TRẦN NGỌC NINH
Dưới đây là trích đoạn bài nói chuyện ứng khẩu của Giáo sư Trần Ngọc Ninh trong buổi bàn giao chức vụ Viện trưởng Viện Việt-Học giữa Giáo sư và cựu Viện trưởng — Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch (2003). (Bài đã đăng trên báo Khởi Hành và Tư Tưởng).
. . . Chúng tôi vui mừng đón nhận sự hưởng ứng, sự ủng hộ của cộng đồng chúng ta ở đây.
Không ai có thể nói rằng văn hóa là vấn đề không quan trọng. Chúng ta đứng trước một tình thế quốc tế, trong đó, tiếng súng là tiếng nói lớn nhất, và công đầu không phải là về con người, mà là những cái làm Nguyễn Du trong thơ chữ Hán gọi là “Sát nhân công”, cái công giết người của những khẩu súng thần công ở Quảng Bình khi nhà Nguyễn ở trong Nam với nhà Trịnh ở ngoài Bắc dưới cái dù của vua Lê đánh nhau trong mấy trăm năm và đã giết biết bao nhiêu người, bỏ lại những đống xương trắng trong khu biên giới đó — Nguyễn Du gọi là những “đống xương vô chủ”, trước khi ông gọi là những “đống xương vô định” ở trong Truyện Kiều. Những tiếng lớn của thời Trịnh Nguyễn phân tranh đã được tiếp tục bởi những tiếng lớn ở trong cuộc chiến vạn ngày của thời vừa qua. Nhiều người chỉ nghe thấy những tiếng súng mà không hiểu rằng trận chiến Việt Nam đã thua đối với chúng ta là vì thua ở các đại học Mỹ, là vì vấn đề văn hóa không có ai để ý tới, là vì ngưới ta chỉ biết có chiến tranh giết nhau, là vì cầm đầu nước trong một thời gian dài chỉ có những người chú trọng đến sự võ trang, xin súng đạn, xin cả viện binh mà không có người nào để ý đến rằng những người định đoạt chiến thuật, chiến lược cũng như vấn đề người Mỹ đến hay rút khỏi Việt Nam là những giáo sư đại học, để cho những người đó, họ ngả về phía bên kia và họ bôi nhọ chúng ta là không có văn hóa. Điều đó đã thiệt hại rất nhiều cho chính nghĩa Quốc Gia của chúng ta, cho đến khi chúng ta ra khỏi nước, thì họ mới bắt đầu nhận thấy rằng cái đám người tị nạn Việt Nam sang tưởng là những người không có văn hóa, thực ra đã có tất cả văn học, không những là của miền Nam, mà còn của cả nước Việt Nam Tự Do. Trong sự giao thiệp của tôi với các giới đại học ngày xưa, tôi hiểu rõ vấn đề đó và xin trình với Quý Vị. Các Viện Đại Học Mỹ bắt đầu ngả về miền Bắc Việt Nam sau khi có một quyển sách của hai ký giả Tiệp Khắc viết ra là Nghệ Thuật Việt Nam trong đó chỉ có những nghệ thuật, bích họa, điêu khắc, kiến trúc, đồ gốm của miền Bắc trong các chùa, trong các đền, từ Đền Ngọc Sơn, từ Đền Trấn Quốc, từ Văn Miếu, từ Chùa Một Cột, cho đến những chùa hẻo lánh, những tượng La Hán hay là những chân thân của các nhà sư từ đời Nhà Lý. Họ khâm phục các nghệ phẩm ấy đến nỗi họ nói rằng tất cả Việt Nam chỉ là miền Bắc và họ coi thường những người miền Nam. Người ta không hiểu được rằng ở trong bất cứ một chuyện tranh đấu nào, ngàn đời, trong hòa bình cũng như trong chiến tranh, lúc nào cũng có văn hóa là đầu. Mặt trận văn hóa vẫn là mặt trận lớn, bây giờ, trong hiện tại, ở Việt Nam cũng như trên trường quốc tế, vấn đề đó là vấn đề quyết định cho tất cả tương lai, không những của chúng ta mà của cả loài người. Không có bao giờ ở trong một nước văn minh, tư tưởng và văn chương không hướng dẫn chính trị, và chính trị không cầm đầu binh lực. Ngay cả trong thời kỳ nước Anh đang bị Đức tấn công dữ dội nhất, Churchill nói rằng việc chiến tranh quá quan trọng để có thể giao cho các vị tướng. Ông muốn nói rằng, hòa hay chiến, không phải do cấp tướng quyết định. Churchill là người đã cầm đầu cuộc kháng chiến của nước Anh và có giải Nobel về văn chương và hòa bình (cũng có người không đồng ý lắm), nhưng quả thực ông là người ít ra có công nói lên một sự thực mà tất cả chúng ta cần phải hiểu là không phải những ông tướng cầm quân, dầu là đại tướng, dầu là thống chế có thể quyết định được vận mệnh của một nước trong chiến tranh. Hiện nay, ở trong nước, chính quyền đang ở thế yếu vì bị lay động đến tận cội rễ nên muốn ngả sang mặt trận văn hóa. Cũng như vấn đề chiền tranh lớn hiện tại chúng ta thấy ở Iraq, đàng sau tiếng súng là vấn đề văn hóa. Tổng Thống Bush đã nói rõ là chúng ta đứng trước một trật tự mới của thế giới, trật tự mới này không do súng ống định đoạt. Tất cả những vấn đề đó làm cho chúng ta hiểu rằng vấn đề của chúng ta ở đây tuy nhỏ nhoi, nhưng hạt cát đó, nếu chúng ta không hết lòng đóng góp vào thì chúng ta cũng chỉ là nhóm người tha hương cầu thực, trong túi không có một cái gì, trong khi chúng ta mang tất cả văn hóa của nước, chúng ta nghĩ rằng chúng ta là những người gìn giữ được, chúng ta là những người có thể phát triển được trong tự do và sự phát triển ấy có thể đi đến được những trình độ mà chúng ta không phải xấu hổ trước những nước khác trên thế giới.
Tôi miễn cưỡng lắm để nhận cái công việc anh em trong Viện giao cho. Tôi biết rằng trong tình thế như thế này, không có một phương tiện gì trong tay, nhận một công việc mà ít người hiểu được tầm quan trọng là nhận một trách nhiệm và một thách thức lớn. (...) Chữ VIỆT HỌC lớn quá. Trước hết, tôi phải thưa với Quý Vị rằng, lên đến một trình độ nào đó, thì ở mọi sự, người ta có một quan điểm riêng, người ta có một định nghĩa riêng, người ta nhìn các việc không phải như trong sách vở hay như những lời của các giáo sư dạy trong các trường lớp. Mỗi người có những cái nhìn đặc thù, những cái nhìn có sự suy tư riêng và những cái nhìn đó vượt ngoài tất cả những sách vở lý thuyết, tuy rằng căn bản vẫn là tổng khối những gì tất cả mọi người đều biết, đều làm. Việt Học không phải là cái mà ngày xưa hồi năm 1930, các cụ gọi là Quốc Học. Có một thời kỳ, người ta nói đến Quốc Học. Việt Học là chữ mới, trên trường quốc tế chưa có Việt Học, chỉ mới có Trung Hoa học, có Ấn Độ học, có cái học về Á Châu, tất cả những cái học đó là do người Tây phương đặt ra. Họ nhìn vào tất cả những nước ấy bằng con mắt đã đành rằng rất khoa học, đã đành rằng rất giỏi và rất tiến bộ nhưng là những con mắt ở bên ngoài, nhìn vào để khảo cứu, để trình bầy, để giải thích thì được nhưng không bao giờ có thể thấu hiểu được hết. Cho nên tưởng rằng những sách rất thông thái của các vị giáo sư ở Havard hay là ở Sorbonne viết về nước Tầu chẳng hạn, là đúng văn minh tư tưởng của người Trung Hoa; về Ấn Độ chẳng hạn, là họ hiểu được cái tư tưởng trong Ấn Độ giáo hay trong Phật giáo (...) Nhưng họ đứng bên ngoài, họ nhìn vào. Việt Học của chúng ta xây dựng nên, là chúng ta tự xây dựng. Tôi còn mong rằng sau khi xây dựng Việt Học từ bên trong, sẽ có một ngày nào đó, Việt Học đủ sức vững để chúng ta có một khoa, chúng ta gọi là Tây học, chúng ta gọi là Âu Châu học để chúng ta nhìn vào văn hóa và văn minh của Âu Châu hay nói đúng ra của Âu Mỹ dưới con mắt của chúng ta, bằng những phương pháp của chúng ta, với tư tưởng của chúng ta. Và những cái đó, chỉ có thể nẩy nở ra được khi nào Việt Học của chúng ta lên đến một trình độ làm cho các nước khác phải kính nể hay ít ra cũng phải để ý, là vì rất nhiều người có thể cũng nói đến Việt Học nhưng nói “đãi bôi”, nói thế thôi mà không hiểu ở trong nội dung của Việt Học có những gì. Có nhìn vào đi nữa, thì cũng nhìn vào từ bên ngoài, chứ không thấy được từ bên trong. ... Ở đây gần như không có ai là không đọc Truyện Kiều (Đoạn Trường Tân Thanh) của Nguyễn Du. Chúng ta đọc Truyện Kiều từ trước đến nay chỉ nhìn Truyện Kiều theo cách chú giải của các học giả đã đọc thơ của Trung Hoa và hiểu được hết những điển tích trong Truyện Kiều mà không có người hiểu được Truyện Kiều từ bên trong và ít ra là đọc được Truyện Kiều qua những thơ chữ Hán của chính tác giả là Nguyễn Du. Vì vậy, cho nên mọi người đều có thể nói rằng, thi hào Nguyễn Du để tất cả tâm tư của mình vào trong Truyện Kiều, nhưng nếu ta hỏi lại rằng tâm tư của Ông như thế nào thì chắc ít người trả lời được câu hỏi đó. Người ta bị tối mắt (tôi dám nói chữ đó) vì những điển tích của ngoại quốc, cho nên ngay chúng ta, những người Việt Nam, đọc một tác phẩm Việt Nam, cũng chỉ nhìn qua được bằng những điển tích của thơ Trung Hoa, không nói đến chuyện hiểu toàn diện và toàn thể bài thơ trường thiên Đoạn Trường Tân Thanh mà mọi người gọi là Truyện Kiều, tưởng rằng đó chỉ là một truyện dịch, một truyện của Thanh Tâm Tài Nhân mà chính người Trung Hoa đã vứt bỏ, thì chúng ta khinh bỉ đại thi hào của chúng ta một cách quá đáng.
Thưa Quý Vị, vấn đề Quốc Học, bây giờ ở trong nước đang đặt ra, là ở trong mặt trận văn hóa. Một Viện Quốc Học đã được lập ra ở Saigon với hai bộ tạp chí. Tôi có thể nói tên người làm nhiệm vụ đó, là Ông Dược sĩ Cương. Vấn đề đặt ra không phải như thời Phan Bội Châu hay Phan Chu Trinh. Thời đó, các cụ đặt ra Quốc Học thì chúng ta hiểu ngay Quốc Học là gì. Đặt ra Quốc Học rồi thì câu đầu tiên phải hỏi là ai đặt ra cái Quốc Học đó, người ta sẽ loại bỏ những tác phẩm nào không cho vào trong và người ta để tác phẩm nào ở trong cái Quốc Học đó. Năm 1975, con tôi đang ở ban Tú Tài, tôi thương hại nó, về văn chương sẽ phải học khổ lắm, phải nhìn lại tất cả các nhà văn, các thi sĩ của Việt Nam dưới khía cạnh của chủ nghĩa Marxist, khó lắm! Nó trả lời tôi một cách thản nhiên là văn chương bây giờ dễ ợt! Tôi hỏi tại sao? Nó bảo văn chương bây giờ chỉ có ông Hồ Chí Minh với ông Tố Hữu. Đó là Quốc Học thời đó. Quốc Học đặt ra thì trước tiên phải hỏi người nào đặt ra “Quốc Học”.
Điều thứ hai nữa, Quốc Học là cái học nhìn về quá khứ, không hiểu được hiện tại, không thấy được tương lai, không đi được vào tương lai của đất nước. Tôi nói thế là lấy cái gương của một nước khác, có Quốc Học mà chúng ta rất kính phục, là nước Nhật Bản. Nhật Bản có Quốc Học cho đến năm 1945. Sau khi thua trận, Tướng Mac Arthur đến đóng đô ở trước cung điện của Nhật Hoàng và định đoạt rằng tất cả cái học cũ, còn gọi là Quốc Học, không được để ở trong chương trình của nước Nhật nữa. Sau khi đó người ta mới được phép, chẳng hạn, nghiên cứu về huyền thoại của Nhật Bản và nói rằng huyền thoại Amaterasu Thái Dương Thần Nữ là tổ của tất cả các Nhật Hoàng từ đời xưa cho đến đời nay là không có thật, người Nhật đã mượn huyền thoại ấy từ những huyền thoại của miền Nam Á và Thái Bình Dương (1). Trước đó, năm 1935, Minobe Tatsukichi, và năm 1949, Tsuda Sokichi, đã bị lên án vì đã dám nghi ngờ dòng dõi Mặt Trời của Hoàng Gia. Đó là chuyện huyền thoại, nhưng đó cũng là chuyện Quốc Học, khi mà Quốc Học được chỉ huy, ngay cả như ở nước Nhật, hoàn toàn ái quốc. Việt Học không phải là Quốc Học — tôi không nghĩ, riêng tôi, là như thế — tuy rằng vấn đề Quốc Học, mang một nội dung nào đó có nằm trong Việt Học. Việt Học, sử dụng tất cả các phương pháp có thể có được để nhìn vào Việt Nam, không những là những phương pháp của Đông phương mà chúng ta cũng vẫn còn phải nắm, còn phải biết để có thể thưởng thức được một câu thơ, hay một câu hát đúm của Việt Nam, một câu thơ của Trung hoa, hay là bản văn của Ấn Độ. Thế nhưng, những phương pháp của Tây phương mà chúng ta học hỏi trong mấy thế hệ, chúng ta cũng phải biết dùng để bổ túc, để làm đẹp hơn, để thấy rõ hơn. Việt Học bao gồm Văn Minh và Văn Hóa Việt Nam. Trong cái nghĩa rộng rãi nhất, tức là không những trong quá khứ chúng ta phải hiểu nghĩa lý, có nhiều cái lý nguyên thủy đã mất đi và chúng ta phải đặt lại cho rõ, chúng ta phải dùng quá khứ để tiến vào hiện tại và đi vào tương lai, không thể để cho có sự gián đoạn từ quá khứ đến tương lai. Đã đành rằng trong tương lai, chúng ta phải phát triển khoa học, kỹ thuật, cả những vấn đề tư tưởng để có thể theo kịp những trào lưu của thế giới, nhưng phải thấy rằng mọi sự bắt nguồn từ ở đâu và không thể nào đi rời khỏi cái gốc - đó là Văn Hóa.
Còn Văn Minh, là cái mà chúng ta vươn lên, chúng ta đạt tới. Không bao giờ chúng ta đạt hết được cái gọi là Văn Minh, là vì trong tất cả thế giới của loài người chỉ có những nền văn minh khác nhau, chứ không có một cái gì cho đến giờ phút này gọi là văn minh cả. Văn Hóa là cái sắc thái đặc biệt mà dân tộc ta để vào trong tất cả những tư tưởng, những cách làm, cách nghĩ, cách sống, cách nói của chúng ta. Nhưng cái gốc của quá khứ, chúng ta không thể bỏ được, như một đại sử gia của Pháp, Ông Lucien Febvre, người cầm đầu nhóm Annales, nói : “Lịch sử là gì? Lịch sử là khoa học về quá khứ, là khoa học về hiện tại và tương lai.” Trong tương lai, chúng ta sẽ đón
nhận nhiều lắm, không những từ tất cả Quý Vị giáo sư và học giả trên thế giới đã hưởng ứng và đã giúp
đỡ cho Viện. Tôi mong rằng tất cả Quý Vị ở đây sẽ giúp đỡ
cho Viện tìm những học giả, giáo sư quen
biết ở trên
khắp năm châu để mời vào cộng tác với Viện, làm cho Viện này không
phải chỉ là tiếng nói của một khu vực địa phương mà là tiếng nói
rộng lớn của tất cả những người làm
văn hóa
nghiên cứu, thực hiện văn học, văn chương, nghệ
thuật trong nước ta, trong xã
hội của ta, trong xã hội tự do mà chúng ta ở đây đang
tiến tới, tiếp tục có thể đẩy cho Văn Minh, Văn Hóa của
chúng ta cao lên hơn nữa.
Tôi nói Văn Minh và Văn Hóa, vì tôi nghĩ rằng không phải ở đây chỉ có văn học, văn chương hay một vài nghệ thuật và không chỉ là cổ truyền. Tất cả những gì có dính dáng đến đời sống của người Việt Nam, do người Việt làm ra, do người Việt sáng tạo ra, cũ hay mới, tốt hay xấu, đều nằm trong lãnh vực của Việt Học.
Thưa Quý Vị, tôi là người ở ngoài Văn Khoa, cái học của tôi là một phần nhỏ, rất chuyên môn trong Y Học, và y học chỉ là phần nhỏ của khoa học và khoa học nhân văn mà tôi nói đến cũng chỉ là một phần rất nhỏ của khoa học lớn. Và khoa học nằm ở trong tư tưởng, tư tưởng chỉ huy tất cả. Sở dĩ mà tôi có dính dáng đến chuyện văn học, một phần là vì các Thầy của tôi, những người mà tôi kính phục. Tôi muốn nói đầu tiên đến một Ông Thầy người Pháp, GS. Pierre Huard, một nhà Cơ Thể Học nổi tiếng đồng thời là một sử gia về Lịch Sử Khoa Học. Năm 1953 Ông hoàn thành cuốn Connaissance du Vietnam cùng với GS. Maurice Durand ... Và quyển đó bây giờ đang được một nhóm học giả Việt Nam ở Paris cố gắng để viết tiếp. Nhưng đã gần năm năm nay mà chưa thấy vân mồng gì. Thầy tôi, một Hội viên của Trường Viễn Đông Bác Cổ, khi tôi đưa cho Ông cuốn Cơ Cấu Việt Ngữ và cuốn Huyền Thoại Lý Học mà tôi vừa cho xuất bản, đã cầm lấy và nói với tôi một cách cảm động rằng: “Anh là người học trò của tôi đã hiểu rằng trên y học còn có con người và con người không phải là khoa học, còn nhiều khía cạnh khác.” Người thứ hai mà tôi phải kể ơn là Ông Thầy dạy tôi chuyên môn. Ông là Viện sĩ hai Hàn Lâm Viện của nước Pháp, Hàn Lâm Viện Y Khoa và Hàn Lâm Viện Khoa Học. Hàn Lâm Viện Khoa Học thuộc Viện Pháp Quốc (Institut de France) được thành lập dưới thời Vua Louis XIII, hoạt động cho đến bây 4 Tháng 12 Năm 2003 giờ, và là nguồn ánh sáng lớn nhất, uy tín nhất của nước Pháp. Một vài nghiên cứu của tôi về Lịch Sử Y khoa, trong đó có một nghiên cứu về Đạo Lý Y Khoa theo Hải Thượng Lãn Ông, rút ra từ cuốn Thượng Kinh Ký Sự, được trình Ông. Thầy của tôi nói rằng: “Anh có cái học rất rộng và nên tiếp tục sự học đó”, là vì Ông cũng hiểu rằng Nhân Bản là điều quan trọng, nhất là trong Y Khoa. Nhân
tiện hôm nay nói về vấn đề văn hóa, tôi kể đến hai Ông Thầy của tôi,
mà không thể không kể đến những người bạn đồng chí hướng và cả những
học trò của tôi. Những người ngày xưa đã làm tờ báo
Vui Sống và Tình Thương và đã cố gắng đem một chút nhân bản, một chút văn
chương vào trong Y học. Đó là một truyền thống rất đặc sắc ở
trong Y Khoa Việt Nam cũng như trong Y Khoa của Âu Châu.
Đến đây tôi xin phép ngưng, tôi đã thưa với Quý Vị tất cả những cái khó khăn khi mà tôi phải cưỡi đầu cọp, nhất là con cọp đẹp, dữ là Viện Việt Học và tôi mong rằng có được trong tương lai sự cộng tác của tất cả anh em cũ, có được sự ủng hộ và giúp đỡ của tất cả các Quý Vị ngồi ở đây, là những người rất tha thiết với Văn Học và Văn Hóa, với tất cả những người Việt ở các nơi, là vì văn học và văn chương là những hoạt động lớn và đẹp, có thể làm cho con em của chúng ta kiêu hãnh được là người Việt Nam. Và trong ngàn đời nữa, người Việt ở bất cứ nơi nào cũng có thể ngửa mặt lên trời, nhìn những người khác mà nói rằng chúng ta không từ đất nứt mà nhảy ra, mà là những con người có một truyền thống văn hóa, có một quá khứ văn chương và văn học. Và chúng ta có thể hãnh diện vì tất cả những cái đó là nhân bản, chúng ta đã chứng minh được rằng chúng ta sống như một nhà Sử học người Anh là Ông Toynbee đã viết trong bộ sách lớn của Ông là A Study Of History. Ông nói rằng: “Từ cổ đến kim có 29 nền văn minh.” Nhưng khi Ông viết đến quyển cuối thì Ông phải sửa lại là có 32 nền văn minh. Và nền văn minh Việt Nam nằm ngang với các nền văn minh khác như Trung Hoa, Ấn Độ, La Mã, Hy Lạp. Và chúng ta phải xứng đáng với cái nhìn đó của Toynbee.
Tôi xin cám ơn tất cả Quý Vị. TRẦN NGỌC NINH
(1) Obayashi Taryo - Huyền thoại Amatarasu ở Nhật Bản thái cổ và huyền thoại về nhật thực ở Đông Nam Á Châu, Ethnos XXV: 20-43, 1960. |