Trần Ngọc Ninh

(Nguyên Viện-trưởng Viện Việt-Học 2003-2008)

Giáo sư Trần Ngọc Ninh sinh năm 1923 tại Hà Nội. Ông theo học Y ‎khoa tại Hà Nội, rồi sang Pháp tiếp tục học, đỗ Thạc sĩ Y khoa tại Pháp (1961), có nhiều ‎công trình nghiên cứu Y khoa giá trị. Về nước, ông thành lập hai khoa giải phẫu xương ‎và giải phẫu trẻ em [Phẫu nhi (Pediatric Surgery) và Phẫu khoa trực nhi (Orthopedic ‎Surgery)] đầu tiên tại Việt Nam, được xem là “khúc xương sống” của Y khoa miền Nam ‎. ‎Vừa giảng dạy, vừa hành nghề, Giáo sư đã đào tạo nhiều môn sinh có khả năng thay ‎ông tiếp tục phát triển hai khoa này ở quê nhà. ‎

Vào thập niên 1960, ông giảng dạy bộ môn Văn hoá và Văn minh Đại cương tại Đại học ‎Vạn Hạnh. Ông cũng đã từng giữ chức vụ Tổng trưởng Văn hoá Xã hội, đặc trách Giáo ‎dục, trong chính phủ Việt Nam Cộng Hoà (1966-1967). ‎

Bên cạnh công việc chuyên môn và giảng dạy về Y khoa, ông còn có nhiều công trình ‎khảo cứu thuộc Văn hoá, Văn minh, Ngôn ngữ và Văn chương như Những Vấn Đề Văn ‎Hoá, Giáo Dục, Xã Hội (1966), Văn Hoá Dân Tộc Trước Những Nhu Cầu Của Đất Nước ‎‎(1969), Đức Phật và Sự Cải Tạo Xã Hội (1971), Đức Phật Giữa Chúng Ta (1972). Năm ‎‎1974, ông in xong quyển thứ ba của bộ Cơ Cấu Việt Ngữ đồ sộ (dự trù là 8 quyển) thì ‎miền Nam sụp đổ. Bộ sách này khảo cứu ngữ pháp Việt ngữ bằng cơ-cấu-pháp ‎‎(structuralism), lúc ấy hãy còn là một trào lưu mới mẻ đối với ngữ lí học (linguistics)‎ Việt Nam. ‎Trong lãnh vực này, ông là người đi tiên phong (khai sơn phá thạch). Cho đến nay, cả ‎trong lẫn ngoài nước, vẫn chưa có một công trình về ngữ pháp Việt Nam thứ hai dựa ‎trên cơ-cấu-pháp, ít nhất với tầm vóc tương xứng với bộ Cơ Cấu Việt Ngữ.‎

Năm 1978, ông cùng gia đình vượt biên sang tị nạn tại Hoa Kỳ. Ở xứ người, tuy vẫn tiếp ‎tục hành nghề y sĩ, ông vẫn tiếp tục khảo cứu về văn hoá, có những bài viết đăng rải rác ‎trên các tạp chí ở hải ngoại. Năm 2002, ông xuất bản quyển Tuyết Xưa — viết về văn ‎hoá. Ngoài ra, ông tiếp tục viết về một đề tài mà ông gọi là một món nợ với Nguyễn Du, ‎‎Tố Như và Đoạn Trường Tân Thanh (Khởi Hành, 2002). Trong sách này, ông đưa ra những lí ‎thuyết mới mẻ về cuộc đời Nguyễn Du và Đoạn Trường Tân Thanh, cũng như mối liên ‎hệ giữa Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương. ‎

Năm 2000, ông tham gia Ban Cố Vấn Viện Việt-Học (Westminster, CA) do Gs Nguyễn ‎Đình Hoà thành lập. Từ 03/2003 đến 1/2008, ông đảm nhiệm chức vụ Viện trưởng VVH. ‎

Hiện nay (2010), ở tuổi 87, Giáo sư vẫn hàng tuần đến Viện Việt-Học giảng dạy lớp Ngữ ‎Pháp Việt Ngữ cho một số sinh viên còn tha thiết với văn hoá và ngôn ngữ mẹ đẻ, soạn ‎Từ vựng tiếng Việt Đầu tiên cho trẻ em với hình ảnh minh hoạ, soạn sách ‎Dạy Đọc Dạy Viết (giáo trình dạy tiếng Việt dành cho các thầy cô và phụ huynh), và viết lại bộ ‎Cơ Cấu Việt Ngữ (4 quyển) dưới ánh sáng của những lý thuyết tân thời. Ngoài ra, ông ‎còn cố gắng tiếp tục hoàn tất những công trình khảo cứu dang dở như nguồn gốc tiếng ‎Việt, huyền thoại học (mythology) và nhân-học (anthropology), theo trường phái Lévi-‎Strauss (nhà nhân-học theo cơ-cấu-luận).‎
 
(Viết bởi một học trò).

Tiểu sử Giáo sư Trần Ngọc Ninh

  • Thạc-sĩ Y-khoa Ðại-học Pháp·
  • Nguyên Bác-sĩ Giải-phẫu / Giáo-sư Trưởng Khu Phẫu-khoa Trực-nhi và Phẫu-khoa Tiểu-nhi thuộc Ðại-học Y-khoa Sài-gòn.
  • Nguyên Giáo-sư Văn-minh Ðại-cương và Văn-hoá Việt-Nam, Ðại-học Vạn-Hạnh.
  • Nguyên Tổng-trưởng Văn-hoá Xã-hội, Ðặc-trách Giáo-dục, Chính-phủ VNCH.
  • Hội-viên Hội-đồng Văn-hoá Giáo-dục.
  • Hội-viên Hội-đồng Soạn-thảo Danh-từ Chuyên-môn.
  • Nguyên Viện Trưởng Viện Việt-Học (3/2003-2/2008).

Sách đã xuất bản:

  • Những bệnh cần cấp cứu. Sài gòn, 1960.
  • Những vấn đề về văn hoá, giáo dục, xã hội. Sài gòn: Tổng bộ Văn hoá, Xã hội, 1967.
  • Văn hoá dân tộc trước những nhu cầu của đất nước. Sài gòn, NXB Lạc Việt, 1970.
  • Đức Phật và sự cải tạo xã hội (The Buddha and Social Reform). Sài gòn: Viện Đại học Vạn Hạnh
  • Đức Phật giữa chúng ta. Sài gòn: Lá Bối, 1972.
  • Tuyết Xưa I - Viết về Văn hoá. California, USA: Khởi Hành, 2000.
  • Một chút Lịch sử: Y khoa Đại học đường Sài gòn và sự Thành lập hai khoa Chuyên môn: Phẫu nhi khoa và Phẫu khoa Chỉnh trực ở Việt Nam. Montreal, Canada, 2002.
  • Tố Như Đoạn Trường Tân Thanh. California, USA: Viện Việt-Học và Khởi Hành, 2005.
  • Cơ Cấu Việt Ngữ I. California, USA: Viện Việt-Học, 2006.
  • Cơ Cấu Việt Ngữ II. California, USA: Viện Việt-Học: 2009.

Và một số bài khảo cứu đăng trên các báo Khởi Hành, Thế Kỷ 21, Tư Tưởng, Việt Học …