THI CA THẾ GIỚI
Tiến sĩ Đàm Trung Pháp
Một thoáng hương vị thi ca Ý ngữ
Trong số những ngôn ngữ đã làm quen, bút giả mê lối phát âm êm tai của tiếng Ý. Ngôn ngữ này dùng 5 mẫu âm căn bản là “a”, “i”, “u”, “e” và “o”. Ba âm đầu phát âm như tiếng Việt; hai âm sau cùng thường phát âm giống “ê” và “ô” trong ngôn ngữ chúng ta. Những mẫu âm nhiều nhạc tính này xuất hiện rất nhiều trong mọi vị trí, nhất là các âm “i” và “e” ở vị trí sau cùng của các danh từ và tính từ số nhiều. Thêm vào đó là những kết hợp êm tai của một số tử âm và mẫu âm, chẳng hạn khi tử âm “s” nằm giữa hai mẫu âm (như trong hai chữ “musicale” và “melodioso”) thì nó phát âm như âm “d” trong chữ “du dương” ; tử âm “c” khi đi với “i” và “e” thì đọc như “chi” và “chê” ; và các âm tiết “gia” và “gio” được phát âm giống “gia” và “giô” trong tiếng Việt. Thực vậy, khi muốn diễn tả ý nghĩ “Trong vườn hoa văn chương Ý có nhiều thi nhân trữ tình” thì người dân thành phố La Mã sẽ phát âm câu ấy êm tai như thế này: “Nel giardino letterario d’Italia ci sono molti lirici.”
Xin mời bạn đọc thưởng thức đôi chút thơ trữ tình của các đại danh Cavalcanti, Dante, Petrarca, Boccaccio, và Tasso. Đó là những bài thơ cổ điển đẹp, vui cũng như buồn, được làm hấp dẫn thêm lên nhờ vào bóng giáng những người đẹp mang tên Beatrice, Francesca, Laura, Fiammetta, và cả một nữ mục tử vô danh. Vì biết rằng người dân Ý từng khắt khe lên án “traduttore, tratore” (dịch giả, kẻ phản bội), bút giả phải cố gắng hết mình, sao cho bản dịch không phản bội ý nghĩa của nguyên tác. Rất mong được cảm thông và miễn chấp. Đa tạ.
o o O o o
Guido Cavalcanti (1260-1300) là bạn thân của thi hào Dante. Cavalcanti là thủ lãnh trường phái Dolce stil nuovo (Lối viết mới ngọt ngào) mà chủ đích là để tán dương phụ nữ. Tán dương phái đẹp thực ra đâu có gì mới mẻ, nhưng cái “mới ngọt ngào” của trường phái Cavalcanti là niềm tin rằng tình yêu chỉ có thể phát sinh trong những con tim hào hiệp cao nhã và phái đẹp chính là những thiên thần giáng thế để cứu độ các đấng mày râu! Như vậy, tình yêu dành cho một phụ nữ cũng là tình yêu dâng lên Thượng Đế. Cavalcanti làm nhiều thơ, nhưng những bài hay nhất của ông lại là những bài ngăn ngắn trong đó triết lý khô khan bị quên lãng mà chỉ còn những tình ý cá nhân chan chứa. Bài thơ In un boschetto (Trong rừng thưa) là một tuyệt chiêu nói về cuộc gặp gỡ như mơ giữa thi nhân và một nữ mục tử trong rừng. Yếu tố thành khẩn và bộc trực trong cảm nghĩ của cô mục tử trong bài thơ làm người đọc khó quên được nàng. Nàng diễm lệ như thế này thì còn ai hơn được nàng:
Trong rừng thưa tôi gặp nàng mục tử // In un boschetto trova pasturella
hơn cả sao trời – nàng đẹp như mơ // Piu che la stella – bella al mi parere Tóc vàng óng ả, da thịt hồng tươi, đôi mắt long lanh tình ái, nàng đang chăm sóc đàn cừu non. Mà gợi cảm thay:
Và đi chân không, ướt đẫm sương mai // E, scalza, di rugiada era bagnata
nàng hát ca như say hương tình ái // Cantava come fosse innamorata Thi nhân choáng váng, chào nàng làm quen và muốn biết nàng có ai đi cùng với nàng không. Dịu dàng nàng thưa:
Rằng cô đơn cô độc em băng rừng // Che sola sola per lo bosco gia
Rồi như đã quen thi nhân từ lâu, nàng thỏ thẻ cho biết mỗi khi nghe tiếng chim ca nàng lại thầm ước có được người yêu. Dịp may tới rồi, thi nhân tự nhủ, vì nàng còn lẻ bóng mà chim chóc lại đang ca hát tưng bừng. Chàng thử lửa:
Tôi chỉ xin ân huệ hôn nàng // Merzè le chiesi sol che di baciare
và ôm ấp – nếu cùng ước vọng // e d’abbracciare – le fosse’n volere Nắm tay thi nhân, nàng cho biết trái tim đã trao chàng đó. Tay đan tay, họ đi dưới những cành cây tươi tốt, quanh chân họ hoa sắc muôn màu. Nàng chẳng còn là mục tử tầm thường nữa đâu, vì:
Chốn này cuộc sống vui như hội // E tanto vi sentido gioia e dolzore
thần tình yêu – chắc hẳn nàng rồi // che dio d’amore – parmevi veder Người dân Ý yêu bài thơ In un boschetto bất hủ này của Cavalcanti vì tác giả đã thần thánh hóa một cách kỳ diệu một phụ nữ không quyền quý cao sang.
o o o o o
Khi mới chín tuổi đầu, Dante Alighieri (1265-1321) đã gặp Beatrice là cô bé gái cùng tuổi bên lối xóm, đẹp cả người lẫn nết như một thiên thần. Từ phút đó trở đi, ái tình ngự trị linh hồn của cậu bé mà sau này trở thành một thi hào của nhân loại. Beatrice về sau lấy một một chủ ngân hàng giàu có, và có lẽ nàng cũng chẳng bao giờ biết đến mối tình lặng lẽ mà Dante đã trọn vẹn dành cho nàng. Sau khi cành thiên hương Beatrice thoắt gẫy lúc mới 24 tuổi đời, Dante sáng tác tuyển tập Vita Nuova (Cuộc Đời Mới) để ca tụng nàng như một niềm hứng khởi vô biên. Nàng trở thành một thứ mặc khải thần linh đã hướng dẫn Dante trên Thiên Đàng đến nơi gặp Thượng Đế trong đại tác phẩm Divina Commedia (Hài Kịch Thánh Thần) của Dante. Trong một cảnh của tác phẩm để đời này, kiều nữ Francesca bị đầy đọa tơi bời dưới địa ngục. Khác hẳn Beatrice, Francesca là một nhân vật rất “người” với những nét yếu đuối mong manh của một phụ nữ. Nàng trẻ đẹp duyên dáng mà lại bị bó buộc lấy một người chồng vừa già vừa vô duyên, lại thêm xấu trai. Trái tim Francesca sau đó đã dành cho người em chồng hào hoa mang tên Paolo, trong dịp họ cùng đọc chung câu chuyện về nụ hôn say đắm nhưng bất chính giữa hiệp sĩ Lancelot và hoàng hậu Guinevere (vợ vua Arthur). Cùng đọc tới đoạn gây cấn đó, chị dâu Francesca và em chồng Paolo cũng ... hôn nhau vũ bão như trong sách. Tội lỗi bắt đàu từ đó. Khi khám phá ra mối tình bất chính, người chồng bị mọc sừng đã giết cả hai. Lúc đền tội dưới địa ngục, Francesca nhớ lại giây phút nàng và Paolo sa ngã:
Tới đoạn tả tiếng cười đầy ham muốn // Quando leggemmo il disiato riso
được người tình phủ kín bởi nụ hôn // esser baciato da cotanto amante, thì chàng đã kết với tôi làm một // Questi, che mai da me non fia diviso, miệng hôn tôi mà bủn rủn thân mình // La boca mi baciò tutto tremante.
o o o o o
Một đại danh nữa trong văn chương Ý là Francesco Petrarca (1304-1374). Thi hào này mở ra một kỷ nguyên mới cho văn chương mà đặc trưng là mến mộ thiên nhiên, say sưa thế tục, nhưng cũng có nhiều trăn trở trong hồ nghi và mâu thuẫn. Ông làm nhiều thơ bằng tiếng La-tinh khiến ông danh tiếng lẫy lừng, nhưng dân chúng mến mộ ông nhiều hơn vì những bài ca trữ tình hoa mỹ viết bằng tiếng Ý được hậu thế góp lại thành tập Canzoniere (Sách hát). Tập thi ca đó để tặng nàng Laura, cũng là một thứ người tình lý tưởng. Chỉ biết khi thi nhân gặp Laura thì nàng đã có chồng. Laura là căn nguyên cho cả thú vui lẫn khổ đau cho Petrarca. Nàng như trói buộc người thơ bằng sợi dây vô hình, đánh thức dậy trong chàng những đam mê thác lũ, và làm cho chàng quên đi cả Thượng Đế. Thực cả là một vấn nạn, vì:
Tâm trạng ta chiến tranh và thù hận // Guerra è il mio stato, d’ira e di duol piena;
nghĩ đến nàng ta mới được bình an // e sol di lei pensando ho qualche pace. Khó có lời than nào vô vọng hơn hai câu thơ sau đây của Petrarca:
Ngàn lần ta chết đi rồi sống lại // Mille volte il di moro e mille nasco;
cứu rỗi ơi, mi cách trở muôn đời // tanto dalla salute mia son lunge!
o o o o o
Nếu Dante có Beatrice và Petrarca có Laura làm nguồn thơ thì Giovanni Boccaccio (1313-1375) có Fiammetta để vì nàng mà làm thơ tình lai láng. Không ai biết rõ tông tích Fiammetta; có thể nàng có máu vua chúa trong người. Nhưng nàng oái oăm lắm: trước hết nàng khước từ trái tim Boccaccio, rồi nàng chịu yêu chàng, để rồi sau cùng phản bội chàng. Khi còn yêu nhau, nàng khả ái, nhu mì, chiều lòng thi nhân hết mực. Mùa xuân đến, nàng dạo gót trên bãi cỏ xanh đầy hoa thơm khoe sắc. Phong cảnh hữu tình khiến Fiammetta chợt nhớ tới Boccaccio, người mà:
Có em hôm nay luôn bên cạnh // Ha presa e terrà sempre, come quella
chỉ mong sao thỏa mãn lòng anh // Ch’altro non ha in disio ch’e suoi piaceri. Lúc ấy thi nhân đi vắng, Fiammetta thở dài não nuột và gọi tên chàng cho đỡ nhớ. Kỳ diệu thay, khi yêu nhau say đắm, người ta dường như có thần giao cách cảm:
Như thấu lòng em, để ban lạc thú // Il qual, come gli sente, a dar diletto
từ chàng sang, nên hiện ra lúc ấy // di sè a me si move e viene in quella trước khi em nói: nhớ quá đi thôi // ch’i son per dir: deh bien, ch’i non desperi. Mối tình đẹp như mơ ấy chẳng bền lâu. Hãy tưởng tượng nỗi lòng tan nát của Boccaccio khi cô Fiammetta lộng lẫy nhan sắc đó nỡ bỏ chàng vì một người khác có địa vị và tiền bạc hơn nhà thơ chung thủy.
o o o o o
Nhà thơ Torquato Tasso (1544-1595) tài hoa tuyệt trần nhưng cũng bất hạnh vô song. Tasso khét tiếng với thiên anh hùng ca Gerusalemme Liberata (Thành thánh Giê-ru-sa-lem giải phóng) nhưng người đời lại thích đọc những bài thơ tình của ông hơn. Vị thiên tài này bị bệnh tinh thần, nhiều phen bị cột chặt chân tay trong nhà thương điên, tất cả do một tự ti mặc cảm nghiệt ngã. Tasso thương yêu vô vọng một giai nhân, cũng mang tên Laura, thuộc loại lá ngọc cành vàng. Nhưng Laura chỉ là giấc mơ cho Tasso mà thôi. Trong bài thơ Un’ ape esser vorrei (Ta muốn thành con ong) trích dẫn dưới đây để kết thúc bài viết này, chúng ta sẽ thấy một Tasso tuyệt vọng đang mưu tính trả thù người trong mộng, mà lại trả thù một cách khiêu gợi lạ thường :
Ta muốn thành con ong // Un’ ape esser vorrei
hỡi giai nhân tàn nhẫn // donna bella e crudele thì thầm ta hút mật thân em // che susurrando in voi suggesse il mèle và chẳng thể vào tim em được // e, non potendo il cor, potesse almeno ngực trắng ngần ta sẽ chích thay // pungervi il bianco seno trong vết thương ngọt ngào êm ái ấy // e’n si dolce ferita ta lìa đời, hận đã rửa xong xuôi // vendicata lasciar la propria vita. |