dương) qua trung gian của văn phòng USCC (United States Catholic Conference) là cơ quan định cư lớn nhất cho người tỵ nạn nói chung. Để giúp những người bảo trợ và các giới chức học chánh cũng như giới chức xã hội địa phương hiểu biết thêm về nếp sống của người tỵ nạn Đông dương, USCC và trường Đại Học Our Lady of the Lake cùng đứng ra tổ chức một buổi hội thảo về văn hóa Đông Dương vào giữa tháng 3 năm 1980 trong khuôn viên của trường. Tôi là một trong số diễn giả được mời, và trong thành phần tham dự viên có một vị đại diện cho một tổ chức nghiên cứu giáo dục đa văn hóa tại San Antonio mang tên Intercultural Development Research Association (IDRA). Sau khi tôi thuyết trình xong về những nét chính yếu của văn hóa và ngôn ngữ Đông Dương và trả lời một số câu hỏi từ các tham dự viên, vị đại diện IDRA đến bắt tay tôi và chúc mừng tôi đã đóng góp một bài nói chuyện rất hay. Gốc Mỹ Châu La-tinh với nước da bánh mật, cô Esmeralda rất thân thiện và dễ mến. Cô xin số điện thoại của tôi, và khi chia tay cô tươi cười nói với tôi một câu như nửa đùa nửa thật, “Ông boss của tôi mong được gặp ông lắm đấy!” Cô Esmeralda không đùa, vì chỉ hai ngày sau buổi hội thảo cô đã gọi điện thoại cho tôi và cho biết ông boss của cô gửi lời mời tôi đến gặp ông tại IDRA càng sớm càng hay. Chúng tôi thỏa thuận ngày giờ cho buổi gặp gỡ với ông ấy, và tôi cảm ơn cô đã báo tin vui khi chào tạm biệt. Mấy câu điện đàm vắn tắt ấy cho tôi cái linh cảm rằng một chân trời mới sắp mở ra cho nghề nghiệp của tôi. Trụ sở của IDRA khang trang, chiếm trọn lầu ba một cao ốc đồ sộ trên đường Callaghan, thành phố San Antonio. Khi bước vào phòng tiếp khách tôi được cô thư ký cho biết Tiến Sĩ José Cárdenas, giám đốc điều hành IDRA, sẵn sàng tiếp tôi và cô hướng dẫn tôi vào văn phòng làm việc của ông. Ông là người gốc Mễ Tây Cơ nhưng nước da trắng trẻo, khoảng ngũ tuần, vóc giáng bệ vệ, cung cách cư xử trang nghiêm. Sau vài câu xã giao, chúng tôi chia xẻ với nhau về quá trình nghề nghiệp. Ông từng dạy tại Đại Học Texas tại Austin và làm trưởng khoa giáo dục cho Đại Học St Mary tại San Antonio. Tôi cho ông biết tôi chuyên về ngôn ngữ học và phương pháp giảng dạy ESL (English as a second language) tại Đại Học Georgetown ở thủ đô Washington và đã dạy tiếng Anh nhiều năm tại Đại Học Saigon. Ông hân hoan ra mặt khi tôi bất chợt chuyển từ tiếng Anh sang tiếng Tây Ban Nha là tiếng mẹ đẻ của ông. Sau mấy phút làm quen đó, Tiến Sĩ Cárdenas cởi mở hơn nhiều. Ông cho biết IDRA vừa được Bộ Giáo Dục liên bang cấp thêm một ngân khoản lớn để giúp đỡ các khu học chánh trong Vùng VI của Bộ Giáo Dục (bao gồm các tiểu bang Texas, Louisiana, Arkansas, New Mexico, và Oklahoma) cải thiện việc dạy dỗ các học sinh chưa thông thạo tiếng Anh, mà đại đa số thuộc sắc tộc Mỹ Châu La-tinh. Vì nay có thêm cả hàng chục ngàn học sinh tỵ nạn gốc Đông Dương trong các tiểu bang vừa kể, từ mấy tháng qua ông và các cộng sự viên vẫn ráng sức tìm kiếm một “chuyên viên giáo dục” gốc Đông Dương để mời hợp tác. Ông nói cô Esmeralda nghĩ rằng tôi có khả năng và kinh nghiệm để làm việc với IDRA, căn cứ vào những điều cô đã tai nghe mắt thấy trong buổi thuyết trình của tôi hai hôm về trước! Tôi cảm ơn ông đã có nhã ý mời tôi đến gặp ông, và cho ông biết tôi sẽ có quyết định sau khi tìm hiểu trách nhiệm cũng như quyền lợi của công việc mới này. Ông cho biết công việc của một chuyên viên giáo dục (education specialist) tại IDRA đòi hỏi mỗi tuần phải bay đến ít nhất là một thành phố trong năm tiểu bang của Vùng VI để trực tiếp giúp đỡ các bộ giáo dục tiểu bang, các khu học chánh trong các lãnh vực huấn luyện giáo chức về phương pháp giảng dậy song ngữ (bilingual) hoặc ESL, lựa chọn tài liệu giảng huấn cho các trường học, và cố vấn cho họ về nếp đa dạng văn hóa (cultural diversity) trong học đường Mỹ. Các chuyên viên cũng có cơ hội giúp những đại học trong vùng cải tiến chương trình đào tạo giáo chức song ngữ và ESL. Ngừng một lát, ông hỏi tôi nghĩ sao về những trách nhiệm này. Tôi nói công việc này thú vị lắm, nhưng tôi sẽ phải ráng làm quen với lối sống xa nhà vài bữa mỗi tuần! Sau khi thỏa thuận về lương bổng và quyền lợi, tôi xin ông hai tuần để lo xong công việc dở dang tại hãng Northrop. Cuộc “job interview” ngắn ngủi đã xong, ông dẫn tôi đi thăm các phòng sở, giới thiệu tôi với các đồng nghiệp mới của tôi. IDRA là một tổ chức khá lớn, với trên 40 chuyên viên giáo dục. Vì IDRA được thành lập với sứ mệnh bảo đảm một nền giáo dục hữu hiệu cho các học trò gốc Mỹ Châu La-tinh, đại đa số các chuyên viên đều thuộc sắc tộc này. Thiểu số còn lại là vài người da trắng, hai người da đen, và tôi là người da vàng duy nhất. Người nào tôi gặp cũng thân thiện và cởi mở với tôi. Sáng hôm ấy tôi không gặp được tất cả mọi người, vì nhiều người phải đi công tác xa, kể cả cô Esmeralda là người tôi rất muốn gặp lại để cảm ơn cô đã nói tốt về tôi. Vị giám đốc chương trình của tôi là Tiến Sĩ Gloria Zamora, một phụ nữ nhỏ nhắn với nụ cười hiền hậu và giọng nói ngọt ngào. Khi được Tiến Sĩ Cárdenas cho biết tôi nói được tiếng Tây Ban Nha như họ, bà đã không chỉ bắt tay mà còn ghì chặt lấy tôi và vỗ nhè nhẹ lên lưng tôi (tiếng Tây ban nha gọi động tác thân thương này là một “abrazo”), và chào mừng tôi bằng tiếng Tây Ban Nha. Bà lúc ấy đã ngoại tứ tuần, từng dạy đại học nhiều năm và nay là cánh tay phải của Tiến Sĩ Cárdenas. Trước khi tôi ra về, Tiến Sĩ Cárdenas còn dẫn tôi đến thăm phòng phụ trách ấn loát và phát hành các bản tin hàng tháng cũng như các ấn phẩm nghiên cứu của IDRA. Phẩm chất cao của những bản tin và những ấn phẩm nghiên cứu đó từ năm 1973 là năm ông sáng lập IDRA đã biến tổ chức này thành một “think tank” (lò tư tưởng) chuyên về giáo dục song ngữ (bilingual education) rất được các khu học chánh và các đại học Mỹ nể vì. Ông cho biết, vì IDRA là một cơ sở nghiên cứu giáo dục, ông hy vọng tôi cũng sẽ đóng góp vào nỗ lực nghiên cứu trong những ngày tháng sắp tới. Tôi gật đầu hứa hẹn sẽ đóng góp trong khả năng của tôi. Thời điểm ấy nằm trong giai đoạn cực thịnh của nền giáo dục song ngữ cho các học trò gốc Mỹ Châu La-tinh không hoặc chưa thông thạo tiếng Anh (gọi tập thể là “limited-English-proficient students”). Và “giáo dục song ngữ” thường được hiểu là phương thức sư phạm dùng cả tiếng Tây Ban Nha lẫn tiếng Anh để dạy các em trong các trường tiểu học, từ mẫu giáo đến lớp 6. Trong ba năm đầu tiểu học, các em đó được dạy hầu hết mọi môn bằng tiếng Tây Ban Nha, rồi dần dần tiếng Anh được đưa vào học trình càng lúc càng nhiều trong những năm cuối tiểu học, để khi lên các lớp 7 và lớp 8 (middle school) các em sẽ có thể hoàn toàn theo học bằng tiếng Anh. Điều ngạc nhiên là thời kỳ cực thịnh này cho các học trò gốc Mỹ Châu La-tinh là do hậu quả của một vụ kiện Khu Học Chánh San Francisco lên đến tận Tối Cao Pháp Viện vào năm 1974 của một gia đình người Mỹ gốc … Quảng Đông! Lý do để kiện: Các trẻ em gốc Quảng Đông đã không học hành được gì cả vì chúng không biết tiếng Anh. Nhà trường đã không có một trợ giúp nào đặc biệt cho chúng, như Đạo Luật Dân Quyền 1964 (Civil Rights Act of 1964) đòi hỏi. Tối Cao Pháp Viện phán quyết Khu Học Chánh San Francisco đã phạm lỗi kỳ thị đối với các trẻ em ấy và phải chấn chỉnh lại ngay lề lối làm việc vô trách nhiệm. Vụ kiện ấy (mang tên “Lau v. Nichols”) là một khúc quanh quan trọng trong lịch sử giáo dục nước Mỹ. Chính phủ liên bang sau đó đã bỏ ra những ngân khoản lớn lao để giúp các cơ sở giáo dục thăng tiến việc giảng dạy các học trò chưa thạo tiếng Anh càng ngày càng gia tăng trong học đường Mỹ. Cũng nhờ đó mà các chương trình cử nhân và hậu cử nhân đào tạo giáo chức song ngữ tưng bừng khai trương tại các đại học Mỹ. Sinh viên trong các chương trình này được cấp học bổng trong suốt thời gian theo học. Tôi nộp đơn thôi việc tại hãng Northrop, cho họ hai tuần lễ để kiếm người thay thế. Hôm giã từ, tuy đã cảm thấy buồn tẻ sau ba năm dạy học và một năm làm chủ biên tài liệu giảng huấn cho một cơ sở giáo dục phục vụ quân nhân Không lực Vương quốc Saudi Arabia, tôi vẫn thấy xốn xang trong lòng một cách khó tả. Dù sao đi nữa, nơi đây đã là chốn cho tôi nương thân trong những năm đầu vất vả của cuộc đời tỵ nạn. Tôi rời Northrop với nhiều kỷ niệm đẹp và một lòng biết ơn chân thành. Hôm nhận việc tại IDRA, tôi ghé văn phòng Tiến Sĩ Zamora trước tiên. Bà vui lắm và tiếp tôi như một người bạn đã quen từ lâu. Bà nói về tổ chức nội bộ, giải thích kỹ càng mọi nhiệm vụ tôi sẽ phải làm, và chia xẻ với tôi những kinh nghiệm, những “bí quyết” để thành công khi làm việc với các bộ giáo dục tiểu bang, các khu học chánh. Về lối làm việc, IDRA giống như một đại gia đình, trong đó “teamwork” (tinh thần làm việc chung) là tôn chỉ tuyệt đối. Về khả năng chuyên môn, cơ sở này được coi là một “think tank” (lò tư tưởng) của giáo dục song ngữ, với các chuyên viên có học vị rất cao, thành tích nghiên cứu đáng kể, và kinh nghiệm dạy đại học hoặc quản trị các khu học chánh. Trên đường dẫn tôi đến văn phòng mà bà vừa thu xếp cho tôi, bà đề nghị là từ nay tôi sẽ gọi bà là Gloria, gọi Tiến Sĩ Cárdenas là José, và bà sẽ gọi tôi là Pháp, “ vì chúng ta là gia đình mà” (một lối nói thân thương của người Mỹ Châu La-tinh, “porque somos familia”). Như diều gặp gió, tôi làm việc hăng say trong thời gian một năm rưỡi trời tại IDRA, với sự hỗ trợ và khích lệ tận tình của Gloria và José. Tuần nào tôi cũng bay đi làm việc hai ba ngày tại các thành phố lớn trong Vùng VI như Houston, Dallas, Austin, Oklahoma City, New Orleans, Baton Rouge, Little Rock, vân vân, theo lời yêu cầu của các bộ giáo dục tiểu bang hoặc các khu học chánh sở tại. Công việc chính trong các chuyến đi ấy là làm thuyết trình về các đề tài họ yêu cầu trước (thường thường là về văn hóa, phong tục, giáo dục, và ngôn ngữ Việt), hoặc huấn luyện giáo chức cho họ qua các buổi biểu diễn các “chiến lược hữu hiệu” (effective strategies) để dạy tiếng Anh cho các học trò ngoại quốc chưa thạo tiếng Anh. Con số tham dự viên biến thiên từ hàng chục đến hàng trăm người. Nơi thuyết trình có thể là một thính đường của một trường trung học, một phòng khánh tiết của một bộ giáo dục tiểu bang, hoặc một ballroom trong một khách sạn. Tôi mau chóng trở thành một trong các chuyên viên giáo dục “đắt khách” nhất của IDRA. José và Gloria đều hân hoan chia xẻ với tôi mỗi khi các bộ giáo dục tiểu bang hoặc các khu học chánh gọi điện thoại cảm ơn IDRA và mời tôi trở lại giúp họ thêm. Những ngày không đi công tác, tôi vào văn phòng để chuẩn bị hoặc duyệt lại các tài liệu chuyên môn. Đó cũng là lúc tôi đóng góp cho bản tin hàng tháng của IDRA, mở đầu bằng bài tôi thuyết trình trong buổi hội thảo do USCC tổ chức tại Our Lady of the Lake University, được hiệu đính lại cẩn thận, mang tựa đề “The Indochinese Refugees’ Cultural Background.” Qua hệ thống phổ biến rộng rãi của IDRA, bài viết này đã được chia xẻ với nhiều cơ sở giáo dục trong vùng. Một hôm José cho tôi hay Bộ Giáo Dục Louisiana vừa yêu cầu IDRA soạn thảo gấp một cuốn sách nói về những lỗi (errors) đặc thù thông thường nhất của học trò gốc Việt Nam khi học tiếng Anh. Mục đích của cuốn sách là để giúp các thầy cô dạy ESL tại Louisiana biết trước những loại lỗi này và do đó tìm ra cách giúp học trò Việt Nam tránh chúng một cách hữu hiệu hơn. Vui thay, đó là lời yêu cầu tôi sẵn sàng đáp ứng nhất mà chẳng cần sửa soạn thêm gì nhiều, vì tôi đã bỏ ra nhiều thì giờ tìm hiểu về lãnh vực này trong những năm dạy tiếng Anh ở quê nhà. Tôi đã để ý nhận ra, ghi xuống, và xếp loại được khá nhiều lỗi về phát âm và ngữ pháp tiếng Anh mà các học trò của tôi thường vấp phải. Chẳng hạn như về phát âm thì các em có khuynh hướng thay thế âm “th” trong tiếng Anh (như trong chữ “thin”) bằng âm “th” trong tiếng Việt (như trong chữ “thìn”). Và khi viết một câu phức tạp (complex sentence) tiếng Anh mở đầu với mệnh đề phụ (subordinate clause) bắt đầu bằng liên từ “although” (Although he is very smart,), các em có khuynh hướng dùng thừa liên từ “but” trong mệnh đề chính theo sau (Although he is very smart, BUT he is not arrogant), như thể các em đã dùng cú pháp Việt để viết tiếng Anh vậy (Mặc dù anh ta rất thông minh, NHƯNG anh ta không kiêu căng). Tôi cũng tìm cách lý giải những lỗi ấy qua lăng kính “phân tích tương phản” (để vạch ra sự khác biệt giữa cấu trúc tiếng Việt và cấu trúc tiếng Anh và tiên đoán những lỗi có thể xảy ra vì sự khác biệt cấu trúc) và lăng kính “phân tích lỗi” (để xem những lỗi mà học trò thực sự đã phạm là do sự khác biệt nói trên hay một lý do nào khác). Hai lối phân tích thú vị này, gọi là “contrastive analysis” và “error analysis” trong danh từ chuyên môn, thuộc phạm trù môn ngữ học áp dụng (applied linguistics) mà tôi đã được huấn luyện tại Đại Học Georgetown. Vì đã quá quen thuộc với các lỗi về phát âm và cú pháp tiếng Anh của học trò Việt, tôi dễ dàng hoàn tất bản thảo cuốn sách “A Contrastive Approach for Teaching ESL to Vietnamese Students” trong đó tôi xếp loại các lỗi và đề nghị cách giúp học trò Việt vượt qua những loại lỗi tiếng Anh đó. José và Gloria đề nghị tôi nới rộng nội dung bản thảo ấy ra đôi chút để bao gồm luôn hai ngôn ngữ Đông Dương khác nữa là tiếng Miên và tiếng Lào để cuốn sách tăng phần hấp dẫn. Họ cũng chấp thuận một ngân khoản để trả thù lao cho hai nhà giáo tỵ nạn gốc Miên và Lào đóng vai “informants” cung cấp cho tôi những dữ kiện cần thiết. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi được hai vị này cho tôi biết là chính họ cũng mắc phải đại đa số những loại lỗi tiếng Anh mà người Việt mắc phải! Sự hợp tác sốt sắng của họ thực đáng quý và đã cung cấp cho tôi những điều tôi mong muốn được biết. Cuốn sách “A Contrastive Approach for Teaching English as a Second Language to Indochinese Students” do tôi soạn thảo được IDRA xuất bản vào giữa mùa hè 1980 và được đón nhận nồng nhiệt. Trong vòng một tháng, 500 cuốn trong đợt in đầu đã bán hết nhờ vào hệ thống thông tin và phân phối rộng rãi của IDRA. Riêng Bộ Giáo Dục Louisiana đặt mua 50 cuốn! Đây là một niềm vui lớn cho tôi về cả hai phương diện tinh thần và vật chất, và tôi mang ơn José rất nhiều. Ông không những đã viết lời mở đầu trang trọng cho cuốn sách mà sau đó còn cho tôi hưởng trọn tiền lời cuốn sách, lớn bằng hai tháng lương của tôi. Đó là một phần thưởng quá đặc biệt mà tôi chẳng hề mong đợi. Để đền đáp tấm thịnh tình của José, trong mùa xuân 1981 tôi soạn cẩm nang “A Manual for Teachers of Indochinese Students” cũng như hai bộ trắc nghiệm khả năng ngôn ngữ mang tên “The IDRA Structured Language Interview” và “The IDRA Oral Language Dominance Test” để IDRA phát hành, với tất cả tiền lời tặng vào quỹ điều hành của IDRA. Cuốn cẩm nang được soạn do lời yêu cầu của Khu Học Chánh Houston, và hai bộ trắc nghiệm khả năng ngôn ngữ do lời yêu cầu cấp bách của Khu Học Chánh Seadrift, nơi sắp khai trương chương trình song ngữ Anh-Việt đầu tiên tại Texas dành cho con em của các gia đình ngư phủ gốc Việt Nam tới định cư. Do sự quảng bá của IDRA, tôi đã “lọt vào mắt xanh” của các đại học trong vùng đang cố gắng cải tiến chương trình đào tạo giáo chức song ngữ và ESL. Dù bận rộn với công việc chính, tôi cũng ráng thu xếp thì giờ để lần lượt giảng dạy một lớp về ngữ học giáo dục (educational linguistics) cho Đại học Our Lady of the Lake tại San Antonio, rồi đồng giảng dạy (team-teach) một lớp về giáo dục đa văn hóa (multicultural education) cho Đại Học Texas tại Austin trong niên học 1980-1981. Đây là hai lớp cao học (graduate courses) đầu tiên tôi phụ trách trong khung trời đại học Mỹ, phần lớn nhờ vào uy tín của IDRA. Một niềm vui nữa cho tôi trong thời gian bay nhảy này là tôi được gặp Giáo Sư Nguyễn Đình Hòa trong cuộc hội thảo giáo dục tỵ nạn tổ chức tại Chicago mà tôi đại diện IDRA tham dự. Lúc ấy Tiến Sĩ Hòa là giáo sư ngữ học kiêm giám đốc Trung Tâm Việt Học tại Southern Illinois University (Carbondale). Vì đã ngưỡng mộ vị đồng nghiệp lỗi lạc này của tôi từ lâu, tôi hết sức vui mừng và hân hạnh được gặp ông lần đầu tại Chicago năm 1980. Ông lớn tuổi hơn tôi nhiều, nhưng tính tình ông trẻ trung, hồn nhiên, và thân ái lắm. Gần bốn năm sau, chúng tôi tái ngộ tại Houston trong hội nghị TESOL 1984, khi cả hai chúng tôi đều là diễn giả trong hội nghị toàn quốc dành cho giáo chức ESL này. Từ đó đến khi ông qua đời năm 2000 tại California, tôi thường liên lạc điện thoại vấn an ông, tiếp rước ông và phu nhân tại Dallas, và viết bài giới thiệu hai tác phẩm thượng thặng của ông là cuốn giáo khoa “Vietnamese / Tiếng Việt Không Son Phấn” (1997) và cuốn hồi ký “From the City inside the Red River” (1999). Đầu tháng sáu 1981, Khu Học Chánh Dallas (Dallas Independent School District, gọi tắt là DISD) yêu cầu IDRA gửi tôi đến làm diễn giả chủ đề (keynote speaker) khai mạc cho khóa huấn luyện mùa hè cho toàn thể giáo chức ESL trong khu học chánh. Ông Angel Gonzalez, giám đốc chương trình song ngữ và ESL của DISD, nồng nhiệt giới thiệu tôi với trên 500 nhà giáo ngồi kín một hội trường. Bài nói chuyện chủ đề của tôi, do ông Gonzalez và tôi thỏa thuận trước, vây quanh kinh nghiệm học tiếng Anh theo phương pháp “văn phạm và phiên dịch” (grammar-translation) của tôi hồi trung học ở Saigon, tức là một phương pháp không chú trọng đến đàm thoại chút nào. Cử tọa cười ra nước mắt khi nghe tôi nói về những khó khăn, những hiểu lầm tầy trời của tôi khi phải vật lộn với tiếng Anh đàm thoại (spoken English) lúc mới qua Mỹ du học. Họ vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt khi tôi đề nghị những điều thiết thực cần phải chú trọng khi dạy ESL để các học trò ở DISD ngày nay sẽ không phải “khổ” như tôi thời ấy. Có ngờ đâu bài nói chuyện chủ đề sáng hôm đó tại Dallas cũng đánh dấu một khúc quanh trong đời nghề nghiệp của tôi. Do đề nghị của cử tọa và cũng do sự “nói vào” rất mạnh của ông Gonzalez, vài bữa sau đó tôi được ông Linus Wright, tổng giám đốc (general superintendent) của DISD đích thân gọi điện thoại cho tôi hay rằng ông có ý định mời tôi làm phụ tá cho ông Gonzalez để đặc trách chương trình ESL đang bành trướng mạnh. Tôi thực bối rối nên chỉ biết cảm ơn ông và hứa sẽ gọi lại ông sau khi thảo luận việc này với gia đình. Đó là một quyết định khó khăn, mà ngày nay mỗi lần nghĩ lại vẫn làm tôi bứt rứt trong lòng. Đối với tôi, IDRA là một nơi làm việc tuyệt vời, và José và Gloria là những nhà giáo khả kính đã tận tụy suốt đời với lý tưởng bênh vực quyền lợi giáo dục cho hàng trăm ngàn học trò gốc Mỹ Châu La-tinh tại Texas và các tiểu bang lân cận. Và tôi chẳng bao giờ quên được nét mặt thất vọng của José, ông boss rộng lượng nhất trong cuộc đời nghề nghiệp của tôi, khi tôi ghé văn phòng ông lần chót.
THỨ TIẾNG ANH “BẤT THƯỜNG” CỦA TÔI KHI MỚI QUA MỸ DU HỌC
Trước khi bay từ San Antonio lên Dallas để nói chuyện với toàn thể giáo chức ESL của Khu Học Chánh Dallas vào đầu tháng sáu năm 1981, tôi đã được ông Angel Gonzalez cho biết về nhu cầu cải tiến phương pháp giảng dạy ESL của họ. Vì chuyên môn của ông là giáo dục song ngữ (Tây ban nha và Anh ngữ) cho các học trò tiểu học sắc tộc Mỹ Châu La-tinh, ông không rành lắm về giáo dục ESL, nhất là ở bậc trung học, cho nên ông cần tôi cố vấn ông trong lãnh vực huấn luyện này. Ở địa vị giám đốc giáo dục song ngữ và ESL cho Dallas là một trong 10 khu học chánh lớn nhất nước Mỹ, ông Gonzalez chịu trách nhiệm nội dung học trình và phẩm chất giảng dạy cho hơn 50.000 học trò mệnh danh “có khả năng Anh ngữ hạn chế” (limited-English-proficient) từ mẫu giáo đến lớp 12. Theo ông, trong số 500 giáo chức ESL mà khu học chánh Dallas mới tuyển dụng trong thời gian qua, thì đa số thuộc loại “bắn trong bóng tối” (shoot in the dark). Họ là các giáo chức có bằng hành nghề (certified teachers) trong những bộ môn như văn (language arts), khoa học xã hội (social studies), thể dục (physical education), vân vân, nhưng chưa kiếm được việc trong bộ môn của họ. Và nay bỗng nhiên họ xin được việc để dạy ESL cho các học trò ngoại quốc nói trên 50 thứ tiếng mẹ đẻ khác nhau! Mãi cho tới niên học 1983-1984 Bộ Giáo Dục Texas mới chính thức bắt buộc giáo chức dạy ESL phải có thêm chứng chỉ hành nghề ESL (ESL endorsement). Chứng chỉ hành nghề này đòi hỏi họ phải hoàn tất vài lớp sư phạm ESL tại đại học và thi đậu một kỳ sát hạch do Bộ Giáo Dục Texas tổ chức. Để cho bài nói chuyện chủ đề của tôi mở đầu khóa huấn luyện mùa hè cho họ được thoải mái, tôi đề nghị với ông Gonzalez rằng tôi sẽ bắt đầu câu chuyện bằng cách tâm sự với họ về những lỗi lầm làm tôi ngượng ngùng (embarrassed) khi sử dụng thứ tiếng Anh “không giống ai” của tôi trong thời gian mới qua Mỹ du học vào mùa thu 1959 – hậu quả của phương pháp cũ kỹ mang danh “grammar-translation” mà cho đến ngày nay nhiều nơi trên thế giới còn dùng. Sau đó, tôi sẽ đề nghị một số “chiến lược giảng huấn” (instructional strategies) được coi là hữu hiệu lấy từ một số phương pháp cận đại như “nghe và nói” (audio-lingual method), “đề cương chức năng” (functional syllabus), “tình huống” (situational method), vân vân, cho đến một phương hướng giảng dạy mới mẻ đang bắt đầu thành hình, dựa vào tiến trình thủ đắc ngôn ngữ mẹ đẻ và mang danh “phương hướng tự nhiên” (natural approach). Tôi tin tưởng những “chiến lược chắc ăn” (surefire strategies) này sẽ là hành trang tối thiểu cho những đồng nghiệp mà ông Gonzalez nhận định còn đang “bắn trong bóng tối.” Ông Gonzalez hoan hỷ tán thành đề nghị của tôi. Lúc ông Gonzalez đưa tôi đến hội trường thì cử tọa đã ngồi kín mọi ghế vì sắp đến giờ khai mạc. Ông Gonzalez bước lên bục thuyết trình chào mừng cử tọa và lược qua chương trình của kỳ huấn luyện mùa hè. Rồi ông mời tôi lên đứng cạnh ông bên máy vi âm khi ông giới thiệu tôi rất nồng nhiệt với cử tọa. Tôi mở đầu câu chuyện bằng một khúc quanh quan trọng trong tiến trình học vấn của tôi. Đó là một ngày cuối hè 1959, khi tôi được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (South Vietnam) và cơ quan viện trợ Mỹ (USAID) cấp cho một học bổng mang danh đầy kỳ vọng là “leadership scholarship” để du học tại Mỹ rồi trở về phục vụ đất nước, sau khi tôi đậu tú tài toàn phần ban văn chương với hạng danh dự và đạt điểm cao trong kỳ thi tuyển học bổng toàn quốc do USAID tổ chức bằng tiếng Anh. Trẻ tuổi, lạc quan và đầy tự tin, tôi nghĩ mình sẽ thuận buồm xuôi gió với tiếng Anh khi qua Mỹ. Nhưng tôi lầm to, vì con thuyền tiếng Anh của tôi đã không đủ chuẩn bị để ra khơi! Không thể đổ lỗi cho ai cả, vì sự thực là tôi và các thầy dạy Anh văn của tôi thuở đó chỉ là là nạn nhân của thời cuộc mà thôi. Tiếng Anh lúc đó còn quá mới mẻ với người Việt, cho nên chính các thầy còn bị khó khăn với cách phát âm (pronunciation) cũng như sự lưu loát (fluency) trong tiếng Anh. Hơn nữa, phương pháp dạy của các thầy quá lưu tâm đến từ chương, khiến cho các hoạt động trong lớp chỉ chú trọng đến các quy luật văn phạm và khả năng dịch thuật từ tiếng Anh sang tiếng Việt và ngược lại. Đó cũng là cách các thầy của tôi “học” tiếng Anh trước khi ra hành nghề. Mấy năm về sau, khi chuyên về ngữ học áp dụng tại Georgetown University, tôi mới được biết lối dạy của các thầy tôi dạo đó có danh xưng uy nghi là “phương pháp văn phạm - dịch thuật” (grammar-translation method)! Và bộ giáo khoa viết bằng tiếng Pháp mang tên “l’anglais vivant” (tiếng Anh sống) của tác giả Carpentier-Fialip do nhà sách Hachette xuất bản tại Paris, với hai ấn bản màu xanh da trời (édition bleue) và màu vàng xám (édition beige), quả thực là lý tưởng cho lối dạy và học thuở ấy. Tiếng Anh như vậy, tuy được gọi là “sống” theo tên bộ sách, thực sự được dạy như một ngôn ngữ đã “chết” rồi. Nhờ phương pháp này, khi xong trung học, tôi có khả năng dịch (qua văn viết thôi) từ tiếng Anh sang tiếng Việt và từ tiếng Việt sang tiếng Anh, bằng một thứ tiếng Anh đúng văn phạm và không sai chính tả. Tôi chẳng nói ngoa đâu, ở cái tuổi non nớt ấy, qua những bài học văn phạm tiếng Anh đã học thuộc lòng như cháo, tôi đã có thể đưa ra định nghĩa, trình bầy công thức cấu trúc, và cung cấp thí dụ chính xác thế nào là thời “tương lai hoàn thành tiến hành” (future perfect progressive tense) trong tiếng Anh, như một cái máy vậy. Kỳ dị thay, đó là một thời mà chính những người Anh, người Mỹ chính cống chỉ họa hoằn sử dụng, như trong câu “by this time next month, we will have been living in America for two weeks” chẳng hạn. Đây là một “thời” trong tiếng Anh mà tiếng Việt của tôi khó lòng diễn tả nổi, vậy mà tôi vẫn thuộc lòng! Sau một vài buổi huấn luyện qua loa về văn hóa Mỹ tại Sở Thông Tin Hoa Kỳ tại Saigon, tôi lên đường du học lúc 18 tuổi. Khi tới Honolulu, tôi được rời máy bay vài chục phút, đi bộ trong terminal của phi trường cho dãn gân dãn cốt. Chưa chi mà đã nhớ nhà đến muốn khóc! Và lần đầu tiên nghe những người xung quanh mình nói toàn tiếng Mỹ, tôi cảm thấy hồi hộp, bất an và lo lắng. Vài bữa sau, tôi đã có mặt tại trường để kịp theo học khóa mùa thu. Miami là một đại học có campus đẹp như mơ tại tiểu bang Ohio, nhưng tôi cảm thấy mình như một khách lạ lạc lõng trong thiên đường. Tôi bất chợt khám phá ra sự thật phũ phàng là “tiếng Anh nói” (spoken English) của người Mỹ bản xứ và “tiếng Anh viết” (written English), vốn là ngón sở trường của tôi, khác nhau một trời một vực. Tôi cũng thấy những bài đàm thoại (dialogues) giữa hai cá nhân A và B mà tôi đã học thuộc lòng “phòng khi hữu sự” hoàn toàn vô ích, vì làm gì có người Mỹ nào đã cùng học thuộc lòng những bài đàm thoại ấy để nói chuyện với tôi đâu! Tôi “quê” đến nỗi không biết cách đối đáp ra sao mỗi khi các sinh viên Mỹ nói “hi” với tôi. Chắc hẳn họ nghĩ là tôi không thân thiện hoặc câm hoặc điếc. Họ đâu có biết cho rằng tôi chưa hề được dạy là “hi” cũng là một lời chào hỏi như “hello” vậy. Vì không biết người Mỹ thường nói “bless you!” khi ai đó gần họ nhảy mũi (sneeze), tôi câm như hến mỗi khi anh bạn Mỹ cùng phòng của tôi nhảy mũi ồn ào. Tôi cũng có lần ngẩn người ra vì không hiểu câu hỏi nhanh như gió của anh ta, nghe ra như thể “jeet jet?” Về sau mới biết câu ấy chính là “did you eat yet?” phát âm thật nhanh, khiến cho các âm vị (phonemes) trong mấy chữ đó bị rút ngắn và dính chặt vào với nhau! Như đa số các học trò Á châu khác, tôi là một người học bằng mắt (a visual learner), và do đó dùng hình thức viết (spelling) của chữ làm kim chỉ nam phát âm chữ đó. Tai hại thay, lối phát âm kiểu này khiến tôi phát âm trật một số chữ Anh, như “Wednesday” (thành ra 3 âm tiết: wed-nes-day), “often” (phát âm cả mẫu tự “t”), “Arkansas” (vần với Kansas). Riêng nhóm mẫu tự “-ough” thực dễ sợ vì nó có nhiều lối phát âm khác nhau; tôi đã phải vô cùng cẩn trọng mỗi khi phát âm các chữ “bough, cough, hiccough, tough, though, through”! Những điều quá dễ cho người Mỹ bản xứ phát âm lại là những thử thách cho tôi, chẳng hạn sự khác biệt tế nhị giữa âm [i] trong chữ “it” và âm [iy] trong chữ “eat” hoặc giữa âm [u] trong chữ “look” và âm [uw] trong chữ “Luke.” Tôi còn nhớ mỗi lần phát âm chữ “sheet” và chữ “beach” là tôi ngại lắm vì nếu không cẩn thận chúng có thể bị nghe lộn thành hai chữ rất tục trong tiếng Mỹ! Cũng vì thiếu cơ hội thực tập phát âm tiếng Anh một cách nghiêm túc, tôi ưa mắc lỗi để trật dấu giọng chính (primary stress) trong một chữ đa âm tiết (multisyllabic word), chẳng hạn thay vì nhấn mạnh âm tiết đầu tiên của chữ “melancholy” tôi từng nhấn mạnh âm tiết thứ hai một cách sai lầm. Nguy hại hơn, nhấn mạnh sai chỗ có thể vô tình biến chữ này thành chữ khác; chẳng hạn, chữ “invalid” có hai cách phát âm: nếu nhấn mạnh âm tiết đầu tiên, chữ đó là một danh từ có nghĩa là một “phế nhân” (có thể đã hy sinh một phần thân thể cho đất nước); nếu nhấn mạnh âm tiết thứ hai, chữ đó là một tính từ có nghĩa là “vô giá trị.” Vị phế nhân sẽ buồn biết mấy nếu bị người đời phát âm trật khiến danh từ đáng kính kia trở thành một tính từ chẳng đẹp chút nào! Trong lãnh vực cú pháp (syntax) và cách chọn từ (diction), tiếng Mỹ của tôi trong thời gian đầu ở đại học là thứ tiếng Mỹ “bất thường.” Nó già nua (archaic), hoa mỹ (flowery), trang trọng (formal), bất tự nhiên (unnatural), bất chính cống (unauthentic), và do đó chẳng giống “tiếng Mỹ nói” (spoken American English) hiện đại chút nào! Nó là sản phẩm của khả năng dịch thuật của tôi cộng với những từ ngữ cổ lỗ xĩ và văn phạm cao cấp không mảy may phù hợp với tiếng Mỹ hiện đại mà tôi phải làm quen và mau chóng chinh phục. Thứ tiếng Anh bất thường của tôi lúc ấy thuộc loại “phát minh cá nhân” (personal invention) chưa bao giờ được điều chỉnh bởi “quy ước xã hội” (social convention) tức là lối nói tiếng Anh chính cống của người bản xứ. Anh bạn cùng phòng của tôi mang tên Dick Welday là một người rất thân thiện và vui nhộn. Sau vài câu chuyện trong ngày đầu chúng tôi mới gặp nhau, Dick nheo mắt nói với tôi đại khái, “Tiếng Anh của bạn ngộ (interesting) lắm đấy, nhưng tôi cũng hiểu bạn.” Chiều hôm đó, Dick dẫn vài người bạn Mỹ khác đến chơi với tôi; chắc hẳn anh ta đã nói với họ về thứ tiếng Anh lạ đời của tôi và muốn cho họ đích thân nghe tôi nói thứ tiếng ấy. Sau khi giới thiệu họ với tôi, Dick khai mào, “Phap, tell us about the weather in Vietnam when you left a few days ago.” Dùng khả năng dịch thuật tôn trọng cú pháp tuyệt đối và những từ ngữ hoa mỹ cổ kính, tôi chậm rãi trả lời, “My friends, when I took leave of my beloved fatherland, which is situated near the equator, the weather was scorchingly hot.” Họ lộ vẻ ngạc nhiên và cười tủm tỉm với lối nói tiếng Anh lạ lùng của tôi. Rồi Dick chêm thêm, “Isn’t his English interesting?” Bối rối, tôi hỏi Dick, “How would you express what I just said?” Anh trả lời gọn lỏn, “When you left Vietnam, it was hot like hell.” Tôi nghe câu ấy khoái tai quá, và đã “học” ngay được hai điều quan trọng– đó là hãy dùng “leave” thay vì “take leave of” và thành ngữ táo bạo “like hell” để biểu diễn mức độ. Toàn là những điều hữu ích quá xá mà tôi chưa hề biết đến bao giờ! Nỗ lực “giải tỏa” (unlearn) tiếng Anh cũ để “học lại” (relearn) của tôi khởi đầu từ lúc ấy. Những tuần lễ đầu tiên tại Miami University thực đầy thử thách cho tôi. Như một con cá văng ra khỏi nước, tôi không biết tương lai học vấn của mình sẽ ra sao. Tôi chưa quen nghe tiếng Mỹ của các giáo sư cho nên việc tôi cố gắng ghi chép lời giảng của các thầy là một điều thảm bại. Mỗi khi các thầy viết lên bảng điều gì là tôi vui mừng chép lấy chép để vào một cuốn vở. Bài luận văn đầu tiên của tôi trong lớp “English composition” là một bài học để đời, nhắc nhở cho tôi “đừng bao giờ bất cẩn với cách chấm câu (punctuation) tiếng Mỹ.” Bài luận văn ấy tôi đã viết rất kỹ về mọi phương diện, trừ phương diện chấm câu theo tiêu chuẩn Mỹ. Khi thấy điểm “D” bằng mực đỏ trên bài viết, tôi thất kinh, vội hỏi ông thầy tại sao tôi bị điểm kém này. Ông nói tôi phải cẩn thận tối đa với cách chấm câu và khuyên tôi nên ôn tập nhiều trong lãnh vực này. Rồi ông lấy ngón tay chỉ vào những chỗ tôi mắc lỗi lạm dụng dấu phết (comma splices) khiến cho nhiều đoạn trong bài luận trở thành những câu “không ngừng chạy” (run-on sentences)! Những lỗi này, ông nhấn mạnh, không được phép xuất hiện trong tiếng Anh bậc đại học. Một vấn đề nữa rất lớn với tôi là người Mỹ sử dụng nhiều đặc ngữ (idioms) mà ý nghĩa không thể đoán được trong ngôn ngữ hàng ngày. Tôi có khuynh hướng đoán ý nghĩa của các đặc ngữ ấy theo nghĩa đen (literally), và thường đoán sai, vì làm sao mà tôi có thể hiểu “go break a leg” lại có thể là lời chúc “good luck” hoặc “kick the bucket” là cách nói lóng cho việc từ giã cuộc đời? Có lần tôi tới thăm một cô bạn học người Mỹ nhỏ nhắn mà tôi rất mến vào một buổi sáng chủ nhật tại ký túc xá của nàng, nhưng chẳng thông báo trước gì cả. Lisa từ trên lầu xuống gặp tôi tại phòng khách, có vẻ không vui và không hấp dẫn như mọi ngày tại lớp học. Chưa kịp trang điểm, nàng trông xanh xao vàng vọt quá. Nàng nghiêm nghị nói với tôi, “Phap, I wish you had given me a ring before you stopped by this morning.” Vì tôi tưởng nàng muốn “đốt giai đoạn” mối tình đang chớm nở giữa chúng tôi, tôi ngây thơ đáp lại, “Lisa, we are both only 18, why should we get engaged at such a young age?” Biết tôi đã hiểu lầm câu nói của nàng, Lisa bật cười và giải thích, “You silly boy! What I meant was simply that you should have telephoned me before you came to see me this morning.” Ngượng ngùng quá cỡ, tôi xin lỗi đã hiểu lầm nàng chỉ vì tiếng Anh của tôi chưa đi đến đâu, cũng như đã không điện thoại cho nàng trước khi ghé thăm. Lisa là một ân nhân của tôi vì nàng đã làm mẫu cho tôi rất nhiều về cách sử dụng “colloquial American English” và cũng kiên nhẫn giải thích cho tôi nhiều điều về văn hóa Mỹ như thế nào là “Valentine’s Day”, thế nào là “homecoming queen”, thế nào là “blind date,” vân vân. Những cái kiến thức bối cảnh (schemata) đó về văn hóa Mỹ thực là quan trọng cho tôi mà trước đó tôi chẳng mảy may hay biết! Trong phần còn lại của bài nói chuyện, tôi đề nghị cho áp dụng một vài “chiến lược giảng huấn chắc ăn” (surefire instructional strategies) cho chương trình ESL của DISD, sao cho học trò đang theo học tránh được những khó khăn, những thử thách mà tôi vừa trình bày, từ kinh nghiệm sống của một cựu học sinh tiếng Anh ngày nay ngó lại lối học cũ nhiều thiếu sót và đưa ra những đề nghị thiết thực để sửa sai. Quan trọng nhất là chiến lược các thầy cô cung cấp cho học trò “tiếng Anh có thể hiểu ở trong một lớp học thoải mái” vì đây là điều tối cần thiết để cho học trò thủ đắc tiếng Anh. Đây cũng là tín điều rường cột của “phương hướng tự nhiên” do hai nhà giáo ngôn ngữ Mỹ Stephen Krashen và Tracy Terrell đề xướng. Theo họ, lớp học “thoải mái” (stress-free) sẽ làm cho cơ quan ngôn ngữ (language organ) trong não bộ học trò hoạt động tích cực, và khi cơ quan ngôn ngữ nhận được “tiếng Anh có thể hiểu” (comprehensible English) nó sẽ sắp xếp (organize) và hiệu thính (monitor) các dữ kiện ngôn ngữ đó trong nỗ lực lưu trữ chúng vĩnh viễn (internalization). Như vậy những điều các thầy cô nói trong lớp phải vừa (hoặc cao hơn chút đỉnh) với khả năng hiểu của học trò. Đối với những học trò chưa biết chút tiếng Anh nào, “total physical response” (gọi tắt là TPR) là một hoạt động tối hảo. Các em này chẳng phải nói gì cả, mà chỉ nghe để hiểu xem thầy cô ra lệnh mình phải làm gì (sau khi đã xem thầy cô biểu diễn) rồi thi hành lệnh ấy – như “stand up,” “sit down,” hoặc “touch your nose with your left hand,” vân vân. Tranh vẽ, đồ vật thật (realia), diễn tả bằng nét mặt hay bằng tay chân, hoặc bất cứ phương tiện nào khác giúp học trò hiểu được điều mình nói đều được đem ra sử dụng. Đề tài quen thuộc hàng ngày như ăn uống, mua bán, giải trí đều được dùng trong các hoạt động nghe, nói, đọc, và viết trong lớp. Điều quan trọng là thầy cô phải giữ cho lớp học luôn luôn thoải mái, vui tươi. Trò chơi, ca hát, cũng như các hoạt động nhân bản (humanistic activities) khác đều có thể làm sự học tiếng Anh thêm hấp dẫn, thêm thoải mái. Học trò được khuyến khích tự do nói về mình, về gia đình, về hoài bão tương lai mình trong các hoạt động thực tập tiếng Anh. Nếp đa dạng văn hóa (cultural diversity) được đưa vào các bài đọc tiếng Anh để sự học hành thêm hấp dẫn. Krashen và Terrell cho rằng nếu lớp học không thoải mái (trong đó học trò không hiểu thầy cô nói gì, thầy cô lạnh lùng như cái máy, vân vân) thì toàn bộ cơ quan ngôn ngữ của học trò sẽ tự động ngưng làm việc (shut down). Chiến lược “ngữ dụng” (pragmatics) rất cần thiết để giúp học trò làm chủ được các “chức năng truyền thông” (communicative functions) căn bản như chào hỏi, xin chỉ dẫn, giới thiệu, xin lỗi, khen tặng, chia buồn, vân vân. Quả thực, mức thông thạo một ngoại ngữ của một cá nhân tùy thuộc vào tổng số chức năng mà người ấy sử dụng thành công. Mỗi chức năng (thí dụ “Asking for directions”) đòi hỏi học trò nắm được hai yếu tố của chức năng đó: (1) Từ vựng (bank, school, zoo, museum …) và (2) Cấu trúc câu (Where is the bank? Can you tell me where the bank is?). Chiến lược “biết trước những loại lỗi phát âm và cú pháp” gây ra do sự khác biệt giữa tiếng Anh và tiếng mẹ đẻ của học trò cũng khá cần thiết. Dựa vào khoa “phân tích lỗi” (error analysis), chiến lược này sẽ lưu ý, nhắc nhở thầy cô đến những cái bẫy (pitfalls) tiếng Anh đang chờ học trò ESL rớt xuống. Quả thực, hầu hết học trò ESL, bất kể tiếng mẹ đẻ là gì, đều không phân biệt được sự khác biệt tế nhị giữa hai âm vị [i] và [iy] như trong cặp chữ tối thiểu (minimal pair) “it/eat” và hai âm vị [u] và [uw] như trong cặp chữ tối thiểu “look/Luke.” Học trò gốc Mỹ châu La-tinh cần luyện tập phát âm kỹ lưỡng mới mong phân biệt được sự khác biệt giữa hai âm vị [sh] và [ch] như trong cặp chữ tối thiểu “share/chair.” Âm vị [th] trong chữ “thin” bắt buộc người nói phải để đầu lưỡi vào giữa răng cửa trên và răng cửa dưới; điều này rất khó làm cho học trò ESL, và các em sẵn sàng “thay thế” nó bằng âm [s], [t], hay [f] là những âm các em “quen” hơn, khiến cho “thin” nghe như “sin” hay “tin” hay “fin”! Học trò người Việt có khuynh hướng không dùng động từ “be” trước một tính từ, chẳng hạn “We happy to see you” vì trong tiếng Việt mỗi tính từ có thể được hiểu ngầm như đã có sẵn động từ tương đương với “be” nằm trong đó. Học trò gốc Mỹ châu La-tinh có khuynh hướng không dùng chủ từ, vì đây là một đặc thù ngữ pháp của tiếng Tây ban nha, trong đó các “đuôi” của động từ (verb endings) tiết lộ rõ ràng ai là chủ từ rồi. Do đó các em có thể viết câu tiếng Anh sai văn phạm này: “Juan is not from Mexico. Is from Venezuela.” Chiến lược chót mà tôi đề nghị là cho học trò ESL “viết nhật ký hội thoại” (dialogue journals). Các em tự do viết về bất cứ điều gì mà các em thích. Thầy cô ráng bỏ thì giờ đọc và đáp lại những điều các em viết, nhưng không sửa chữa trực tiếp những lỗi chính tả hoặc văn phạm. Những lời viết đáp lại của thầy cô đúng văn phạm và đúng chính tả sẽ là gương mẫu (modeling) để các em noi theo. Quả thực, qua những trang nhật ký trao đối với thầy cô, các em sẽ có rất nhiều cơ hội so sánh “phát minh cá nhân” của các em với “quy ước xã hội” do thầy cô đã ưu ái cung cấp. Khi tôi chấm dứt bài nói chuyện chủ đề đầy ắp tâm tình này thì được cử tọa đồng loạt đứng lên vỗ tay tán thưởng, khiến tôi cảm kích vô cùng. Cuộc đời thực có lắm chuyện bất ngờ, vì chỉ vài tuần sau đó tôi đã được mời phụ trách chương trình ESL cho Khu Học Chánh Dallas để trực tiếp giúp đỡ họ.
THĂNG HOA KHẢ NĂNG NGOẠI NGỮ QUA THI CA TRỮ TÌNH
Hồi còn là sinh viên ban cử nhân chuyên về Anh ngữ tại Miami University thuộc tiểu bang Ohio trong đầu thập niên 1960, tôi có cơ hội học thêm một số ngoại ngữ trong phần học trình nhiệm ý. Tiến sĩ Glen Barr là vị giáo sư tiếng Tây ban nha tôi ngưỡng mộ nhất. Ông uyên bác, hiền lành, tận tụy, và rất quý mến học trò. Sau một thời gian học với ông, tôi được ông mướn làm người chấm (grader) bài tập của sinh viên theo học các lớp Tây ban nha ngữ nhập môn của ông. Mỗi cuối tuần, với nụ cười hiền hậu, ông trao tôi một món tiền căn cứ vào số bài tôi đã chấm dùm ông. Món tiền thường chỉ đủ để đưa cô bạn gái người Mỹ đi xi-nê một hai chầu là cạn, nhưng tôi rất cảm động và hãnh diện được ông thầy học tin cậy khả năng. Một hôm tôi hỏi ông: “Thầy ơi, có cách nào hấp dẫn hơn để trau giồi tiếng Tây ban nha, ngoài việc học thuộc lòng các quy luật văn phạm và từ vựng buồn tẻ không?” Ông gật gù, có vẻ thích thú câu hỏi của tôi, rồi ông hỏi lại tôi: “Anh có thích thơ và nhạc không?” Thấy tôi gật đầu lia lịa, ông nói tiếp: “Vậy thì hãy thử tìm đọc thơ của Gustavo Adolfo Bécker, và nghe những bài hát do Trio los Panchos trình diễn đi!” Ông thầy chí tình của tôi còn quả quyết là qua thơ và nhạc, tôi sẽ thích tiếng Tây ban nha hơn, biết thêm từ vựng văn học, hiểu thêm nếp sống tình cảm của người dân Tây ban nha và Mỹ châu la-tinh, và nhất là sẽ thăng hoa khả năng phát âm và khả năng nghe hiểu thứ tiếng này. Ông vỗ vai tôi, nói tiếp trước khi tôi rời văn phòng ông: “Tin tôi đi, vì đó là kinh nghiệm bản thân của tôi mà!” Tôi không thể ngờ là giáo sư Barr đã cho tôi một lời khuyên vô giá. Ông quả là một nhà giáo ngoại ngữ tinh đời mà tôi có diễm phúc được làm học trò. Rời văn phòng ông, tôi vội ghé thư viện của trường để mượn một cuốn hợp tuyển dầy cộm về văn học Tây ban nha trong đó có thơ của đại danh Gustavo Adolfo Bécker và các thi nhân lẫy lừng khác. Tôi cũng vào một tiệm âm nhạc ở ngoài phố để mua một đĩa hát của ban tam ca Trio los Panchos rất được ưa chuộng thời ấy, bìa in hình ba chàng ca sĩ để râu mép như Clark Gable, đội mũ rộng vành, tay ôm đàn điệu nghệ. Chỉ tiếc là cái album đĩa hát thuộc loại “long-playing” ấy của nhà sản xuất Columbia không có đính kèm bản văn (lyrics) của các bài hát, nhưng đây lại là một điều tốt cho tôi, như sẽ giải thích dưới đây. Gustavo Adolfo Bécker (1836-1870), một nhà thơ tài hoa nhưng mệnh yểu thuộc trào lưu hậu lãng mạn, đã chinh phục ngay được lòng mến mộ của tôi qua một số bài thơ trữ tình trong tuyển tập RIMAS của ông. Thi tuyển này gồm 98 bài --có bài rất ngắn nhưng cũng có bài khá dài, tổng cộng thành vài ngàn câu thơ trác tuyệt-- đóng vai trò quan trọng trong văn học Tây ban nha và nằm trong học trình trung học của các quốc gia nói thứ tiếng này. Sau tuyệt tác này, Bécker được coi như người đã sáng lập ra trường phái “trữ tình mới” của văn học Tây ban nha, ảnh hưởng trực tiếp đến các đại danh thi ca như Octavio Paz và Rubén Darío. Nét trữ tình ngọt ngào và chân thành của nhà thơ nổi bật trước sự bộc phát của tình yêu và nỗi cô quạnh của thiên nhiên, khiến người đọc mủi lòng và thấm thía đến nỗi phải đọc đi đọc lại đoạn thơ hay cả bài thơ liên hệ ấy cho đến khi nhập tâm mới thôi. Nhưng Nàng Thơ của thi tập RIMAS là ai ? Thưa, đó là nàng Elisa Guillén, một kiều nữ mà nhà thơ mê say nhưng duyên không thành, trước khi ông đành kết hôn với cô Casta Esteban Navarro trong một cuộc tình duyên thiếu hạnh phúc. Trau giồi tiếng Tây ban nha qua thi tập RIMAS trữ tình của Bécker và qua những bài hát mùi mẫn của ban tam ca Trio los Panchos bỗng chốc trở thành niềm đam mê mới của tôi! Xin nói về thơ trước. Mỗi chiều sau khi xong bài vở các môn học khác, tôi ngồi hàng giờ để đọc và … học thuộc lòng thơ Bécker! Ngay bữa đầu tôi đã bị quyến rũ bởi RIMA XXI, RIMA XXII, và RIMA XXIII là ba bài thơ tình rực rỡ mà ý nghĩa đã khiến tôi ngồi mơ mộng, ước chi mình là người thi sĩ diễm phúc ấy! Này nhé, chàng có một cô bạn gái xinh như mộng đang mê chàng như điếu đổ. Một hôm nàng âu yếm nhìn chàng thật lâu rồi nhõng nhẽo hỏi: “Thơ là cái chi mà anh mê nó thế hả anh?” Sự bộc phát của tình yêu đã khiến nhà thơ thốt ra câu trả lời nổi tiếng nhất trong thi ca trữ tình thế giới: “Thơ … là em đấy!” Thi nhân cũng chẳng để lỡ cơ hội cho tiếng lòng đang thổn thức rót thêm những lời đường mật vào tai cô bạn gái mà chàng vừa tấn phong làm Nàng Thơ. Xin mời quý bạn đọc thưởng lãm tiếng thơ nguyên tác của Bécker trong ba bài vừa kể và miễn chấp phần vụng về cố gắng dịch sát ý nghĩa sang tiếng Việt của tôi theo sau: ¿QUÉ ES POESÍA? DICES, MIENTRAS CLAVAS EN MI PUPILA AZUL. ¿QUÉ ES POESÍA ? Y TÚ ME LO PREGUNTAS ? POESÍA … ERES TÚ. Thơ là cái chi ? Em hỏi, khi mắt em soi thẳm mắt xanh anh. Thơ là cái chi ? Em hỏi anh như vậy ? Thơ … là em đấy. ¿CÓMO VIVE ESA ROSA QUE HAS PRENDIDO JUNTO A TU CORAZÓN ? NUNCA HASTA AHORA CONTEMPLE EN LA TIERRA SOBRE EL VOLCÁN LA FLOR. Bông hồng cài sát bên tim em sao sống nổi ? Xưa nay trên đời chưa ai thấy bông hoa nào trên hỏa diệm sơn. POR UNA MIRADA, UN MUNDO, POR UNA SONRISA, UN CIELO, POR UN BESO… ¡ YO NO SÉ QUE TE DIERA POR UN BESO ! Một thế giới cho từng ánh mắt, Một bầu trời cho mỗi mỉm cười, Riêng mỗi nụ hôn … anh chẳng biết Tặng em gì cho mỗi nụ hôn ! Ý tứ rạt rào đam mê, ngôn ngữ bình dị như lời nói chuyện, cú pháp đơn sơ ở mức tối đa trong những câu thơ trên khiến chúng trở nên vô cùng hấp dẫn và dễ thuộc lòng. Và thuộc lòng những câu thơ mà mình thống khoái có nhiều lợi điểm lắm. Nào là từ vựng, nào là cách chấm câu, nào là các mẫu cú pháp, tất cả đã được ghi nhớ vào trí óc để sẵn sàng mang ra sử dụng khi cần thiết. Tôi mê các câu POESÍA … ERES TÚ / POR UNA MIRADA, UN MUNDO/ POR UNA SONRISA, UN CIELO cho nên đã dùng chúng làm các câu mẫu để viết ra các câu tương tự như MI MUSA … ERES TÚ (Nàng Thơ của anh … là em đấy), POR UNA CARICIA, UN YATE (Một du thuyền cho mỗi vuốt ve), và POR UN ABRAZO, UN CASTILLO (Một lâu đài cho từng ôm ấp). Thú thực, lúc đó đam mê tình ái của nhà thơ đã lây sang tôi, và tôi thấy thi ngữ của Bécker ngon như những viên kẹo dragées ! Nhưng không phải bài thơ nào của Bécker cũng hạnh phúc đâu. Khi đọc xong RIMA LIII lòng tôi chùng xuống như thể bị thất tình, vì hành vi những con chim én trong bài thơ não nùng ấy được dùng làm biểu tượng cho lòng sầu muộn và nỗi lo âu của một cuộc tình vừa tan vỡ : VOLVERÁN LAS OSCURAS GOLONDRINAS EN TU BALCÓN SUS NIDOS A COLGAR. Y OTRA VEZ CON EL ALA A SUS CRISTALES, JUGANDO LLAMARÁN. Những con én đen đúa sẽ trở lại xây tổ trên mái hiên nhà em. Và lần nữa, vỗ cánh trên cửa sổ chúng vui chơi và sẽ gọi tên. PERO AQUELLAS QUE EL VUELO REFRENABAN TU HERMOSURA Y MI DICHA A CONTEMPLAR, AQUELLAS QUE APRENDIERON NUESTROS NOMBRES, ¡ESAS … NO VOLVERÁN ! Nhưng những con từng bay chậm lại để ngắm nhìn nhan sắc em và hạnh phúc anh, Những con đã biết gọi tên chúng mình, Những con ấy … sẽ không trở lại ! RIMA LIII chứa đựng nhiều từ vựng quan trọng trong thi ngữ Tây ban nha, nhưng đáng kể hơn nữa là những câu thơ trác tuyệt trong bài là điều nhắc nhở người đang học rằng thứ tự các từ ngữ (word order) trong cú pháp Tây ban nha rất linh động, chẳng hạn ngay trong câu đầu tiên, động từ VOLVERÁN được đặt trước chủ từ LAS OSCURAS GOLONDRINAS, và trong câu thứ năm túc từ trực tiếp EL VUELO được đặt trước động từ REFRENABAN. Nếu so với thơ về mức hấp dẫn để thăng tiến khả năng ngoại ngữ thì nhạc “ăn đứt” thơ vì nhạc có thêm chiều (dimension) âm thanh. Mỗi bài hát, ngoài từ vựng và cú pháp gửi gấm trong những lời ca, còn là một mẫu mực cho phát âm (pronunciation) và các mô hình ngữ điệu (intonation patterns), cũng như một thực tập để nghe hiểu (listening comprehension). Ba bài hát SOLAMENTE UNA VEZ, PERFIDIA, và BÉSAME MUCHO do Trio los Panchos trình diễn mùi mẫn trong điệu bolero chầm chậm đã làm tôi mê ngay lúc nghe lần đầu, mặc dù chưa hiểu trọn vẹn ý nghĩa những câu hát vì tôi không có văn bản (lyrics) trước mắt. Tôi quyết định phải nghe đi nghe lại ba bài hát ấy cho đến khi thuộc lòng, rồi ngồi xuống, với cuốn tự điển Tây ban nha nho nhỏ trong tay để giúp phần tra cứu chính tả (spelling), viết ra giấy những gì tôi đã ghi trong trí nhớ. Nỗ lực ấy là một lối thực tập tự viết chính tả thú vị, và sau một hai tiếng đồng hồ, tôi đã có văn bản của ba bài ca bất hủ! Khả năng nghe hiểu (listening comprehension) cũng rõ rệt được thăng hoa khi tôi chăm chú mê say nghe những lời ca của Trio los Panchos. Âm điệu (melody) ngọt ngào êm tai hòa với nhịp điệu (rhythm) lên xuống rộn ràng của các bài hát như có ma lực giúp tôi mau chóng thuộc lòng những lời ca chứa chan cảm xúc mạnh của chúng. Nói về cảm xúc mạnh thì ba bài hát nêu trên thuộc loại thượng thừa! Nghe xong bài SOLAMENTE UNA VEZ tôi thắc mắc hoài về người trong cuộc. Tại sao chỉ một lần yêu thôi? Lý do nào tan vỡ? Ly dị, chết chóc, hay chỉ vì người ta thay lòng đổi dạ? Mời quý bạn đọc nghe niềm tiếc nuối ngút ngàn của tác giả bài ca này: SOLAMENTE UNA VEZ Chỉ một lần thôi tôi đã yêu trong đời ; chỉ một lần thôi, rồi không còn chi nữa.
Chỉ một lần thôi tia hy vọng rực sáng trong mảnh vườn tôi, tia hy vọng soi con đường cô độc cả cuộc đời. Chỉ một lần thôi tâm hồn tôi hàng phục sự buông lơi trọn vẹn ngọt ngào. Và khi phép lạ ấy mang lại ái ân kỳ diệu, bao tiếng chuông đình đám rộn ràng cùng ca hát trong tim. Tôi thấy tội nghiệp vô cùng cho tác giả bài hát PERFIDIA. Đau sót biết mấy khi có người yêu điên đảo ! Nhạc sĩ thất tình với trái tim rớm máu này thở than về một phụ nữ đã làm cho đời ông tan nát. Ông mang cả Thượng Đế, cả biển sâu ra làm nhân chứng cho mối tình thành khẩn, cho những lần than khóc, cho những chuyến đi tìm kiếm vô vọng của ông – tất cả chỉ vì sự đảo điên, đi hoang của nàng thôi : MUJER, SI PUEDES CON DIOS HABLAR, PREGÚNTALE SI YO ALGUNA VEZ TE HE DEJADO DE ADORAR. Y AL MAR, ESPEJO DE MI CORAZÓN, LAS VECES QUE ME HA VISTO LLORAR LA PERFIDIA DE TU AMOR. Em, nếu có thể thưa chuyện cùng Thượng Đế, hãy hỏi Ngài xem anh đã dám lần nào chểnh mảng tôn thờ em. Và hỏi biển, gương soi trái tim anh, những lần biển đã thấy anh nhòa lệ khóc cho đảo điên tình ái của em. TE HE BUSCADO DONDEQUIERA, YO NO TE PUEDO HALLAR. Y TÚ, QUIÉN SABE POR DÓNDE ANDARÁS, QUIÉN SABE QUÉ AVENTURAS TENDRÁS, QUÉ LEJOS ESTÁS DE MÍ. Anh đã đi tìm em khắp chốn, mà nào thấy bóng dáng em đâu. Còn em, ai biết em đi phương nào, ai biết em mạo hiểm tình ái ra sao, khi em xa cách anh biết mấy. May thay, những tiếc nuối trong bài SOLAMENTE UNA VEZ và những nát lòng trong bài PERFIDIA được đền bù rộng rãi bằng những đam mê trong bài BÉSAME MUCHO do nữ nhạc sĩ Mễ tây cơ Consuelo Velázquez sáng tác năm 1940. Điều đáng ngạc nhiên về tác giả bài hát thúc dục hôn nhau thắm thiết nổi tiếng thế giới này là sự kiện cô ta, cho tới lúc ấy, chưa bao giờ được ai hôn cả. Cô phải bạo phổi lắm, vì ở thời điểm đó bên Mễ tây cơ, hôn nhau say đắm theo kiểu cô ta đề nghị vào ban đêm thì chắc chắn bị coi như … tội lỗi rồi ! Cả thế giới biết đến bài hát này mà dưới đây là hai đoạn chính của nội dung nguyên tác ; đoạn thứ nhất được nhắc lại ở cuối bài hát như một điệp khúc khi trình diễn. Vì tác giả thuộc phái đẹp, trong phần chuyển ngữ tôi để nàng làm người thúc dục động tác hôn nhau : BÉSAME, BÉSAME MUCHO, Hôn em đi, hôn em đi thật say đắm, như thể là lần chót trong đêm nay. Hôn em đi, hôn em đi thật say đắm. Em sợ biết bao sẽ mất anh, mất anh sau này. Em muốn có anh thật gần, soi bóng em trong mắt anh, thấy anh sát bên em. Anh hãy nghĩ mai đây có thể Em sẽ đi xa, hàng vạn dặm xa anh. Mấy chục năm đã qua đi, nhưng kỳ diệu thay những bài thơ tình trinh nguyên của Bécker, những bài hát do Trio los Panchos trình bầy mùi mẫn mà tôi học thuộc lòng trong tuổi thanh xuân, ngày nay tôi vẫn chưa quên! Tôi vẫn còn giữ thói quen đọc thơ và nghe nhạc Tây ban nha trong lúc nhàn rỗi để thăng hoa khả năng thứ tiếng ấy. Mới đây thôi, tôi đọc một bài thơ tuyệt đẹp của Pablo Neruda (1904-1973) từng đoạt giải Nobel văn chương. Đó là bài LA REINA (Nữ Hoàng) mà thi bá gốc người xứ Chí lợi viết để tặng Nàng Thơ bằng da bằng thịt của mình mang tên Matilde Urrutia. Nàng thua ông 8 tuổi, yêu kiều, tràn đầy nhựa sống, tính tình nồng thắm, hát như chim sơn ca, và chơi dương cầm thiện nghệ. Hai đoạn thơ long trời lở đất trong bài LA REINA sau đây cho người đọc biết tại sao nàng được ông tôn là Nữ Hoàng: Y CUANDO ASOMAS SUENAN TODOS LOS RÍOS EN MI CUERPO, SACUDEN EL CIELO LAS CAMPANAS, Y UN HIMNO LLENA EL MUNDO. Và khi em xuất hiện tất cả những giòng sông náo động trong thân anh, những hồi chuông rung chuyển cả bầu trời, và một bài thánh ca ngập tràn thế giới. SÓLO TÚ Y YO, SÓLO TÚ Y YO, AMOR MÍO, LO ESCUCHAMOS. Chỉ có em và anh, em yêu ơi, chỉ có em và anh lắng nghe bài thánh ca ấy. Và trong dịp nghỉ lễ Giáng sinh vừa qua, tôi lên Internet tìm lại được bài SOLAMENTE UNA VEZ là bài hát tôi yêu mến nhất! Kỹ thuật ngày nay cho âm nhạc thêm một chiều nữa, đó là hình ảnh sống động đi kèm. Tôi nghe và xem hình hai giọng ca vàng Julio Iglesias gốc Tây ban nha và cô Thalía sắc nước hương trời, đệ nhất đào thương telenovela xứ Mễ tây cơ, song ca trong một youtube. Từ trước đến nay, tôi chưa thấy ai hát SOLAMENTE UNA VEZ ngọt ngào đến mê hồn như họ! Bao kỷ niệm thời thanh xuân vụt trở lại, và tôi, nước mắt tiếc nuối lưng tròng, thầm đọc mấy câu thấm thía của Rubén Darío (1867-1916): JUVENTUD, DIVINO TESORO, YA TE VAS PARA NO VOLVER! CUANDO QUIERO LLORAR, NO LLORO … Y A VECES LLORO SIN QUERER … Tuổi thanh xuân, kho tàng thần thánh, đã ra đi để chẳng trở về ! Lúc muốn khóc nào đâu khóc nổi .. nhưng nhiều khi bất chợt lệ rơi … |